Mặt trận Trung Quốc trong cuộc chiến tranh lạnh – Phần II


Aleksey Volynhets 

……….

Bắc Kinh run sợ

Năm 1968, chiến dịch chuyển quân từ phía tây sang phía đông của Liên Xô mới bắt đầu đã tạm thời bị hoãn lại. Lý do: phần lớn lực lượng quân sự Liên Xô đã được huy động để xâm nhập Tiệp Khắc.

Nhưng cuộc xâm nhập gần như không có tiếng súng ở Praha đã phải trả giá bằng những vụ nổ súng quy mô lớn ở biên giới với Trung Quốc.

Mao phản ứng rất quyết liệt trước việc Matxcova đã dùng xe tăng để hạ bệ một nhà lãnh đạo cứng đầu ở một nước xã hội chủ nghĩa láng giềng và thay bằng một nhân vật thân và thần phục Liên Xô.

Không những thế, đối thủ chính trị chính của Mao trong cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng là Văn Minh lúc này đang nhởn nhơ ở Matxcova.

Tình hình nội bộ Trung Quốc và trong ĐCS Trung Quốc lúc ấy cũng rất không ổn định sau khủng hoảng của phong trào “Đại nhảy vọt” thể hiện qua sự lộng hành của Hồng Vệ Binh và cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng.

Trong bối cảnh như vậy, Mao cho rằng Matxcova có tất cả các cơ hội để “diễn lại” tại Bắc Kinh những gì đã làm ở Praha. Nhà lãnh đạo Trung Quốc này quyết định phải ra tay trước và ráo riết chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự công khai với Liên Xô.

Đầu tháng 3/1969 tại khu vực đảo Damanski, Trung Quốc đã chủ động gây ra một cuộc xung đột biên giới, – sự việc không dừng lại ở các vụ chạm súng lẻ tẻ mà là các cuộc tấn công bằng xe tăng và cả nã pháo hạng nặng vào đối phương.

Mao tận dụng vụ này để kích động tâm lý bài Nga và ban bố tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Dĩ nhiên, Mao cũng không có ý định tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn nhưng chính lệnh tổng động viên trên thực tế đã giúp Mao củng cố chắc chắn quyền lực trong tay mình.

Các trận đánh trên đảo Damanski cũng gây nên những phản ứng không kém phần kích động từ phía Kremlin. L.Breznhev và các cộng sự thân cận coi Mao là một kẻ cuồng tín điên dại và có thể có những hành động phiêu lưu không thể lường trước.

Nhưng bên cạnh đó, Matxcova cũng hiểu rằng – Trung Quốc và Quân đội Trung Quốc thực sự là một đối thủ quân sự đáng gờm. Từ năm 1964 Trung Quốc đã sở hữu bom nguyên tử, còn Mao cũng đã công khai tuyên bố là Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thế giới.

V.Kriuchkov, cựu chủ tịch KGB, trong những năm đó là phó của Iu.Andropov (Chủ tịch KGB), trong các hồi ký của mình có viết rằng – chính năm 1969, Điện Kremlin đã hoảng loạn thực sự khi nhận được thông tin qua các kênh điệp báo về việc vũ khí nguyên tử của Trung Quốc đã được bí mật chuyển đến Rumani.

Trong những năm đó, thủ lĩnh ĐCS Rumani Nicolae Ceauşescu cũng đang công khai đối đầu với Matxcova, còn Mao thì đang làm mọi cách để trở thành lãnh tụ của phong trào cộng sản toàn thế giới, làm “người chiến sỹ thực sự” đấu tranh cho cuộc cách mạng toàn thế giới, thế chỗ cho “bọn xét lại” Kremlin.

Thông tin về việc bom nguyên tử Trung Quốc có mặt tại Rumani không được xác nhận, nhưng nó cũng làm đứt không ít dây thần kinh của L.Breznhev- đã có lúc Matxcova tính đến khả năng đánh đòn ném bom phủ đầu các mục tiêu hạt nhân của Trung Quốc.

Cùng lúc đó, tại Albani cũng đã xuất hiện vũ khí hóa học của Trung Quốc – như đã biết, Bắc Kinh tìm mọi cách ủng hộ các nước xã hội chủ nghĩa bất đồng với Liên Xô.

Do cuộc chiến tranh cân não này mà gần 2 tháng liền, các chuyến tàu dân sự không còn đi lại trên tuyến đường sắt xuyên Xibiri nữa. Thay vào đó, từ tháng 5-6 năm 1969, từ miền trung Liên Xô đã có hàng trăm toa tàu chở hàng quân sự được đưa đến phía đông.

Bộ Quốc phòng Xô Viết phát lệnh tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn, huy động các bộ tham mưu và các đơn vị của Quân khu Viễn Đông, Quân khu Ngoại Baikal, Quân khu Xibirri và Quân khu Trung Á.

Từ tháng 5/1969, Liên Xô bắt đầu động viên quân dự bị để bổ sung cho các đơn vị được điều sang Viễn Đông.

Các sư đoàn Xô Viết được điều thẳng đến biên giới Trung Quốc. Các chương trình phát thanh của các đài Trung Quốc bằng tiếng Nga liên tục phát đi các tuyên bố là Trung Quốc không sợ bọn “SS đỏ”.

Các tướng lĩnh Trung Quốc hiểu rõ rằng nếu muốn thì Liên Xô hoàn toàn có thể lặp lại những gì họ đã làm với đội quân Quan Đông của Nhật Bản trên lãnh thổ Trung Quốc trước đây.

Kremlin dù cũng hiểu là các sư đoàn Xô Viết tập trung trên biên giới với Trung Quốc có thừa khả năng làm lại những gì đã làm trong tháng 8/1945 (đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật Bản), nhưng đồng thời cũng không nghi ngờ gì về việc là sau những chiến thắng ban đầu, chiến tranh sẽ rơi vào một ngõ cụt chiến lược – Liên Xô sẽ sa lầy trong một cuộc chiến với một nước Trung Quốc hàng trăm triệu người.

Cả hai bên đều ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh tuy đều rất sợ nhau. Tháng 8/1969, đã xảy ra các vụ chạm súng giữa Bộ đội biên phòng Liên Xô với lính Trung Quốc trên khu vực biên giới khu vực hồ Zalanashkol – Kazakhstan với Trung Quốc. Cả hai bên đều có người chết và bị thương.

Đến mùa thu năm 1969, tình hình căng thẳng tạm thời được tháo ngòi nổ khi chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô Cosynghin bay đến Bắc Kinh để đàm phán. Tuy nhiên, sự đối đầu quân sự- chính trị giữa hai bên vẫn tiếp tục, dù nguy cơ một cuộc chiến tranh lớn đã tạm qua.

Trên biên giới giữa hai nước trong những năm tiếp theo vẫn có những cuộc đấu súng và đụng độ, đôi khi sử dụng cả xe thiết giáp và máy bay lên thẳng.

Phương án tấn công Trung Quốc

Kể từ năm 1969, Liên Xô phải duy trì một đội quân mạnh để đối phó với Trung Quốc, và dọc tuyến biên giới hàng trăm km phải xây dựng nhiều hệ thống công sự phòng ngự- cả hai việc đều rất tốn kém. Nhưng chi phí cho an ninh ở Viễn Đông không chỉ gói gọn trong các khoản chi trực tiếp cho quân sự.

Khu vực này nối với lãnh thổ còn lại của Liên Xô chỉ bằng một tuyến đường giao thông duy nhất- tuyến đường sắt xuyên Xibiri (Transsib), từ phía đông Chita và Khabarovsk và chạy sát với biên giới với Trung Quốc.

Trong trường hợp có xung đột quân sự, tuyến “Transsib” chắc chắn sẽ không thể đảm bảo giao thông vận tải giữa miền trung Liên Xô với Viễn Đông một cách chắc chắn.

Đến năm 1967, giới lãnh đạo Liên Xô nhớ lại tuyến đường Baikal- Amur bắt đầu được xây dựng từ những năm 30 trong thời kỳ xung đột quân sự với Nhật Bản.

Đây là tuyến đường sắt nằm sâu trong các rừng taiga và ở phía bắc, cách biên giới (với Trung Quốc) khoảng 300-400 km và khi hữu sự sẽ là một tuyến đường thay thế hoặc cùng với “Transsib” đảm bảo nhiệm vụ vận tải nhưng có ưu thế hơn nhiều so với “Transsib” ở chỗ nó nằm sâu trong hậu phương an toàn.

Sau khi Stalin qua đời, tuyến đường cực kỳ đắt đỏ và phức tạp này đã không được triển khai tiếp.

Và chính xung đột với Trung Quốc đã một lần nữa buộc Liên Xô phải bắt tay làm lại từ đầu xây dựng con đường tốn kém và phức tạp trong những cánh rừng taiga và khu vực đóng băng vĩnh viễn.

BAM (viết tắt tiếng Nga – Tuyến đường Baikal- Amur) được đáng giá là dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ nhất trong suốt thời kỳ Xô Viết, không ít hơn 80 tỷ đôla theo thời giá hiện nay.

Từ cuối những năm 60, Liên Xô phải gồng mình trong cuộc “chiến tranh lạnh” trên cả hai mặt trận – chống lại các quốc gia giàu có và phát triển nhất ở phía Tây là Mỹ và các đồng minh NATO, và chống Trung Quốc, nước đông dân nhất và có một lực lượng Lục quân cũng đông nhất trên thế giới ở phía Đông.

Quân số Lục quân Trung Quốc đến những năm 70 đạt đến 3,5 triệu “tay súng” cùng với vài chục triệu dân quân. Các tướng lĩnh Xô Viết buộc phải động não tìm các phương thức tác chiến chiến thuật và chiến dịch để đương đầu với một đối thủ đông quân như vậy.

Để có thể đối phó với hàng triệu lính Trung Quốc sử dụng súng AK “hàng nháí”, Liên Xô chỉ có thể dựa vào ưu thế về phương tiện kỹ thuật quân sự.

Tại các trường bắn ngoại ô Ulan-Ude, các đơn vị của Tập đoàn quân binh chủng hợp thành số 39 mới được thành lập triển khai luyện tập các phương án phối hợp giữa bộ binh với xe tăng. Đây là Tập đoàn quân sẽ giữ vai trò quyết định trong một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.

Năm 1966, Liên Xô đã ký một Hiệp ước hợp tác mới với Mông Cổ. Nếu như trước năm 1945, Mông Cổ quan ngại những đội quân Nhật Bản ở Mãn Châu Lý, thì bây giờ nước này còn lo lắng hơn nữa về khả năng trở mặt không thể lường trước của Trung Quốc.

Chính vì thế mà Mông Cổ hoàn toàn sẵn sàng đồng ý cho Quân đội Xô Viết tái bố trí lực lượng trên lãnh thổ của mình.

Theo kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tham mưu Xô Viết thì các sư đoàn bộ binh cơ giới và xe tăng của Tập đoàn quân số 39 đóng tại Mông Cổ trong trường hợp xảy ra chiến tranh sẽ hành quân đúng theo tuyến đường mà Bộ đội Xô Viết đã đi qua để tấn công quân Nhật tháng 8/1945.

Chỉ có điều khác là do các phương tiện kỹ thuật mới hiện đại hơn nên tốc độ hành tiến sẽ nhanh hơn và quy mô lực lượng cũng sẽ lớn hơn tháng 8/1945. Còn các đơn vị của Quân khu ngoại Baikal sẽ sử dụng các đòn tấn công bằng xe tăng theo hướng đông nam, vòng qua Bắc Kinh từ hướng nam và tiến thẳng đến bờ biển Hoàng Hải và Vịnh Bột hải.

Với một đòn tấn công như vậy, cả một vùng Mãn Châu Lý rộng lớn có công nghiệp phát triển sẽ bị cách ly hoàn toàn khỏi lãnh thổ trung tâm Trung Quốc, cả thủ đô Bắc Kinh cũng sẽ chịu chung số phận.

Tuyến bao vây vòng ngoài có thể ở bờ bắc sông Hoàng hà- ưu thế kỹ thuật vượt trội đáng kể của Không quân Xô Viết đảm bảo chắc chắn là các phương tiện kỹ thuật quân sự của Trung Quốc không thể qua được con sông này.

Cùng thời gian đó, các đơn vị PLA đang tập trung ở Mãn Châu Lý để tấn công khu Primorie của Liên Xô, sẽ buộc phải từ bỏ ý định tấn công các đơn vị Xô Viết ở biên giới để khẩn cấp cơ động về cứu Bắc Kinh. Phần thắng chắc trong tay Quân đội Xô Viết.

(còn tiếp) 

Dịch: Lê Hùng

Nguồn: “Bình luận quân sự“ (Nga) ngày 05/7/2014.

http://baodatviet.vn/

Một suy nghĩ 1 thoughts on “Mặt trận Trung Quốc trong cuộc chiến tranh lạnh – Phần II

Bình luận về bài viết này