Sáng tạo và biến hóa – Phần I


I – Khi tôi tiếp những người giám đốc xí nghiệp có nguyện vọng “tìm hiểu Trung Hoa”, một trong những cách trả lời của tôi là đưa họ đến thăm Cấm Thành ở Bắc Kinh. Nhưng đây không phải là đi tham quan và khâm phục nó như là một công trình tưởng niệm sự lớn lao quá khứ của đất nước. Phải xem nó như một cuốn sách minh họa và vật chất hóa nền văn hóa Trung Hoa, và đặc biệt là cách nhìn thế giới của Trung Hoa. Vì sao những viên ngói của Điện Thái Hòa lại mầu vàng? Đó là vì màu đỏ là màu của lửa có liên hệ đến phương Nam theo thuyết ngũ hành của Trung Hoa. Màu vàng, màu của Đất, biểu tượng Trung tâm và Hoàng Đế. Ghi nhận này đưa tôi đến sự tiếp cận thuyết Ngũ hành của Trung Hoa.

Hành có nghĩa là “đi, hành động”. Nhà triết học và nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Hoa, Phùng Hữu Lan trong cuốn Giản yếu lịch sử triết học Trung Hoa đề nghị dịch Ngũ hành là Năm tác nhân. Đó là Nước, Lửa, Gỗ, Kim loại, Đất (Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ). Mỗi yếu tố lại được gắn liền với một phương trời: Nước gắn với phương Bắc, Lửa gắn với phương Nam, Gỗ gắn với phương Đông, Kim loại gắn với phương Tây và cuối cùng là Đất gắn với trung tâm. Như vậy là ở Trung Hoa có năm phương trời. Mỗi yếu tố tương ứng với một màu (Đen, Đỏ, Xanh, Trắng, Vàng) và cả một vị nữa. Như chúng ta được biết qua cuốn Sử ký.

Nước chảy về chỗ thấp, Lửa cháy bốc lên cao, Gỗ có thể cong hoặc thẳng, Kim loại là cái dễ dát và dễ uốn, Đất là cái có thể gieo hạt lên đấy và sinh hoa lợi. Cái chảy xuống thấp trở nên mặn, cái cháy bốc lên cao trở nên đắng. Cái cong hoặc thẳng trở nên chua, cái dễ dát và dễ uống trở nên hắc, cái có thể gieo hạt lên đấy và là nguồn của hoa lợi sinh ra vị ngọt.

Hy Lạp cũng có thuyết Bốn yếu tố (Nước, Đất, Khí, Lửa) được trình bày trong Timée.

Sự giống nhau bề ngoài giữa hai thuyết này còn được củng cố bởi việc sử dụng những từ ngữ như nhau để gọi tên, thực ra chỉ là bề ngoài rất dễ lầm.

Ngũ hành có liên hệ với nhau. Trước tiên do nguồn sinh của chúng: Gỗ sinh ra Lửa, Lửa sinh ra Đất, Đất sinh ra Kim loại, từ Kim loại sinh ra Nước, từ Nước lại sinh ra Gỗ. Sau nữa do tác động tiêu trừ lẫn nhau: Kim loại chặt Gỗ, Gỗ lại chinh phục Đất, Đất hút Nước, Nước dập tắt Lửa và Lửa lại làm Kim loại tan chảy. Điều này vừa cho thấy không một Yếu tố nào cao hơn những yếu tố khác và lần lượt, mỗi Yếu tố chiếm ưu thế. Chính là bằng cách này người ta giải thích sự kế tiếp của những triều đại đầu tiên: Vũ là Đất, Hạ là Gỗ, Ân là Kim loại, Chu là Lửa. Đến đây cần nhớ rằng những người Trung Hoa là những người làm nông nghiệp, họ nhạy cảm chủ yếu với sự luân phiên của bốn mùa mà họ lấy làm cơ sở cho quan niệm của họ về thế giới.

Ngũ hành, cũng vẫn là ý kiến của Phùng Hữu Lan, là cơ sở cho sự suy tư của một trong những Trường phái vẫn được gọi là huyền học và theo học giả này có sáu trường phái. Trong những trường phái này có hai trường phái tìm cách giải thích cấu trúc của vũ trụ: trường phái Ngũ hành và nổi tiếng hơn, đó là trường phái Âm Dương. Trong triều đại nhà Hán, hai trường phái này hòa vào nhau. Tư Mã Đàm, nhà chiêm tinh mất năm 110 trCN và là người khởi thảo bộ Sử ký mà con ông, nhà sử học nổi tiếng Tư Mã Thiên hoàn thành, chính ông đã gộp lại hai trường phái này lấy tên là trường phái Âm Dương mà cơ sở là Kinh dịch.

Trong tất cả những bộ sách mà các nền văn minh đã có thể sản sinh ra được hoặc mơ ước thì Kinh dịch có lẽ là bộ sách lạ lùng nhất […]. Bởi lẽ bộ sách này ban đầu không phải là sách, phác thảo đầu tiên của nó không được “viết” ra […]. Ở khởi điểm nó không được cấu thành bằng những từ mà chỉ được tạo bằng hai vạch, hết sức đơn giản, nét liên tục và nét bắt liên tục, nét liền hoặc nét gẫy […] và chỉ từ những tổ hợp khác nhau của hai loại nét này […] mà văn bản của bộ sách được tết dệt […]. Quá trình là như vậy, cái được hình thành chẳng giống tí nào như một cuốn sách lại là cuốn sách nền tảng của cả một nền văn minh.

Trong Cấm Thành có thể thấy ảnh hưởng của âm và dương khắp mọi nơi. Ngoại Hồ, bộ phận được xây dựng cho các Hoàng đế ở trong Thành tiếp những người ở bên ngoài là sự phản ánh của dương còn Nội Đình, tập hợp những bộ phận có tính chất riêng tư là sự biểu hiện của âm. Người ta thấy Thái Hòa Cung ở Ngoại Hồ và Càn Thanh Cung ở Nội Đình rất giống nhau: một cái là dương của dương, còn cái kia là dương của âm, vì người ta biết rằng âm có bao gồm dương cũng như dương có bao gồm âm.

Ngày nay thuyết Hy Lạp về Bốn yếu tố đã bị quên. Trường hợp của thuyết âm dương ở Trung Hoa không phải như vậy, truyền thống này còn có sức sống dẻo dai, cho dù không phải ai cũng ý thức được điều này. Tôi đơn cử một số ví dụ.

Ngày hôm nay, những lễ cưới và lễ mừng thọ vẫn được tiến hành ở những nơi trải thảm đỏ. Màu này là biểu tượng của hạnh phúc và sự hoan hỷ gắn với hơi ấm của lửa và của phương Nam. Thái cực quyền (một thứ võ Trung Hoa) ngày nay vẫn được thực hành phổ biến, nó bắt nguồn từ thuyết Ngũ hành. Cuối cùng y học truyền thống Trung Hoa, ngày nay đương còn hết sức phồn vinh, y lý của nó giải thích khá nhiều bệnh bằng sự mất cân bằng âm dương.

II – Người ta có thể coi thường những sự kiện này nghĩ rằng hiện đại hóa cũng như toàn cầu hóa sẽ át chúng đi, mà có gìn giữ chúng thì cũng là do sự gắn bó với quá khứ. Người ta có thể sắp chúng vào cùng một ngăn kéo với Kilt (một thứ váy chùng đến đầu gối nam giới xứ Iceland miền núi mặc) của những người Iceland hoặc Kimono của người Nhật. Như vậy là coi thường ảnh hưởng của những lý thuyết này tới phương thức tư duy của người Trung Hoa, một ảnh hưởng không đo được nhưng quan trọng. Nhà Trung Quốc học người Anh, một chuyên gia về khoa học kỹ thuật Trung Hoa, Joseph Needham nhận xét rằng, trong các ngành khoa học, có một ngành đã đi trước với một sự tiến bộ đáng kể ở Trung Hoa so với phương Tây: đó là từ học, với sáng chế nổi tiếng là kim chỉ nam, đã được biết ở Trung Quốc nhiều thế kỷ trước Châu Âu. Ông gắn sự tiến bộ đi trước này của Trung Hoa với sự kiện sau đây: ý niệm tương tác mà không tiếp xúc là một điều rất dễ chấp nhận đối với người Trung Hoa, trong khi đó mãi sau này phương Tây mới chấp nhận điều này.

Bàn đến một lĩnh vực tư tưởng có tính chất thời sự hơn, ta có thể nhắc đến những cách nghĩ khác nhau giải thích ưu thế của Hoa Kỳ. Đây là một sự kiện mà không một ai cãi lại: Hoa Kỳ ngày nay là “siêu cường” thế gới chỉ có một, không có hai – nhưng, vì sao? Ở phương Tây người ta đã đưa ra nhiều cách giải thích, có khi thiên về chính trị (tính ưu việt trong sự tổ hợp hệ thống dân chủ – kinh tế thị trường), khi thì thiên về kinh tế (sự hùng hậu kinh tế của Hoa Kỳ, coi trọng việc chi phí cho nghiên cứu và phát triển…). Tất cả đều có một điểm chung là đưa ra một hay nhiều nguyên nhân giải thích cho sự ưu đẳng này đôi khi lại đưa ra một sự biện bạch bằng đạo đức: chính là vì Hoa Kỳ là nước “coi trọng đạo đức” nhất nên Hoa Kỳ cũng là nước mạnh nhất. Loại lập luận này không thấm được vào nhiều người Trung Hoa. Đối với họ chẳng qua là sự luân phiên quyền lực tuần tự diễn ra. Không một mùa nào có thể thống trị mãi mãi, tiếp theo mùa xuân nhất thiết phải là mùa hè, hoặc sau ngày phải là đêm, cũng như vậy sự thống trị của các quốc gia chuyển từ nước này sang nước khác. Nếu như Hoa Kỳ ngày hôm nay là cường quốc thống trị, đó là vì đến lượt họ nắm sự thống trị này nhưng sự thống trị này không có tính chất vĩnh cửu, nó chẳng có thể được biện bạch bởi một nguyên nhân khoa học hay đạo đức nào. Phùng Hữu Lan cho rằng ý niệm phản (trở lại) là dữ kiện chung cho hai trường phái chính của tư tưởng Trung Hoa: Khổng giáo và Đạo giáo. Ông dẫn Lão Tử: “Trở lại là luật vận hành của đạo” (phản giả đạo chi động). Ông có lời bàn thêm:

Thuyết này có ảnh hưởng lớn tới nhân dân Trung Hoa và đã có tác động to lớn, giúp họ vượt qua nhiều khó khăn mà họ gặp phải trong trường kỳ lịch sử. Thấm nhuần thuyết này, người Trung Hoa tỏ ra vẫn không ngoan, thận trọng ngay trong thời kỳ thịnh vượng và vẫn tràn đầy hy vọng ngay trong thời kỳ hết sức nguy nan.

Đối với những người Trung Hoa lịch sử được xem như là một sự luân phiên những thời kỳ thịnh trị và quang vinh và những thời kỳ rối ren, loạn lạc. Chính vì vậy một số lập luận và chứng minh nhằm chứng tỏ tính ưu việt của hệ thống chính trị và kinh tế của phương Tây bằng sự hùng cường của những nước đã tiếp nhận hệ thống này đối với người Trung Hoa là không thỏa đáng, họ nghĩ rằng những tư tưởng này được truyền bá không phải vì chúng đúng đắn mà vì chúng là những tư tưởng của những nước hùng cường nhất. Hệ quả chứ không phải nguyên nhân.

Chúng ta biết cái vòng tròn của đạo giáo trong đó một đường vòng lượn cong chia cách trắng và đen ngang nhau, nhưng lại có một điểm đen trong phần trắng và một điểm trắng trong phần đen. Có nhiều cách giải thích đã được đưa ra, chẳng hạn như đó là sự hiện hữu hócmôn cái ở nam giới. Nhưng người ta cũng có thể đưa ra một cách giải thích ở bình diện đạo đức. Dưới ánh sáng của thuyết âm và dương thì một thuyết về Thiện Ác sẽ như thế nào?

Tôi nhớ, hồi còn bé, đã đọc một truyện ngụ ngôn Trung Hoa minh họa thuyết thiện và ác có nhan đề là: Tái ông mất mã.

Ngày xưa, ở biên cương, có một ông già nuôi ngựa. Một hôm con ngựa giống tốt nhất của ông bỏ trốn. Những người hàng xóm đến thăm và tìm cách an ủi ông sự mất mát này. Nhưng ông già vẫn thản nhiên như không và nói rằng: “Các ông, các bà nghĩ rằng đây là một cái họa, nhưng biết đâu chẳng phải là họa?” Mấy ngày sau, con ngựa sau một thời gian nhởn nhơ ở thảo nguyên trở về, nhưng không về một mình nó còn kéo theo cả một bầy ngựa hoang. Thế là ông già trở nên giàu có và cũng những người hàng xóm ấy lại đến thăm, mừng cho ông và nói rằng: “Ông nói đúng đấy, cái tưởng là họa lại hóa ra là phúc” ông già vẫn thản nhiên như không và trả lời: “Ai biết được, cái mà các ông các bà gọi là phúc rất có thể lại là một sự rủi ro”. Và quả vậy, người con trai trưởng của ông già tìm cách thuần dưỡng những con ngựa hoang, bị ngã, gẫy chân và trở nên tàn tật. Nhưng một thời gian sau, chiến tranh bùng nổ và Hoàng đế cử người đi chiêu mộ những người tráng kiện đưa ra trận đánh giặc. Người con trai của ông già, nhờ sự tàn tật, thoát được khỏi bị chiêu binh.

Bài học của câu chuyện này khá rõ: từ điều dở có thể sinh ra điều hay cũng như từ việc lành có thể sinh ra điều dữ, theo một quá trình cái này sinh ra cái kia như đã được giải thích.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: André Chieng – Bàn về thực tiễn Trung Hoa cùng với Francois Jullien – NXB ĐN 2004

Bình luận về bài viết này