Chào đón xã hội tri thức xuất hiện – Phần cuối


Năm 1996 OECD đã công bố văn kiện Hệ thống đổi mới quốc gia (National Innovation System), nhấn mạnh đổi mới trước đây đều tập trung vào phân tích đầu ra, đầu vào, đó là một thứ mô hình tuyến tính tĩnh, còn trong kinh tế lấy tri thức làm cơ sở ngày nay, tức là thời đại kinh tế tri thức, sự vận hành bình ổn của hệ thống đổi mới phụ thuộc vào tính lưu động của dòng tri thức (the smooth operation of innovation system depends on the fluidity of knowledge flows). Nó nhấn mạnh “hệ thống đổi mới quốc gia là mạng cơ cấu trung gian… kiến tạo nên thông qua sự tương tác có tính xây dựng nhằm một loạt mục tiêu xã hội và kinh tế chung, hoạt động chủ yếu của nó là gợi mở, áp dụng, sáng tạo và phổ biến kỹ thuật mới, đổi mới là động lực căn bản của sự biến đổi và phát triển của hệ thống này”. Bởi vậy đổi mới trên thực tế là kết quả của một loạt quá trình tương tác phức tạp giữa người tham gia và các cơ cấu khác nhau. Loại hình lưu động tri thức gồm:

1 – dòng nguồn nhân lực;

2 – dây chuyền cơ cấu;

3 – nhóm ngành;

4 – hành vi của công ty đổi mới;

Hay có thể nói, có 4 loại lưu động tri thức cơ bản dưới đây giữa những người tham gia trong hệ thống đổi mới quốc gia;

1 – tương tác giữa các xí nghiệp;

2 – tương tác giữa các xí nghiệp, trường đại học, các phòng nghiên cứu thực nghiệm công cộng;

3 – sự mở rộng tri thức và kỹ thuật vào các xí nghiệp;

4 – lưu động cá nhân (OECD, 1996).

Trong văn kiện về hệ thống đổi mới quốc gia của các nước Mỹ, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Australia mà chúng tôi đọc thấy đầu nhất trí nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lưu động tri thức đối với đổi mới. Quản lý tri thức chính là phải đảm bảo sự thông suốt của kênh lưu động tri thức, cái có tầm quan trọng đối với đổi mới. Bởi vậy hành vi quản lý, đổi mới tri thức không đơn thuần là một quá trình kỹ thuật, mà nhân tố nhân văn đóng vai trò then chốt trong đó.

Bộ trưởng Giáo dục Khoa học Đức Rotgos, trong báo cáo của ông nhan đề Nghiên cứu triển khai và toàn cầu hóa thị trường kỹ thuật, khi bàn đến chính sách đổi mới đã chỉ ra rằng: nâng cao vốn nhân lực, như giáo dục đào tạo; cơ sở hạ tầng nghiên cứu và hệ thống nghiên cứu; xác lập mối liên hệ giữa quản lý tri thức và công ty, giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tế; một kết cấu công ty mở ngỏ cho cạnh tranh quốc tế và coi đổi mới là then chốt. Bốn mặt này đâu đâu cũng thấm đượm nhân tố nhân văn.

Tóm lại, đổi mới kỹ thuật là quá trình làm cho thông tin hay tri thức chuyển hóa thành sản phẩm mới, công nghệ mới, dịch vụ mới. Mà tri thức hay thông tin có thể bắt nguồn từ nghiên cứu triển khai, cũng có thể bắt nguồn từ kinh doanh thị trường hay các nguồn khác. Nhưng bất luận bắt nguồn từ đâu, đổi mới vẫn phải dựa vào tính sáng tạo và trí tưởng tượng của con người, dựa vào vai trò của xí nghiệp. Đương nhiên chính phủ đóng vai trò quan trọng tạo ra môi trường mới tốt đẹp. Một công ty muốn giành thắng lợi trong cạnh tranh, cần không ngừng thay đổi chiến lược, sách lược của mình nhằm thích ứng với môi trường thương mại đang thay đổi nhanh chóng. Trong quá trình biến đổi này, yếu tố cơ bản là khí hậu thích nghi có lợi cho đổi mới kỹ thuật và một tổ chức nghiên cứu triển khai và kỹ thuật động, có tính sáng tạo. Các yếu tố then chốt khác là công ty có thể dựa vào nguồn lực vốn trí lực để thực hiện ý tưởng của mình và tạo ra biến đổi để thực hiện sự lãnh đạo đối với mục tiêu đề ra. Muốn thế phải dựa vào quản lý tri thức, mà thực chất là phát huy đầy đủ vai trò tích cực của nhân tố nhân văn.

3/ Một trường hợp: bí mật thành công của Thung lũng Silicon

Các phương tiện truyền thông đánh giá cao địa vị của Thung lũng Silicon trong thế giới hiện đại: “Trong tất cả các sự kiện diễn ra sau Văn hóa Phục Hưng, có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới, không gì vượt qua được kỹ thuật của Thung lũng Silicon”.

Tại sao Thung lũng Silicon có thể đạt được thành tựu to lớn có tính vạch thời địa như vậy? Một bài viết của tờ Tuần báo thương nghiệp Mỹ có nhan đề “Cái quý giá nhất của Thung lũng Silicon Clone” trả lời:

“Bí quyết thành công của Thung lũng Silicon không phải ở Silicon Wafer. Không phải là core wafer với tốc độ nhanh, không phải là trò chơi điện tử ly kỳ cũng không phải là phần mền kỹ thuật cao siêu cung cấp cho tra tìm dữ liệu. Bí quyết thành công của Thung lũng Silicon thậm chí cũng không phải là những địa chỉ mạng xuất hiện rất nhiều trên truyền hình, trên tạp chí và trên biển quảng cáo. Nói chuẩn xác, bí quyết này là ở đường lối kinh doanh của nó”.

Bài viết liệt kê ra 9 thứ quý giá mà chỉ Thung lũng Silicon có: 1/ Thất bại cũng chẳng hề gì; 2/ Thôi thúc nhân viên quản lý các cấp thử nghiệm sáng kiến mới; 3/ Để cho sáng kiến không ngừng hoàn thiện; 4/ Biết cách dung nhận sự hỗn loạn có tính sáng tạo; 5/ Hãy làm người cạnh tranh mãnh liệt nhất của chính bạn; 6/ Không nên bám chặt lấy người sáng lập không chịu buông; 7/ Rải rộng tiền tài; 8/ Không tiếc tất cả đề giành thị phần; 9/ Thông qua đầu tư để thành lập công ty mới và giữ lấy địa vị đi đầu. Những nguyên nhân nói trên rút lại một điểm là Thung lũng Silicon có văn hóa doanh nghiệp riêng của mình.

Suntonian, trong cuốn Ưu thế khu vực của bà, khi so sánh sự khác nhau giữa một bên là sự sa sút của hành lang kỹ thuật ven tuyến đường 128 bang Massachusetts và bên kia là sức sống luôn được duy trì của Thung lũng Silicon đã chỉ ra rằng sự sa sút của cái đầu là do một truyền thống doanh nghiệp khép kín, bảo thủ, và chính truyền thống đó đã bóp chết sự đổi mới và hợp tác. Công ty Massachusetts rất coi trọng chủ quyền doanh nghiệp, còn Thung lũng Silicon thì tạo ra “một mạng lưới công ty tổ hợp và tổ hợp lại vô cùng linh hoạt”.

Then chốt thành công của Thung lũng Silicon không phải ở kỹ thuật mà là ở nhân tố nhân văn tương quan mật thiết với kỹ thuật. Trong nhân tố này bao gồm truyền thống khuyến khích mạo hiểm thử sức và khoan dung đối với thất bại; kho nhân tài lưu động cùng hội tụ lại, với việc mua quyền cổ phần là trung tâm, và tinh thần khởi nghiệp kích thích mỗi người, bao gồm từ người quản lý cấp cao tới nhân viên lập trình bình thường. Thung lũng Silicon hoàn toàn không chỉ biến cát thành vàng. Nói theo một ý nghĩa ngày càng chân thực, ngày nay chúng ta đang biến cát thành trí năng… Đó mới là sự biến đổi đích thực”. (Rojese, Lason 1985, p65). Ở Thung lũng Silicon, trí thức là tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá con người. Những con người có tri thức và kỹ năng này đã hình thành nên một hệ thống sinh thái nhân văn phong phú, trong hệ thống sinh thái này đang sinh trưởng một thứ “giống” đặc hữu của Thung lũng Silicon; chuyên gia điện tử trẻ nôn nóng đang chạy nhanh trên dốc để đi họp; nhà viễn tưởng vừa uống bia vừa trao đổi sáng kiến để hình thành khái niệm sản phẩm mới; nhà tư bản mạo hiểm tiêu tiền xây dựng xí nghiệp mới; công ty mới sụp đổ hoàn toàn; thư ký trở thành tỷ phú. Họ là một loạt “những nhà tư bản không hạn chế”, không câu nệ tiểu tiết sinh hoạt, suốt ngày đi giày bó mặc quần jean đi làm. Họ có tư tưởng mới, quan niệm mới và nếp tư duy mới, có tinh thần đổi mới, tích cực tiến thủ, không nao núng sờn lòng. Chính họ đang tạo ra lịch sử của loài người, tạo ra tương lai rạng rỡ của loài người.

Thành tựu của Thung lũng Silicon chứng tỏ tư tưởng của con người, tố chất của con người là điều quan trọng bậc nhất cho đổi mới. Mà việc bồi dưỡng nên tư tưởng và tố chất chỉ có thể thực hiện trong quá trình tương tác xã hội. Mục tiêu và nhiệm vụ của quản lý tri thức là phải tạo ra một môi trường sinh thái thích hợp cho đổi mới như Thung lũng Silicon. Những nhân viên công ty từng tiếp nhận sự giáo dục hoàn hảo, có tinh thần trách nhiệm và sức tưởng tượng có thể đem lại cho công ty nhiều hơn nhiều so với cái mà kỹ thuật có thể đem lại. Nói theo ý nghĩa này, nhân tố nhân văn trong khoa học kỹ thuật cao còn quan trọng hơn so với chính nhân tố kỹ thuật.

V

Khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển từng ngày, toàn cầu hóa với bước tiến bằng tốc độ chưa từng có đang thay đổi ngày càng nhanh xã hội, kinh tế, văn hóa, thay đổi phương thức sản xuất, lối sống, nếp tư duy của con người. Giang Trạch Dân trong báo cáo tại Đại hội 15 ĐCS Trung Quốc chỉ ra rằng “cần đánh giá đầy đủ ảnh hưởng to lớn của sự phát triển khoa học kỹ thuật, đặc biệt llà kỹ thuật cao trong tương lai đối với sức mạnh tổng hợp của đất nước, kết cấu kinh tế xã hội và đời sống nhân dân”.

Chúng ta đang ở trong bước biến chuyển sâu sắc từ xã hội công nghiệp sang xã hội tri thức. Người làm công tác khoa học xã hội cần nghiên cứu sự chuyển biến này, để sẵn sàng chào đón sự xuất hiện của xã hội tri thức, đánh dấu nền văn minh mới của loài người.

Người dịch: Viễn Phố

Nguồn: TN 99 – 81 & 82

Bình luận về bài viết này