Người khởi xướng hay nạn nhân? – Phần III


Như vậy là giới trí thức Nga trong gần 100 năm luôn luôn là trung tâm của các cuộc tranh luận không lúc nào lắng dịu. Và nếu trên thế giới người ta dã từng nói đến tính phi dân tộc của tính cách Nga, đến “tâm hồn Nga bí ẩn”, đến “sự không đón định trước” của nó… thì trước hết nên xem ý kiến đó là nói về giới trí thức Nga.

Tuy nhiên hoàn toàn có thể khảo sát một cách khoa học về những đặc điểm của giới trí thức Nga, những nét giống nhau của nó với giới trí thức của các nước khác và về những đặc điểm nhất định mà chỉ riêng nó mới có.

Một là, giới trí thức Nga đã phản ánh sự đa dạng hiếm có của đất nước. Trong sách báo từ lâu đã được khẳng định một quan niệm cho rằng nước Nga ở đầu thế kỷ XX, trên một mức độ nhất định, là một mô hình của toàn thế giới. Ở đaây người ta không chỉ muốn nói tới sự đa dạng về tộc người, mà chủ yếu muốn nói tới sự khác biệt về trình độ kinh tế, xã hội, văn hóa của rất nhiều khu vực, sự hiện hữu của các khu vực tinh thần khác nhau. Sự đa dạng đáng kinh ngạc của nước Nga đã để lại dấu ấn không thể xóa mờ trên giới trí thức, làm cho tư duy của nó, những khái niệm về cuộc sống trở thành nhiều tầng lớp, bao hàm những trào lưu khác nhau, – đôi khi một cách vô ý thức – chịu ảnh hưởng của những nền văn hóa khác nhau.

Hai là, vị trí địa lý của nước Nga vốn chiếm một phần đáng kể của châu Âu cũng như toàn bộ Bắc Á, trên một mức độ đáng kể đã ảnh hưởng tới địa hạt tinh thần của các dân tộc nói chung và trước hết của giới trí thức. Những dao động quả lắc, thông qua toàn bộ lịch sử nước Nga, đang diễn ra giữa phương Tây và phương Đông.

Ảnh hưởng Byzantine (phương Tây) chủ yếu đã đến thông qua đạo Cơ đốc, lúc đầu đã va vấp với đa thần giáo Cổ Slava, sau đó với ảnh hưởng của Tartar – Mông Cổ.

Bản thân đạo Cơ đốc ở Nga sau khi mang diện mạo của đạo chính thống, buồn rầu nhìn sang phương Tây vốn khoác những bộ y phục của đạo Thiên chúa, và sau này, của đạo Tin lành.

Sự xa lánh kéo dài đối với phương Tây, sự không chấp nhận người ngoại quốc về mặt tâm lý, thái độ cảnh giác đối với tất cả những gì từ phương Tây đến được thay thế bằng bước ngoặt của vua Petr Đệ Nhất hướng tới phương Tây khiến những người đương thời phải sửng sốt. Tư tưởng bảo thủ mang tính chất châu Á thuần túy trong việc tiếp nhận đường lối ngả theo châu Âu, sự thao túng của những người nước ngoài ở thế kỷ XVIII đã làm gay gắt thêm sự đối lập của những khuynh hướng khác nhau. Trong thế kỷ XIX, sự đối lập đó mang những hình thức văn minh, nó chuyển thành cuộc tranh luận nổi tiếng giữa những người sùng phương Tây (Zapadniki) và những người sùng Slave (Slavojanofily). Về thực chất, cơ sở của cuộc tranh luận giữa những người theo châu Âu và những người chống lại là sự khác biệt của những quan điểm về con đường phát triển của nước Nga.

Xin nói thêm rằng cuộc đấu tranh ở cuối những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ XX về những con đường phát triển của nước Nga – theo mô hình châu Âu hay gìn giữ vẻ đặc thù của mình – trên thực tế lại trở thành cái tục của đời sống chính trị, và mang tính chất mít tinh.

Sau hết, đặc điểm thứ ba của giới trí thức Nga là ảnh hưởng to lớn của tư tưởng về sứ mệnh cứu thế đến lĩnh vực tinh thần của nó. Giới trí thức Nga dưới dạng tập trung cô đọng phản ánh một tư tưởng được phổ biến ở Nga về sứ mệnh đóng vai trò cứu thế trong lịch sử thế giới.

Trên nguyên tắc, tư tưởng về vai trò đặc biệt của mìh trong lịch sử vốn có ở đa số các dân tộc lớn trên thế giới. Lịch sử của cộng đồng Do Thái bắt đầu từ tư tưởng về “sự được Chúa lựa chọn”. Như mọi người đều biết, tư tưởng về tính ưu việt của dân tộc Đức đã có ý nghĩa như thế nào trong lịch sử nước Đức. Những nguyên thủ hàng đầu của Mỹ cũng dành cho nước mình một vị trí nhất định trong thế giới hiện tại.

Khi gọi mình là “Nước Nga thần thánh”, là “dân tộc đại diện cho Chúa”, khi nói rằng “Moskva là đệ tam La Mã, còn đệ tứ La Mã thì không có”, dân tộc Nga đã quen với ý niệm về tính chất đặc biệt của mình. Tính chất đặc biệt với một ý nghĩa đặc biệt. Không phải trên bình diện mong muốn thống trị các dân tộc khác, không phải trên bình diện ưu việt về chủng tộc, hiện hữu những phẩm chất đặc biệt khiến người Nga đứng trên các dân tộc khác. Tính đặc biệt chỉ là ở via trò cứu thế vốn được dành cho nước Nga, ở việc nó sẵn sàng mở đường vào tương lai cho tất cả các dân tộc khác và nếu cần thì có thể hy sinh thân mình.

Điều đó thể hiện rất rõ trong và sau cách mạng năm 1917. Hồi đó phỏ biết rất rộng rãi một tư tưởng cho rằng cuộc cách mạng Nga đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới, rằng nước Nga Xô Viết là thành trì của sự tiến bộ trên toàn thế giới, là tấm gương của việc xây dựng cuộc sống mới. Vả lại, hồi đó rất nhiều người đại diện cho lớp trí thức ưu tú của phương Tây – từ A. France đến B. Shaw… đã thừa nhận vai trò đặc biệt của nước Nga.

Mưu toan xây dựng XHCN ở Liên Xô, như chúng ta ngày nay thấy rõ, đã kết thúc thất bại. Điều đó được giới trí thức Nga tiếp nhận một cách rất nặng nề và đau đớn không chỉ vì Liên bang Xô Viết đã sụp đổ, không chỉ vì nước Nga và các nước khác thuộc Liên Xô cũ lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc mà còn vì đối với một bộ phận đáng kể của giới trí thức điều đó biểu thị sự phá sản của một thế giới quan, sự phá sản của lý tưởng cứu thế. Sự thất vọng chua chát đã đến. Chúng ta đã tự hào, đã nghĩ rằng chúng ta dẫn đầu tất cả, chúng ta giương cao ngọn đuốc soi đường, nhưng té là chúng ta đang tít tận đằng sau, chúng ta là đèn đỏ.

Giới thượng lưu trí thức của nước Nga đến với cách mạng năm 1917 với những trăn trở, những quan niệm mâu thuẫn, mơ hồ về vai trò và số phận của mình. Nhưng dầu sao cũng có một mẫu số chung liên kết với một bộ phận chủ yếu của giới trí thức. Nó chân thành cho rằng nó hành động nhân danh nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Chính vì nhân dân muốn có những biến đổi cho nên giới trí thức trong đại bộ phận của nó ủng hộ sự thay đổi, không loại trừ cách mạng.

Đã đến lúc phải thừa nhận rằng không phải công nhân mà là một bộ phận lớn của giới trí thức – hạt nhân tinh hoa cũng như các tầng lớp ngoại vi – đã đóng vai trò quyết định trong việc chuẩn bị cách mạng năm 1917. Nó đã làm lung lay chế độ cũ bằng lời nói và việc làm. Nếu không có việc hạ uy tín của chế độ quân chủ chuyên chế, không có việc tố cáo bọn thống trị chóp bu, thói ích kỷ của bọn trọc phú, thói đạo đức giả xã hội, nếu không vạch ra tình trạng tủi nhục, nghèo khổ, võ quyền của nhân dân, nếu không có những lời kêu gọi thay đổi cái trật tự hiện hành – tức là nếu không có tất cả những cái mà những người trí thức nổi tiếng nhất đã tuyên truyền dưới các hình thức khác nhau và được giới trí thức truyền phát trên khắp cả nước thông qua quần chúng – nếu không có tất cả những cái đó thì các đảng chính trị cấp tiến không thể nào có được sức mạnh đạo đức. Ngay bản thân các đảng ấy cũng được những người trí thức chỉ đạo. Đầu tiên là lời nói. Các đảng đã biến nó thành hành động. Tất nhiên có không ít những trí thức Nga nói chung không muốn lật đổ chế độ, chưa kẻ những người đang làm việc cho nhà nước. Những quan điểm khá đa dạng. Song, tôi xin nhắc lại, tâm trạng phê phán mang tính chất cách mạng mạnh hơn, được tuyên truyền tích cực hơn và có hiệu quả hơn. Berdjaev đã viết rằng Tolstoi chịu trách nhiệm về cách mạng năm 1917 với mức độ như Rousseau đã chịu trách nhiệm về cách mạng Pháp. Tôi cho rằng còn hơn thế (tất nhiên nếu nhìn ở Rousseau và Tolstoi những biểu tượng của ảnh hưởng) bởi vì vào đầu thế kỷ XX có rất nhiều đòn bẩy tác động, nhiều cơ chế chuyển đạt là báo chí đại chúng, các đảng phái chính trị, các tổ chức nghiệp đoàn, các cuộc vận động xã hội khác nhau.

Song cách mạng đã nổ ra. Và giới trí thức Nga đã nếm trải sự thử thách nghiêm trọng nhất trong lịch sử của mình.

Cuộc cách mạng tháng Hai năm 1917 đã làm tăng thêm những sự bất đồng về quan điểm. Những người theo chế độ quân chủ đã trở nên quân chủ hơn và hung bạo hơn (trừ những người hấp tấp đổi mầu thành những người theo chế độ cộng hòa – số những người này cũng không phải là ít). Những người theo chủ nghĩa tự do đã trở nên tự do hơn, còn những người cách mạng thì – cách mạng hơn.

Tuy vậy đa số giới trí thức – điều này trên nguyên tắc không gây nên những cuộc tranh luận trong khoa học – đã hoan nghênh cuộc Cách mạng tháng Hai.

Nhưng mặc dầu những người thắt nơ đã chiếm ưu thế, ngay từ hồi đó đã xuất hiện sự bất đồng chủ yếu giữa giới trí thức và nhân dân. Giới trí thức đã nhìn thấy nhân dân ở một khoảng cách rất gần, và tâm trạng của họ đã thay đổi một cách đáng kể. Không một cuộc cách mạng nào được thực hiện trong những đôi găng tay trắng, được diễn ra dưới những hình thức hàn lâm. Ở Nga, tính chất gay gắt của ý thức giai cấp đã dẫn tới bạo lực, và chuỗi dây xích bạo lực càng ngày càng kéo dài ra và nhuộm máu đỏ lòm. Bạo lực cách mạng không tuân theo những quy luật cũ, đã coi thường chúng và quẳng chúng đi. Về phương diện này bạo lực cách mạng đặc biệt nguy hiểm và không thể được biện minh theo quan điểm đạo đức. Từ những ngày đầu của cuộc cách mạng tháng Hai đã nổi lên làn sóng giết hại các sĩ quan, các tướng lĩnh, các đô đốc.

Hiện thực cách mạng đã làm cho giới trí thức khiếp sợ. Nhân dân mà giới trí thức đấu tranh vì hạnh phúc, té ra là cứng đầu cứng cổ, hung hãn, muốn phá hủy tất cả những cái cũ và không hề yêu quí và biết ơn đối với “những người mặc áo cổ trắng”. Sự bất đồng về quan điểm của giới trí thức đã chuyển hóa thành sự phân biệt.

Cách mạng tháng Mười đã đưa sự chống đối lên tới những quy mô chưa từng thấy. Sự phân biệt đã trở thành sự thật. Cuộc sống đã hoàn toàn xé toang lớp vỏ lãng mạn của cách mạng. Cách mạng đã hiện ra với những khẩu hiệu vĩ đại và đồng thời lại bị vấy máu, với khát vọng vươn tới sự tiến bộ và với sự bẩn thỉu nhơ nhớp trong thực tế, với những lời lẽ về bình đẳng, tự do, dân chủ và đồng thời trong hình tượng bạo lực và chuyên chế. Trong giới trí thức đã xảy ra những cuộc tranh cãi gay gắt giữa những người chống lại cách mạng một cách không khoan nhượng và những người hăng hái biện hộ cho cách mạng.

Những cuộc tranh luận về thái độ của những tầng lớp trí thức khác nhau đối với cách mạng và về mối tương quan giữa chúng vẫn đang tiếp diễn. Có một công thức do Stalin đề xuất. Theo công thức này, thì những tầng lớp trí thức lớp dưới đón nhận cách mạng, các tầng lớp trung lưu thì dao động còn bộ phận thượng lưu trí thức thì đứng về phía Bạch vệ. Sự thật cho thấy rằng một bộ phận đáng kể của các gọi là các tầng lớp trí thức lớp dưới và trung lưu – các giáo viên quèn, các cán bộ y tế, các viên chức – đã hăng hái chống lại chính quyền Xô Viết. Và ngược lại, nhiều nhà khoa học lớn như Timirjazev, Shternbery, các nhà văn như Blok, Majakovski, Brjusov, các nhà hoạt động sân khấu như Meierhold, Vakhtangov lại đứng về phía Cách mạng. Nhưng dầu sao cũng phải thừa nhận rằng phần lớn những người đại diện cho giới trí thức không chấp nhận Cách mạng.

(còn tiếp) 

Người dịch: Lê Sơn

Biên tập: Thế Hà

Nguồn: TĐB 96 – 20 & 21

Bình luận về bài viết này