Kiểm soát theo phép quản lý kiểu Trung Quốc – Phần II


Lưu Bang nghe Trần Bình thuật lại, sau khi phân tích cục diện lúc bấy giờ, lập tức có cảm giác gặp rồi ân hận cũng đã muộn đối với Trần Bình nên giọng nói không dấu được sự vui mừng: “Tiên sinh có tài học vấn như vậy, đến đầu quân cho Lưu Bang tôi đây, quả thật là ông trời đã giúp tôi rồi”. Lưu Bang khi đó đã phong cho Trần Bình giữ chức đô úy, lại ban cho ông một số lượng lớn tiền vàng, để Trần Bình thực hiện kế hoạch ly gián các binh tướng thủ hạ của Hạng Vũ. Trần Bình thấy Lưu Bang trọng dụng mình như vậy, vô cùng cảm động, Trần Bình nhất định sẽ tận tâm tận sức, dù gan óc dính đất thì chết vạn lần cũng không thoải mái.

Một số thuộc hạ cũ của Lưu Bang thấy Trần Bình một bước tới trời lâu dần sinh lòng đố kị, kiếm chuyện nhằm hãm hại Trần Bình. Lưu Bang tìm gọi Ngụy Vô Tri đến để hỏi chuyện. Ngụy Vô Tri nói: “Chủ công, Trần Bình mới đến đây đã được phong giữ chức vụ quan trọng, nên các tướng không phục, chuyện đó cũng là chuyện có tình có lý mà thôi. Khi thần tiến cử Trần Bình, thần không xem xét đến những chuyện khác, chỉ chú ý đến tài năng và bản lĩnh của Trần Bình xem có hữu dụng đối với việc chủ công giành được thiên hạ hay không mà thôi”. Khi Lưu Bang đang định nói tiếp thì đột nhiên lại nhìn thấy Trần Bình đang đứng bên ngoài.

Trần Bình đã nghe được cuộc trò chuyện vừa rồi của hai người, ông đã hiểu được mọi chuyện, bèn nói với Lưu Bang rằng: “Chủ công, Trần Bình tôi khi ở dưới trướng của Hạng Vũ và Ngụy Vương Báo đã từng gây ra một số việc không hay, họ không dung thứ cho kẻ có tài, tôi nghe nói ngài và họ không giống nhau nên mới đến đây đầu quân cho ngài. Còn đối với những chuyện các tướng lĩnh khác đơn đặt thần không muốn thanh minh. Nếu như ngài cảm thấy không thể dùng được, vậy thần xin lập tức cáo từ!”

Lưu Bang thấy vậy, liền nói ngay: “Trần tướng quân, từ ngày hôm nay, ta sẽ phong ngươi chức trung úy hộ quân giám sát bảo vệ các tướng lĩnh khác, nếu như còn ai bàn tán về chuyện đó, cứ theo luật mà xử tội, Nếu Lưu Bang ta không tìm hiểu sự tình, lại nghe những lời sàm tấu gây tổn thương và mất đi một người tài thì ta sẽ đền tội với người ngay tại đây”. Nói xong định thi lễ với Trần Bình.

Trần Bình thất kinh, vội vàng quỳ xuống, hai mắt rơi lệ nói: “Chủ công đối xử với thần như vậy Trần Bình này không ra vì chủ công mà phục vụ hết lòng thì trời đất sẽ không dung”.

Lưu Bang đỡ Trần Bình dậy, nói: “Việc ngày hôm nay, đều là do ta sai, ta hiện đã có Trương Lương, Tiêu Hà, nay lại có thêm cả khanh đến giúp thì lo gì không giành được thiên hạ!”

Từ thái độ của Lưu Bang đối với Trần Bình có thể thấy được rằng, Lưu Bang sau khi rõ Trần Bình thực tâm, đầu quân cho mình thì ông mới trọng dụng Trần Bình. Còn Trần Bình cũng không hề phụ lòng tin tưởng của Lưu Bang, nhiều lần hiến mưu kế thần kỳ phò tá Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ. Sau khi Lưu Bang mất, Trần Bình vẫn nhẫn nhục đảm nhiệm trọng trách nặng nề, dẹp yên loạn Xương Thị, yên định thiên hạ Lưu Thị. Vì vậy dùng cách nói “biết người dùng người” nhằm chỉ Lưu Bang là rất hợp lý.

Cái tài của Lưu Bang trong việc biết khác với những người khác là ở chỗ, ông không những có khả năng phát hiện ra được những hiền tài an bang định quốc, mà đối với những kẻ tiểu nhân lấy lòng cả hai bên, lập trường không kiên định, ông còn xử lý mọi việc chẳng hề run tay. Đinh Công chính là một ví dụ rất hay.

Đinh Công vốn là thuộc hạ của Hạng Vũ, đã từng thả cho Lưu Bang chạy thoát trong một lần hai bên giao chiến, Lưu Bang nhờ đó mà thoát chết. Hạng Vũ bại trận ở Ô Giang, sau khi Lưu Bang bình ổn giang sơn, Đinh Công dựa vào cái ơn đã từng cứu mạng Lưu Bang, nên đi thẳng đến Trường An, muốn kiếm một chức quan. Lưu Bang vừa nghe tin Định Công đến đầu quân thâm tâm đã hiểu rất rõ là việc gì nên lệnh cho người đuổi ra ngoài rồi chém.

Trần Bình và Định Công đều là tướng cũ của Hạng Vũ, tại sao Lưu Bang trọng dụng Trần Bình mà lại giết Định Công.

Đó là vì Lưu Bang biết rằng Trần Bình đến đầu quân trong thời kỳ bản thân Lưu Bang đang gặp khó khăn, hơn thế Trần Bình đối với Lưu Bang trung thành tận tụy không hề tư lợi, cho dù khi lâm vào hoàn cảnh bất lợi Trần Bình vẫn kiên quyết thề chết đi theo Lưu Bang. Định Công lại hoàn toàn khác, Lưu Bang hiểu rõ hắn chỉ là kẻ “giậu đổ bìm leo, là kẻ dễ bị lung lay; chỉ là ngọn măng trong khe núi, mồm méo, mặt dầy, bụng rỗng”, mà thôi, thấy bên nào thực lực mạnh thì đầu quân dựa vào bên ấy, hơn thế, vẫn không muốn hoàn toàn đoạn tuyệt với bên còn lại, mục đích là tính toán nhằm ngồi chờ theo kiểu “ngư ông đắc lợi”. Vì vậy, chờ đợi mấy năm liền, thấy Lưu Bang quả đúng là người nắm được thiên hạ, mới nghĩ đến chuyện dựa vào ân cứu mạng đối với Lưu Bang để đổi lấy vinh hoa phú quý. Lưu Bang nhìn thấy dụng ý của hắn, đương nhiên sẽ không giữ hạng tiểu nhân “gió chiều nào che chiều ấy” như thế bên mình, để tránh sau này Định Công sẽ lại phản bội lại Lưu Bang như đã từng phản bội lại Hạng Vũ, vì vậy mới ra lệnh giết chết Đinh Công, không chỉ loại bỏ được hậu họa mà còn cảnh báo các đại thần quả là một công đôi việc.

Rất nhiều người đều có ý xem thường Hán cao tổ Lưu Bang, cảm thấy ông chẳng qua chỉ là một kẻ quê mùa, vô lại, nhân thời buổi loạn lạc đầu cơ trục lợi nên mới giành được thiên hạ. Nhưng dù thế nào đi nữa, Lưu Bang có thể tập hợp được quần chúng, cuối cùng giành được thiên hạ, trở thành vị vua khai quốc của triều Hán, đương nhiên phải có chỗ hơn người khác. Lưu Bang là người biết thăm dò qua sắc mặt và qua lời nói của đối phương, dùng đúng người, hiểu rõ nghệ thuật quyền biến, điều đó đã góp phần rất lớn trong việc giúp cho ông điều khiển được thuộc hạ, giành được ngôi vị đế vương.

Trong việc điều khiển người khác, phương thức quản lý kiểu Trung Quốc chủ trương căn cứ vào những đặc điểm riêng biệt của từng người riêng biệt để áp dụng đối sách tương ứng dùng đúng người, có thể thu hút được một số lượng lớn nhân tài trong thiên hạ về phục vụ cho mình. Lưu Bang là người nắm rõ được điều này, nên ông đã giành được thiên hạ.

Làm cho nhân viên yên tâm

Văn hóa truyền thống Trung Quốc coi trọng chữ “Hòa”, mà phải là đạt đến sự hài hòa thống nhất toàn xã hội, trước tiên là phải “Yên”, phải để cho thế cục ổn định. Trong kho tàng từ vựng của người Trung Quốc thường liên hệ hai chữ “An” và “Lạc” để biểu thị sự viên mãn của sự việc, nếu không yên tâm thì cũng không có vui vẻ, vì vậy hoạt động quản lý nhất định cũng phải thuận theo tâm lý này của người Trung Quốc.

Thời Tam Quốc, quân Tào chiến thắng ở trận Quan Độ và thu được một bó thư. Những bức thư này là do một số người ở kinh thành và người trong doanh trại Tào Tháo lúc đó lén viết cho Viên Thiệu. Nội dung phần lớn các bức thư đó biểu thị dứt khoát muốn dời khỏi doanh trại Tào Tháo, đầu quân cho Viên Thiệu. Thuộc hạ của Tào Tháo đọc xong những bức thư đó thì vô cùng tức giận, khuyên Tào Tháo cho bắt những kẻ viết thư đó lại trừng trị một cách nghiêm khắc. Tào Tháo nghe xong, chỉ mỉm cười rồi nói: Đem những bức thư này đốt hết đi”. Những người đang có mặt lúc đó đều ngẩn người. Tào Tháo giải thích rằng, thực lực với Viên Thiệu lúc đó mạnh như vậy, ngay cả ta cũng cảm thấy khó giữ được mạng sống của mình, thì nói gì đến kẻ khác? Sau khi sự việc này truyền ra bên ngoài, những người đã từng lén viết thư cho Viên Thiệu đều thở phào nhẹ nhõm. Những người bên cạnh Tào Tháo cũng nhận thấy Tào Tháo là người rộng lượng, có thể dung thứ cho người khác, nên tình nguyện phục vụ cho Tào Tháo, khiến tâm lý quân tướng trong doanh trại Tào Tháo nhanh chóng yên định trở lại.

Nghe chuyện cổ mà ngẫm chuyện nay, người lãnh đạo ngày nay muốn lôi kéo thu hút mọi người tập trung xung quanh mình, phải bớt đi chút hà khắc và thêm một chút khoan dung. Đương nhiên, sự khoan dung đó tuyệt đối không phải là khoan dung vô nguyên tắc. Nếu kiểu khoan dung đó một khi cản trở đến việc thực hiện mục tiêu hoặc công việc gây ra trở ngại nghiêm trọng thì người lãnh đạo buộc phải áp dụng các biện pháp dứt khoát, loại bỏ mầm mống gây hại về sau. Đối với những người  phản đối mình, bất luận là đúng hay sai, người lãnh đạo đều có thể lấy sự thân thiện để bao bọc họ, với mong muốn thực sự đoàn kết mọi người cùng làm việc, đó là một tiêu chí rõ ràng về lòng khoan dung.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Tư Mã An – Phép quản lý kiểu Trung Quốc – NXB LĐXH 2011.

Bình luận về bài viết này