Những tờ báo lớn nhất và phát triển nhất cố gắng hết sức đưa ảnh hưởng khu vực vượt ra khỏi những giới hạn thành phố. Los Angeles Times thách thức tờ Orange County Register ở chính Quận Cam. Tại Santa Cruz, California, nhật báo địa phương, tờ Sentinel (do Ottaway Newspapers, một công ty thuộc tập đoàn Dow-Jones, sở hữu), chỉ là một trong số ít các tờ báo có dịch vụ giao tận nhà: ngoài ra còn có New Yor Times, San Francisco Chronicle, San Jose Mercury-News (một tờ báo của Knight-Ridder) và Wall Street Journal.
Tất cả những điều này cần được nhấn mạnh khi tờ báo mang tính quốc gia rõ ràng nhất lại là tờ USA Today lòe loẹt và bị chê bai khắp mọi nơi. Bắt đầu vào năm 1982, đến năm 1987 nó đã lưu hành được hơn 1,5 triệu bản. Được in ấn tại 32 địa điểm khác nhau và khuôn mẫu xuất bản được thực hiện qua đường truyền vệ tinh, tờ báo này là một thành tựu công nghệ chiếm thị phần to lớn. Một số câu hỏi được đặt ra cho thành tựu về mặt báo chí của tờ báo này, mặc dù ít ai bàn cãi về ảnh hưởng của nó đối với hình thức và phong cách của những tờ báo khác trong nước. Chẳng hạn, tờ báo này bắt đầu sử dụng rất nhiều màu sắc. Việc tập trung vào dự báo thời tiết gần như bệnh hoạn của nó đã khuyến khích báo cáo thời tiết toàn diện hơn ở các tờ báo khác.
Trong khi ngày nay một công dân bình thường có thể tiếp cận nhiều nguồn tin tức quốc gia hơn, chính xác hơn, mang tính phê bình hơn và phong phú hơn thế hệ trước, thì điều nghịch lý là việc kiểm soát tin tức lại nằm trong tay của ngày một ít các định chế do ngày càng nhiều kế toán viên điều hành. Báo chí tập đoàn không mang nặng tính bảo thủ chính trị mà thiên về mục đích chống rủi ro kinh tế, dù kết quả hai mục đích đều như như nhau. (Năm 1986 có 1657 nhật báo, giảm một chút từ con số 1763 năm 1960 – và số thành phố có nhật báo tăng mạnh. Nhưng chỉ tính riêng 14 công ty đã chiếm hơn một nửa lượng nhật báo lưu hành). Mặc dù chất lượng về mặt báo chí thường là tăng lên hơn là giảm đi ở những cộng đồng mà các tớ báo độc lập bị các tập đoàn mua đứt, nhưng cơ hội thể hiện bài viết/quan điểm riêng cho một chủ báo có đầu óc độc lập hay một cá nhân lập dị lại ngày càng ít đi. Có sự quan ngại hợp lý rằng sở hữu tập đoàn tất yếu sẽ loại trừ sự đa dạng hóa. Trang phản biện (op-ed page), một bước tiến trởo thành chuẩn mực trong những năm 1970 để nâng cao tính đang dạng của các ý kiến, dường như ngày càng giống nhau giữa các tờ báo. Trong các định chế tin tức hàng đầu, việc dựa vào những nguồn chính thức từ chính phủ ngày một phổ biến, tình trạng thiếu vắng các nhà phê bình hay bình luận của cánh tả vẫn tiếp tục tồn tại, và dù là một tờ báo miền Trung Tây, miền Nam hay miền Tây, thì định hướng hành lang bên trong vùng Đông Bắc là thứ rất khó bỏ qua.
Văn hóa tin tức quốc gia
Song song với việc quốc gia hóa các định chế tin tức là việc quốc gia hóa văn hóa trong phòng tin tức. Các nhà quản lý những chương trình tin tức nhỏ trên báo hay truyền hình khắp đất nước hơn bao giờ hết nhận thức được điều gì đang diễn ra trên các mạng lưới, trong tờ USA Today, trong tờ New York Times. Nhân viên của họ cũng vậy. Kết quả là người da đen và phụ nữ, và trong một số trường hợp là các cộng đồng thiểu số khác (chẳng hạn người gốc Mexico ở Los Angeles), có thể gây sức ép lên các định chế của họ, buộc chúng phải đối xử công bằng hơn trong phòng tin tức và được thể hiện hợp lý hơn trên các trang tin tức đối với các nhóm mà họ thuộc về. Có thể là khó tìm lại những thay đổi như vậy trong thời gian gần đây. Trước những năm 1960, các nhà báo nữ viết về thời trang và xã hội – và hiếm khi viết những thứ khác. Câu lạc bộ báo chí quốc gia chỉ chấp nhận phụ nữ trong năm 1971. Năm 1966, trưởng văn phòng Chicago của Newsweek có thể loại bỏ công việc của một phóng viên nữ từ UPI với giải thích rằng: “Tôi cần một người mà tôi có thể phái đi bất cứ nơi nào, kể cả tới những vụ bạo loạn. Và ngoài ra, cô sẽ làm gì nếu đội tượng mà cô đang viết lại lẩn ngay vào phòng vệ sinh?” Ngày nay vẫn chưa thể vứt bỏ suy nghĩ này.
Tuy nhiên, sự đa dạng hóa phòng tin tức lại có thể có mức độ không lớn như bề ngoài của nó. Trong tin tức truyền hình, phụ nữ và các nhóm người thiểu số thường xuất hiện trong các chương trình cuối tuần, mà trong nghề gọi là “mớ lụp xụp cuối tuần” (weekend ghetto). Mặc dù Max Robinson và Barbara Walters nằmt rong số những người đồng dẫn chương trình tại trường quay của ABC giữa những năm 1970, nhưng không một phụ nữ hay nhóm người thiểu số nào khác thường xuyên được bổ nhiệm là người dẫn chương trình trên một chương trình thời sự buổi tối của lưới truyền hình cho đến khi có Connie Chung năm 1993. Vậy mà có bằng chứng giai thoại chỉ ra rằng phụ nữ (và trong chừng mực nhỏ hơn là nhóm người thiểu số) trong phòng tin tức đã tạo nên sự khác biệt thực sự trong việc quyết định tin gì được đưa và nên nhấn mạnh vào cái gì. Các nhân viên nữ ở tờ Los Angeles Times đã trở thành những nhà báo xung kích trong một serie phóng sự 10 kỳ về lao động nữ năm 1984; một cây bút nữ đã viết xã hội ở Seattle Times khẳng định rằng hầu hết các bài xã luận về những chủ đề liên quan đến trẻ em đều được thực hiện “vì tôi ở đây”.
Những tờ báo ở các định chế tin tức quốc gia được đào tạo tốt hơn bao giờ hết, thường xuất phát từ những nền tảng giáo dục được ưu tiên hơn so với trước đây và được trả lương tương đối ưu đãi hơn. Họ ngày càng chịu ảnh hưởng về quan điểm từ những nhà báo khác, chứ không chỉ từ chủ bút hay chủ báo của họ. Họ có thể chia sẻ cái mà Herb Gans gọi là quan điểm “Cấp tiến” – một niềm tin vào hệ thống hai đảng, chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm, những điều tốt đẹp của cuộc sống tỉnh lẻ, chủ nghĩa cá nhân, các biện pháp dung hòa trong mọi hoàn cảnh và một vài khái niệm mơ hồ về lợi ích công cộng. Độ vững chắc của những giá trị này ngày càng tăng khi có ngày càng nhiều tin tức được đưa ra từ một địa điểm duy nhất – Washington, D.C. Tại Washington có nhiều cái gọi là diễn đàn chính trị cho văn hóa viết báo hơn bao giờ hết. Năm 1961 có khoảng 1500 nhà báo làm việc ở Washington – nhưng đến năm 1987 con số này đã là hơn 5300. Các nhà báo có thể đối thoại với nhau và hiển nhiên đã làm như vậy.
Đây không phải để nói rằng giờ đây chúng ta đã có một nền văn hóa viết báo quốc gia không chắp vá và gắn kết chặt chẽ. Chẳng hạn, hãy thử nhìn vào sự phát triển của truyền thông băng tiếng Tây Ban Nha. Năm 1974, có 55 trạm phát thanh bằng tiếng Tây Ban Nha; ngày nay là hơn 200. Năm 1970, chỉ có một vài trạm truyền hình phát các chương trình bằng tiếng Tây Ban Nha. Ngày nay, Univision, mạng lưới truyền hình bằng tiếng Tây Ban Nha lớn nhất, nắm giữ hơn 600 công ty con về phát thanh và truyền hình cáp trong khi con số này của Telemundo là hơn 500. HIện nay có hàng trăm tờ báo bằng tiếng Tây Ban Nha, với hơn 80 tờ tập trung tại “10 thành phố có tỷ lệ người gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cao nhất”: Los Angeles, New York, San Francisco, Houston, Dallas, San Diego, Brownsville-McAllen, San Atonio, Miami và Chicago.
Sự đa dạng về chủng tộc và ngôn ngữ thể hiện khá rõ trong truyền thông ở Mỹ, cả in ấn lẫn phát sóng. Các phương tiện truyền thông phát triển rực rỡ cũng đã thu hút các nhóm tôn giáo khác nhau, rõ ràng nhất là sự gia tăng các “nhà truyền đạo trên phát thanh truyền hình” (televangelists). Những khả năng về công nghệ tạo nên một nền văn hóa tin tức quốc gia nổi trội cũng là nhân tố then chốt cho quyền lực lớn mạnh của “những cộng đồng tiêu dùng” mang tính chất tôn giáo nhiều hơn nhưng dựa trên nền tảng quốc gia. Việc quốc gia hóa các phương tiện truyền thông không có nghĩa là đồng nhất hóa kinh nghiệm truyền thông mà là tạo ra một tập hợp các diễn đàn quốc gia mới cho hàng loạt thị hiếu dưới cấp độ văn hóa khác nhau. Chẳng hạn, một phần nhờ máy tính và chế bản văn phòng mà có khoảng 100.000 bản tin (ước tính) ở trong nước được lưu hành miễn phí hoặc chỉ là một phần trong hoạt động của các tổ chức, hiệp hội hay doanh nghiệp. Thậm chí có cả một ngành công nghiệp bản tin với các hiệp hội công đoàn của riêng nó; Cuốn Các bản tin in ấn (Newsletters in Print) có liệt kê hơn 10.000 loại bản tin. Chủ nghĩa đa nguyên không phải là không có vấn đề. Những trường hợp như Klu Klux Klan sử dụng việc dễ dàng truy cập bản tin trên máy tính hay những kẻ truyền giáo vô đạo đức trên các chương trình cáp của riêng họ làm nảy sinh những vấn đề khó khăn. Các phương tiện truyền thông quốc gia mới làm tăng khả năng xảy ra chủ nghĩa đa nguyên hơn là nó nhấn mạnh vào việc đồng nhất hóa.
Trong thế giới thông tin, người nghèo trở nên giào có nhưng người còn giàu có nhanh hơn (giả thuyết “chênh lệch kiến thức”, như các nhà nghiên cứu truyền thông gọi). Người giàu có nhiều thông tin hơn và có nhiều động lực hơn trong việc thu thập và sử dụng hiệu quả thông tin. Chẳng hạn, lấy ví dụ của nhóm nghiên cứu đối lập năm 1984 của Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa. Nhóm này bắt đầu thu thập dữ liệu và trích dẫn về các đối thủ đảng Dân chủ hàng đầu ngay từ những cuộc bầu cử sơ bộ. Vào thời điểm mà đại hội Đảng Dân chủ khai mạc thì máy tính của phe Cộng hòa đã có 75.000 mục thông tin về Walter Mondale, gồm 45.000 trích dẫn trong suốt sự nghiệp của ông ta. Cơ sở dữ liệu được cập nhật hàng ngày trong suốt thời gian vận động tranh cử. Có thể truy cập dữ liệu qua một từ điển tham khảo, và máy tínhđược kết nối với 50 văn phòng đảng bộ ban, 50 trụ sở vận động tranh cử ở các bang và những người phát ngôn của Đảng Cộng hòa ở tất cả 208 thị trường xếp hạng trên phát thanh truyền hình (broadcast rating markets). Điều này thật ấn tượng. Nhưng ấn tượng hơn là các hệ thống tương tự được lắp đặt sẵn sàng cho tất cả ứng cử viên Đảng Cộng hòa chạy đua vào Hạ viện năm 1986 thông qua Mạng lưới thông tin của Đảng Cộng hòa (Republican Information Network). Nếu một ứng cử viên đang vận động chống lại một người đương nhiệm thuộc Đảng Dân chủ thì anh ta ngay lập tức có thể tìm hiểu được hồ sơ bỏ phiếu của người đương nhiệm đó ngược trở về năm 1974 về bất cứ vấn đề gì. Giờ đây, việc này không làm thay đổi kết quả bầu cử năm 1984; những người Cộng hòa vẫn chỉ là một bộ phận thiểu số trong Hạ viện, thậm chí cả sau năm 1986. Nhưng nó mang lại cảm giác về mức độ tinh vi của những công nghệ thông tin mới trong các vấn đề liên quan chặt chẽ đến trọng tâm của tiến trình dân chủ.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Michael Schudson – Sức mạnh của tin tức truyền thông – NXB CTQG 2003.