Lực lượng, năng lực và triển khai sức mạnh của Trung Quốc – Phần XI


Lực lượng dự bị PLA. Lực lượng dự bị PLA được thành lập vào năm 1983 và được chuyên nghiệp hóa trong suốt những năm 1990 và 2000. Ngày 1/7/2020, Trung Quốc đã sửa đổi luật, quy định và chính sách, theo đó đưa Lực lượng dự bị thuộc sự chỉ huy của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ và CMC. Trước đây, Lực lượng dự bị do PLA và các cấp ủy đảng địa phương kiểm soát. Động lực thúc đẩy sự thay đổi này là nhằm cải thiện khả năng chiến đấu, tạo điều kiện hợp tác với các đơn vị tại ngũ và duy trì vai trò lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSTQ đối với quân đội. Các nguồn tin của Trung Quốc thường tuyên bố cụ thể rằng cải cách này sẽ nâng cao hiệu quả của lực lượng dự bị ở Tây Tạng và Tân Cương. Ngoài ra, PLA dường như đã bắt đầu thực hiện tái cấu trúc một phần theo hướng sử dụng hệ thống căn cứ dự bị của PLAA để tiếp tục cải thiện điều kiện và hỗ trợ cho các đơn vị tại ngũ.

Lực lượng dự bị PLA gồm khoảng 510.000 thành viên trực thuộc Lực lượng dự bị Lục quân, Lực lượng dự bị Hải quân, Lực lượng dự bị Không quân và Lực lượng dự bị Tên lửa. Theo các bài báo và phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc, một số lượng nhỏ cán bộ đang tại ngũ đóng vai trò chủ lực thường trực cho Lực lượng dự bị để có thể điều động các sĩ quan và binh sĩ dự bị khi cần thiết. Tài liệu Khoa học chiến lược quân sự năm 2020 do Đại học Quốc phòng của PLA xuất bản nêu rõ việc xây dựng lực lượng dự bị là một phần quan trọng trong xây dựng hệ thống quốc phòng và là dự án cơ bản và chiến lược để củng cố quốc phòng. Nhiệm vụ chính của lực lượng dự bị là củng cho lực lượng tại ngũ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, và nhiệm vụ thứ yếu là cứu trợ thảm họa hoặc duy trì trật tự xã hội. Lực lượng dự bị cần sẵn sàng ứng phó hiệu quả với nhiều tình huống khẩn cấp và các mối đe dọa quân sự, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển, cũng như an ninh cốt lõi của đất nước.

Các sĩ quan dự bị được lựa chọn từ những sĩ quan PLA đã nghỉ hưu, quan chức địa phương, cảnh sát vũ trang nhân dân hoặc lực lượng dân quân và các nhân viên kỹ thuật khác. Quân nhân dự bị được lựa chọn từ các cựu chiến binh PLA đủ điều kiện, lực lượng dân quân đã qua huấn luyện và các nhân viên chuyên ngành của quân đội và địa phương khác. Một số quân nhân dự bị là những người không đủ điều kiện nhập ngũ và được huấn luyện bổ sung trong lực lượng dự bị cho đến khi họ có thể tham gia lực lượng tại ngũ.

Bằng chứng cho thấy vẫn còn những tồn tại nghiêm trọng trong việc huy động lực lượng dự bị, bao gồm thiế tbị nào nên được sử dụng, mức ngân sách chính phủ chi trả cho việc huy động và sự phản kháng từ các doanh nghiệp khi nhân viên của họ bất ngờ bị huy động. Theo các tài liệu của Trung Quốc, Lực lượng dự bị chủ yếu sử dụng thiết bị cũ; một báo cáo cho biết hơn 70% số pháo và thiết bị pháo phòng không đã vượt quá tuổi thọ sử dụng tối đa. Một số thiết bị không còn sản xuất và do đó khi cần sửa chữa buộc phải sử dụng linh kiện của thiết bị khác.

Lực lượng dự bị PLA cũng hỗ trợ đáng kể cho các khu vực địa phương trong việc khắc phục hậu quả thiên tai. Lực lượng dự bị PLA không bao gồm lực lượng dân quân, Lực lượng phòng không dân sự hoặc các nhóm khác (chẳng hạn, Cảnh sát vũ trang nhân dân hoặc Quân đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC)).

Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP). PAP thuộc lực lượng vũ trang của Trung Quốc và là một cánh vũ trang của ĐCSTQ với ước tính khoảng 600.000 binh sĩ. Trong tài liệu Khoa học chiến lược quân sự của Đại học Quốc phòng năm 2020, các trách nhiệm chính của PAP bao gồm duy trì an ninh chính trị, thể chế và chế độ, xử lý các hoạt động cứu hộ khẩn cấp, chống khủng bố, hỗ trợ trên không, bảo vệ quyền hàng hải, thực thi pháp luật hành chính và các hoạt động phòng thủ. PAP được tổ chức thành ba bộ phận chính: Quân đoàn an ninh trong nước, Quân đoàn cơ động và Hải cảnh Trung Quốc (CCG). Quân đoàn an ninh trong nước hoạt động tại từng tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương. Chưa có báo cáo về sự hiện diện thường trực của PAP tại các Đặc khu hành chính (SAR) Hong Kong hoặc Macao, nhưng kể từ năm 2019, PAP duy trì triển khai luân phiên ở Hong Kong. Quân đoàn cơ động bao gồm nhiều đơn vị PAP được bố trí để củng cố Quân đoàn an ninh trong nước và mang lại sự linh hoạt trong việc ứng phó với các vấn đề an ninh nội bộ. Các đơn vị của Quân đoàn cơ động tập trung ở phía Tây và phía Nam (Tân Cương, Tây Tạng, Tứ Xuyên, Vân Nam và Thanh Hải) cũng như các thành phố lớn Bắc Kinh và Thượng Hải. Tân Cương là trọng tâm đặc biệt của PAP do hoạt động được coi là ly khai ở khu vực này, cũng như vị trí địa lý gần các khu vực bất ổn ở Trung Á. Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc sẽ được trình bày sâu hơn trong phần tiếp theo của báo cáo này.

Tập Cận Bình và ban lãnh đạo ĐCSTQ đã giao nhiệm vụ cho PAP hợp nhất vào hệ thống hoạt động chung của PLA. Nhiệm vụ chính của PAP là an ninh trong nước, nhưng lực lượng này ngày càng tập trung vào các hoạt động chung với PLA và đang phát triển các khả năng phản ứng nhanh, cơ động và các hoạt động chống khủng bố. PAP cũng tiến hành hoạt động huấn luyện với các đối tác nước ngoài, trong đó có Uzbekistan, Kyrgyzstan và Nga. Có khả năng ít nhất kể từ năm 2016, lực lượng PAP đã hoạt động ở Tajikistan, tuần tra khu vực ba biên giới tiếp giáp Tajikistan, Afghanistan và Trung Quốc.

Năm 2021, PAP được cho là đã thực hiện nhiều hoạt động giải cứu khẩn cấp và ứng phó thảm họa trong các đợt lũ lớn và bão, cũng như tiến hành huấn luyện và diễn tập chống khủng bố và lực lượng đối lập.

Hải cảnh Trung Quốc (CCG). CCG trực thuộc PAP và chịu trách nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ an ninh hàng hải, bao gồm bảo vệ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc; thực thi nghề cá; chống buôn lậu, khủng bố, tội phạm về môi trường; cũng như hỗ trợ hợp tác quốc tế. Năm 2021, Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh có hiệu lực vào ngày 1/2/2021. Luật này quy định các nhiệm vụ của CCG, bao gồm việc sử dụng vũ lực, và việc thực hiện các nhiệm vụ đó đối với các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Luật này đã vấp phải sự lo ngại của các quốc gia khác trong khu vực mà với họ, luật này có thể được coi là lời đe dọa ngầm về việc sử dụng vũ lực, đặc biệt là khi các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực vẫn tiếp diễn.

Sự mở rộng và hiện đại hóa nhanh chóng của CCG đã khiến lực lượng này trở thành hạm đội thực thi pháp luật hàng hải lớn nhất trên thế giới. Các tàu mới của CCG lớn hơn và sở hữu nhiều khả năng hơn các tàu cũ, cho phép chúng hoạt động xa bờ hơn và ở lại đồn trú lâu hơn. Một nghiên cứu học thuật năm 2019 do Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ công bố ước tính CCG có hơn 140 tàu tuần tra khu vực và đại dương (có lượng giãn nước hơn 1000 tấn). Một số tàu trước đây là tàu của PLAN, chẳng hạn như tàu hộ tống, được chuyển giao cho CCG và được sửa đổi cho các hoạt động của CCG. Các tàu mới và lớn hơn được trang bị phương tiện trực thăng, vòi rồng công suất lớn, mới và lớn hơn thuyền đánh chặn và súng từ 20 đến 76 ly. Ngoài ra, nghiên cứu học thuật nối trên cũng chỉ ra rằng CCG vận hành hơn 120 tàu chiến tuần tra khu vực (500 đến 999 tấn), có thể được sử dụng cho các hoạt động ngoài khơi ở mức hạn chế và thêm 450 tàu tuần tra ven biển (100 đến 499 tấn).

Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc

Bối cảnh và nhiệm vụ. Dân quân biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (PAFMM) là một tập hợp con của lực lượng dân quân quốc gia Trung Quốc, là lực lượng dự bị vũ trang thường dân sẵn sàng huy động, mà xét cho cùng là trực thuộc Quân ủy Trung ương thông qua Cục Huy động quốc phòng. Trên khắp Trung Quốc, các đơn vị dân quân được tổ chức tại các thị trấn, làng mạc, tiểu khu đô thị và các doanh nghiệp, với thành phần và nhiệm vụ rất đa dạng.

Các tàu PAFMM huấn luyện và hỗ trợ Hải quân Quân giải phóng nhân dân (PLAN) và Hải cảnh Trung Quốc (CCG) trong các nhiệm vụ như bảo vệ các yêu sách hàng hải, giám sát và trinh sát, bảo vệ nghề cá, hỗ trợ hậu cần và tìm kiếm cứu nạn. Trung Quốc sử dụng PAFMM trong các hoạt động vùng xám, hay “các cuộc đấu tranh cường độ thấp nhằm bảo vệ quyền lợi trên biển”, ở mức độ được thiết kế nhằm cản trở phản ứng hiệu quả của các bên liên quan khác. Trung Quốc sử dụng các tàu PAFMM để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền bị tranh chấp, thường tập trung các tàu này ở các khu vực tranh chấp trên khắp biển Nam Trung Hoa và biển Hoa Đông. Theo cách này, PAFMM đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động uy hiếp nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không phải chiến đấu, và các hoạt động này là một phần của lý thuyết quân sự rộng lớn hơn của Trung Quốc vốn coi các hoạt động đối đầu chưa đến mức chiến tranh là phương tiện hiệu quả để đạt được các mục tiêu chiến lược.

(còn tiếp)

Nguồn: Annual report to Congress – Military and Security Development’s involving the People’s Republic China 2022 – Office of the Secretary ofe Defense, Nov 2022 – CĐ tháng 4 & 5/2023

Bình luận về bài viết này