Khoa học là gì? – Phần cuối


Ổn định và thay đổi

Một lý do khiến nhân loại ngày càng quan tâm tới sinh thái học là những biến đổi có thể thấy được do chính chúng ta gây ra đối với sinh quyển của hành tinh này. Các nhà nghiên cứu đã nêu bật các hệ sinh thái vốn dễ tổn thương và họ cố gắng tìm hiểu lý do vì sao như vậy. Một hệ sinh thái ổn định thì có tính đề kháng khi những sự xáo trộn không làm thay đổi quá nhiều đối với tính cân bằng của nó, và có tính phục hồi khi nhanh chóng quay trở lại hiện trạng lúc đầu. Dựa trên những định nghĩa có tính kỹ thuật này, nhìn chung các hệ sinh thái khoa học đều đề kháng đối với sự thay đổi, nhưng tính phục hồi của chúng biến thiên mạnh mẽ theo các phân môn khoa học. Các nhà vật lý đi vào các phân ngành nhỏ một cách nhanh chóng khi bị thúc đẩy hoặc bị thu hút: Họ luôn bị hấp dẫn bởi kế hoạch đầu tư và ý đồ trí tuệ mới mẻ bước vào các lĩnh vực chẳng hạn kỹ thuật công trình, hóa học, sinh thái học, sinh học, và khoa học thần kinh. Các nhà khoa học vật liệu ở các nước khác nhau đã hưởng ứng đối với những sự thu hút tương tự như vậy theo những mức độ rất khác nhau, mở rộng những mối quan tâm của họ rất nhanh tại Mỹ hơn tại nhiều nền văn hóa khác. Trái lại, văn hóa nổi bật của ngành hóa học phát triển khá chậm bên ngoài những sự phân chia từ cả thế kỷ trước, thành các phân ngành chuyên biệt  của các nhà hóa vô cơ, hóa hữu cơ, và óa vật lý, vốn còn hiếm va chạm với nhau hơn.

Tính đề kháng và tính phục hồi này đối với sự thay đổi sẽ định hình phần lớn đặc điểm của khoa học. Bất chấp mối quan tâm công khai của các nhà khoa học đối với những điều hiếu kỳ được thúc đẩy từ bên trong chính bản thân họ, họ hưởng ứng khá nhanh trước những cây gậy và củ cà rốt, phần lớn bởi vì họ phải đơn độc đua ra những quyết định quan trọng, hơn là quyết định tập thể. Ngược lại, các nhà đầu tư, các nhà xuất bản, các hội đoàn học thuật, các hội đồng hội nghị, và những nhân tố mang tính tổ chức khác lại hưởng ứng rất chậm chạp bởi vì họ là những tập thể và có được các nguồn lực của mình theo những cách thức kém đa dạng hoặc kém cạnh tranh hơn rất nhiều. Như thế, hệ sinh thái khoa học được hình thành từ những thành tố với những thời gian biểu rất khác nhau. Đối với cá nhân các nhà khoa học, các định chế tinh hoa của họ có vẻ chuyển động chậm như một tảng băng, điều này dẫn đến thất vọng hoặc khinh thường. Tình trạng có thể cũng tương tự trong các công ty lớn. Đó là một nguyên nhân cho cảm giác bất lực, bị kẹt cứng trong hệ thống, thường gặp ở các nhà khoa học và những người yêu khoa học.

Tính đa dạng

Đa dạng sinh học không ngừng thay đổi. Nó giảm đi khi một loài xâm nhập mà không gặp thiên địch tự nhiên rồi dần chiếm ưu thế và kiểm soát tất cả. Dịch bệnh cũng có thể phá hủy tính đa dạng sinh học khi sự phối giống lai tạp làm giảm tập hợp gen đến nỗi toàn bộ quần thể trở nên dễ dàng nhiễm bệnh tới mức thảm khốc. Nghịch lý thay, những tốc độ tiến hóa cao cũng có thể làm giảm đa dạng sinh học bởi vì các loài cận huyết sẽ không phát triển những thể cách hoàn toàn mới cho cuộc sống mà chỉ đơn giản cạnh tranh với nhau theo những điều kiện như cũ. Đa dạng sinh học rất quan trọng cho tính đề kháng và tính phục hồi.

Những cạnh tranh kiểu Darwin

Động cơ thúc đẩy tôi ở đây là nhằm mô tả thế giới nghiên cứu khoa học do con người kiến tạo trong phạm vi của một hệ sinh thái không ngừng tiến hóa, song ta nên đặt câu hỏi rằng sự loại suy này có đưa đến những con đường lầm lạc nào. Giống như trong giới tự nhiên, sự cạnh tranh nằm ở tận gốc rễ của nhiều đặc điểm của hệ thống khoa học này, theo nghĩa chỉ có những bộ phận thành công nhất mới tồn tại và mở rộng. Tiến hóa của đời sống đều dựa trên hai ý tưởng chính cùng hoạt động: “sinh tồn của loài thích nghi nhất” và “dòng giống có sự biến cải”.

Phương diện cạnh tranh đầu tiên được cung cấp bởi một nhóm tác nhân tự trị với những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, cùng tương tác bên trong một khung cảnh với nguồn thức ăn có mức độ. Phương diện thứ hai nằm ở thiết kế nội tại rõ ràng tạo nên những tác nhân ấy. Thế hệ sau hầu như sẽ giống như cũ, nhưng các đột biến và giới tính sẽ tạo ra những biến cải vốn tích lũy qua nhiều thế hệ bất cứ khi nào chúng giúp ích cho sự sinh tồn.

Chúng ta sẽ không có những bản thiết kế cho các nhà khoa học. Thế hệ sau của họ sẽ không nghiên cứu cùng một lĩnh vực như họ (mặc dù con cháu họ hầu như sẽ trở thành các nhà khoa học). Song có những tương đồng với sự kế thừa di truyền. Các nhà khoa học dạy cho những nhà nghiên cứu trẻ trong các phòng thí nghiệm và phong cách, phương thức cũng như quan tâm nghiên cứu của họ vẫn được các học trò duy trì nhưng được định hình lại một cách tinh tế. Các chuyên san cũng tạo ra hậu thân giống hệt. Các tổ chức tài trợ bị giải thể, chia nhỏ, hay tái định hình, thường với nhiều người trong lực lượng nhân sự cũ vốn mang theo một nền văn hóa công ty cùng với họ. Thậm chí nếu không có những gen cho các định chế vốn có thể hướng dẫn cách chúng nên được xây dựng thế nào, thì những gì xuất hiện sau hầu như hoàn toàn được hình thành trong cái khuôn định chế cũ. Trọng điểm của một sự mô phỏng kiểu hình như vậy là bản chất bảo thủ của sự tổ chức nơi con người. Bất chấp việc thiếu vắng những bản thiết kế chính thức, chúng ta đều mang theo mình những ý tưởng về cách mà điều gì đó nên được thực hiện. Ta nhận thấy khó mà thoát khỏi những kinh nghiệm của mình. Điều này với các nhà khoa học còn khó gấp bội bởi thách thức chủ yếu của họ là phải phát triển những ý tưởng mới.

Khi nhắc lại về thực chất của khoa học, định nghĩa Frascati – mà tôi đã nói đến – tập trung nhấn mạnh vào công việc mang tính sáng tạo, có hệ thống, và mới mẻ đang làm gia tăng tri thức khoa học. Tổng số các nhà khoa học theo định nghĩa này vẫn đang không ngừng tăng lên và gấp đến ba lần trước khi bước sang thế kỷ kế tiếp nếu thế giới tiếp tục chú trọng vào việc giáo dục thế hệ trẻ. Tôi đã cho thấy rằng khoa học được thực hành bởi các nhà quy giản luận và các nhà kiến tạo (nhưng nhóm thứ nhì thì đông đúc hơn), những người có trọng tâm và mục đích khác nhau. Tôi cũng đã giới thiệu hàng ngũ lớn hơn gồm các cá nhân, các định chế, và những nhân tố đang tạo nên một thế giới khoa học đầy tương tác. Tôi đã trình bày một ẩn dụ hữu ích để nhìn vào cách vận hành của thế giới khoa học như là một hệ sinh thái với nhiều thành tố cạnh tranh với nhau, điều này sẽ sản sinh những khái niệm hữu ích về sau này. Giờ đây tôi bắt đầu khám phá của mình về hệ sinh thái ấy bằng cách trước tiên tìm hiểu những gì đã thúc đẩy các nhà khoa học và vì sao họ có thể mang lại lợi ích cho các xã hội của chúng ta.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jeremy J. Baumberg – Đời sống bí ẩn của khoa học – NXB TT 2022

Bình luận về bài viết này