“Thống nhất suy nghĩ và hành động”: Đại chiến lược và trật tự bá quyền – Phần I


Chúng ta là một quốc gia đặc biệt. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng một vấn đề là kinh tế, chính trị hoặc quân sự… Thật khó để chúng ta hiểu rằng chúng ta phải có khả năng thực hiện đồng thời các phương diện quân sự, chính trị và kinh tế”.

Henry Kissinger, 1958

Ba trăm năm trước, khi nhắc đến từ chiến lược, chúng ta sẽ gặp phải những ánh nhìn bối rối từ các chính khách trên khắp châu Âu và châu Mỹ bởi lý do đơn giản: nó không tồn tại. Thuật ngữ gần nghĩa nhất là từ strategia, một từ đã bị lãng quên, từng xuất hiện trong một bài văn Hy Lạp cổ đại, với nghĩa hẹp là “những biện pháp mà một vị tướng có thể sử dụng để bảo vệ vùng đất của mình và đánh bại kẻ thù”. Phải đến khi một người lính và là một học giả người Pháp biên dịch một luận thuyết quân sự cũ của Đế quốc Đông La Mã vào thế kỷ XVIII thì từ này mới xuất hiện trở lại và mang ý nghĩa rộng hơn ở các nước phương Tây. Hiện nay, chiến lượcđại chiến lược đã trở thành những khái niệm không thể thiếu khi nghiên cứu về chính trị thế giới, ngay cả khi định nghĩa về chúng vẫn còn khó nắm bắt.

Các khái niệm “đại chiến lược” và “trật tự quốc tế” nằm ở vị trí trung tâm trong mọi lập luận của cuốn sách này, đó là Trung Quốc đã sử dụng đại chiến lược để soán ngôi Mỹ trong trật tự quốc tế. Để đặt nền tảng cho lập luận này, chúng ta sẽ bước đầu tìm hiểu về cả hai khái niệm này trên ba phương diện. Thứ nhất, giải thích đại chiến lược là gì và cách thức xác định một đại chiến lược. Thứ hai, tìm hiểu trật tự quốc tế là gì và tại sao nó lại là trung tâm của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Cuối cùng, là câu hỏi các cường quốc đang trỗi dậy có thể sử dụng những đại chiến lược nào để định hình trật tự và những biến số nào có thể khiến các cường quốc này chuyển từ một chiến lược này sang một chiến lược khác.

Tìm hiểu về đại chiến lược

Đại chiến lược là gì? Giáo sư Hal Brands của Đại học Johns Hopkins lưu ý rằng, đây là “một trong những khái niệm khó nắm bắt và bị lạm dụng rộng rãi nhất trong hệ thống thuật ngữ về chính sách đối ngoại”. Hầu hết các định nghĩa về thuật ngữ này được chia thành hai nhóm lớn. Một là, nội hàm của đại chiến lược chỉ tập trung vào các biện pháp quân sự, vấn đề này còn nhiều tranh cãi vì đã biến “đại chiến lược” thành “chiến lược quân sự” và bỏ qua các công cụ kinh tế và chính trị. Hai là, định nghĩa đại chiến lược là việc sử dụng bất kỳ biện pháp nào để đạt được bất kỳ mục tiêu nào, nhưng cách diễn giải này lại khiến đại chiến lược không có sự khác biệt so với chiến lược.

Một cách diễn giải tốt hơn giúp “đại chiến lược” trở thành một khái niệm đặc biệt là thông qua lý thuyết an ninh tích hợp. An ninh được định nghĩa ở đây là “chủ quyền [ví dụ, tự do hoạt động hoặc tự chủ], an toàn, toàn vẹn lãnh thổ và vị thế quyền lực, trong đó yếu tố cuối là cần thiết đối với ba yếu tố trước đó”. Đại chiến lược là lý thuyết của một nhà nước về cách thức có thể đạt được những mục tiêu liên quan đến an ninh cho chính mình một cách có chủ ý, được phối hợp và thực hiện thông qua nhiều công cụ khác nhau của hoạt động quản lý nhà nước, như các công cụ quân sự, kinh tế và chính trị.

Cách diễn giải này cũng bắt nguồn từ quá trình phát triển lịch sử của khái niệm trong hai thế kỷ qua. Khi các nhà chiến lược và học giả theo dõi sự xuất hiện của nhà nước công nghiệp hiện đại và sự gia tăng các năng lực và công cụ của nhà nước này từ thời Napoléon cho đến thời đại của động cơ hơi nước và trong các cuộc chiến tổng lực của thế kỷ XX, họ cũng dần mở rộng quan điểm về các phương tiện để thực hiện đại chiến lược, từ quân sự đến các công cụ khác, ngay cả khi vẫn coi mục tiêu của đại chiến lược là dựa trên nền tảng an ninh, từ đó đưa ra một định nghĩa tương tự định nghĩa đã được trình bày ở đây.

Bằng cách nào đó chúng ta có thể tiên đoán đại chiến lược của Trung Quốc thông qua hành vi có vẻ như rời rạc của nước này? Theo những lưu ý đã chia sẻ, đây không phải là một thách thức hoàn toàn mới. Năm 1907, nhà ngoại giao người Anh Eyre Crowe đã viết một bản ghi nhớ dài và có tầm ảnh hưởng nhằm cố gắng giải thích hành vi trên diện rộng của một nước Đức đang trỗi dậy. Mặc dù bản ghi nhớ của Crowe vẫn gây tranh cãi cho đến ngày nay, nhưng nó đã cung cấp một nền tảng hữu ích để chúng ta có thể cải thiện công tác nghiên cứu về đại chiến lược thông qua cách tiếp cận chặt chẽ hơn dựa trên khoa học xã hội.

Crowe lập luận rằng, chiến lược của Đức có thể “được rút ra từ lịch sử của quốc gia này, từ những phát biểu và kế hoạch sẵn có của những nhà cầm quyền và chính khách Đức” và từ “những sự việc đã được xác định về hành vi của người Đức” – nghĩa là, thông qua văn bản và hành vi. Từ sự nhấn mạnh của Crowe vào hai yếu tố này, chúng ta có thể bổ sung thêm một yếu tố khác, đó là các thể chế an ninh quốc gia. Kết hợp các cách tiếp cận này lại với nhau, chúng ta cần tập trung vào ba yếu tố. Các quốc gia cần phải có một tập hợp:

(1) các nội hàm của đại chiến lược miêu tả cách thức các mục tiêu, phương thức và phương tiện của chiến lược được tích hợp đồng bộ;

(2) các năng lực của đại chiến lược tại các thể chế an ninh quốc gia nhằm điều phối các công cụ quản lý nhà nước đa dạng để theo đuổi lợi ích quốc gia hơn là lợi ích của các nước trong khu vực; và

(3) việc triển khai đại chiến lược về cơ bản nhất quán với nội hàm về chiến lược của một quốc gia.

Để xác định đại chiến lược, giải pháp thay thế cho các tiêu chí chặt chẽ này là áp dụng cách tiếp cận “ta sẽ biết khi ta thấy nó”. Đây là cách tiếp cận phổ biến nhưng kèm theo rủi ro dự đoán sai, do đó có thể trở nên nguy hiểm nếu ảnh hưởng đến chính sách. Để xác định liệu các tiêu chí trên có được đáp ứng hay không, cần tập trung vào ba yếu tố, xét về mặt khoa học – xã hội: các văn bản có ghi chép các nội hàm của đại chiến lược; các thể chế thể hiện năng lực của đại chiến lược; và hành vi cho thấy việc triển khai đại chiến lược.

Về văn bản, nền tảng cốt lõi ở đây tập trung vào các tài liệu đáng tin cậy bằng tiếng Trung của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua cơ sở dữ liệu gốc và đã được số hóa đầy đủ. Tác giả đã tìm kiếm và tập hợp các tài liệu trong ba năm qua từ các thư viện, hiệu sách ở Đài Loan, Hong Kong và Trung Quốc đại lục, cũng như các trang thương mại điện tử của Trung Quốc. Các văn bản này không chỉ cung cấp cái nhìn sâu sắc về nội hàm của đại chiến lược, mà còn đề cập các năng lực của đại chiến lược bằng cách nêu bật cách thức hoạt động của các thể chế, cũng như việc triển khai đại chiến lược bằng cách chỉ ra lý do tại sao một số quyết định cụ thể đã được thực hiện.

Điều này dẫn đến yếu tố quan trọng thứ hai. Bên các văn bản, tôi còn tập trung vào các thể chế an ninh quốc gia của Trung Quốc như một bằng chứng về năng lực của đại chiến lược của Trung Quốc. Một số cơ quan chủ chốt của Đảng có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại như Văn phòng Tổng Bí thư, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, các tiểu tổ lãnh đạo (nhiều người thường gọi là các Ủy ban Trung ương) và Quân ủy Trung ương hầu như không trực tiếp công bố các văn bản và rất khó để nghiên cứu các quyết định của họ do tính bảo mật xung quanh hoạt động của các cơ quan này. Đôi khi các văn bản khác nhau cảu Đảng như hồi ký, tuyển tập, bản tóm tắt và tin báo chí có thể cung cấp một vài hiểu biết quan trọng về các phát biểu, quyết định, phiên thảo luận và tranh luận quan trọng tại các cơ quan này. Và những văn bản này cũng cung cấp cái nhìn sâu sắc về đại chiến lược của Trung Quốc.

Cuối cùng, yếu tố thứ ba là xem xét hành vi. Crowe cho rằng, các cường quốc thực hiện một loạt các hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Không phải lúc nào cũng dễ dàng phân tách giữa tín hiệu và nhiễu âm, cũng như xác định đâu là động cơ chiến lược. Trước thách thức này, phương pháp tiếp cận khoa học – xã hội có thể hữu ích. Các học giả có thể xem xét hành vi quân sự, kinh tế và chính trị; xác định xem hành vi khó hiểu trong mỗi lĩnh vực liệu có được giải thích một cách tốt nhất thông qua logic của đại chiến lược hay không; tìm kiếm sự chuyển dịch một cách đồng bộ giữa các lĩnh vực chính sách như một bằng chứng cho sự phối hợp; và tham khảo các văn bản của Đảng để hiểu tại sao Trung Quốc lại hành động theo cách mà họ đã làm. Những nỗ lực này đã làm sáng tỏ cách thức triển khai đại chiến lược của Trung Quốc.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Rush Doshi – Cuộc chiến dài hơi, đại chiến lược của Trung Quốc nhằm thay đổi trật tự của Mỹ – NXB CTQGST 2022

Bình luận về bài viết này