Định hướng châu Phi trong chính sách đối ngoại của Nga – Phần II


Đồng thời, một làn sóng bất ổn quét qua Tây Phi vào năm 2022. Tại Burkina Faso vào tháng 9, quân đội do Paul-Henri Damiba đứng đầu bị lật đổ. Hồi tháng 01, chính họ lên nắm quyền trong cuộc đảo chính (khi đó họ đã lật đổ Tổng thống R. Kabore – người cai trị đất nước trong 6 năm). Một nhóm sỹ quan cấp dưới lên nắm quyền, đứng đầu là Đại úy Ibrahim Traore, 34 tyổi, đã vô hiệu hóa hiến pháp. Tại Mali, vào tháng 5, có thông báo rằng một âm mưu đảo chính đã thất bại. Nếu thành công thì đây sẽ là lần đảo chính thứ 4 ở đất nước này trong 10 năm qua, và Tổng thống chuyển tiếp của Mali Assimi Goita, tích cực tham gia vào 2 năm vừa qua (2020 và 2021). Âm mưu đảo chính cũng diễn ra ở Guinea-Bissau (vào tháng 2) và Gambia (vào tháng 12). Tại Sierra Leone, trong bối cảnh các cuộc biểu tình rầm rộ do tình hình kinh tế khó khăn gây ra, Tổng thống J. Biot gần như sắp phải từ chức.

Trên truyền thông có quan điểm rất phổ biến rằng tất cả những sự kiện này đều có lợi cho Nga (ít nhất, nhiều nhà bình luận phương Tây chắc chắn về điều này). Một phần, tất cả điều này đã được xác nhận trong thực tế: chẳng hạn, trong bối cảnh tâm lý chống Pháp gia tăng, Thủ tướng Burkina Faso A. De Tambela hy vọng tăng cường quan hệ đối tác giữa hai quốc gia bằng cách mở một cơ quan ngoại giao của Nga tại nước này. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là một thế hệ khác, trẻ hơn hiện đang nắm quyền ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, vì vậy những lập luận truyền thống của Nga, phần lớn dựa trên di sản từ thời Liên Xô, có thể cần phải được điều chỉnh. Tuy nhiên, tại thời điểm này, logic về sự giúp đỡ nhận được từ Liên Xô trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân đã được chuyển hoàn hảo thành mong đợi giúp đỡ từ Nga trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân mới. Câu hỏi duy nhất là việc xây dựng các mối quan hệ lâu dài chỉ dựa trên cơ sở này sẽ thực dụng đến mức nào.

Trước cuộc bầu cử tổng thống, tình hình đang nóng lên ở Nigeria. Như trường hợp của Nam Phi, nhiều thách thức hiện nay của nước này được tiếp diễn từ năm 2022. Theo đó, vào tháng 11/2022, Cục Thống kê Quốc gia Nigeria buộc phải thừa nhận nước này đang có tỷ lệ lạm phát chưa từng có (trên 21%), đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều người rơi xuống mức nghèo khổ – con số hiện nay là 63% tương đương khoảng 133 triệu người. Tình hình trở nên trầm trọng hơn do mưa lớn và lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng đến ít nhất 1,5 triệu người. Ở phía Tây Bắc của nước này, hoạt động của các nhóm khủng bố đang gia tăng, và chính quyền trung ương vẫn chưa thể đối phó. Tất nhiên, những sự kiện này ảnh hưởng tới việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống, đi kèm với đó còn là sự chia rẽ trong đảng Đại hội Toàn dân Tiến bộ (APC) cầm quyền và sự rời xa của giới trẻ đối với giới tinh hoa cầm quyền. Bằng cách này hay cách khác, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở St-Petersburg, Nigeria không còn được đại diện bởi Muhammadu Buhari như ở Sochi vào năm 2019, vì ông không thể tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, theo hiến pháp nước này.

Các nước khác của lục địa này có xu hướng đáng lo ngại của riêng họ. Theo đó, thỏa thuận được ký kết ở Pretoria về việc chấm dứt chiến sự ở phía Bắc Ethiopia (bang Tigary) là bước quan trọng hướng tới sự ổn định trong tiểu vùng, nhưng điều này không xóa bỏ được các câu hỏi về tốc độ và chất lượng của việc triển khai thực tế, cũng như vấn đề ly khai ở Ethiopia, bao gồm cả hoạt động rất tích cực của Mặt trận Giải phóng Oromo. Mặc dù thỏa thuận về việc chấm dứt chiến sự với chính quyền trung ương và xóa nhãn “khủng bố” đã được ký kết từ năm 2018, nhưng vào ngày 23/01/2023, tức là ngày Ngoại trưởng Sergey Lavrov đến thăm Nam Phi, Mặt trận đã công bố bản tuyên ngôn với các yêu cầu đối với chính quyền chính thức của Addis Ababa. Tài liệu đề cập đến việc chấm dứt đàn áp các nhà lãnh đạo và những người ủng hộ Mặt trận, chấm dứt tiến hành các hoạt động quân sự ở đất nước, trao vị thế chính thức cho ngôn ngữ Oromo, cũng như đưa thủ đô Addis Ababa hòa nhập vào thành phần của đất nước. Sau 2 ngày, ngày 25/01, các cuộc đụng độ vũ trang gia tăng giữa các đại diện của Amhara và Oromo đã diễn ra.

Nhiều vấn đề cũng đang gia tăng ở Trung Phi. Do các cuộc giao tranh liên tục giữa chính phủ quốc gia Cộng hòa Dân chủ Congo và thành viên phong trào 23/3 (M23) ở tỉnh Bắc Kivu, quan hệ giữa Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda đã xấu đi đáng kể, bằng chứng là không chỉ bởi những lời buộc tội lẫn nhau của các bên, mà còn bởi sự cố gần đây với vụ bắn hạ máy bay Su-25 của Congo khi xâm phạm không phận của Rwanda. Diễn biến các sự kiện theo hướng tiêu cực không chỉ khiến dân thường buộc phải xin tỵ nạn ở các nước láng giềng, mà còn tới toàn bộ Cộng đồng Đông Phi. Cho tới nay, chưa có cuộc trao đổi thành công nào cho những xung đột này: hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda tại Qatar, dự kiến diễn ra vào ngày 23/01 (một lần nữa, ngày bắt đầu chuyến công du châu Phi của Ngoại trưởng Sergey Lavrov), đã không diễn ra. Có lẽ việc để Paul Kagame và Felix Tshisekedi tham gia cùng một sự kiện sẽ là một trong những thách thức đối với nền ngoại giao của Nga trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng định sắp tới, do mức độ xa lánh hiện tại trong quan hệ giữa Congo và Rwanda.

Cuối cùng, không thể không ghi nhận một mức độ áp lực đáng kể từ bên ngoài đang được tất cả các bên tạo ra đối với các nước châu Phi bên trong một bức tường của Liên hợp quốc. Với việc Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một số nghị quyết lên án Nga. Nếu trước đây, hầu hết các nước châu Phi cố gắng tranh thể hiện quan điểm của họ đối với loại nghị quyết này, thì giờ đây, nhiều nước trong số họ không thể giữ quan điểm trung lập.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 08/05/2023

Bình luận về bài viết này