Kỹ thuật thông tin và chiến tranh hiện đại – Phần cuối


Ngày đầu thành lập nước Trung Hoa mới, Lục quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc lúc đầu thực hiện phương thức vận chuyển bằng lừa, ngựa, sau đó là xe máy, Quân giải phóng nhân dân lúc đó có 12 sư đoàn kỵ binh, nhưng quá trình vận chuyển của bộ đội tác chiến quan trọng vẫn dựa vào đi bộ, sĩ quy chỉ huy cấp tiểu đoàn trở lên mới có ngựa, trang thiết bị hạng nặng vận chuyển chủ yếu dựa vào gia súc và một phần xe thu được. Trong cuộc chiến đấu kháng Mỹ viện Triều, Lục quân Trung Quốc có thêm một bước tiến lớn từ ngựa, lừa đến xe máy, việc hành quân của bộ đội chủ lực lúc đó có thể đi bằng xe tải; các trang thiết bị vũ khí hạng nặng như pháo được kéo bởi các xe tải, cung cấp hậu cần cũng do ô tô đảm bảo. Lục quân ngoài bộ binh ra còn có các binh chủng tác chiến như: binh chủng tăng thiết giáp, binh chủng pháo binh, binh chủng pháo cao xạ; các binh chủng đảm bảo gồm có binh chủng công binh, binh chủng đường sắt. Những binh chủng này về cơ bản được trang bị bán cơ giới hóa hoặc mô tô hóa. Lục quân hiện nay được tạo thành bởi các binh chủng chuyên nghiệp như bộ binh, thiết giáp, pháo binh, phòn gkhông, hàng không lục quân, công trình, phòng hóa, thông tin điện tử cũng như bộ đội kháng điện tử, bộ đội trinh sát và bộ đội trắc địa bản đồ.

Theo cuốn sách trắng “Quốc phòng Trung Quốc năm 2002” do Văn phòng thông tin Quốc vụ viện công bố thì Hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thành lập ngày 23 tháng 4 năm 1949. Ngày mới thành lập, trang bị chủ yếu của hải quân chủ yếu dựa vào trang bị của lực lượng khởi nghĩa của Quốc dân đảng và trang thiết bị thu được. Sau mấy chục năm phấn đấu, lực lượng hải quân từng bước ổn định và phát triển đi lên. Hải quân hiện nay chủ yếu do các binh chủng như bộ đội tàu ngầm, bộ đội tàu chiến, bộ đội hàng không hải quân, bộ đội bảo vệ bờ biển, bộ đội thủy quân lục chiến cùng với bộ đội chuyên nghiệp tạo thành.

Không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thành lập ngày 11 tháng 11 năm 1949, nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức phòng không trên lãnh thổ quốc gia, bảo vệ vùng trời quốc gia và an ninh trên không của các mục tiêu quan trọng. Trong chiến đấu kháng Mỹ viện Triều, Không quân Trung Quốc đã trải qua nhiều khó khăn thử thách, nhanh chóng phát triển lớn mạnh, từ bộ đội non trẻ trở thành lực lượng lớn mạnh để bảo vệ an ninh bầu trời tổ quốc. Không quân Trung Quốc thực hiện thể chế hợp nhất giữa tác chiến trên không và phòng không mặt đất. Phòng không được tạo thành bởi bộ đội hàng không, bộ đội tên lửa đất đối không, bộ đội pháo cao xạ, bộ đội đổ bộ đường không cùng với các đơn vị chuyên nghiệp như: thông tin, radar, đối kháng điện tử, phòng hóa, trinh sát kỹ thuật… Bộ đội hàng không được tạo thành bởi: bộ đội tiêm kích, cường kích, oanh tạc, trinh sát, vận chuyển hàng không cùng với bộ phận bảo đảm kèm theo.

Binh chủng pháo binh số 2 Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc được thành lập ngày 1 tháng 7 năm 1966, đã có khả năng phản kích hạt nhân với quy mô nhất định và khả năng tiến công chính xác tầm xa.

Lực lượng dự bị động viên Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc được thành lập vào năm 1983, lấy bộ đội tại ngũ làm nòng cốt, quân dự bị làm cơ sở, theo biên chế và thể chế quy định. Khi động viên thời chiến, họ được đưa về các đơn vị hiện đang phục vụ theo chỉ định hoặc thực hiện nhiệm vụ tác chiến độc lập.

Tháng 2 năm 1969, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc bắt đầu xây dựng sư đoàn bộ binh mô tô hóa và quân đoàn bộ binh mô tô hóa. Bộ binh dùng xe cơ giới thay cho đi bộ, toàn bộ trang thiết bị đều được kéo hoặc vận chuyển bằng xe.

Năm 1985, sau khi cắt giảm một triệu quân, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã đi trên con đường vững mạnh, toàn bộ lục quân thực hiện mô tô hóa; Hải quân thực hiện công tác hoạch định, nghiên cứu chế tạo của bộ đội hiện đại hóa; không quân thực hiện công tác cải tiến máy bay chiến đấu thế hệ thứ hai; pháo binh số 2 tăng cường khả năng tác chiến chiến lược. Trong khi đó, kỵ binh từng được xem là từ một binh chủng lịch sử đã biến mất trong hàng ngũ quân đội Trung Quốc mà chỉ giữ lại một bộ phận nhỏ bộ đội kỵ binh làm tượng trưng, chịu trách nhiệm tuần tra biên phòng và phục vụ quay phim chụp ảnh; bộ đội đổ đường không mang tính cơ động và bộ đội thủy quân lục chiến đã được tăng cường.

Lục quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc xây dựng sư đoàn cơ giới hóa bắt đầu từ tháng 12 năm 1983. Tháng 4 năm 1984, bắt đầu xây dựng tập đoàn quân cơ giới hóa. Từ đó việc thực hiện cơ giới hóa toàn diện đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của lục quân, bộ đội hải quân lục chiến và bộ đội đổ bộ hàng không. Đặc điểm trang thiết bị của bộ đội cơ giới hóa bao gồm lực lượng đột kích cơ động, lấy xe tăng, pháo tự hành, vũ khí phòng không tự hành và xe thiết giáp là chính và lực lượng chi viện hỏa lực khác. Dựa vào kiểu bánh cảu xe thiết giáp có thể phân chia thành: xe thiết giáp dạng xích và xe thiết giáp dạng bánh. Các loại xe này vừa có hệ thống hỏa lực, vừa có khả năng phòng thủ thiết giáp rất mạnh. Bộ đội bộ binh có thể ngồi xe thiết giáp vậntải và xe chiến đấu bộ binh, bộ đội công trình và bộ đội hậu cần cũng thực hiện các hoạt động tác nghiệp công trình và hậu cần dựa vào cơ giới và các loại xe. Hiện nay, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã xây dựng tập đoàn quân cơ giới và sư đoàn quân cơ giới, toàn bộ bộ đội mặt đất đã đạt đến trình độ bán cơ giới hóa.

Trong khi bộ đội mặt đất Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc bước đến cơ giới hóa toàn diện, hải quân đang nghiên cứu thế hệ tàu chiến mới, không quân nghiên cứu thế hệ máy bay chiến đấu thứ ba, thì quân đội các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Nhật và Israel đã bắt đầu từng bước thực hiện thông tin hóa. Tiêu chí rõ ràng trong giai đoạn đầu thông tin hóa của quân đội Mỹ là xây dựng bộ đội số hóa trong lục quân, thực hiện tác chiến trung tâm mạng ở hải quân, thực hiện thông tin hóa trinh sát, cảnh giới, chỉ huy, dẫn đường trong không quân. Trong khi đó hải, lục, không quân thực hiện tác chiến liên hợp dưới sự chi viện của kỹ thuật thông tin. Bộ đội số hóa của lục quân Mỹ là chỉ quân đội lấy máy tính làm trung tâm, lấy kỹ thuật số hóa làm cơ sở, từ binh lính đến chỉ huy các cấp, từ các mũi chiến đấu, chi viện chiến đấu đến hệ thống hậu cần chiến đấu đều có khả năng thu thập, truyền tải và xử lý thông tin chiến trường. Nó có thể thu thập nhanh nhất thông tin chiến trường, kết hợp tốt nhất giữa con người và vũ khí, đạt được hiệu quả chỉ huy tốt nhất từ các sĩ quan chỉ huy đến người lính.

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong khi chưa thực hiện cơ giới hóa, đã bắt đầu triển khai thông tin hóa, tuy còn lạc hậu so với các nước phát triển trên thế giới, nhưng theo kịp và phát triển thông tin hóa chính là thời cơ quan trọng thúc đẩy toàn diện xây dựng hiện đại hóa, là thời cơ thuận lợi để rút ngắn toàn diện khoảng cách với quân đội các nước phát triển về mặt lý luận, trang bị, kỹ thuật, biên chế, tập huấn. Năm 1997, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm con đường xây dựng bộ đội số hóa lục quân. Hải quân, không quân và bộ đội pháo binh số 2 Trung Quốc cũng đẩy nhanh các bước xây dựng thông tin hóa. Hệ thống chỉ huy các cấp đã ra đời từ những ứng dụng thông tin, kiểm soát chỉ huy trong huấn luyện tác chiến, đã chuyển từ phương thức tác nghiệp thủ công sang phương thức tác nghiệp lấy máy tính và hệ thống mạng thông tin làm chủ. Diễn tập tác chiến mô phỏng bằng máy tính, diễn tập sa bàn điện tử đã được ứng dụng rộng rãi. Khả năng luyện tập và tác chiến của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không ngừng tăng lên. Máy tính cá nhân, hệ thống chỉ huy cấp trung đội, tiểu đoàn, hệ thống kiểm soát chỉ huy chiến thuật, hệ thống kiểm soát chỉ huy vùng chiến lần lượt được đưa vào sử dụng. Hệ thống chỉ huy tự động hóa đã được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống xe thiết giáp, pháo tự hành, tàu ngầm và tàu chiến, máy bay chiến đấu, bệ phóng tên lửa, radar, máy bay gây nhiễu điện tử. Sự nhất thể hóa các trang thiết bị kỹ thuật cao như điểm tập hợp quang điện của hệ thống thông tin cá nhân và trạm điện đài số hóa đã nâng cao rõ rệt khả năng trinh sát, tiến công, phòng thủ, hiệp đồng, chỉ huy cho bộ binh, đồng thời đặt cơ sở kỹ thuật tốt cho việc xây dựng thông tin hóa quân đội.

Từ những năm 90 của thế kỷ 20, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu được trang bị máy tính, đồng thời còn không ngừng đổi mới thế hệ. Cho đến nay, máy tính được cấp phát xuống tận đơn vị cơ sở, xây dựng mạng lưới trong toàn quân. Có thể dự đoán được rằng, việc hoàn thành hai nhiệm vụ song song là cơ giới hóa và thông tin hóa đã đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Vương Kiến Hoa – Kỹ thuật thông tin và chiến tranh hiện đại – NXB QĐND 2013

Bình luận về bài viết này