Thúc đẩy khoa học – Phần I


Trọng điểm của khoa học là gì?

Những động cơ cho việc thực hành khoa học biến thiên với mỗi nhà khoa học, tùy theo hoàn cảnh của họ bên trong hệ sinh thái khoa học. Chúng ta sẽ thấy rõ trong bài này rằng ban đầu khoa học được theo đuổi đến mức nào mà không cần đến bất kỳ mục đích xã hội nào cả. Sự hiếu kỳ là động cơ thúc đẩy thường gặp nhất, và từ đó xuất hiện một tính hiệu dụng vốn đem lại những công nghệ mới cho phép khoa học được thực hành rộng rãi hơn trong một phạm vi gắn kết toàn bộ cảnh quan khoa học.

Trong bài này tôi bắt đầu bằng khảo sát xem những vai trò của các nhà khoa học – các nhà quy giản luận và các nhà kiến tạo – biến thiên như thế nào qua mỗi quốc gia. Sau đó, nhằm đặt cơ sở cho một thảo luận về cách mà tính hiếu kỳ thúc đẩy việc nghiên cứu, tôi sẽ phân tích một trong những tưởng thưởng lớn của khoa học, Giải Nobel, nhằm hiểu rõ về động cơ và tính hiệu dụng.

Có nhiều nhà quy giản luận hơn hay nhiều nhà kiến tạo hơn

Các nhà quy giản luận muốn hiểu hệ thống khoa học tự nhiên của thế giới. Các nhà kiến tạo muốn sử dụng những thấu thị của mình nhằm tổng hợp các lĩnh vực khoa học mới. Để có một viễn cảnh về hệ sinh thái khoa học, ta nên biết khoa học nào nhận được sự ủng hộ. Trong khi thế giới bên ngoài khoa học luôn giả định rằng hầu hết các nhà khoa học đều tuân theo mẫu hình cố định của một nhà quy giản luận, trong thực tế có phải có nhiều nhà kiến tạo hơn hay không? Việc đo đếm chính xác đơn giản là không thể làm được, một phần bởi vì cá nhân mỗi nhà khoa học trong từng thời điểm khác nhau đều được thúc đẩy bởi những câu hỏi khác nhau, giữ các vai trò khác nhau ở từng giai đoạn. Thậm chí bên trong một dự án nghiên cứu, việc thấu hiểu có thể nhanh chóng nhường chỗ cho việc khai thác nó. Một hành trình ngược lại cũng thường xuyên diễn ra, trong đó một lĩnh vực khoa học được kiến tạo với các đặc tính phong phú và mới mẻ sẽ trở thành tiêu điểm lớn cho các nhà quy giản luận vốn đang nỗ lực thấu hiểu nó một cách sâu sắc hơn.

Đôi khi các nhà khoa học có thể nhìn vào bảng tóm tắt của một dự án nghiên cứu và nhanh chóng quyết định về vai trò mà nó có thể phù hợp, nhưng đó là một nhiệm vụ không dễ thực hiện. Như một thiết bị đo đạc thô sơ nhất, chúng ta có thể giả định các nhà khoa học trong công nghiệp phần lớn là các nhà kiến tạo, và họ cố gắng sáng tạo điều gì đó mới mẻ. Số lượng các nhà khoa học làm việc trong công nghiệp thay đổi từ 80% tại Mỹ, đến 35% tại Tây Ban Nha hay Vương quốc Anh (Hình 3.1) và khoảng 61% trung bình trên toàn thế giới. Có vẻ như hơn một nửa các nhà khoa học là những nhà kiến tạo.

Hình 3.1: Tỷ lệ các nhà khoa học vốn là viện sĩ hàn lâm (đoạn dưới của các cột) hoặc các nhà công nghiệp (đoạn trên) ở vài nước vào năm 1990 và 2010.

Để hiểu hơn một nửa là bao nhiêu, ta cần nắm bắt sự phân chia giữa các nhà quy giản luận và nhà kiến tạo trong các trường đại học, song chẳng có một phương thức dễ dàng nào để ước lượng điều này. Ta có thể nhìn vào con số các nhà nghiên cứu hàn lâm trong mỗi loại phân khoa và cố gắng quy cho từng khoa vai trò này hay vai trò khác. Hoặc có có thể chọn ra từng nhà khoa học và tìm kiếm các chuyên san nghiên cứu mà họ đã công bố để xác định loại khoa học mà họ thực hiện (hoặc thậm chí phần nào đó trong công việc của họ tuân theo các nguyên lý của nhà quy giản luận). Tuy nhiên, như sẽ thấy, nhiều chuyên san công bố cả hai loại khoa học đồng thời bên cạnh nhau trong những báo cáo ngắn được gọi là “các bài viết”, vì thế ta phải tìm cách nhìn sâu vào mỗi loại hình và xác định câu hỏi nào thúc đẩy công trình: nhằm làm rõ cái nào là việc khám phá tự nhiên và cái nào nhằm mục đích vạch ra những sáng tạo mới.

Tiêu chuẩn Nobel

Một cách tiếp cận hữu dụng là lấy mẫu một tiểu tập hợp trên phần lớn khoa học vốn đủ nhỏ để được đánh giá một cách chi tiết. Ở đây, tôi chọn cách đánh giá xem liệu một phân tích về các Giải Nobel Vật lý, Hóa học, Y học và Sinh lý học trong 60 năm qua đã cho ta biết gì về diện mạo đang biến đổi của khoa học. Với phần còn lại của các phân tích trong sách này, bạn có thể tự mình kiểm tra dữ liệu trên trang thesciencemonster.com. Bất chấp trở ngại là chúng chỉ công nhận một vài cá nhân trong một công cuộc tập thể, nhưng các giải Nobel nêu bật những khoảnh khắc trong một câu chuyện kể liên tục và nah65n diện phần thưởng từ sự đầu tư kiên trì (Hình 3.2).

Hình 3.2: Hàng năm, giải Nobel chọn ra tối đa là ba nhà khoa học được xem là có đóng góp trong sự phát triển then chốt trong y học/sinh lý học (hình nhỏ bên phải, ở trên), vật lý học, hay hóa học (hình nhỏ bên phải, ở dưới).

Trước tiên, thú thật tôi không phải là một người hâm mộ các Giải Nobel cũng như không xem nó là một ảnh hưởng có tính thúc đẩy các nhà khoa học, bởi vì sự tuyên dương này phụ thuộc vào việc chọn lựa ai  là nhà khoa học “mang lại lợi ích nhiều nhất cho toàn nhân loại” trong một phân ngành. Nó thường đòi hỏi những nỗ lực phân biệt rõ giữa một người chỉ khao khát khám phá và các nhà khoa học còn lại trong cùng một tiểu lĩnh vực. Với cái nhìn của tôi, điều quan trọng hơn đó là dự án khoa học luôn mang tính tập thể và có sự kết nối, và ngay cả một người lãnh đạo tinh anh nhất cũng phải dựa vào rất nhiều sự phát triển đi trước hoặc nỗ lực của những người khác. Một vài phương diện tích cực của khoa học không có ba khuôn mặt có thể tách biệt hoàn toàn, những người được xem là đã khởi xướng khoa học và có thể mang lại giải Nobel cho phân ngành của họ (tối đa ba người cho một giải thưởng khoa học). Vì thế, trong thế giới khoa học tôi cho rằng các giải Nobel chỉ làm nổi bật cá nhân mà bỏ quên tập thể, làm nổi bật những khoảnh khắc của một câu chuyện liên tục, cũng như đề cao những tự sự đơn giản mà bỏ qua thực tại phức tạp.

Ngược lại, một trong những lợi lớn mà các giải Nobel mang lại là chúng làm cho mọi người thấy một vài lĩnh vực thật sự thú vị của khoa học và phần thưởng chỉ dành cho sự đầu tư bền bỉ qua nhiều năm – trung bình, các giải Nobel được trao cho một tìm kiếm đột phá sau 20 năm khi cộng đồng đã không còn cảm thấy kinh ngạc, và thực sự nhận ra liệu nó có hữu ích và quan tâm đến nó (hoặc không). Sự quyến rũ với các cá nhân và tự sự cần thiết để gây tiếng vang cho mỗi câu chuyện khoa học được nâng cao hơn bằng sự sùng bái những nhân vật đầu ngành, kẻ thắng giải vẻ vang vốn vượt qua mọi ứng viên triển vọng. Sự phô diễn như vậy có thể nâng cao mối nối kết sâu sắc giữa sự ủng hộ trước đó của xã hội dành cho việc nghiên cứu và những gì xuất hiện trong dài hạn. Nên các giải Nobel là một lợi ích của hệ sinh thái mà chúng ta có thể sẽ nghèo nàn hơn nếu không có nó.

Lợi ích của việc phân tích toàn bộ sắc thái của các giải Nobel là nó tập hợp một loạt những tìm kiếm nghiên cứu quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong một độ dài thời gian xuyên suốt. Do đó, tôi sẽ đào xới các giải Nobel Vật lý, Hóa học, và Sinh lý học/Y học trong 60 năm vừa qua để xem chúng nói gì về những động cơ thúc đẩy các nhà khoa học. Bạn có thể thông cảm rằng việc đọc hàng trăm bài tóm tắt về đột phá khoa học trong nhiều lĩnh vực hoàn toàn nằm bên ngoài chuyên môn của tôi thì quả là một thách thức không dễ đối phó, nên bạn có thể giả định rằng cần có một sự nông cạn bắt buộc nào đó để tiêu hóa những kết quả của tôi. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể, một cách đáng ngạc nhiên, quy những động cơ cho các dự án nghiên cứu ban đầu, dù chúng nhằm khám phá chân lý khoa học về điều gì đó trong giới tự nhiên, hay sáng tạo điều gì chưa bao giờ được phát hiện trước đó trong vũ trụ. Chỉ một vài dự án là có những yếu tố của cả hai hướng trên (hoặc có sự ấn định không rõ ràng), vì thế tôi xem những thống kê này là vững chắc. Trong một năm nếu có nhiều giải thưởng trao cho nhiều lĩnh vực khác nhau, tôi sẽ xem xét riêng biệt từng giải (do đó tôi đếm được hơn 60 giải thưởng ở từng lĩnh vực trong các thống kê này). Tôi quyết định chỉ xét các giải thưởng sau năm 1952, xoay quanh điểm bứt phá cho khoa học thời hiện đại, và so sánh 30 năm đầu sau thời điểm ấy với 30 năm gần đây nhất (vốn cho phép sai số thống kê khoảng 3%).

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jeremy J. Baumberg – Đời sống bí ẩn của khoa học – NXB TT 2022

Bình luận về bài viết này