Bài học từ ASEAN trong cạnh tranh nước lớn – Phần I


Trong thời đại hiện nay, cạnh tranh địa chính trị được xác định là cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi căng thẳng về thương mại, Đài Loan và nhiều vấn đề khác gia tăng, mối quan ngại của nhiều nước về một tương lai được xác định bởi cạnh tranh nước lớn cũng sẽ tăng lên. Đây là điều dễ hiểu. Thế nhưng, một khu vực đã và đang vạch ra con đường vượt qua kỷ nguyên lưỡng cực này để tiến tới hòa bình và thịnh vượng. Nằm ở trung tâm địa lý của cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, Đông Nam Á khôgn chỉ duy trì được quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và Mỹ bằng chính sách ngoại giao cân bằng một cách thận trọng – duy trì lòng tin và sự tin cậy của cả hai cường quốc – mà còn cho phép Trung Quốc và Mỹ đóng góp bằng chính sách ngoại giao cân bằng một cách thận trọng – duy trì lòng tin và sự tin cậy của cả hai cường quốc – mà còn cho phép Trung Quốc và Mỹ đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng và phát triển của khu vực.

Đây là thành tựu không nhỏ. Ba thập kỷ trước, nhiều nhà phân tích cho rằng châu Á sẽ bị cuốn vào xung đột. Như nhà khoa học chính trị Aaron Friedberg đã viết vào năm 1993, nhiều khả năng châu Á sẽ trở thành chiến trường của cuộc xung đột nước lớn chứ không phải châu Âu. Về lâu dài, ông dự đoán: “Quá khứ của châu Âu có thể là tương lai của châu Á”. Tuy nhiên, mặc dù sự nghi ngờ và cạnh tranh vẫn tồn tại, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng như giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng châu Á đang trong thập kỷ thứ 5 của thời kỳ tương đối hòa bình, trong khi châu Âu một lần nữa rơi vào chiến tranh. (Cuộc xung đột lớn gần đây nhất ở châu Á, chiến tranh Trung – Việt, kết thúc vào năm 1979). Đã có những cuộc xung đột nội bộ kéo dài ở Đông Nam Á – đặc biệt là ở Myanmar – nhưng khu vực này nhìn chung vẫn yên bình, tránh được xung đột giữa các nước cho dù có sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo.

Đông Nam Á cũng đang phát triển thịnh vượng. Trong khi mức sống của người dân ở Mỹ và châu Âu giảm sút trong 2 thập kỷ qua, các nước Đông Nam Á lại đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế – xã hội. Trong giai đoạn 2010 – 2020, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm 10 quốc gia với tổng GDP năm 2020 đạt 3000 tỷ USD, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều hơn so với Liên minh chau Âu (EU), với tổng GDP đạt 15.000 tỷ USD.

Giai đoạn phát triển và hòa hợp đặc biệt này ở châu Á không phải sự ngẫu nhiên trong lịch sử. Điều này có được phần lớn là nhờ ASEAN, liên minh chính trị-kinh tế tuy còn nhiều khiếm khuyết nhưng đã giúp hình thành một trật tự hợp tác khu vực dựa trên văn hóa thực dụng và thỏa hiệp. Trật tự đó đã xoa dịu chia rẽ chính trị sâu sắc trong khu vực và khiến hầu hết các nước Đông Nam Á tập trung vào tăng trưởng và phát triển kinh tế. Điều nghịch lý l2 điểm mạnh nhất của ASEAN lại chính là điểm yếu tương đối của khối, sự không đồng nhất, đảm bảo không một cường quốc nào coi khối này là mối đe dọa. Nhà ngoại giao Singapore Tommy Koh nhận định: “Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ không thể đảm nhận vai trò lèo lái khu vực bởi họ không có chương trình nghị sự chung. ASEAN lèo lái được chính là vì 3 cường quốc không thống nhất được với nhau. Và chúng ta có thể tiếp tục làm vậy chừng nào các cường quốc vẫn thấy chúng ta giữ lập trường trung lập và độc lập”.

Cách tiếp cận đa sắc thái và thực dụng của ASEAN trong quản lý cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quố và Mỹ ngày càng được xem là hình mẫu cho phần còn lại của thế giới đang phát triển. Phần lớn dân số thế giới sống ở Nam Bán cầu, nơi chính phủ của hầu hết các nước chủ yếu chỉ quan tâm  đến phát triển kiinh tế và không muốn đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington. Trung Quốc đã thâm nhập châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông. Nếu muốn duy trì và tăng cường quan hệ với các quốc gia trong khu vực này, thì Mỹ nên học hỏi từ câu chuyện thành công của ASEAN. Cách tiếp cận thực dụng, “cùng thắng”, bỏ qua những khác biệt chính trị trong quá khứ và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên sẽ được đón nhận nồng nhiệt ở Nam bán cầu hơn là cách tiếp cận “được mất ngang nhau” nhằm mục đích chia thế giới thành các phe đối lập.

Hòa bình và chủ nghĩa thực dụng

ASEAN không phải lúc nào cũng được xem là công bằng. Được thành lập với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ vào năm 1967, ASEAN ban đầu bị Trung Quốc và Liên Xô cho là do Mỹ tạo ra theo chủ nghĩa đế quốc kiểu mới. Nhưng trong những thập kỷ gần đây, khi mở cửa nền kinh tế lớn của mình, Trung Quốc lại nhiệt tình đón nhận tổ chức khu vực này. ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc vào năm 2002, dẫn đến mở rộng thương mại một cách đáng kể. Năm 2000, giá trị thương mại của ASEAN với Trung Quốc chỉ đạt 29 tỷ USD – gần bằng 1/5 giá trị thương mại của khối với Mỹ. Nhưng đến năm 2021, giá trị thương mại của ASEAN với Trung Quốc tăng vọt lên 669 tỷ USD, trong khi giá trị thương mại của khối với Mỹ tăng lên 364 tỷ USD.

Thương mại với Trung Quốc và Mỹ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ASEAN một cách đáng chú ý. Năm 2020, tổng GDP của ASEAN chỉ đạt 620 tỷ USD, bằng 1/8 GDP của Nhật Bản. Năm 2021, GDP của khối đạt 3000 tỷ USD, so với 5000 tỷ USD của Nhật Bản. Các dự báo cho thấy đến năm 2030, nền kinh tế ASEAN sẽ có quy mô lớn hơn nền kinh tế Nhật Bản. Rõ ràng, việc thắt chặt quan hệ kinh tế giữa 680 triệu người sinh sống tại các nước ASEAN và 1,4 tỷ người ở Trung Quốc mang lại lợi ích đáng kể cho ASEAN. Và mối quan hệ cùng có lợi này chỉ mới bắt đầu. HIệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – hiệp định thương mại tự do giữa Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và các thành viên ASEAN – có hiệu lực từ tháng 1/2022 và có khả năng thúc đẩy những bước tiến lớn về tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới.

Ngay cả khi duy trì quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, ASEAN vẫn quyết tâm duy trì quan hệ chặt chẽ không kém với Mỹ, Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump nhìn chung phớt lờ Đông Nam Á (cũng như với phần còn lại của thế giới), nhưng Tổng thống đương nhiệm Joe Biden lại nỗ lực phối hợp với ASEAN và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các quốc gia thành viên của khối. Tháng 5/2022, Biden chủ trì Hội nghị cấp cao Mỹ – ASEAN tại Nhà Trắng với sự tham dự của hầu hết các nhà lãnh đạo chủ chốt của khối này. Cuối tháng đó, Chính quyền Biden khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm tăng cường can dự kinh tế của Mỹ với các đối tác trong khu vực. Cùng với Australia, Fiji, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, 7/10 nước ASEAN đã ký kết tham gia khuôn khổ nói trên. Điều này một lần nữa chứng tỏ ASEAN muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ.

Sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc cũng có nghĩa là ASEAN sẽ gặp nhiều thách thức khi đối phó với Trung Quốc hơn là với Mỹ. Hiện tại, tranh chấp về biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), công nghệ 5G của Trung Quốc và nhiều vấn đề khác đã xuất hiện. Trung Quốc chỉ có tranh chấp chủ quyền với 4 quốc gia ASEAN – Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam – nhưng hành vi của nước này ở biển Nam Trung Hoa làm gián đoạn quan hệ của họ với tất cả các thành viên hiệp hội. Ví dụ, năm 2012, Trung Quốc gây sức ép một cách thiếu khôn khéo để buộc Campuchia, khi đó là Chủ tịch ASEAN, đưa vấn đề tranh chấp biển Nam Trung Hoa ra khỏi tuyên bố chung sau một hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN. Một tuần sau đó, Indonesia đã giải quyết bế tắc bằng cách làm trung gian để ASEAN đưa ra quan điểm chung. Tuy nhiên, Bắc Kinh sau đó đã phá hỏng quan hệ với Jakarta. Mặc dù Trung Quốc đảm bảo với Indonesia rằng họ sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố chủ quyền chồng lấn nào, nhưng cái gọi là “đường 9 đoạn” trên bản đồ Trung Quốc thể hiện tuyên bố chủ quyền của nước này ở biển Nam Trung Hoa lại chạy sát quần đảo Natuna của Indonesia. Tuy nhiên, vào năm 2016 và 2020, tàu cá Trung Quốc đã tiến vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, khiến Tổng thống Joko Widodo phải tới quần đảo Natuna để tái khẳng định chủ quyền của đất nước ông đối với khu vực này.

(còn tiếp)

Nguồn: Foreign Affairs

TLTKĐB – 20, 21/4/2023

Bình luận về bài viết này