Cân bằng giữa sự đa dạng và đồng nhất – Phần III


Một bước quan trọng khác mà Đặng đã thực hiện là thúc đẩy một bộ tiêu chí khác để đánh giá sự thành công trong xã hội. Một lần nữa, được nêu trong các thuật ngữ tiến hóa, khả năng thích nghi và học hỏi hiệu quả là tiền đề cho định nghĩa thành công. Theo phong cách đơn giản đặc trưng của mình, phương pháp đánh giá thành công của Đặng được gói gọn trong cụm từ “tìm kiếm sự thật từ các thực tế”. Nếu một chiến lược nhất định giúp giảm nạn đói, tạo ra việc làm và tạo ra của cải cho đất nước, thì chiến lược đó đã thành công. Đặng nổi tiếng khi trình bày logic này theo cách ví von dân gian, “Không quan trọng đó là mèo đen hay mèo trắng, miễn là bắt được chuột”. Các tiêu chí rõ ràng và thực dụng của Đặng để đánh giá thành công đã cho thấy sự rời xa hoàn toàn khỏi Mao, người mà thành công có nghĩa là phải tuân theo tư tưởng chính trị về đấu tranh giai cấp liên tục của ông.

Sau kích hoạt sự thay đổi và xác định lại các tiêu chí lựa chọn, Đặng và nhóm của ông đã tiến hành tái thiết nền kinh tế. Những người cải cách biết rõ rằng việc thay thế một mạng lưới các thể chế Mao bằng một mạng lưới thay thế là một nhiệm vụ phức tạp và tế nhị về mặt chính trị. Họ đã chọn thực hiện cải cách kinh tế mà không có cải cách chính trị cũng như “cho các tỉnh tự túc” bằng cách phân cấp quyền lực cho các địa phương và đảm bảo rằng các quan chức cộng sản sẽ được hưởng lợi từ quá trình cải cách thị trường. Ngoài ra, họ không chọn phá bỏ trước mạng lưới các thể chế chủ nghĩa Lenin hiện có, nhưng thay vào đó là để đan những sợi dây chủ nghĩa tư bản vào rìa của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Do đó, Naughton xác nhận phong cách cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình là “phát triển ngoài kế hoạch”.

Trong suốt những năm 1980, cơ chế thị trường đã được đưa vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Trong số đó, tôi nêu bật sáu điểm: hộ gia đình nông thôn, doanh nghiệp tập thể, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống giá cả, doanh nghiệp tư nhân nhỏ và đặc khu kinh tế. Rõ ràng là Đặng không tập hợp gói cải cách này theo cách của một nhà hoạch định tổng thể vĩ đại. Thay vào đó, ông đã ủy quyền cho những cấp dưới của mình giải quyết các vấn đề cụ thể nảy sinh trong các lĩnh vực tương ứng của họ theo nguyên tắc “tìm kiếm chân lý từ thực tế”, tức là đánh giá thành công bằng kết quả kinh tế.

Một trong những thay đổi xúc tác đầu tiên diễn ra ở vùng nông thôn nghèo khó, mà Coase và Wang mô tả là “phần yếu nhất của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, nơi không tồn tại sự phản kháng cải cách”, Vạn Lý – người được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy An Huy, là mũi nhọn các cải cách nông thôn. Nhiều năm trước khi Ban Lãnh đạo trung ương công bố quyết định giải thể các hợp tác xã và thay thế bằng khoán sản xuất nông thôn cho các hộ gia đình, những ngôi làng nghèo nhất, do tuyệt vọng thúc đẩy, đã bí mật thử nghiệm canh tác tư nhân. Đó là cái mà sau này được gọi là hệ thống trách nhiệm hộ gia đình (HRS), sau khi giao nộp hạn ngạch ngũ cốc cho nhà nước, nông dân được phép bán phần còn lại trên thị trường, nhằm khuyến khích sản xuất. Trường hợp điển hình về canh tác tư nhân do nông dân bần cùng khởi xướng này xảy ra tại một ngôi làng tỉnh An Huy. Công việc của Vạn là thực hiện và truyền đạt các kết quả đã được chứng minh từ thử nghiệm từ dưới lên này để Đặng nhân rộng nó như một chính sách quốc gia.

Một tiến triển đáng kinh ngạc khác torng khu vực nông thôn là sự gia tăng của các doanh nghiệp hương trấn (TVE), tức là các doanh nghiệp thuộc sở hữu tập thể và quản lý bởi chính quyền thị trấn và làng xã ấy. Các TVE không phải là doanh nghiệp nhà nước do chính quyền cấp trên phụ trách hay doanh nghiệp do tư nhân làm chủ. Và chính tình trạng lai ghép này đã cho phép các TVE phát triển mạnh trong nền kinh tế chuyển đổi. Bởi vì khi doanh nghiệp nhà nước vẫn bị trói buộc bởi quy hoạch và kiểm soát của nhà nước, còn doanh nghiệp tư nhân bị tẩy chay về mặt chính trị, các TVE đã trở thành lực lượng kinh doanh đại diện ở những khu vực rộng lớn của nông thôn. Đến năm 1987, công nghiệp đã vượt nông nghiệp trở thành nguồn thu nhập chính của nông thôn, tạo cảm hứng cho cụm từ mâu thuẫn “công nghiệp hóa nông thôn”.

Đặng bày tỏ sự ngạc nhiên tột độ trước sự gia tăng của các TVE. Ông từng nói, “Trong công cuộc cải cách nông thôn, thành công lớn nhất của chúng tôi – và điều mà chúng tôi không lường trước được – đó là sự xuất hiện của một số lượng lớn các doanh nghiệp do các làng và thị trấn điều hành… Kết quả này không phải là bất cứ điều gì mà tôi hoặc bất kỳ người đồng chí nào khác có thể tiên đoán, nó cứ tự bất ngờ xuất hiện”. Bình luận về TVE vào một dịp khác, Đặng nói với một phái đoàn từ Nam Tư rằng “như thể một đội quân lạ đột ngột xuất hiện từ hư không”. Và ông thẳng thắn thừa nhận, “Đây không phải là thành tựu của chính quyền trung ương chúng tôi”.

Mặc dù Đặng không nhận công lao vì đã trực tiếp tạo ra các TVE, nhưng thực tế ông và nhóm cải cách của mình đã tạo ra những điều kiện cơ bản tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này. TVE thời Đặng không phải là những phát minh hoàn toàn mới. Họ tách ra khỏi các xí nghiệp xã và lữ đoàn được thành lập vào những năm 1950 như một phần trong nỗ lực công nghiệp hóa nông thôn của Mao; nhiều doanh nghiệp trong số này đã tạo nên “các lò nung sân sau” của Đại nhảy vọt. Tại sao các doanh nghiệp nông thôn thất bại thảm hại dưới thời Mao nhưng lại thành công ngoạn mục dưới thời Đặng? Câu trả lời đầu tiên nằm ở việc các nhà cải cách đã tạo ra các khuyến khích tài chính tích cực. Dưới hệ thống lập ngân sách tập trung của Mao, các chính quyền địa phương phải giao toàn bộ doanh thu của họ cho cấp cao hơn. Ngay sau khi tiến hành cải cách thị trường, chính phủ nước này đã áp dụng hình thức ký hợp đồng tài khóa, trong đó mỗi cấp chuyển lên trên một khoản thu thuế đã thương lượng và được phép giữ lại phần vượt quá. Ngoài ra, lợi nhuận do TVE tạo ra có thể được giữ hoàn toàn ở cấp địa phương. Logic nửa kế hoạch, nửa thị trường này phản ánh các thỏa thuận của hệ thống trách nhiệm hộ gia đình trong lĩnh vực nông nghiệp và nó có tác dụng tương tự là khuyến khích các quan chức địa phương thiết lập TVE như một phương tiện để tối đa hóa nguồn thu.

Không thể tách rời khỏi việc tái cấu trúc các quy tắc tài chính công là những thay đổi trong việc đánh giá và khen thưởng theo kiểu quan liêu. Các cấp cao hơn của bộ máy hành chính đã thiết kế các mục tiêu hoạt động nhằm đánh giá và khen thưởng các chính quyền cấp dưới dựa trên khả năng của họ để tạo ra lợi nhuận doanh nghiệp, thu doanh thu và mở rộng GDP. Các phương thức khen thưởng quan liêu cũng được điều chỉnh theo logic nửa kế hoạch nửa thị trường, như tôi sẽ trình bày chi tiết sau. Mặc dù lương chính thức có hệ số nhất định, nhưng khoản bổ sung (ví dụ: tiền thưởng hiệu suất và các đặc quyền phi tiền tệ) đã tăng vọt khi các tổ chức nhà nước lao vào hoạt động kinh doanh.

Những tiêu chí và phần thưởng mới của chế độ quan liên như vậy tác động trực tiếp đến việc lựa chọn các chiến lược sản xuất cụ thể của các quan chức địa phương. Dưới thời Mao, các quan chức địa phương đã áp dụng các phương pháp “lập dị” được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhà nước, chẳng hạn gói chặt cây giống để tăng sản lượng và nung nồi niêu gia dụng thành những khối thép vô dụng. Tất nhiên, những hành động này có vẻ điên rồ, nhưng mọi người đã chọn làm những điều điên rồ bởi vì hệ thống chính trị dưới thời Mao đã định nghĩa những cán bộ tốt là chứng tỏ được niềm tin mù quáng vào Mao. Ở khởi đầu Đại nhảy vọt, trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo loan truyền rằng: “Càng can đảm thì sản lượng càng lớn”. Ngược lại, dưới thời Đặng, thành công được đánh giá bằng kết quả thực tế, vật chất. Do đó, các cán bộ địa phương đã chọn khuyến khích sản xuất thử nghiệm theo những cách hợp lý, hợp lý theo nghĩa là minh chứng bởi thực tế chứ không phải niềm tin.

Về mặt đô thị, Thủ tướng Triệu Tử Dương đi đều trong cải cách. Giống như các nền kinh tế kế hoạch khác, các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc từ lâu đã bị cản trở bởi sự thụ động, quan liêu quá mức và kém hiệu quả. Được dẫn dắt bởi Triệu và viện nghiên cứu, vào tahn1g 5 năm 1984, Hội đồng Nhà nước đã ban hành một văn bản để “mở rộng hơn nữa quyền tự chủ của doanh nghiệp nhà nước”, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước chủ động, sản xuất có hiệu quả hơn, được phép bán hàng thừa trên thị trường sau khi đủ hạn ngạch quy định. Một lần nữa, xin lưu ý rằng thỏa thuận nửa kế hoạch nửa thị trường này cũng được thực hiện song song trong lĩnh vực nông nghiệp và tài chính công. Các doanh nghiệp nhà nước, các hộ gia đình nông thôn và các chính quyền địa phương đều phải hoàn thành vai trò của mình trong nền kinh tế kế hoạch – thực hiện các chỉ tiêu được giao – nhưng họ đã hoàn thành vai trò của mình, họ được tự do tham gia vào thị trường.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Yuen Yeun Ang – Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào – NXB ĐN 2022

Bình luận về bài viết này