Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông: Bước ngoặt lịch sử sau thỏa thuận Iran-Saudi Arabia – Phần cuối


Đối với Iran, đây cũng là một thỏa thuận quan trọng, bởi nó đảm bảo rằng mặt trận Israel-Arab không hoàn toàn được củng cố theo logic chống Iran. Và nó đảm bảo một sự thay đổi thái độ của vương quốc Saudi Arabia mà cách đây không lâu, đã muốn gây bất ổn cho chế độ Tehran hiện tại. Để đổi lấy việc tham gia vào các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận, Iran đã nhận được từ Trung Quốc lời hứa về việc ủng hộ đồng tiền quốc gia Iran, sự tham gia nhiều hơn của Bắc Kinh vào các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề hạt nhân và các khoản đầu tư trong tương lai. Mục tiêu của Iran cũng là thực hiện hòa giải với các quốc Arab khác: tất nhiên là với Bahrain, nhưng đặc biệt với Ai Cập, một quốc gia đã có những quan hệ tốt đẹp với Iran, nhưng còn hạn chế do mối quan hệ Ai Cập-Saudi Arabia.

Không có gì ngạc nhiên khi một tuần sau thỏa thuận ba bên được ký kết, trưởng đoàn đàm phán thỏa thuận, Ali Samkhani, thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran, đã dẫn đầu một phái đoàn gồm các quan chức phụ trách các vấn đề an ninh và tài chính thực hiện chuyến thăm tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Cộng hòa Hồi giáo Iran không có lựa chọn nào khác ngoài các quan hệ hòa dịu với các nước láng giềng Trung Đông, và sự hỗ trợ của Trung Quốc đã cho nước này cơ hội để làm điều đó.

Đối với Trung Quốc, một cam kết có ý nghĩa ở Trung Đông là cần thiết. Trung Quốc quan tâm đến sự ổn định hơn ở một khu vực quan trọng đối với họ trong lĩnh vực năng lượng. Từ hơn 10 năm qua, dầu mỏ và khí đốt từ các quốc gia vùng Vịnh đã được bán cho các nước châu Á (chủ yếu là Trung Quốc) với số lượng lớn hơn nhiều so với bán cho phương Tây. Iran và Saudi Arabia cũng có tầm quan trọng lớn trong khuôn khổ “Con đường Tơ lụa mới”. Cải thiện cuộc đối thoại giữa hai đối thủ là cách tốt nhất để đạt được kết quả như vậy. Và trên thực tế, kể từ sau thỏa thuận hợp tác kinh tế 25 năm giữa Trung Quốc và Iran, Bắc Kinh là thủ đô duy nhất có khả năng gây ảnh hưởng tới Tehran và Riyadh.

Một bước ngoặt đối với Trung Quốc và Trung Đông

Động thái hướng tới bình thường hóa quan hệ Iran-Saudi có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc và toàn khu vực. Mỹ đã làm suy yếu khả năng ảnh hưởng của họ theo thời gian, đặc biệt với các cuộc chiến được quản lý kém cỏi ở Afghanistan và Iraq. Đặc biệt trong “cuộc chiến chống khủng bố”, Mỹ ngày càng tỏ ra không đáng tin cậy.

Tất nhiên, sự can dự của Nga vào Syria có thể đã cho người ta cảm tưởng rằng Trung Đông không còn là “sân sau” của Mỹ từ vài năm qua. Nhưng Moskva không có nguồn lực tài chính, ngoại giao và giờ đây, kể cả quân sự, để tạo ảnh hưởng đáng kể trong khu vực. Vả lại, đối với Điện Kremlin, Trung Đông luôn là thứ yếu so với “vùng ngoại vi gần” – không gian hậu Xô viết. Theo nhiều cách, các vấn đề liên quan tới Trung Đông, chẳng hạn Iran, đã được Điện Kremlin sử dụng như những át chủ bài trong cuộc đối đầu với Mỹ. Trong khi Nga chỉ có thể được xác định, giống như Pháp, là một cường quốc tầm trung ôm tham vọng toàn cầu, thì giờ đây Trung Quốc, không còn nghi ngờ gì nữa, là cường quốc duy nhất có thể cạnh tranh với Mỹ trong tương lai gần.

Trung Quốc không chỉ có các phương tiện để thực hiện các tham vọng của mình, mà còn thể hiện như là một giải pháp thay thế cho cách tiếp cận của Mỹ và phương Tây ở Trung Đông. Mặt khác, Trung Quốc cũng có thể đối thoại với bất cứ nước nào, từ Israel, Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Trung Đông, Trung Quốc không phải là một đế quốc theo chủ nghĩa xét lại hay áp đặt ý thức hệ. Trước những khổ đau của người dân ở Iraq và Syria, thỏa thuận Iran-Saudi Arabia cho phép Trung Quốc thể hiện mình như là một nhà nước ủng hộ hòa bình và ổn định trong khu vực. Và điều đó làm cho cường quốc châu Á này trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các quốc gia trong khu vực.

Do vậy, tiến trình hòa giải Iran-Saudi Arabia là một chiến thắng khu vực đối với Bắc Kinh, cho dù nó không trở thành hiện thực trong dài hạn. Giải pháp thay thế mà Trung Quốc đưa ra sẽ đặc biệt hấp dẫn trước một nước Nga ngày càng có ít phương tiện để đạt được các tham vọng của mình trong khu vực và một nước Mỹ với logic ngoại giao có nguy cơ trở thành con tin của những diễn biến chính trị trong ước. Và do Trung Quốc tiến hành chính sách “ngoại giao gần như hòa giải”, hoàn toàn khác biệt so với cách tiếp cận theo chủ nghĩa xét lại được ưa chuộng ở phương Tây, một thất bại trong mối quan hệ Iran-Saudi Arabia sẽ dễ dàng được đổ lỗi do Riyadh, Tehran hoặc các lực lượng bên ngoài khước từ sự hòa dịu này. Không giống như tiến trình hòa bình Israel-Palestine hay thậm chí là sự ổn định của Iraq sau cuộc xâm lược của Mỹ, ở đây, cường quốc nước ngoài không can dự nhiều đến mức bị coi là chịu trách nhiệm trực tiếp. Cho dù điều gì xảy ra trong những tháng tới, thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia sẽ mang lại những hệ quả tích cực cho Bắc Kinh.

Tất nhiên, nếu sự hòa giải trở thành hiện thực trong dài hạn, điều này sẽ có những tác động đáng kể đối với ổn định khu vực. Theo thời gian, người ta có thể nhận thấy những thay đổi đáng kể ở Lebanon, Syria và Yemen. Riyadh và Tehran sẽ không nhất thiết trở thành những đối tác: nhưng sự đối đầu của họ sẽ không còn bị cho là chứa đựng những căng thẳng cảu một cuộc “chiến tranh lạnh” trong khu vực. Điều này sẽ đặc biệt được hoan nghênh ở một khu vực mà những căng thẳng chính trị, cũng như mối nguy hiểm do biến đổi khí hậu gây ra, khiến cho khả năng ổn định lâu dài trở nên bấp bênh.

Hy vọng về một liên minh chặt chẽ giữa Riyadh và Jerusalem dường như lung lay. Khi các nguồn tin của Israel nói họ lo ngại rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Iran sẽ khiến quốc gia này ít bị tổn thương hơn trước một cuộc tấn công có thể xảy ra của nhà nước Do Thái nhằm ngăn chặn Tehran sản xuất bom hạt nhân. Thêm vào đó, việc Mỹ và phương Tây dành ưu tiên trước hết cho Đông Âu (để đối phó với Nga) và cho châu Á (để đối phó với Trung Quốc), khiến cho ý tưởng về một khối chống Iran trong khu vực với sự hậu thuẫn của các cường quốc bên ngoài giúp Israel chống lại ảnh hưởng của Iran, trở nên không thực tế. Vì vậy, cũng như vương quốc Saudi Arabia, nhà nước Do Thái có thể phải suy nghĩ lại về chiến lược khu vực của họ.

Hiện đang diễn ra một cuộc tranh luận, ở Israel cũng như ở Mỹ, xoay quanh mối hiểm họa thực sự của Iran đối với Israel. Nhưng theo Giáo sư Jonathan Leslie, người gần đây đã xuất bản một cuốn sách về vấn đề này, cho biết mối nguy hiểm đã bị phóng đại quá mức vì những lý do chính trị. Hai quốc gia không có chung đường biên giới, trước hết nằm trong một cuộc xung đột cổ điển giữa các cường quốc khu vực, và đều tập trung vào việc ổn định tình hình nội bộ của mình. Israel có khả năng gia tăng sức ép quân sự với Iran. Nhưng nước này có thể mong muốn tìm kiếm một sự khởi đầu đối thoại, hơn là một phiêu lưu với nhiều yếu tố khó đoán định. Và ở đây, quốc gia có khả năng đảm bảo một cuộc đối thoại bền vững trước thử thách của thời gian sẽ là Trung Quốc.

Thậm chí, cường quốc châu Á này có thể gắn kết việc nối lại tiến trình hòa giải Israel-Palestine với cuộc đối thoại Israel-Iran nói trên. Sự phát triển từ mối quan hệ hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia đến mối quan hệ hòa giải khu vực ở Trung Đông sẽ không dễ dàng, nhưng Trung Quốc có những lá bài cần thiết để biến điều không tưởng này thành hiện thực.

Tất nhiên, trước khi chúng ta đi đến một khả năng như vậy, thỏa thuận sẽ phải đứng vững trước thử thách của thời gian, đồng thời các quốc gia trong khu vực, cũng như các cường quốc, đặc biệt là các nước phương Tây, chấp nhận rằng địa chính trị Trung Đông là một ván bài tinh tế hơn nhiều so với các cuộc chiến tranh tổng lực hay các cuộc chiến tranh ý thức hệ trong quá khứ. Những đối đầu giữa Iran và Saudi Arabia, hay giữa Israel và Iran sẽ không biến mất, ngay cả trong những kịch bản tốt nhất. Và cho dù điều gì xảy ra, Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục chống nhau ở khu vực này cũng như ở những nơi khác. Nhưng hành động của Trung Quốc tạo cơ hội cho một sự tiến triển hướng tới một sự đối đầu có kiểm soát hơn, có khả năng tránh được điều tồi tệ nhất. Một sự tiến triển đặc biệt quan trọng đối với các dân tộc Trung Đông, họ sẽ có thể mất tất cả nếu lại trở thành những con tốt của “Ván bài mới lớn” hay một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới” giữa các cường quốc.                                                 

Nguồn: www.asialyst.com

TLTKĐB – 24/04/2023

Bình luận về bài viết này