Tương lai Đồng bằng Sông Cửu Long – Phần II


Khi chúng tôi đến gần cửa sông Hậu, cách thức sử dụng đất thay đổi hẳn. Không còn những vườn cây ăn quả và đồng ruộng cằn cỗi, chúng tôi đi qua những trại nuôi tôm dễ nhận biết vì ao nuôi khá nông. Đây là đoạn cuối hạ nguồn của vùng đồng bằng, nơi giao nhau của xâm nhập mặn ven bờ và nước sông tạo ra các điều kiện nước lợ hoàn hảo cho việc nuôi tôm. Trong thập niên qua, các công ty nông nghiệp và các nông dân nhỏ lẻ đã chuyển đổi phần lớn khu vực ven biển vùng đồng bằng này thành các trại nuôi tôm. Cũng như gạo, tôm của vùng châu thổ này xuất khẩu ra khắp thế giới. Nhưng không giống như gạo, một số loại tôm ở đồng bằng này đã vào được các thị trường cao cấp ở châu Âu và Hoa Kỳ. Sản phẩm có giá trị cao này mang lại mức thu nhập cao hơn so với trồng lúa, mỗi năm thu về 5 tỷ USD cho vùng đồng bằng. Tuy nhiên, hôm đó phần lớn ao nuôi tôm chúng tôi ngang qua đều khô cạn. Trí cho biết, “Do hạn hán, không đủ nước ngọt xung quanh để hòa với nước ven biển tạo ra nước lợ phù hợp. Các nông dân ở đây chắc phải chờ vài tháng nữa đến khi mùa mưa bắt đầu để chứa nước vào ao và hoạt động trở lại.

Con đường chạy dài rẽ sang phía tây nam, và chúng tôi bắt đầu đi dọc theo bờ biển của vùng đồng bằng cách xa con sông. Đây là nơi xa nhất tôi từng đi ở Cần Thơ trong những năm tới thăm thú vùng châu thổ này, và quang cảnh hạn hán nặng nề xung quanh đã biến khu vường địa đàng tươi tốt hành một nơi hoang tàn. Cảnh quan phía trước lại thay đổi lần nữa. Những luống rau thẳng tắp nằm dọc bên đường. Chúng tôi thấy những thửa rau diếp, bắp cải và dưa chuột đang lớn, và nông dân đang tập trung chăm sóc cây trồng của họ – ngay giữa đợt hạn hán tồi tệ nhất thế kỷ. Chúng tôi chạy xe theo một đường nhỏ đến nhà của một nông dân đứng trên cánh đồng cạnh nhà với hai người con còn trẻ. Cả ba cùng nắm một vòi tưới và bước đều tới trước những luốn rau. Để trao đổi với người nông dân kia, chúng tôi phải nói to vì tiếng nổ ầm ĩ của chiếc máy phát đặt trong nhà kho gần đó.

“Anh đang trồng gì thế?, tôi hỏi.

“Củ cải trắng”, anh nông dân trả lời. “Tôi trồng nó cách đây một tháng rồi”.

“Đợt hạn này cũng đã một tháng”, Terry nói với anh nông dân. “Và anh vẫn trồng dù biết sẽ gặp khó khăn?”

“Đúng thế”, anh nông dân tên Đức, nói, “Tôi không lo thiếu nước ngọt vì tôi có rất nhiều ở đây trong vườn của mình”. Terry và tôi nhìn quanh khu vườn, không thấy kênh nước nào. Đằng sau nhà Đức là chiếc thuyền nhỏ và cái ao cạn nước. Đức đưa vòi tưới cho con anh và dẫn chúng tôi tới nhà khoa đặt máy phát. Ở đó anh tiết lộ bí mật của mình. “Sử dụng động cơ của chiếc thuyền, tôi nối một máy bơm tưới tiêu với giếng của tôi. Như thế tôi có thể sử dụng nước ngầm để tưới hoa màu. Hạn hán chẳng ảnh hưởng đến tôi”. Hàng triệu nông dân khác ở vùng đồng bằng đứng trước thiệt hại kinh tế nặng nề trong đợt hạn mùa xuân 2016, nhưng Đức đã tìm ra cách để anh và gia đình tạm thời vượt qua khó khăn.

Sau khi rời nhà Đức, chúng tôi thấy hầu hết nông dân ở vành đai ven biển này cũng sử dụng nước ngầm để tưới hoa màu của họ. Trí cho biết giải pháp ngắn hạn này sẽ khiến đồng bằng này phải trả giá đắt trong dài hạn. “Khai thác nước ngầm quá mức khiến vùng châu thổ này sụt lún ở mức báo động. Nhu cầu tưới tiêu đã tăng hơn gấp đôi trong mười năm qua, và điều đó làm tăng áp lực lên các nguồn nước có sẵn”, anh nói. “Hầu hết nông dân đều quan tâm sinh kế của bản thân họ trước hết. Họ quan tâm đến loại cây trồng nào bán được và tính toán loại cây trồng nào sẽ có giá tốt hơn trong năm tới hay trong 3 tháng tới. Họ không nghĩ gì về 10 năm tới môi trường sẽ như thế nào, đó không phải là chuyện của họ”.

Do xâm nhập mặn ăn sâu hơn vào vùng châu thổ và tần suất hạn hán ngày càng tăng, nông dân vùng này đang lấy nước từ các tầng ngậm nước dưới đất. Các tầng nước ngầm giúp làm tăng khả năng nổi của vùng đất bên trên chúng, và khi nước đó bị lấy đi, trọng lực khiến đất sụt xuống. Vùng đồng bằng này hiện đang lún với tốc độ hơn 1cm một năm. Một số khu vực có mức khai thác nước ngầm cao nhất đang lún với tốc độ mỗi năm 2,5cm. Các chỏm băng và sông băng tan chảy đang khiến nước biển xung quanh vùng châu thổ cao lên mỗi năm khoảng 3mm, nhưng tốc độ sụt lún đất hiện gấp 3 đến 8 lần mức tăng mực nước biển.

Việt Nam chuyển sang nền kinh tế dựa trên thị trường vào năm 1986 với chính sách Đổi Mới. Do đó, thâm canh nông nghiệp, đô thị hóa, và công nghiệp hóa đã tăng áp lực lên tài nguyên nước ngầm của vùng đồng bằng. Các nghiên cứu cho thấy vào đầu những năm 1990, các tầng ngậm nước của vùng này ở trong trạng thái không bị xáo trộn. Nhưng đến năm 1995, tốc độ khai thác nước ngầm cao đến nỗi nó đã vượt quá khả năng tự động nạp lại nước của tầng ngậm nước. Mỗi ngày 2,5 triệu mét khối nước hiện đang được rút khỏi tầng ngậm nước của vùng châu thổ. Sau 25 năm, vùng châu thổ này đã lún trung bình 18cm. Một số điểm nghiêm trọng ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bạc Liêu đã lún hơn 30cm. Thành phố Hồ CHí Minh tuy tương đối gần nhưng không thuộc đồng bằng sông Cửu Long cũng đã lún hơn 1m, nhưng hiện đang ổn định do chính quyền tăng cường công tác quản lý và xử lý nước của dòng chảy mặt để sử dụng công cộng.

Trong nhiều thiên niên kỷ qua, vùng châu thổ đã mở rộng với tốc độ mỗi năm 16km2 hay khoảng 3000 sân bóng đá. Bây giờ mỗi năm nó đang mất 430 sân bóng đá. Khi đồng bằng này sụt lút vì khai thác nước ngầm, đương  nhiên nhiều nước biển sẽ xâm nhập sâu hơn vào nội địa. Điều đó, đến lượt nó, sẽ làm tăng nhu cầu khai thác nước ngầm. Vòng quay đó sẽ tiếp tục không nghỉ cho đến khi người dân buộc phải rời bỏ đất đai của họ, hay các chính quyền tỉnh thực hiện các biện pháp hạn chế việc bơm nước hay nông dân có thể tiếp cận được nước ngọt. Vùng đồng bằng này có 13 tỉnh và để kiểm soát hiệu quả công tác quản lý nhà nước vùng đồng bằng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong một đất nước vốn có thành tích phối hợp cực kỳ kém cỏi.

Ngày nay, đồng bằng sông Cửu Long nằm trong 3 vùng đồng bằng sông dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Các tác động kết hợp của sụt lún đất và biến đổi khí hậu đe dọa hủy hoại nền sản xuất nông nghiệp mạnh mẽ của vùng đồng bằng và hàng thế kỷ thực hiện các chính sách kỹ thuật và tái định cư đã đưa gần 20 triệu người đến đây tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn của Việt Nam. Nông dân ở đồng bằng thường bàn về các hiện tượng biến đổi khí hậu, nói về mùa mưa ngắn ngủi và mùa khô dài hơn khiến nhiệt độ cao hơn. Đến năm 2050, nhiệt độ ở vùng đồng bằng ước tính tăng từ 0,8 đến 1,4oC. Một số nơi ở vùng này ước tính sẽ tăng 4 độ và một số chuyên gia dự đoán có tới gần nửa năm trên 35oC. Mùa không sẽ kéo dài hơn cũng làm tăng nhu cầu khai thác nước ngầm, nhất là ở các khu vực gần biển, nơi vùng nước xung quanh bị mất phần lớn lượng nước ngọt.

Độ cao so với mặt biển trung bình của vùng đồng bằng này khoảng 1,5m, nhưng mặt cắt đứng độ cao địa hình của nó từ Campuchia ra biển không giảm dần. Cá tỉnh gần thượng nguồn hơn của vùng đồng bằng như An Giang, Đồng Tháp và Long An đều nằm dưới mực nước biển. Trong mùa mưa ở sông Mekong, những khu vực này ngập lụt và đóng vai trò hồ chứa tự nhiên trữ nước cho mùa khô. Ở vùng Đồng Tháp Mười, phần lớn thuộc tỉnh Đồng Tháp và Long An, những đám sậy cao và các giống lúa trời hoang dã mọc cao từ 3m trở lên ở mực nước lũ trong mùa mưa. Chiều cao của chúng cho thấy độ sâu của những vùng nội địa sụt lún rộng lớn này. Trong suốt lịch sử, khu đầm lầy này là một kiểu “Zomia sông nước” nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền, là nơi ẩn náu của hải tặc, giáo phái khác thường, và các nhóm chống đối né tránh sự bành trướng của các thế lực nhà nước và thực dân xung quanh. Chẳng hạn, vào năm 1962, quân đội Việt Nam Cộng hòa cùng các cố vấn quân sự Hoa Kỳ đã chịu thất bại lớn đầu tiên ở Đồng Tháp Mười. Đi xuống hạ nguồn, các tỉnh ở giữa vùng đồng bằng này cao hơn và vườn tược của họ có đất thuộc loại tốt nhất để canh tác. Các tỉnh ven biển thấp hơn bị ảnh hưởng lớn nhất bởi xâm nhập mặn và hạn hán.

Nếu hoạt động chống biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu không thể làm chậm tốc độ dâng cao mực nước biển và chính sách địa phương không thể chấm dứt khai thác nước ngầm, phần lớn vùng đồng bằng này sẽ chìm dưới nước vào cuối thế kỷ. Các chuyên gia về biến đổi khi hậu dự đoán mực nước biển cao thêm 30cm vào năm 2050, chưa tính đến tác động của việc sụt lún đất. Với tốc độ dâng cao mực nước biển đó, vốn có thể xảy ra sớm trước năm 2050 nếu tính thêm tác động của việc khai thác nước ngầm, Ngân hàng Phát triển châu Á tin rằng các tác động này vẫn vừa phải và có thể kiểm soát được. Một số tuyến đường trũng thấp sẽ cần được nâng lên, và người nông dân có đất bị ngập hay xâm nhập mặn quá mức sẽ phải chuyển sang ngành nghề khác. Khi mực nước biển cao thêm 50cm, mọi thứ bất đầu khó khăn. Các thành phố, thị trấn và các khu công nghiệp cần phải được nâng lên hay bao kín bằng đê điều. Hiện nay, để chống lại biển xâm lấn, chính quyền Việt Nam có kế hoạch xây thêm 450km đê biển, 1290km đê sông, và thêm 7000km bờ kè đã được gia cố dọc theo các con sông và kênh đào. Chi phí bảo trì những con đê sẽ tăng lên khi nhịp thủy triều và áp lực nước lũ mạnh hơn tác động lên và phá hủy phần móng của chúng. Khi mực nước biển cao thêm 50cm, việc mất đất do ngập nước và xói mòn và hủy hoại nền kinh tế của vùng châu thổ, làm giảm mạnh sản lượng gạo, tôm, cua và trái cây hằng năm. Phần lớn thu hoạch mùa khô sẽ bị thiệt hại do xâm nhập mặn. Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán sản lượng kinh tế sẽ giảm 20%. Ngoài ra, điều này rất khó nói – một số cho rằng mực nước biển sẽ cao thêm 1 mét vào cuối thế kỷ, và nếu điều đó xảy ra, vùng châu thổ này sẽ mất khoảng một nửa diện tích đất đai.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Brian Eyler – Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ – NXB PN 2020

Bình luận về bài viết này