Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ 2015 – Phần VI


Đảm bảo sự tiếp cận đối với các không gian chung

Thế giới được kết nối bởi các không gian chung – mạng, không gian, không trung và các đại dương – mà tạo điều kiện cho dòng chảy tự do của con người, hàng hóa, dịch vụ và ý tưởng. Chúng là những huyết mạch chính của nền kinh tế toàn cầu và xã hội dân sự, và sự tiếp cận đang gặp rủi ro do cạnh tranh gia tăng và cách hành xử khiêu khích. Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy các quy định cho cách hành xử có trách nhiệm đồng thời đảm bảo rằng chúng ta có các năng lực để đảm bảo sự tiếp cận các không gian chung này.

An ninh mạng

Với tư cách là nơi khai sinh ra mạng Internet, Mỹ có một trách nhiệm đặc biệt là dẫn dắt một thế giới được kết nối. Sự thịnh vượng và an ninh ngày càng phụ thuộc vào một mạng Internet cởi mở, có thể phối hợp được, an toàn và đáng tin cậy. Nền kinh tế, sự an toàn và sức khỏe của chúng ta được liên kết thông qua một cơ sở hạ tầng được kết nối mà đang là mục tiêu của các bên tham gia là chính phủ, tội phạm và cá nhân ác ý, những kẻ cố gắng tránh bị quy tội. Dựa trên khuôn khổ an ninh mạng tự nguyện, chúng ta đang bảo vệ các mạng lưới của Liên bang và làm việc với khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các bên hữu quan khác để củng cố an ninh và khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng then chốt của Mỹ. Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc với Quốc hội để theo đuổi một khuôn khổ pháp lý đảm bảo các tiêu chuẩn cao. Chúng ta sẽ bảo vệ chính mình, phù hợp với luật pháp Mỹ và quốc tế, chống lại các cuộc tấn công mạng và khiến cho các bên tham gia mạng ác ý phải trả giá, bao gồm thông qua việc truy tố hoạt động mạng bất hợp pháp. Chúng ta sẽ hỗ trợ các nước khác phát triển các đạo luật tạo điều kiện cho hành động mạnh mẽ chống lại các mối đe dọa bắt nguồn từ cơ sở hạ tầng của họ. Về phương diện toàn cầu, an ninh mạng đòi hỏi các quy chuẩn lâu đời về ứng xử quốc tế – bao gồm việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tự do trực tuyến và sự tôn trọng đối với cơ sở hạ tầng dân sự – được duy trì và mạng Internet được quản lý như là một trách nhiệm chung giữa các nước và khu vực tư nhân với xã hội dân sự và người sử dụng Internet như là bên hữu quan chính.

An ninh không gian

Các hệ thống không gian tạo điều kiện cho thế giới định hướng đi lại và thông tin liên lạc một cách tự tin để cứu các sinh mạng, thực hiện giao thương và hiểu biết rõ hơn về loài người, hành tinh của chúng ta và những chiều sâu của vũ trụ. Khi các quốc gia ngày càng thu được lợi ích từ không gian, chúng ta phải liên kết với nhau để đối phó với các mối đe dọa đến từ những kẻ có thể muốn ngăn chặn việc sử dụng không gian một cách hòa ình. Chúng ta đang mở rộng các hoạt động hợp tác không gian quốc tế của chúng ta trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy sự minh bạch và các biện pháp xây dựng lòng tin như Bộ quy tắc ứng xử quốc tế cho các hoạt động trong không gian, và mở rộng các quan hệ đối tác khu vực tư nhân để hỗ trợ các nhiệm vụ và năng lực trước đây chỉ được khẳng định bởi chính phủ. Chúng ta cũng sẽ phát triển các công nghệ và sách lược để ngăn chặn và đánh bại những nỗ lực tấn công các hệ thống không gian của chúng ta; tạo điều kiện nhận biết các dấu hiệu, cảnh báo và kết tội các cuộc tấn công như vậy; và tăng cường khả năng phục hồi của các năng lực không gian then chốt của Mỹ.

An ninh hàng không và hàng hải

Mỹ có một lợi ích lâu dài trong tự do hàng hải và hàng không cũng như sự an toàn và khả năng bền vững của các môi trường hàng không và hàng hải. Vì vậy, chúng ta sẽ duy trì năng lực để đảm bảo dòng chảy tự do của thương mại, để phản ứng nhanh chóng giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, và để ngăn chặn những kẻ có thể dự tính gây hấn. Chúng ta yêu cầu có cách hành xử an toàn và có trách nhiệm trên không và trên biển. Chúng ta bác bỏ những yêu sách hung hăng và bất hợp pháp đối với không gian và trong lĩnh vực hàng hải và lên án các cuộc tấn công cố ý vào vận chuyển hành khách thương mại. Về các tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt tại châu Á, chúng ta phản đối sự ép buộc và các cách hành xử quyết đoán mà đe dọa làm leo thang tình hình. Chúng ta khuyến khích các kênh đối thoại để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta cũng ủng hộ việc ký kết sớm một bộ quy tắc ứgn xử hiệu quả cho Biển Đông giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Khả năng của Mỹ thúc giục tuân thủ luật pháp quốc tế thông thường đã được thiết lập được phản ánh trong Công ước của Liên hợp quốc về luật biển sẽ được tăng cường nếu Thượng viện có sự tư vấn và chấp thuận – thất bại đang diễn ra trong việc phê chuẩn công ước này làm suy yếu các lợi ích quốc gia của chúng ta trong một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Cuối cùng, chúng ta theo đuổi việc xây dựng dựa trên sự hợp tác quốc tế chưa từng có trong những năm qua, đặc biệt là ở Bắc Cực cũng như trong đấu tranh chống cướp biển ở vùng Sửng châu Phi và buôn lậu ma túy ở Biển Caribbean và khắp Đông Nam Á.

Tăng cường an ninh y tế toàn cầu

Sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm tạo thành một nguy cơ đang gia tăng. Dịch bệnh Ebola tại Tây Phi nêu bật sự nguy hiểm của một loại virus mạnh mẽ. Sự lây lan các loại vi khuẩn hay virus mới, sự gia tăng và lây lan của tình trạng kháng thuốc, và việc cố ý phát tán các mềm bệnh, tất cả thể hiện những mối đe dọa bị làm trầm trọng thêm bởi sự toàn cầu hóa trong di chuyển, sản xuất và cung cấp thực phẩm và các sản phẩm y tế. Bất chấp những thành tựu quan trọng trong khoa học, công nghệ và tổ chức, phần lớn các quốc gia vẫn chưa đạt được các năng lực cốt lõi quốc tế cho an ninh y tế, và nhiều nước thiếu năng lực cần thiết để ngăn chặn, phát hiện hay phản ứng trước sự bùng phát dịch bệnh.

Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong việc chống lại các đại dịch, bao gồm HIV/AIDS, và trong việc cải thiện an ninh y tế toàn cầu. Trong nước, chúng ta đang củng cố khả năng của chúng ta nhằm ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh và đảm bảo đủ năng lực cần thiết để phản ứng nhanh chóng và xử lý các vụ việc sinh học. Với tư cách là một hình mẫu cho hệ thống y tế công cộng hiện đại và đáp ứng nhanh, chúng ta sẽ đẩy nhanh hoạt động của chúng ta với các đối tác thông qua Chương trình nghị sự về an ninh y tế toàn cầu nhằm theo đuổi một thế giới an toàn hơn và được bảo vệ tốt hơn trước các bệnh truyền nhiễm. Chúng ta sẽ cứu các sinh mạng bằng cách củng cố các khuôn khổ luật lệ, quy định cho an toàn thực phẩm và phát triển một hệ thống toàn cầu nhằm ngăn ngừa các dịch bệnh có thể tránh được, phát hiện và báo cáo sự bùng phát dịch bệnh trong thời gian thực, và phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn. Cuối cùng, chúng ta sẽ tiếp tục dẫn đầu các nỗ lực chống lại sự gia tăng các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

III/ Sự thịnh vượng

Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế lớn nhất, cởi mở nhất và đổi mới nhất trên thế giới. Sự lãnh đạo của chúng ta cũng giúp mở ra một kỷ nguyên mới của sự thịnh vượng toàn cầu chưa từng thấy. Việc duy trì sự lãnh đạo của chúng ta phụ thuộc vào việc định hình một trật tự kinh tế toàn cầu đang nổi lên vốn tiếp tục phản ánh các lợi ích và giá trị của chúng ta. Bất chấp những thành công của nó, hệ thống dựa trên các quy tắc của chúng ta hiện đang cạnh tranh với những mô hình thay thế ít cởi mở hơn. Thêm vào đó, người tiêu dùng Mỹ không thể duy trì nhu cầu toàn cầu – tăng trưởng phải được cân bằng hơn. Để đương đầu với thách thức này, chúng ta phải có chiến lược trong việc sử dụng sức mạnh kinh tế của chúng ta để đặt ra những quy định mới của cuộc chơi, củng cố những hợp tác của chúng ta và thúc đẩy sự phát triển toàn diện.

Thông qua các chính sách thương mại và đầu tư của mình, chúng ta sẽ định hình quá trình toàn cầu hóa để quá trình này có tác dụng đối với người lao động Mỹ. Bằng cách tận dụng vị thế kinh tế và năng lượng được cải thiện của mình, chúng ta sẽ củng cố hệ thống tài chính toàn cầu và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại có tiêu chuẩn cao. Chúng ta sẽ bảo đảm hệ thống thương mại toàn cầu của tương lai phù hợp với các lợi ích và giá trị của chúng ta bằng cách theo đuổi việc thiết lập và đảm bảo tuân thủ các quy định thông qua các thể chế quốc tế và các sáng kiến khu vực, và bằng cách đối phó với các thách thức đang nổi lên như các tập đoàn do nhà nước sở hữu và chủ nghĩa bảo hộ điện tử. Các thị trường và các cơ hội giáo dục của Mỹ sẽ giúp thế hệ tiếp theo các doanh nhân toàn cầu duy trì động lực trong việc phát triển một tầng lớp trung lưu toàn cầu. Để ngăn chặn xung đột và thúc đẩy phẩm giá con người, chúng ta cũng sẽ theo đuổi các chính sách xóa bỏ sự nghèo đói cùng cực và giảm sự bất bình đẳng.

Đưa nền kinh tế của chúng ta vào hoạt động

Nền kinh tế Mỹ là một động cơ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một nguồn ổn định cho hệ thống quốc tế. Ngoài việc bản thân nó là một thước đo chủ chốt cho sức mạnh và tầm ảnh hưởng, nền kinh tế còn đảm bảo cho sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ngoại giao của chúng ta. Một nền kinh tế mạnh, kết hợp với một sự hiện diện nổi bật của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu, tạo ra những cơ hội để thúc đẩy an ninh của chúng ta.

Để đảm bảo tính cạnh tranh về kinh tế của mình, chúng ta đang đầu tư vào một nền tảng mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững mà tạo ra các việc làm tốt và thu nhập tăng lên. Vì tri thức là đồng tiền của kinh tế toàn cầu hiện nay, chúng ta phải tiếp tục mở rộng sự tiếp cận tới giáo dục mầm non và giáo dục đại học với chi phí hợp lý. Sự tăng tốc hơn nữa trong cuộc cách mạng chế tạo của chúng ta sẽ tạo ra thế hệ mới các việc làm chế tạo công nghệ cao. Cải cách nhập cư kết hợp với việc thực thi pháp luật một cách thông minh và hiệu quả với con đường đi đến tư cách công dân cho những người đạt được nó vẫn là một đòi hỏi cấp thiết. Chúng ta sẽ đem lại sự chăm sóc sức khỏe có chất lượng và với chi phí hợp lý cho ngày càng nhiều người Mỹ. Chúng ta cũng sẽ hỗ trợ tạo việc làm, củng cố tầng lớp trung lưu, và kích thích tăng trưởng kinh tế bằng việc mở cửa các thị trường và đem lại cơ hội công bằng cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài. Việc làm cũng sẽ tăng lên khi chúng ta mở rộng hoạt động của mình với các đối tác thương mại nhằm loại bỏ những rào cản đối với việc triển khai đầy đủ sự đổi mới của Mỹ trong không gian điện tử. Những nỗ lực này được bổ sung bởi cơ sở hạ tầng hiện đại hơn và đáng tin cậy hơn đảm bảo sự an toàn và tạo điều kiện cho tăng trưởng.

Ngoài những lợi ích tích cực của trao đổi và thương mại, một nền kinh tế mạnh và được điều tiết tốt đặt Mỹ vào vị trí dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy sự minh bạch tài chính và ngăn chặn việc hệ thống tài chính toàn cầu bị các tổ chức tội phạm và khủng bố xuyên quốc gia lạm dụng để can dự hay rửa những khoản tiền thu được từ hoạt động bất hợp pháp. Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc trong Nhóm công tác đặc biệt về hoạt động tài chính, G20, và các diễn đàn khác để đưa tất cả các quốc gia tham gia cuộc chiến bảo vệ sự toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu.

(còn tiếp) 

Nguồn: CVĐQT số 3/2015

Bình luận về bài viết này