Cải cách các quan hệ dân sự – quân sự: Phần II


Những thay đổi gần giống như trên đây đã được triển khai ở các chính thể dân chủ mới tại Nam Âu, Mỹ Latinh, Đông Á và nhiều khu vực khác nữa. Các chính phủ dân chủ mới lên cầm quyền đã thanh lọc hầu hết thủ lĩnh quân sự hàng đầu trong thành phần của mình. Nhiều hạn chế về dính líu chính trị và các qui định thu hẹp khác đã được vận dụng một cách áp đặt đối với giới quân sự. Các quan hệ tổ chức đã được cải cách cùng với việc thành lập các bộ quốc phòng và cơ quan trung ương nhằm kiểm soát giới quân sự. Bộ quốc phòng không phải mọi nơi đều do nhân vật dân sự nắm, nước Nga và nhiều nước lớn khác vẫn còn là ngoại lệ, song xu thế là chuyển biến theo chiều hướng đó. Các tổ chức quân sự đặc biệt nắm quyền lực chính trị, chẳng hạn như Hội đồng cách mạng quân sự ở các chức vụ chính trị cao cấp, như Tổng thống các nước Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha. Nói chung, chỉ còn một số ít hơn các sĩ quan tại ngũ còn ở các chức trách mà người ta vẫn thường coi như phải là chức trách chính trị. Tại những quốc gia trước đây là cộng sản, sự kiểm của Đảng cộng sản đối với quân đội đã chấm dứt và đã thực hiện nhiều nỗ lực để phi chính trị hóa quân đội.

Cùng đi kèm với các sự phát triển đó, tại đa phần những nước dân chủ mới đã có nhiều cố gằng để cải tổ và định hướn glại quân đội chuyển hẳn vào các nhiệm vụ quân sự và đưa quân đội ra khỏi rất nhiều hoạt động không nhất thiết gắn liền với quân đội. Trong số này, có những hoạt động mà trước đây hai thập niên Alfred Stepan coi như thuộc vào quan niệm mới về chuyên môn hóa quân sự ở châu Mỹ Latinh, và các hoạt động này cũng đã bao gồm cả vai trò quân đội tham gia xúc tiến phát triển quốc gia và chú trọng vào bảo đảm an ninh nội địa. Ở châu Mỹ Latinh và một số khu vực khác, quân đội đảm nhiệm nhiều chức năng kinh tế hết sức trọng yếu, phụ trách điều hành nhiều ngành công nghiệp chủ chốt, kể cả nhiều ngành không chút liên quan với quốc phòng, các hoạt động phi quân sự này chưa được loại bỏ hoàn toàn, nhưng ở khác đông quốc gia, cũng đã giảm bớt rất đáng kể vì các chính phủ đã áp dụng chính sách tư nhân hóa các doanh nghiệp và ngành công nghiệp do quân nhân điều khiển. Trong lĩnh vực này, chính phủ Argentina tỏ ra rất tích cực.

Ở hầu hết mọi trường hợp, lực lượng quân sự tại các chế độ dân chủ mới được cắt giảm về qui mô. Bất luận công việc cắt giảm này có phải là sáng suốt ở mọi tình huống hay không, vẫn có thể tin chắc rằng đây là chỉ báo phản ánh một hình thức kiểm soát nào đó của giới dân sự. Đại thể ở các chế độ dân chủ mới đều nhấn mạnh yêu cầu phải soạn thảo lại học thuyết quân sự và soát xét chương trình giảng dạy tại các học viện quân chủng, binh chủng và các trường quân sự nhằm tăng cường chuyên môn hóa quân nhân. Các chế độ mới trong chừng mực khả năng cho phép đã cố gắng trang bị các phương tiện hiện đại hơn cho các lực lượng vũ trang và nỗ lực đảm bảo cho quân đội vươn tới các tiêu chuẩn quốc tế về năng lực chiến đấu. Những chuyển động như vậy đánh dấu một xu hướng rộng lớn tiến tới nâng cao tính chuyên môn hóa quân sự và giảm bớt những vai trò mà các lực lượng quân sự đã thực hiện trong xã hội.

Những lý do thành công

Tại sao các nước dân chủ mới về đại thể đã thành công như vậy trong việc cải tổ các quan hệ dân sự – quân sự của họ? Chắc chắn là ở đây có vai trò của nhiều yếu tố. Trước tiên, đó là đã diễn ra một hoạt động phổ biến và thái độ chấp thuận của các giới quân sự khắp thế giới về các chuẩn mực của thuyết chuyên môn hóa quân sự và vai trò kiểm soát của giới dân sự. Trong nhiều trường hợp trước đây khi ở châu Mỹ Latinh các quân nhân âm mưu tiến hành những cuộc đảo chính quân sự hoặc sau đó bị lột mặt nạ là những tên đàn áp khát máu. Nhiều nghị sĩ và ký giả tự do của Hoa Kỳ đã từng kịp thời vạch trần các hành động ấy coi như hậu quả của việc đào tạo bọn này tại các trường quân sự Hoa Kỳ. Về chuyện sĩ quan quân đội Hoa Kỳ có thể dậy cho đồng nghiệp Mỹ Latinh của họ về việc tổ chức đảo chính hoặc hành hạ tù binh bằng nhục hình, dẫu sao cũng rất không thể nhận định là chuyện có thật được. Trên sự việc thực tế, thì sự tiếp xúc với quân đội Hoa Kỳ và được huấn luyện tại các trường quân sự Hoa Kỳ lại chính là những yếu tố quan trọng trong việc các sĩ quan quân đội các nước khác được dịp tiếp nhận và chấp thuận các chuẩn mực dân chủ tự do của thuyết quân nhân nhà nghề và chế độ kiểm soát của giới dân sự. Trung tâm George C. Marshall tại Bavaria là một sự phát triển trọng yếu của nỗ lực này trên thế giới ở thời kỳ hậu – Xôviết.

Thứ hai là, sự chuyển động tiến theo hướng thực hiện quyền kiểm soát dân sự khách quan là nhằm phục vụ lợi ích cho cả các thủ lĩnh quân sự lẫn dân sự. Các sĩ quan quân đội đã tiếp thu được một bài học là chẳng hề có những giải pháp dễ dàng để xử lý các vấn đề phiền toái về kinh tế, xã hội và chính trị đang đối mặt với đất nước họ, và sự dính líu triền miên vào hoạt động chính trị sẽ mang lại những hậu quả khủng khiếp cho tinh thần đoàn kết, hiệu lực và ý thức kỷ luật của quân đội. Mượn các nói của tác giả Stepan, nó hy sinh quân nhân với tính cách một thiết chế cho quân nhân với tính cách một chính phủ, chính đó là một lý do tại sao ở châu Mỹ Latinh có nhiều chế độ quân sự đến thế đã tự nguyện trả lại quyền lực, mặt khác, các thủ lĩnh chính trị dân cử cũng công nhận rằng cuộc chơi chính trị với các quân nhân là chơi với “con dao hai lưỡi”, và một thiết chế quân sự nhà nghề trung lập về chính trị  là thích hợp nhất với lợi ích của họ. Thành thử, nhóm người chống đối các tiến bộ trong quan hệ dân sự – quân sự đã bị thu hẹp tới mức chỉ bao gồm một số ít sĩ quan cấp bậc trung gian mang tâm trạng bất mãn và chính khách dân sự theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đứng ngoài lề vũ đài chính trị.

Thứ ba là, không giống như cải cách kinh tế, cải cách quan hệ dân sự – quân sự chỉ đòi hỏi ở xã hội những khoản chi phí ít ỏi mà lại tạo được những lợi ích ở phạm vi rộng lớ: giảm bớt yêu cầu về nghĩa vụ quân sự, cắt giảm được chi phí quân sự, hạn chế nhiều vi phạm nhân quyền của giới quân sự, chuyển dịch các doanh nghiệp quân quản sang tư nhân. Các biện pháp như trên quả thật được đông đảo nhân dân đồng tình, còn ở các nhóm ngoài giới quân sự thì chúng chỉ gây ra ít hoặc hoàn toàn không gây sự chống đối.

Thành công tương đối của các nước dân chủ mới trong lĩnh vực cải cách quan hệ dân sự – quân sự không có nghĩa là tại một số quốc gia hoàn toàn không còn những vấn đề lớn về dân sự – quân sự, đồng thời ở nhiều quốc gia khác vẫn tồn tại những vấn đề dù không khẩn cấp nhưng cũng khá quan trọng. Đặc biệt có hai nước đang phải đối mặt với những thách đố giống nhau. Nước Nam Phi đang tiến hành cuộc đấu tranh nhằm hội nhập quân du kích của lực lượng quân sự thuộc Đại hội dân tộc Phi (ANC), tức là tổ chức Umkhonto we Sizwe (MK), vào lực lượng quốc phòng Nam Phi, một lực lượng mà các sĩ quan người Afrikan chiếm đa số áp đảo và đã có một truyền thống gắn bó với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc “Apartheid”. Chính phủ của Tổng thống Nelson Mandela đã bỏ ra nhiều công sức để tiến hành việc hội nhập khiến cho ngân sách quân sự phải tốn kém hơn khá nhiều, tuy rằng có lẽ cũng chỉ trong một thời gian ngắn. Hình như việc hội nhập các sĩ quan MK được triển khai tương đối thuận lợi với kết quả tốt; song đối với binh lính và hạ sĩ quan du kích thì chủ trương hội nhập đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình, diễu hành phản kháng trước dinh tổng thống Mandela, nhiều vụ binh biến nhỏ và đào ngũ, bỏ ngũ hàng loạt, khiến Mandela phải lên tiếng cảnh cáo sẽ không dung thứ được “một đội quân tội phạm” và sẽ cho giải ngũ những cựu du kích quân không chịu phục tùng một thứ chế độ kỷ luật quân sự cần thiết đối với lực lượng quân đội chính quy.

Ở Nam Phi, vấn đề trung tâm là hội nhập quân đội; ở nước Nga, vấn đề trung tâm là quân đội bị phân rã. Như tác giả Benjamin Lambeth đã chỉ rõ, không giống bất kỳ tổ chức quân sự hiện thời khác, quân đội Nga đã mất đi không chỉ quân lực, tiền và trách nhiệm, mà còn mất đi cả một cuộc chiến, một lực lượng đồng minh và cả một đất nước nữa. Tình trạng này dẫn đến kết cục là chỉ còn lại một quân đội hoàn toàn mất tổ chức, mất hết tinh thần, một quân đội không những không đủ sức để tiến hành một cuộc chiến, mà còn bị chia rẽ tới mức tự chống lại bản thân, đến nỗi chắc chắn là không thể làm được một cuộc đảo chính nữa. Các lực lượng vũ trang Nga dường như đã bị chính trị hóa triệt để, bị chia nhỏ thành các phe phái và các bè phái phục tùng cá nhân. Để bù đắp nạn thiếu kinh phí, binh lính ngày càng tham gia nhiều hơn các hoạt động thương mại và đem bán đi các quân trang, quân dụng. Binh sĩ đa số đều bất bình với cả Tổng thống Boris Yeltsin lẫn bộ trưởng quốc phòng Pavel Grachev, họ mong đợi xuất hiện một thủ lĩnh mới khả dĩ khôi phục được năng lực lãnh đạo và ý thức kỷ luật. Một thủ lĩnh kiểu ấy có thể là nhân vật dân sự, nhưng theo tướng Laeksandr Lebed trong ý kiến sau khi nêu tên mình giữ vai trò ấy, thì cũng có thể đành chấp nhận một viên tướng giống như Augusto Pinochet ở nước Chile. Tuy nhiên, cùng trong thời gian, xu hướng chính trị hóa quân đội lại kéo theo nó việc mở rộng ảnh hưởng của giới dân sự dưới tình thức tăng thêm tính công khai hơn trước nhiều, cũng như quyền giám sát viện Duma, các tranh luận của công chúng và giới lập pháp về những quyết sách liên quan đến quân đội, và việc mở rộng việc giám định chuyên môn quân sự vượt khỏi những ranh giới hạn hẹp của cơ quan tổng tham mưu. Dù sao, vẫn không thể lập luận rằng những cơ chế kiểm soát dân sự ở nước Nga hiện thời đã được tạo hình tốt hơn so với thời Liên Xô trước kia.

(còn tiếp) 

Người dịch: Chu Tiến Ánh

Biên tập: Hải Ninh

Nguồn: Samuel P. Huntington – Reforming Civil – Military Relations – Journal of Democracy Vol.6, Number 4, October 1995, pp.9 – 17.

TĐB 98 – 08

Bình luận về bài viết này