Quan hệ Việt – Trung: “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” kết nối hiệu quả với “Một vành đai, một con đường” – Phần đầu


Đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi tiếp tục giữ vị trí này trong nhiệm kỳ mới, cũng là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc ngay trong những ngày đầu năm mới. Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng đối với việc đưa sự hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực chính trị và kinh tế đi vào chiều sâu, giúp thúc đẩy sự hợp tác kết nối giữa “Một hành lang, một con đường” và “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, tăng cường cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam.

Nhân dân hai nước có tình hữu nghị truyền thống “đồng chí – anh em”, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc và Việt Nam đều là các nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, là cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược. Để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai đảng, hai nhà nước, trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đưa ra 7 điểm kiến nghị gồm tăng cường sự lãnh đạo cấp cao, đưa sự hợp tác giữa hai đảng đi vào chiều sâu, đi sâu hợp tác thiết thực, tăng cường sự kết nối chiến lược, mở rộng hợp tác giữa quân đội hai nước và tăng cường sự phối hợp quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết Việt Nam kiên trì phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” để thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Trung Việt,  đây là sự lựa chọn chiến lược, chính sách ngoại giao lâu dài và ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam núi liền núi sông liền sông. Hai nước có chế độ chính trị tương đồng, niềm tin lý tưởng tương thông, con đường phát triển tương tự nhau, tiền độ vận mệnh có liên quan và cũng coi nhau là cơ hội phát triển. Sự giao lưu giữa hai đảng ngày càng được tăng cường, các chuyến thăm thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước đã góp phần tăng cường sự trao đổi và lòng tin ở cấp cao giữa hai đảng, hai nhà nước, thông qua sự dẫn dắt về chính trị, kết nối chiến lược phát triển. Năm 2015, hai nước đã ký tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo cùng chứng kiến việc ký kết một loạt văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như liên đảng, giao thông, du lịch, hợp tác năng lực sản xuất, văn hóa, đường sắt, năng lượng, tài chính và hợp tác đa phương. Chuyến thăm thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước còn có thể trực tiếp thúc đẩy sự kết nối “Một vành đai, một con đường” và “Hai hành lang, một vài đai kinh tế”, lần này hai bên đã đạt được những thành quả thiết thực trong việc thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa ở trên biển, trên bộ và tài chính, giúp đẩy mạnh sự trao đổi về chính sách, liên thông cơ sở hạ tầng, thương mại thông suốt, lưu thông vốn và lòng dân hiểu nhau, đồng thời tăng cường xây dựng cộng đồng chung vận mệnh lấy cộng đồng lợi ích và cộng đồng trách nhiệm làm cơ sở, đem lại lợi ích cho người dân hai nước, mang lại điểm tăng trưởng mới cho hai nước, thực hiện cùng có lợi cùng thắng lợi. Sau khi Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ, 2017 lại là năm bầu cử của châu Âu, nền kinh tế thế giới phục hồi yếu đang đối mặt với vấn đề thiếu nhu cầu. Trong bối cảnh nhân tố khó xác định, bất ổn trên thế giới tăng mạnh, hai đảng Cộng sản, hai nước Trung Quốc và Việt Nam tăng cường hợp tác với nhau ra sao là điều mọi người đang đặt kỳ vọng. Hai nước có lý do tin rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ càng làm kiên định lòng tin hợp tác giữa hai đảng, hai nhà nước, tăng thêm nhân tố ổn định mới cho nền chính trị và kinh tế thế giới.

Thương mại thông suốt đã tạo thêm sức sống mới cho sự tăng trưởng kinh tế của hai nước. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 6 và nước nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc 12 năm liên tục là bạn hàng số 1 của Việt Nam. Năm 2016, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trong tình hình tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm lại, kim ngạch thương mại hai nước năm 2015 đạt 95,97 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đứng thứ 9 trong số 116 quốc gia và khu vực mà Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài. GDP của Việt Nam năm 2016 tăng 6,2% thấp hơn năm 2015, thúc đẩy tăng trưởng trở thành nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Trong điều kiện chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu, chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa dân túy trên toàn cầu thịnh hành, đặc biệt là sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc Trung Quốc và Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế – thương mại càng có ý nghĩa lớn. Sự tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế giữa hai nước. Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam cần cải cách mang tính cơ cấu và Việt Nam đang dốc sức cải các cơ cấu kinh tế trong đó có cải cách doanh nghiệp nhà nước. Năm 2017 Trung Quốc cũng sẽ coi cải cách mang tính cơ cấu theo hướng trọng cung làm mạch chính của công tác kinh tế. Việc hai nước tăng cường sự hợp tác thiết thực trong lĩnh vực chính trị và kinh tế sẽ tạo điều kiện cho việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế của hai nước. Cùng với việc Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất, năm 2017 sẽ có khả năng dẫn tới sự chảy ngược thậm chí thiếu hụt đồng USD, sự tăng cường hợp tác tiền tệ và tài chính giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ giúp giảm bớt rủi ro tài chính, đặc biệt là thông qua tăng cường các phương tiện kết nối và lưu thông tiền tệ sẽ giúp tăng cường sự hợp tác thương mại và ngành nghề giữa hai nước, có lợi cho việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Trong thông cáo chung có nêu rõ hai nước muốn tăng cường sự hợp tác kết nối giữa “Một vành đai, một con đường” và “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”. Trước hết hai bên phải hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và tài chính tiền tệ, cùng nhau thúc đẩy việc hợp tác xây dựng khu vực hợp tác kinh tế xuyên biên giới và các khu công nghiệp. Trung Quốc và Việt Nam có những ngành nghề có thể bổ sung cho nhau, ngành sản xuất của Trung Quốc có kỹ thuật phong phú và kinh nghiệm quản lý, mấy năm gần đây do sự điều chỉnh cơ cấu ngành nghề nên một số doanh nghiệp đang chuyển tới Đông Nam Á. Trung Quốc và Việt Nam có thể tăng cường sự hợp tác năng lực sản xuất hơn nữa trong lĩnh vực dệt may, điện tử, vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ, sản xuất trang thiết bị, điện lực và năng lượng có thể tái sinh. Điều này không những giúp thúc đẩy sự kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước mà còn giúp nâng cao trình độ công nghiệp hóa của Việt Nam, thúc đẩy kinh tế – thương mại giữa hai bên phát triển nhanh, từ đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của ASEAN. Trung Quốc và Việt Nam có lịch sử hữu nghị lâu đời, thúc đẩy sự trao đổi hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa, du lịch giúp người dân hai nước càng thêm hiểu lẫn nhau. Mỗi năm hai nước có 3 triệu lượt người qua lại, 10 tháng đầu năm 2016, có 2,23 triệu lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam du lịch, tăng 55%, có trên 13000 lưu học sinh trao đổi giữa hai nước. Vì vậy hai nước rất cần phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực nhân văn, tin tức, văn hóa, giáo dục, du lịch và thanh niên, củng cố tình hữu nghị giữa người dân hai nước.

(còn tiếp) 

Nguồn: china168.hk – 15/01/2017

TLTKĐB – 19/01/2017

Bình luận về bài viết này