Lý do cuộc bầu cử 2020 quyết định vận mệnh nước Mỹ và thế giới – Phần I


Vì sao số phận của nền cộng hòa Mỹ – và thế giới – có thể sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra vào ngày 3/11/2020?

Hãy xem xét một tiền lệ bất kỳ trong lịch sử bầu cử Mỹ. Kết quả của mỗi cuộc bầu cử trong số này đều tác động tới đường hướng và chính sự tồn tại của nền cộng hòa Mỹ. Cuộc bầu cử có kết quả sít sao năm 1800 giữa Aaron Burr – một nhân vật vô nguyên tắc với xu hướng độc tài, có thể được coi là Donald Trump thời đó – và Thomas Jefferson là một ví dụ đáng chú ý. Hay cuộc cạnh tranh năm 1860 mà trong đó Abraham Lincoln đối đầu với Stephen Douglas, trong bối cảnh cuộc nội chiến Mỹ sắp nổ ra. Hoặc cuộc bầu cử năm 1932 trong thời kỳ Đại suy thoái, mà những rủi ro khi đó lớn đến nỗi khi có người cảnh báo Franklin D. Roosevelt rằng người ta sẽ coi ông là vị tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ nếu kế hoạch khôi phục kinh tế của ông thất bại, Roosevelt được cho là đã trả lời: “Nếu chương trình này thất bại, thì tôi sẽ là vị tổng thống cuối cùng của nước Mỹ”.

Các nhà sử học, nhà khoa học chính trị, nhà ngoại giao, quan chức an ninh quốc gia và các chuyên gia khác có sự đồng thuận rất đáng chú ý khi họ đều cho rằng cuộc cạnh tranh vào Nhà Trắng giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden tháng 11 tới đây cũng có tác động to lớn không kém gì những tiền lệ lịch sử nói trên. Quả thật, tác động của nó rất có thể còn lớn hơn thế, khi xét tới vai trò trung tâm hiện nay của Mỹ trong hệ thống toàn cầu – một vai trò chưa thuộc về Mỹ khi nước này còn là một quốc gia non trẻ trong các năm 1800, 1860 và 1932.

Có một số ý kiến cho rằng Trump và những thế lực xấu kéo theo đã gây thiệt hại quá lớn cho những thể chế của nền dân chủ Mỹ – nhất là thất bại của Trump trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 và việc ông công khai khuyến khích bạo lực chủng tộc và chia rẽ quốc gia – đến mức nếu Trump tái đắc cử vào tháng 11, thì thử nghiệm kéo dài 244 năm về một nền cộng hòa pháp quyền ở Mỹ có thể bị tổn hại vĩnh viễn. Sau nhiệm kỳ đầu tiên mà trong đó, Trump công khai phớt lờ quốc hội và tòa án các cấp, bóp méo chính sách đối ngoại để phục vụ cho lợi ích chính trị của riêng mình, gạt bỏ các chuẩn mực bầu cử và biến đảng Cộng hòa đang sợ hãi thành món đồ chơi, thì trên thực tế, việc ông trở lại nắm quyền sẽ hợp pháp hóa hành động phá hủy các thể chế pháp luật và những gì còn lại trong hệ thống kiểm soát và cân bằng mà các nhà lập quốc đã đặt ra. Việc tái đắc cử sẽ xác nhận quan điểm của Trump rằng trên cương vị tổng thống, ông có thể làm “bất kỳ điều gì mình muốn”, đúng như lời ông nói. Nói cách khác, điều đó sẽ dập tan suy nghĩ kiêu ngạo của Mỹ rằng nước này là một nền dân chủ khác với những nền dân chủ từng tồn tại trong quá khứ và biến Mỹ thành một phế vật khác trên đống tro tàn của các nền cộng hòa thất bại từ thời Hy-La cổ đại.

Nhiều đảng viên Cộng hòa cũng có chung mối quan ngại này – các cựu quan chức cấp cao từng làm việc cho các chính quyền Cộng hòa trước đây, tính từ thời Ronald Reagan, trong đó có một vài người từng làm việc dưới quyền chính quyền Trump. Một số người đã công khai cảnh báo rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ đe dọa sự tồn tại của nền dân chủ Mỹ.

Edvard J. Watts, nhà sử học thuộc Đại học California, San Diego và là tác giả cuốn sách “Mortal Republic: How Rome Fell Into Tyranny” (tạm dịch: Nền cộng hòa không thoát khỏi diệt vong: Cách thức La Mã biến thành chế độ chuyên chế), nhận định: “Đây là một thời điểm mang tính bước ngoặt. Nếu Trump tái đắc cử, thì tôi cho rằng những chuẩn mực và hạn chế của nền dân chủ Mỹ sẽ biến mất hoàn toàn”, đẩy Mỹ đi vào vết xe đổ của những nền cộng hòa trong quá khứ. Watts nói thêm rằng ngay cả khi Biden giành chiến thắng, thì Mỹ cũng phải mất một thời gian dài nữa mới có thể hồi phục.

Charles Kupchan, nhà khoa học chính trị thuộc Đại học  Georgetown, cựu nhà ngoại giao và là tác giả của cuốn sách “Isolationism: A History of America’s Efforts to Shield Itself From the World” (tạm dịch: Chủ nghĩa biệt lập: Lịch sử những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập mình với thế giới) nói: “Tôi chắc chắn rằng đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nó có tác động rất lớn. Một nhiệm kỳ đã tồi tệ rồi, nhưng nếu Trump tái đắc cử, thì người dân Mỹ và người dân trên toàn thế giới sẽ không thể tiếp tục nói rằng cử tri Mỹ đã mắc sai lầm. Thay vào đó, kết quả này sẽ là lời khẳng định rằng đây là đường hướng mà người dân Mỹ muốn theo đuổi”.

Kupchan cho rằng cuộc cạnh tranh này có tác động lớn hơn các cuộc bầu cử quan trọng vào những năm 1800 và 1860 là vì trong những thời kỳ đó, “Mỹ không phải là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Về cơ bản, Mỹ khi đó chẳng can hệ gì tới ai cả. Tình hình giờ đã khác: Mỹ hiện là một quốc gia rất lớn đang mất phương hướng nghiêm trọng. Chúng ta đang bước vào một thời kỳ hết sức khó khăn trong lịch sử. Cán cân sức mạnh đang thay đổi. Hệ thống trong thời kỳ đơn cực hậu Chiến tranh Lạnh cũng khoan dung hơn. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ đôi khi mắc phải sai lầm, như ở Việt Nam, thì nước này cũng không khiến cả thế giới chao đảo. Tuy nhiên, vào thời điểm phương Tây đánh mất ưu thế vật chất so với Trung Quốc và Nga đồng thời bắt đầu va vấp về chính trị, thì đó là một đòn giáng kép với quy mô lịch sử”.

Quả thật, vì Mỹ chiếm vị trí trung tâm trong việc ổn định hệ thống toàn cầu, nên cuộc bầu cử năm 2020 có thể được so sánh với những sự tái liên kết toàn cầu quan trọng khác đã làm thay đổi số phận của các nước lớn, đế chế và cấu trúc ổn định quốc tế trong ngoại giao trước đây.

John Ikenberry thuộc Đại học Princeton, tác giả cuốn sách “A World Safe for Democracy” (tạim dịch: Thế giới an toàn đối với nền dân chủ), một cuốn biên niên sử về chủ nghĩa quốc tế tự do trong suốt hai thế kỷ, nói: “Trên trường quốc tế, đó là một thời khắc quan trọng đối với lịch sử thế giới – vai trò của Mỹ trên thế giới và cách thức tổ chức hệ thống toàn cầu đều do lá phiếu của cử tri Mỹ quyết định. Nếu Trump chiến thắng, thì toàn bộ trật tự tự do hậu chiến sẽ tiếp tục bị phá hủy, và các đồng minh dân chủ  cũng như đồng minh khác của Mỹ, những người đang phòng vệ và hy vọng rằng Mỹ sẽ trở lại nắm giữ “vai trò hệ thống”, sẽ bắt đầu vạch ra những kế hoạch khác”.

Joseph Nye thuộc Đại học Harvard, cũng là một trong những nhà khoa học chính trị và nhà ngoại giao hàng đầu thời ông, cũng nhất trí với điều đó. Trong một cuộc phỏng vấn, Nye đã dẫn lời một nhà ngoại giao hàng đầu của một quốc gia đồng minh ở châu Âu nói với ông gần đây: “Chúng ta có thể nín nhịn trong 4 năm, nhưng 8 năm thì quá lâu”.

(còn tiếp)

Nguồn: Foreign Policy – 25/09/2020

TLTKĐB – 02/10/2020

Bình luận về bài viết này