Chính sách dân tộc của Trung Quốc sẽ thay đổi


Với tiêu đề “Người Hán làm Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc nhà nước, chính sách dân tộc của Trung Quốc có thay đổi không?” tờ Minh báo của Hong Kong ngày 16/12 có bài viết về vấn đề này như sau:

Theo báo trên, nội dung liên quan đến công tác điều động nhân sự cấp tỉnh và cấp bộ được bàn trong Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức hồi tuần trước đến nay mới được tiết lộ. Theo đó, Trần Tiểu Giang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Ủy ban công tác dân tộc nhà nước Phó Chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương (Chính hiệp), Chủ nhiệm Ủy ban công tác dân tộc nhà nước đã không còn kiêm chức Bí thư Đảng ủy. Một số học giả ở Đại lục – vốn luôn phản đối chính sách ưu tiên các dân tộc thiểu số, cho rằng việc điều động nhân sự này là sự chuyển đổi mang tính dấu mốc lịch sử, với ngầm ý là trong nhiều năm qua, lại có một người dân tộc Hán lãnh đạo Ủy ban công tác dân tộc nhà nước và điều này có thể dự báo chính sách dân tộc của Trung Quốc sẽ có thay đổi. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là một giải pháp quá độ.

Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban công tác dân tộc nhà nước ngay sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập là Trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương Lý Duy Hán, là người dân tộc Hán. Oôn là bố của Lý Thiết Ánh, Ủy viên Bộ Chính trị thời kỳ sau cải cách. Mẹ đẻ cảu Lý Thiết Ánh là bà Kim Duy Ánh, vốn là vợ cũ của Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, những chủ nhiệm sau Lý Duy Hán đều là những người dân tộc thiểu số như Mông Cổ, Hồi, Triều Tiên, Duy Ngô Nhĩ… Thời kỳ Lý Đức Hạo (dân tộc Triều Tiên) và Dương Tinh (dân tộc Hồi) đương chức, thì Dương Phó Đường từng giữ chức Bí thư Đảng ủy Ủy ban dân tộc trong thời gian 4 năm, nhưng ông chỉ kiêm chức Phó Chủ nhiệm. Lý do là khi ông làm Bí thư Tây Tạng, ông đã mắc bệnh nặng, trong quá trình hồi phục, ông đảm nhiệm một chức vụ có hàm bộ trưởng, nhưng mang tính “hữu danh vô thực”.

Trần Tiểu Giang, 58 tuổi, được Vương Kỳ Sơn để mắt từ vài năm trước, sau đó vào Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương, là người trong sạch, tuổi còn trẻ, đương nhiên chưa thể đến mức cho “ngồi chơi xơi nước”. Ông xuất phát từ Bộ Thủy lợi, khi đó bộ trưởng là Vương Nộ Thành. Ông Vương Nộ Thành là bạn học cùng lớp với Hồ Cẩm Đào ở Khoa công trình thủy lợi, Đại học Thanh Hoa. Trần Tiểu Giang được Vương Nộ Thành đánh giá cao, điều từ báo “Thủy lợi Trung Quốc” về cơ quan bộ, sau đó lên đến Chủ nhiệm Văn phòng Bộ. 5 năm trước, ông bỗng nhiên lọt vào mắt Vương Kỳ Sơn khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương, được điều từ Ủy ban thủy lợi sông Hoàng Hà về Cơ quan kiểm tra kỷ luật trung ương. Lúc đầu, Trần Tiểu Giang làm trưởng bộ phận tuyên truyền, sau đưa đến Liêu Ninh làm trưởng ban kiểm tra kỷ luật của tỉnh, sau đó trở lại Bắc Kinh làm Phó ban giám sát. Đến Đại hội XIX, Trần Tiểu Giang lên làm Phó Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương, kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban giám sát nhà nước.

Lãnh đạo Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương từng được điều đi giữ các chức vụ hàm bộ trưởng ở các ủy ban khác. Từ các tiền lệ trước có thể thấy rằng không nhiều người được trọng dụng. Tương đối điển hình là trong nhiệm kỳ của Vương Kỳ Sơn của 3 phó bí thư lần lượt bị điều đi công tác ở chỗ khác. Trong đó, Vương Vĩ được điều đi làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban đập Tam Hiệp thuộc Quốc Vụ viện, hiện đang là Phó Chủ nhiệm Tổng hội hợp tác tiêu dùng toàn quốc; Hoàng Thúc Hiền được điều làm Trưởng ban dân chính hiện đã nghỉ hưu, chuyển sang Chính hiệp; còn Lý Ngọc Phó được điều đi là Bí thư Đảng ủy Tổng Công hội toàn quốc. Có thể nói, ngoài Vương Vĩ bị giáng chức, hai người còn lại cũng bị đẩy ra ngoài.

Về chức vụ mới của Trần Tiểu Giang lần này, nếu như tại Hội nghị Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần này, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12, ông tiếp tục được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc nhà nước thì thực sự là sau năm 1954 đến nay, lần đầu tiên một người dân tộc Hán lãnh đạo công tác dân tộc thiểu số toàn quốc. Còn nếu chỉ giữ chức Bí thư Đảng ủy, thì cũng giống như Dương Phó Đường trước đây, vẫn chưa phải người đứng đầu Ủy ban dân tộc nhà nước thì lần điều chuyển này, đối với cá nhân Trần Tiểu Giang cũng chỉ giống như Hoàng Thúc Hiền, tức là bị đẩy ra ngoài. Liệu đây có phải là việc Triệu Lạc Tế – Bí thư Đảng ủy Ủy ban kỷ luật trung ương đương nhiệm từng bước thanh trừng tay chân của Vương Kỳ Sơn hay không? Điều này cũng khó mà biết chắc.

Thực ra, chính sách dân tộc của Trung Quốc, bao gồm ưu tiên các dân tộc thiểu số, trong đó có các khu tự trị, chính là do Chủ nhiệm người dân tộc Hán đầu tiên Lý Duy Hán đặt ra. Đây là một trong những chính sách chủ chốt mà ĐCSTQ đang cố gắng duy trì. Nếu chính sách không thay đổi thì việc thay người cũng chẳng giải quyết được gì.

Nguồn: TKNB – 18/12/2020.

Bình luận về bài viết này