Vì sao doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm về mặt xã hội? Những lối tiếp cận lý thuyết – Phần II


Nhà lãnh đạo doanh nghiệp, “người thừa hành” của các cổ đông hay của các thành phần có liên quan?

Bắt đầu từ các nghiên cứu của Jensen và Meckling [1976], mối quan hệ ủy thác (reation d’agence) được sử dụng làm khung tham chiếu lý thuyết để phân tích các mối quan hệ giữa những nhà điều hành doanh nghiệp và các cổ đông, đồng thời cũng là một khung lý thuyết để phân tích về “tính quản trị công ty” (gouvernance des entreprises). Lý thuyết ủy thác này đã hợp thức hóa quan niệm cho rằng doanh nghiệp chỉ thuộc về các cổ đông mà thôi. Điểm mạnh của lối tiếp cận này là giúp cho các cổ đông thiết lập được những điều kiện kiểm soát những người điều hành doanh nghiệp, vốn là những người nắm được những thông tin đặc quyền và có thể sử dụng chúng để lập ra các chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu riêng của họ chứ không phải mục tiêu của các cổ đông. Để giảm thiểu những bất đồng về mục tiêu, các nhà điều hành cần phải giải trình các chiến lược của mình, chứng minh các quyết định được đưa ra là nhằm tạo ra giá trị cho cổ đông, và các cổ đông được tiếp cận những thông tin đáng tin cậy cũng như những cam kết về các thành quả trong tương lai; thông tin mà cổ đông yêu cầu và được nhà điều hành cung cấp sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc kiểm soát các quyết định của những nhà điều hành. Vì cho rằng các cổ đông (shareholders) không phải là những người duy nhất có liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp mà các thành phần có liên quan (stakeholders) cũng có thể phải gánh chịu hậu quả khi doanh nghiệp vận hành không như mong đợi, do đó nhãn quan của mối quan hệ ủy thác còn được mở rộng cho toàn bộ các thành phần có liên quan [Hill và Jones, 1992]. Trách nhiệm của doanh nghiệp được xem xét như là trách nhiệm của nhà điều hành doanh nghiệp, vốn là người có những mối quan hệ mang tính khế ước công nhiên hoặc mặc nhiên với rất nhiều chủ thể khác của xã hội như: cổ đông, chủ nợ, người lao động, khách hàng và người tiêu dùng, nhà cung ứng, cộng đồng địa phương, các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ…; nhà điều hành doanh nghiệp phải xử lý nhiều mong đợi khác biệt nhau. Mỗi một chủ thể đó trong các thành phần có liên quan đều có một quyền sở hữu nào đó đối với doanh nghiệp; các chủ thể này sẽ đóng vai trò giám sát, thậm chí là kiểm toán đối với các nhà điều hành nhằm tránh những báo cáo lừa dối, và họ còn để mắt đến các chiến lược xã hội của doanh nghiệp sao cho các chiến lược này không đơn giản chỉ là việc làm “cực chẳng đã” của nhà điều hành. Việc công bố của các báo cáo mệnh danh là “phát triển bền vững” có thể được phân tích bằng khung lý thuyết này.

Chính việc mở rộng nhãn quan như vậy cũng giúp cho người ta nhìn lại mô hình về tính quản trị (governance) bằng cách đặt nhà điều hành doanh nghiệp trước nhiều mong đợi khác nhau nhau và người này phải làm sao quản lý được các mong đợi đó một cách công bằng nhất. Lý thuyết này bị các tác giả theo trường phái cổ điển phê phán vì làm phân tán các mục tiêu của doanh nghiệp (do phải tính đến nhiều thành phần khác nhau), tăng chi phí ủy thác, làm chệch hướng khỏi các mục tiêu của cổ đông (lẽ ra nhà điều hành chỉ phải theo đuổi các mục tiêu của cổ đông mà thôi), và tăng quá nhiều quyền cho nhà điều hành.

Lý thuyết về các thành phần có liên quan: một điểm tham chiếu không thể không có đối với CSR

Lý thuyết về các thành phần có liên quan đã đặt lại vấn đề về tầm quan trọng hàng đầu của các cổ đông trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Lý thuyết này đặt doanh nghiệp vào trung tâm của tổng thể các mối quan hệ với các đối tác không chỉ là những cổ đong, mà là tất cả các chủ thể có liên quan đến hoạt động và các quyết định của doanh nghiệp. Thuật ngữ các thành phần có liên quan (stakeholder) xuất hiện trong các cách tiếp cận chiến lược và trong quá trình phân tích các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với môi trường xung quanh; môi trường của doanh nghiệp được tìm hiểu một cách toàn diện, lý thuyết về các thành phần có liên quan đã góp phần vào việc thao tác hóa các đáp án mang tính chiến lược bằng cách liệt kê danh sách các loại chủ thể khác nhau có liên quan đến doanh nghiệp; vì thế mục tiêu và việc quản trị chiến lược của doanh nghiệp cần phải xác định và lưu ý đến lợi ích và sức ép của các chủ thể đó. Chính những nghiên cứu của Freeman [1984], được tiếp nối bởi các nghiên cứu của Carroll [1989], đã biến lý thuyết này thành một trong những nền tảng của CSR.

Trong toàn bộ các công trình mang tính học thuật hoặc về quản trị, khái niệm các thành phần có liên quan tỏ ra là một yếu tố không thể tách rời của CSR, mặc dù nó còn mơ hồ và bị nhiều người chỉ trích.

Hiểu thể nào về các thành phần có liên quan?

(…) Dù dịch từ tiếng Anh stakeholder như thế nào đi chăng nữa thì các định nghĩa về các thành phần có liên quan của các tác giả khác nhau đều ít nhiều mang tính thao tác hóa.

Vài định nghĩa về “các thành phần có liên quan”

Tác giảĐịnh nghĩa
Freeman [1984]Cá nhân hoặc nhóm có thể tác động hoặc bị tác động bởi việc hiện thực hóa các mục tiêu của tổ chức.
Hill và Jones [1992]Những người tham gia có một quyền hợp thức nào đó đối với doanh nghiệp.
Clarkson [1995]Những người hoặc nhóm chịu rủi ro khi đầu tư (bằng nhân lực hoặc tài chính) vào một công ty.

Nguồn: Gond và Mercier [2005]

Để có thể khu biệt rõ hơn khái niệm này và giúp liệt kê được các thành phần có liên quan mật thiết với doanh nghiệp, nhiều tác giả đã thử đưa ra những kiểu phân loại các tác nhân như sau:

+ Các thành phần có liên quan chủ yếu hoặc thứ yếu [Carroll, 1989]: các thành phần có liên quan chủ yếu là những thành phần có liên quan trực tiếp trong tiến trình kinh tế và có một khế ước (hợp đồng) công khai với doanh nghiệp, bao gồm các cổ đông, người lao độn, các khách hàng, những nhà cung ứng; các thành phần có liên quan thứ yếu là những thành phần có quan hệ tự nguyện hoặc không tự nguyện với doanh nghiệp bằng một khế ước mang tính mặc nhiên hoặc mang tính đạo đức, bao gồm các hiệp hội, các cộng đồng lãnh thổ ở địa phương, các tổ chức phi chính phủ…

+ Các thành phần có liên quan mang tính tự nguyện hoặc không tự nguyện [Clarkson, 1995]: các thành phần có liên quan mang tính tự nguyện chấp nhận (nói chung là về mặt khế ước) chịu một số rủi ro, còn các thành phần có liên quan mang tính không tự nguyện cũng phải chịu rủi ro nhưng lại không có bất cứ mối liên hệ nào với doanh nghiệp.

+ Các thành phần có liên quan mang tính khẩn cấp, có quyền lực và hợp thức: Mitchell và những người đồng sự [1997] xác định các tác nhân này nhằm lý giải cho sự quan tâm của các nhà quản trị đối với một số loại thành phần có liên quan trong bối cảnh các nguồn lực trong một khoảng thời gian hạn chế. Nói đến quyền lực của các thành phần có liên quan là nói đến các nhóm chủ thể có khả năng tác động lên các quyết định hiện tại và tương lai của doanh nghiệp. Tính hợp thức tương ứng với sự thừa nhận và sự chấp nhận của xã hội. Tùy theo các đặc trưng mà các thành phần có liên quan có thể được xác định như là những thành phần không thể tránh khỏi, thống trị, nguy hiểm, phụ thuộc, thụ động… Sự phân loại này cho thấy địa vị của các thành phần có liên quan tùy thuộc trước hết vào cách quan niệm của những nhà quản lý doanh nghiệp. Các kiểu phân loại như thế này được sử dụng rất nhiều trong các lối tiếp cận CSR.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Michel Capron & Franҫois Quairel-Lanoizelée – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – NXB TT 2009.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s