Bộ Tứ và ASEAN: Quan điểm của Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á – Phần VI


Thứ hai, Bộ tứ cho phép Nhật Bản tăng cường các nguồn lực hiện có để cạnh tranh với Trung Quốc thông qua việc thúc đẩy sự phối hợp giữa các cường quốc hiện diện ở châu Á. Như đã được lưu ý trong cuộc thảo luận về nhận thức của Ấn Độ về Bộ tứ, Nhật Bản và Ấn Độ đã ký một cam kết kinh tế sâu rộng. Sự can dự của Nhật Bản không chỉ nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của Ấn Độ vào kinh tế Trung Quốc mà còn nhằm hỗ trợ sự trỗi dậy của nước này, mở đường cho một châu Á đa cực hơn. Không phải vô cớ mà Ấn Độ là một trong những nước nhận được nhiều ODA nhất của Nhật Bản trong 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng đang phối hợp với Australia và Mỹ hỗ trợ tài chính cho khu vực trong việc đối phó với những thách thức về kết nối, cơ sở hạ tầng và quản trị. Từng nước cũng đang đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng. Năm 2018, Mỹ đã thông qua Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển (BUILD), cam kết đầu tư ra nước ngoài gần 60 tỷ USD. Mỹ cũng đã thông qua đạo luật sáng kiến tái trấn an châu Á, cam kết tài trợ 1,5 tỷ USD/năm trong 5 năm tới cho các hoạt động quân sự, ngoại giao và kinh tế. Australia cũng đã dành 3 tỷ USD để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Thái Bình Dương. Một số sáng kiến ba bên cũng đang được tiến hành. Tháng 11/2019, các tập đoàn tài chính phát triển của Mỹ, Nhật Bản và Australia đã khởi động Mạng lưới Điểm xanh với mong muốn thúc đẩy các tiêu chuẩn đạo đức để phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước thứ ba. Những nước này cũng đã tài trợ cho các dự án ở Nam Thái Bình Dương. Họ đang cân nhắc việc đầu tư 1 tỷ USD vào một dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Papua New Guinea và sẽ tài trợ cho việc phát triển một tuyến cáp quang biển tới đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương.

Quan điểm của ASEAN về Bộ tứ

Tại Đối thoại Shangri-La năm 2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có bài phát biểu thể hiện sự cân nhắc kỹ càng của nhà lãnh đạo “đảo quốc sư tử”. Mặc dù ca ngợi các khoản đầu tư của Trung Quốc thông qua BRI, nhưng Thủ tướng Lý Hiển Long cũng hoan nghênh các sáng kiến khác như sáng kiến đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông nói: “Chúng tôi ủng hộ các sáng kiến hợp tác khu vực, vốn là những nền tảng rộng mở và bao trùm để các nước có thể hợp tác trên tinh thần xây dựng và tăng cường hội nhập khu vực”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng những sáng kiến này nên hướng tới việc tăng cường các thỏa thuận hợp tác tập trung vào ASEAN hiện có, chứ không phải làm suy yếu các thỏa thuận đó, tạo ra các khối đối địch, khắc sâu thêm những rạn nứt hay buộc các nước phải chọn phe. Các quốc gia Đông Nam Á thường xuyên lo ngại rằng khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Bộ tứ sẽ làm suy yếu thể chế ASEAN và vai trò trung tâm của tổ chức này trong cấu trúc an ninh khu vực, khiến họ phải lựa chọn giữa Mỹ hoặc Trung Quốc.

Mong muốn duy trì vai trò trung tâm của ASEAN gắn liền với mong muốn duy trì quyền tự chủ và tự do hành động của Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á đã thể hiện xu hướng phòng ngừa trong chính sách đối ngoại và tránh công khai liên kết với các cường quốc. Việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN cho phép họ duy trì quan hệ hữu hảo với cả Trung Quốc và Mỹ, đồng thời có được ảnh hưởng nhất định đối với cuộc cạnh tranh địa chính trị mới xuất hiện trong khu vực. Điều này cũng sẽ giúp các nước không phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa đối trọng và đi theo các cường quốc mà vẫn được lợi từ họ.

Hiện tại, chưa có công thức chính xác cho chính sách phòng ngừa rủi ro trong giới học thuật về quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết các học giả đều nhất trí rằng đó là một chính sách hỗn hợp. Theo lưu ý của Evan Mederois, chính sách phòng ngừa rủi ro bao gồm các hành động mâu thuẫn nhau, kể cả việc can dự với các đối thủ để thu lợi trong khi vẫn phát triển các phương án dự phòng để đảm bảo an ninh nếu hành động này thất bại. Ông đã phân tích cách tiếp cận chính sách phòng ngừa rủi ro trong quan hệ Mỹ – Trung trong giai đoạn cuối những năm 1990 – đầu những năm 2000. Trong khi đó, những người khác lại cho rằng đây là cách tiếp cận để quản lý rủi ro liên quan đến việc liên kết với một hoặc nhiều cường quốc. Quan điểm này chú trọng đến các rủi ro an ninh và cách thức tốt nhất để giảm thiểu những rủi ro đó. Phó Giáo sư John Ciorciari, Giám đốc Trung tâm Chính sách quốc tế thuộc Trường Ford, ủng hộ việc Đông Nam Á áp dụng phương pháp phòng ngừa rủi ro này. Trong một nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Malaysia và Singapore, phó giáo sư Kuik Cheng-Chwee, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Viện nghiên cứu Malaysia và quốc tế (IKMAS) của D(ại học quốc gia Malaysia (UKM), để xuất một khuôn khổ để phân tích chiến lược phòng ngừa rủi ro và các lựa chọn chính sách đi kèm. Ông chia các chiến lược phòng ngừa rủi ro thành hai nhóm – nhóm chiến lược phòng ngừa rủi ro và nhóm chiến lược tối đa háo lợi nhuận. Kuik giải thích: “Tối đa hóa lợi nhuận – thông qua việc phát huy chủ nghĩa thực dụng kinh tế, cam kết ràng buộc và giới hạn phạm vi – cho phép các nước áp dụng phương pháp phòng ngừa rủi ro thu được nhiều nhất có thể lợi ích trong lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và chính sách đối ngoại từ các cường quốc khi mọi thứ ổn định. Trong khi đó, phòng ngừa rủi ro, thông qua việc chống lại sự chi phối và gián tiếp đối trọng, nhằm mục đích giảm thiểu tổn thất khi mọi thứ trở nên tồi tệ”.

Đây là cách tiếp cận chính sách đối ngoại phổ biến ở Đông Nam Á. Hầu hết các quốc gia can dự với Trung Quốc, nước nắm giữ bá quyền ở châu Á, chủ yếu vì lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, các quốc gia này cũng đang can dự với một số thế lực khác ở bên ngoài nhằm đa dạng hóa quan hệ. Tuy Mỹ là đối tác quan trọng nhất, nhưng Ấn Độ, Nhật Bản và Australia cũng duy trì các mối quan hệ song phương có ý nghĩa quan trọng với Đông Nam Á.

Trung Quốc bắt đầu can dự với Đông Nam Á từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1996 – 1997. FTA ASEAN-Trung Quốc được ký kết vào tháng 11/2002 đánh dấu việc hai bên tiến tới tăng cường hợp tác kinh tế. Tính đến năm 2018, Trung Quốc chiếm 17,1% tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của ASEAN. Hơn nữa, Trung Quốc cũng duy trì các thỏa thuận song phương nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước, cũng như ký hợp đồng hoán đổi tiền tệ với Indonesia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Malaysia và Philippines nhằm hạn chế ảnh hưởng của đồng USD trong các giao dịch tiền tệ.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Đông Nam Á đã tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế. Thông qua BRI, Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn khu vực. Theo một báo cáo, những nước ASEAN nhận được nhiều đầu tư nhất của Trung Quốc liên quan đến sáng kiến trên là Indonesia (171 tỷ USD), Việt Nam (152 tỷ USD), Campuchia (104 tỷ USD), Malaysia (98 tỷ USD) và Singapore (70 tỷ USD). Nhiều nước Đông Nam Á đã tham gia BRI bất chấp mối quan hệ an ninh căng thẳng của khu vực này với Trung Quốc. Năm 2004, Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu hợp tác kinh tế trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” ở một số lĩnh vực bao gồm thương mại, du lịch và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11/2017, hai nước đã ký biên bản ghi nhớ để thăm dò cơ hội hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI của Trung Quốc. Đến năm 2019, Trung Quốc đã trở thành nguồn cung FDI lớn thứ hai, chiếm 15,5% tổng vốn FDI, vào Việt Nam năm 2019. Mặc dù Philippines vẫn áp dụng cách tiếp cận cứng rắn đối với dự án xây đảo của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa, nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte đã bắt đầu tiếp cận Trung Quốc để tối đa hóa lợi ích kinh tế. Tuy Tòa trọng tài quốc tế tại La Haye đã ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về các tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa, nhưng nước này vẫn hết sức thận trọng trong lời lẽ đối với Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Duterte, Philippines đã nỗ lực giảm leo thang căng thẳng ở biển Nam Trung Hoa và thể chế hóa Cơ chế tham vấn song phương vào năm 2016. Hai nước cũng đã nghiên cứu cơ hội cùng nhau thăm dò và khai thác tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa. Trong chính sách “xoay trục sang Trung Quốc”, Tổng thống Duterte cũng cân nhắc việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và đưa đầu tư của Trung Quốc vào Philippines. Năm 2016, sau chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Duterte đã tuyên bố quay trở lại với cam kết đầu tư có giá trị lên tới 24 tỷ USD. Tuy nhiên, cho đến nay, cam kết này nhìn chung vẫn chưa được thực hiện. Tại Malaysia, Trung Quốc đã đầu tư gần 35 tỷ USD vào các dự án xây dựng trong giai đoạn 2010 – 2016. Theo Cơ quan phát triển đầu tư Malaysia, năm 2020, Trung Quốc đã đầu tư gần 4,4 tỷ USD. Tháng 3/2017, hai nước cũng đã khởi động Sáng kiến khu vực thương mại tự do kỹ thuật số. Câu chuyện tương tự diễn ra ở Indonesia. Trung Quốc là nguồn đầu tư lớn thứ hai của Indonesia. Năm 2020, đầu tư của Trung Quốc vào nước này đạt 8,4 tỷ USD.

(còn tiếp)

Nguồn: Viện nghiên cứu Nam Á, Quỹ hòa bình Sasakawa, tháng 10/2021

CVĐQT – số 11/2021

Bình luận về bài viết này