Chính sách “Zero COVID” có làm tổn thương sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc – Phần cuối


Tổng cung thiếu hụt

Liệu sẽ luôn có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc hay không? Để có đủ nguồn cung, các nhà sản xuất phải có đủ nguyên liệu thô và lao động với giá cả phải chăng. Điều không may là Trung Quốc phải vật lộn với tình trạng thiếu năng lượng và lao động trầm trọng. Gần đây, một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã công bố các kế hoạch cắt giảm điện trong những tháng tới.

Các nhà máy cần nhiều điện hơn để đáp ứng nhu cầu tăng vọt đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhưng nhiều mỏ than đá đã bị đóng cửa trong những năm gần đây vì Trung Quốc thúc đẩy nguồn cung “điện xanh”. Số lượng các mỏ than đá giảm và nhu cầu điện cao hơn đương nhiên đã làm tăng giá than đá.

Đối với các nhà cung cấp điện, chi phí sản xuất đã tăng mạnh. Tuy nhiên, họ không thể tăng giá điện do sự kiểm soát của chính phủ. Điều này dẫn đến một số nhà cung cấp điện cắt giảm sản lượng, dẫn đến tình trạng thiếu điện. Theo đánh giá của công ty Goldman Sachs, tình trạng thiếu điện đã tác động tới 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc. Nhiều nhà máy đã phải hoặc cắt giảm sản xuất hoặc chuyển chi phí sản xuất cao hơn cho người tiêu dùng. Điều đó có thể dẫn tới lạm phát ở cả trong nước lẫn trên toàn cầu.

Đồng thời, các nhà máy của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Thế hệ trẻ coi thường công việc ở nhà máy, vì họ cho rằng đó là công việc buồn tẻ và vô cùng vất vả. Mặc dù nhiều chủ nhà máy đã tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, nhưng các nhà máy vẫn rất khó tìm được công nhân. Hơn nữa, dân số ở độ tuổi lao động của Trung Quốc (từ 15 đến 29 tuổi) đang thu hẹp. Tỷ lệ này giảm từ 70% trong tổng dân số năm 2010 xuống còn 63% vào năm 2020 (theo một báo cáo của tờ Wall Street Journal).

Lương đã và đang được tăng lên nhưng việc làm vẫn chưa được lấp đầy. Nhiều nhà máy đã từ chối các đơn hàng nước ngoài và giảm quy mô sản xuất của họ. Sự giới hạn công suất này chắc chắn đang làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Các chính sách của chính phủ

Trung Quốc đang tái cơ cấu nền kinh tế của mình, chuyển lĩnh vực sản xuất các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, và giảm mức nợ cao nhằm tránh một cuộc khủng hoảng nợ.

Hiện các nhà quản lý Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để đối phó với tình trạng vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản và đang tìm cách giảm thiểu rủi ro mang tính hệ thống. Nếu cuộc khủng hoảng nợ do tập đoàn Evergrande gây ra không được giải quyết một cách hiệu quả, thì nó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP trong quý IV, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường tài chính nước ngoài.

Tháng 10 vừa qua, Trung Quốc đã nới lỏng kiểm soát giá đối với điện, cho phép các công ty năng lượng thiết lập giá trên thị trường mở. Mặc dù điều này sẽ làm tăng giá điện, nhưng nó cũng khuyến khích các công ty cung cấp điện nhiều hơn.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã công bố rằng nước này cho phép các cặp vợ chồng được sinh tới 3 con. Sau đó, Chính phủ đã quyết định chỉnh đốn việc dạy thêm tư nhân nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ, với hi vọng rằng điều đó sẽ khuyến khích họ sinh nhiều con hơn. Chính sách này có thể không có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, các cặp vợ chồng có thể sinh thêm nhiều con hơn và điều này có thể góp phần lấp vào khoảng trống lao động.

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 từ 2021 đến 2025, Trung Quốc ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Để đạt được mục tiêu này, nhiều tỉnh thành phố đang điều chỉnh mức lương tối thiểu để gia tăng thu nhập hộ gia đình. Tuy nhiên, do sự gia tăng gần đây của giá lương thực thực phẩm, việc tăng lương có thể không đủ để bù đắp lạm phát.

Một nhân tố khác tác động đến triển vọng kinh tế là những căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Sự căng thẳng này được mô tả là “tồi tệ nhất trong 40 năm qua”. Hiện tại, khả năng xảy ra chiến tranh giữa đại lục và Đài Loan trong tương lai gần vẫn còn rất thấp. Nhưng nếu sự kiện thiên nga đen này xảy ra, nó sẽ có tác động không thể lường trước đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Nguồn: TLTKĐB – 10/12/2021

Bình luận về bài viết này