Các biện pháp của Nga chống lại sự mở rộng NATO


Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 01/06 đăng bải viết của nhà nghiên cứu Vương Hiến Cử (Wang Xianju) – Phó Giám đốc Trung Tâm Nga học, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, Tổng thư ký NATO Stoltenberg mới đây thông báo nếu Phần Lan và Thụy Điển không thể đáp ứng được yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, họ khó có thể trở thành ứng cử viên gia nhập NATO tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào ngày 28/6 tới. Một số người cho rằng lá phiếu quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể cản trở vòng mở rộng mới của NATO. Tuy nhiên, xét cho cùng, việc Moskva đặt cược toàn bộ vào “quyền phủ quyết” của Thổ Nhĩ Kỳ là điều không thể, vậy Nga còn có những biện pháp nào để đối phó?

Theo dõi các động thái gần đây, có thể thấy rằng Moskva đang thông qua các hành động song phương và đa phương chống lại vòng mở rộng thứ sáu của NATO.

Thứ nhất, cảnh báo nghiêm khắc về hậu quả nghiêm trọng từ vòng mở rộng mới của NATO. Một mặt, Moskva nhắc nhở Phần Lan và Thụy Điển không được đánh giá sai tình hình, chỉ ra rằng “quyết định sai lầm” lần này sẽ làm gia tăng căng thẳng khu vực và an ninh của hai nước và sẽ không vì gia nhập NATO mà được củng cố; mặt khác, nhấn mạnh rằng sự mở rộng cơ sở hạ tầng của NATO trên lãnh thổ hai nước này chắc chắn sẽ dẫn đến một phản ứng từ Nga. Nga sẽ buộc phải tăng cường sức mạnh hải – lục – không quân ở khu vực Biển Baltic, và “tình trạng phi hạt nhân hóa của khu vực Biển Baltic sẽ không được bàn nữa”.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa vai trò của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Vào giữa tháng 4, CSTO do Nga đứng đầu đã tổ chức một cuộc họp của ủy ban quân sự để “trao đổi quan điểm về tình hình quân sự và chính trị và đã đồng ý phối hợp các hành động chung để loại bỏ các mối đe dọa quân sự”. Cuộc họp đã quyết định tổ chức các cuộc tập trận chung CSTO tại Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan vào mùa Thu năm nay. Ngày 16/5, các nhà lãnh đạo của 6 quốc gia thành viên CSTO đã tổ chức cuộc họp tại Điện Kremlin để thảo luận các vấn đề như củng cố hợp tác giữa các quốc gia thành viên và hoàn thiện hệ thống an ninh tập thể. Hơn nữa, phía Nga cũng đưa ra một thông điệp quan trọng rằng “CSTO cần tăng cường hợp tác với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và các đối tác tự nhiên của SNG (các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô cũ) hiện nay”, đồng thời đề xuất cung cấp cho SNG tư cách quan sát viên của CSTO.

Thứ ba, quan tâm hơn đến hợp tác với SCO. Khi Nga đảm nhận chức vụ chủ tịch luân phiên của SCO năm 2020, nước này đã chủ trương tổ chức cuộc họp chung giữa các bộ trưởng quốc phòng của các quốc gia thành viên SCO, SNG và CSTO. Tháng 9/2020, 3 tổ chức lần đầu tiên tiến hành cuộc tập trận chống khủng bố chung “Caucasus-2020”. Sau khi Mỹ và lực lượng NATO rút hoàn toàn khỏi Afghanistan, ngày 17/9/2021, người đứng đầu các quốc gia thành viên SCO và CSTO lần đầu tiên tổ chức cuộc họp chung để trao đổi về tình hình Afghanistan. Mới đây, Tổng thư ký CSTO Zass đã gặp Tổng thư ký Trương Minh (Zhang Ming) của SCO và bàn về “tầm quan trọng của việc xây dựng một không gian an ninh thống nhất”. Một số nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh xung đột giữa Nga với Mỹ và châu Âu ngày càng gia tăng và sự mở rộng hơn nữa của NATO, CSTO có thể sẽ hợp tác với SCO trên nhiều lĩnh vực hơn trong tương lai.

Thứ tư, làm sâu sắc thêm Liên minh kinh tế Á – Âu. Trước các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính chưa từng có từ các nước phương Tây. Nga càng coi trọng vai trò của Liên minh Kinh tế Á – Âu. Ngày 25/2, Thủ tướng các nước thành viên Liên minh kinh tế Á – Âu đã họp bàn về tình hình kinh tế và tăng cường hợp tác, đồng thời đưa ra một loạt biện pháp nhằm ổn định thị trường nội khối. Cuộc họp của Hội đồng tối cao của Ủy ban kinh tế Á – Âu, cơ quan quyền lực cao nhất của Liên minh kinh tế Á – Âu, được tổ chức ngày 27/5, đã ra thông điệp “Liên minh kinh tế Á – Âu nên tận dụng lợi thế về vị trí địa kinh tế của mình”.

Tất nhiên, trong khi tận dụng tối đa các biện pháp đối phó này, Moskva cũng phải đối mặt với những hạn chế.

Thứ nhất, Mỹ đang cố gắng hết sức lôi kéo các nước Trung Á. Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại Ukraine, hôm 01/3, Mỹ đã tổ chức cuộc họp trực tuyến cấp ngoại trưởng “C5+1” với 5 nước Trung Á. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, khoa học và công nghệ. Ngoại trưởng Mỹ Blinken thậm chí còn đưa ra khả năng thiết lập các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Á, nhưng không nhận được phản hồi. Bên cạnh những tương tác thường xuyên trong lĩnh vực ngoại giao, Mỹ và các nước Trung Á đã tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Uzbekistan và Mỹ có quan hệ hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp và y tế, hai bên gần đây quan tâm đến việc cùng xây dựng tuyến đường sắt “Mazar-e Sharif-Kabul-Peshawar”. Năm 2021, đầu tư của Mỹ vào Kazakhstan đã tăng 45% và hơn 700 công ty Mỹ hiện đang hoạt động tại Kazakhstan.

Thứ hai, EU và Nhật Bản cũng đang làm công việc của các nước Trung Á. EU sẽ cung cấp cho Uzbekistan 83 triệu euro viện trợ không hoàn lại trong giai đoạn 2021 – 2024 cho các dự án hợp tác cùng phát triển, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phát triển xã hội dân sự và nhân quyền. Ngày 15/4, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao 5 nước Trung Á. Với tư cách là những đồng minh quan trọng của Mỹ, EU và Nhật Bản tăng cường hợp tác với Trung Á vào thời điểm này, mục đích là rõ ràng.

Thứ ba, có sự khác biệt giữa CSTO và các nước Á – Âu về xung đột giữa Nga và Ukraine. Tại cuộc bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết lên án Nga tại phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 2/3, Gruzia và Moldova bỏ phiếu thuận, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan bỏ phiếu trắng. Trong khi đó, Kazakhstan và các nước khác phản đối việc CSTO gửi quân đến Ukraine. Phía Kazakhstan nói với báo chí r8a2ng nước này sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt cũng như không giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt. Với những khác biệt này, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã kêu gọi CSTO “nên đoàn kết”.

Cùng với sự tiếp diễn của xung đột giữa Nga và Ukraine, để siết chặt hơn nữa không gian an ninh chiến lược và phạm vi ảnh hưởng của Nga, Mỹ chắc chắn sẽ tăng cường lôi kéo các nước Trung Á. Các nước Trung Á sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại đa dạng và cân bằng dựa trên lợi ích của chính họ. Tuy nhiên nhìn chung, trong cuộc chơi ở Trung Á, Nga vẫn có những lợi thế rõ ràng và tầm ảnh hưởng của họ vượt xa các cường quốc phương Tây. Điều này được quyết định bởi nhiều yếu tố khác nhau như lịch sử, địa chính trị, lợi ích quốc gia, cơ chế khu vực và điều này sẽ khó thay đổi trong thời gian dài trong tương lai.

Nguồn: TKNB – 02/06/2022

Bình luận về bài viết này