Năm 2016 là một năm tệ hại đối với các hãng tàu container khi mà con số thua lỗ của toàn ngành gộp lại lên đến hàng tỷ USD. Tình trạng thua lỗ đã không tồn tại như một dạng ngoại lệ nữa, mà dường như là đã “tiến hóa” thành một thông lệ trong ngành vận tải container đường biển, ngành kinh doanh chứng kiến nhiều chủ doanh nghiệp bị xói mòn tài sản suốt 10 năm qua.
Sức ép từ thua lỗ rõ ràng đang khiến cho các hãng tàu phải đương đầu với nhiều thách thức cấp bách – và sự sụp đổ của hãng tàu Hanjin vào tháng 8 năm 2016 là bài học nhãn tiền để các hãng tàu thấy rằng nếu không giải quyết rốt ráo những thách thức này, họ chẳng cần phải đoán già đoán non rằng tương lai mình như thế nào nữa.
Tuy nhiên, khi mà các doanh nghiệp trong ngành đang bận suy tính về những thay đổi tới năm 2025 và xa hơn thế nữa, thiết nghĩ rằng ngay từ lúc này, họ phải phân biệt được đâu là những thách thức ở phạm vi chiến thuật mang tính ngắn hạn, đâu là thách thức ở tầm chiến lược dài hạn.
Chúng ta sẽ tập trung vào những thay đổi của ngành vận tải container đường biển trải dài trong 10 năm sắp tới, và những thách thức chiến lược là nội dung phù hợp với giai đoạn như thế. Mặc dù vậy, người đọc không nên xem rằng sự tập trung này là chỉ dấu cho thấy những thách thức chiến thuật khiêm tốn có thể được xuề xòa để dành sức cho “bức tranh toàn cảnh” rõ ràng là quan trọng hơn. Hoàn toàn không phải. Sự tập trung vào khoảng thời gian một thập niên như trên hàm ý rằng, khi đương đầu với những thử thách chiến thuật, các doanh nghiệp trong ngành cần có tâm thế là những giải pháp ngắn hạn, bên cạnh khả năng giải quyết những vấn đề trước mắt, còn phải tương hỗ với giải pháp dài hạn để chuẩn bị cho doanh nghiệp đương đầu với những thách thức chiến lược.
Tôi thấy rằng cần nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa các loại thách thức trong bối cảnh ngành vận tải container đường biển đang thực sự đối diện với những thách thức ngắn hạn khá hóc búa, mà nếu các doanh nghiệp trong ngành cứ nhắm mắt cho qua, thì hậu họa khó tránh khỏi là nhiều cái tên nữa trên thị trường sẽ nối gót Hanjin.
Như đã nói, vì sẽ tập trung vào những thách thức chiến lược mà các doanh nghiệp gặp phải và chỉ ra những giải pháp tương ứng, nên trong bài này, tôi sẽ chỉ chú trọng vào sự khác biệt vẫn thường được đề cập trong thực tiễn kinh doanh: Vấn đề gì là quan trọng? Và vấn đề gì đang thực sự cấp thiết?
Vấn đề nào là quan trọng thì sẽ được liên tục trình bày, và trong ngữ cảnh mà “sự quan trọng” sẽ được đánh giá qua khả năng gặt hái thành quả kinh doanh trong thập niên kế tiếp.
Còn những vấn đề cấp thiết thì vẫn đang tồn tại nhan nhản quanh các hãng tàu, và nếu không được quan tâm đúng mức, chúng sẽ nhấn chìm các hãng trước khi họ kịp thu được lợi ích từ quá trình chuyển đổi trong 10 năm tới. Do đó nhận diện những thách thức dài hạn dù là cần thiết thì cũng không nên được ưu tiên quá mức so với quá trình đi tìm giải pháp cho các vấn đề dù ngắn hạn, nhưng cấp bách.
Và chính vì vậy, bất kỳ doanh nghiệp nào trong ngành vận tải container đường biển nếu muốn tiếp tục tồn tại vào năm 2025 thì ngay từ lúc này, họ cần xem xét cẩn thận các phương án để đương đầu với những vấn đề ở phạm vi chiến thuật. Các doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều công cụ để xây dựng giải pháp, và các công cụ này nên được đánh giá dưới góc nhìn là chúng không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt, mà còn phải hỗ trợ cho quá trình phát triển lâu dài của doanh nghiệp, được như vậy là tốt nhất. Còn không được như thế, thì chí ít cũng không được cản trở quá trình đó.
Diễn đạt như vậy có vẻ hơi trừu tượng, vì vậy tôi nghĩ rằng sử dụng vài ví dụ thực tế để minh hoạt sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn.
1/ Chúng ta thử ví dụ qua câu chuyện thua lỗ. Cước vận tải thấp khủng khiếp đã dẫn đến mức lỗ chưa có tiền lệ trong kết quả kinh doanh của nhiều hãng tàu container. Do đó, các hãng phải có giải pháp cấp kỳ để kìm chế kết quả tồi tệ này và sinh lời trở lại. Các hãng không thể ngồi khoanh chân chờ đợi một giải pháp 5 – 10 năm được, họ càng hiểu rõ điều này hơn bao giờ hết sau sự sụp đổ của Hanjin.
Tuy nhiên, khi mà nhu cầu có lãi trở lại là vấn đề rõ ràng chỉ mang tính ngắn hạn, thì các hãng tàu cũng phải suy tính rằng liệu giải pháp mà mình sử dụng để cải thiện kết quả kinh doanh sẽ hỗ trợ hay cản trở những thay đổi thiết yếu dài hạn. Một vài giải pháp có thể thực sự tích cực, số khác thì chưa chắc, và vấn đề ở đây không phải là liệt kê ra tuốt tuồn tuột những giải pháp chiến thuật, mà nên hướng đến khả năng đánh giá tác động từ những giải pháp đó, cái nào không có lợi về lâu dài thì dẹp ngay qua một bên.
Giải pháp cắt giảm chi phí sẽ được sử dụng, nhưng nói vậy thì lại cũng hơi mông lung. Vấn đề là việc cắt giảm chi phí sẽ được thực hiện cụ thể như thế nào.
Một số giải pháp cắt giảm chi phí cụ thể là hãng tàu thuê ngoài một số dịch vụ tại trung tâm dịch vụ ở nước nào đó có chi phí thấp hơn hiện tại, đây là cách mà khá nhiều hãng đã áp dụng vài năm qua. Tuy nhiên, chúng ta đang ở vào giai đoạn mà có một câu hỏi được đặt ra là: Nếu hãng tàu có thể định dạng một tác nghiệp chi tiết đến mức có thể chuyển tác nghiệp đó sang một nơi ít tốn kém hơn, thì sao hãng không tự động hóa tác nghiệp đó quách luôn cho rồi?
Chi phí đầu tư cho tự động hóa có thể quá khó nhằn trong bối cảnh khó khăn hiện tại, do đó thuê ngoài chúng là một giải pháp khả dĩ hơn. Tuy nhiên, ngành vận tải container đường biển đang phát triển tới ngưỡng mà bất cứ sự tiêu chuẩn hóa hay thuê ngoài nào cũng chỉ nên được xem là một bước trung gian chứ không phải là một giải pháp tối hậu. Nội dung này sẽ được trình bày chi tiết hơn khi bàn về quản trị quy trình và tự động hóa. Trong ngắn hạn thì thuê ngoài vẫn là một giải pháp chấp nhận được, nhưng nên được thực hiện trong bối cảnh của một kế hoạch dài hơi hơn.
2/ Ví dụ một giải pháp nữa là liệu các hãng tàu có nên tăng cước vận chuyển hay không, dựa trên cơ sở là họ có thể đàm phán với khách hàng mức cước tốt hơn là đối thủ cạnh tranh có thể làm, đặc biệt là với các chủ hàng nhỏ, những doanh nghiệp có thể không nắm bắt giá cả thị trường tốt như các chủ hàng lớn khác.
Trong khi đây là một phương án có thể đem đến kết quả tích cực trong ngắn hạn, thì các hãng tàu cần cân nhắc cách họ áp dụng giải pháp này. Nhiều bộ phận quan trọng cấu thành thị trường vận tải container ngày nay đã trở nên khá minh bạch trong khâu xây dựng biểu giá, và do đó cách tiếp cận dựa trên cái miệng dẻo hơn để dụ chủ hàng trả mức cước cao hơn có thể chỉ mang lại những khoản lợi nhuận ngắn ngủi, với cái giá phải trả là mối quan hệ xấu đi với khách hàng.
Trên đây, tôi dẫn ra những ví dụ đơn giản và không hề toàn diện, những ví dụ chỉ nhằm đưa ra khuôn khổ định hướng. Khuôn khổ này hàm ý rằng những thách thức ngắn hạn mà ngành vận tải container đường biển đang phải đương đầu không hề bị lãng quên hay bỏ qua mà chỉ tạm thời chưa được đề cập đến. Một khi chúng ta đã nắm bắt tường tận bức tranh tổng quan về các thách thức chiến lược của ngành và cách giải quyết chúng, chúng ta sẽ quay lại với những thách thức chiến thuật trên tinh thần rằng chỉ nhăm nhe giải quyết những vấn đề chiến lược thôi thì sẽ giống như là đi bằng một chân vậy. Điều quan trọng không kém rằng những giải pháp ngắn hạn nên là những viên đá lót đường để doanh ngiệp có thể xây được con đường hoàn thiện, hướng đến mục tiêu hoàn thành các mục tiêu chiến lược.
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Lars Jensen – Vận tải container đường biển đến năm 2025 – NXB ĐHKTQD 2018.