Suy nghĩ lại về “Hành động hướng Đông”
Điều này sẽ đưa chính sách can dự hướng Đông của Ấn Độ đi đến đâu? Chính sách hướng Đông (được tổi tên thành Chính sách “Hành động hướng Đông” vào năm 2014) đã đánh dấu sự kết thúc của thập kỷ thứ ba trong năm nay. Chính sách này xuất hiện sau Chiến tranh Lạnh, trong bối cảnh New Delhi đang nỗ lực khôi phục tầm quan trọng của Đông Nam Á (và sau đó là Đông Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Điều này đòi hỏi các tương tác thường xuyên và được thể chế hóa nhiều hơn với khu vực, bao gồm các nỗ lực tăng trường hội nhập kinh tế và hợp tác chiến lược (đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải), cũng như giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa.
Tuy nhiên, chính sách này vẫn là sản phẩm mang tính thời đại, phản ánh công cuộc tìm kiếm các mối liên kết mới trong hệ thống quốc tế sau khi loại bỏ những hạn chế về cấu trúc do sự chia rẽ trong Chiến tranh Lạnh gây ra. Tuy nhiên, khi hệ thống quốc tế đối mặt với sự chia rẽ mới, sẽ có những câu hỏi về tính bền vững của chính sách này.
Như Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã lưu ý trong bài phát biểu vào năm 2020: “Mối quan hệ hiện tại giữa Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thiết lập dựa trên mối quan tâm sâu sắc chung đến toàn cầu hóa. Ít nhất ở châu Á, ASEAN là những người tiên phong trong quá trình toàn cầu hóa và giúp đưa Ấn Độ vào cuộc. Nhưng khi toàn cầu hóa đối diện với những căng thẳng như hiện nay, chúng ta cần phải vượt ra ngoài các định nghĩa kinh tế và thậm chí cả các định nghĩa về xã hội của nó”.
Ấn Độ từ lâu đã duy trì sự ưu tiên đối với một cấu trúc khu vực cởi mở và bao trùm, điều giải thích vì sao họ ủng hộ quá trình hội nhập khu vực do ASEAN dẫn đầu. Tuy nhiên, New Delhi cũng đang tăng cường tham gia các nhóm khu vực đa phương hẹp, chẳng hạn như Bộ tứ và quan hệ ba bên Ấn-Nhật-Mỹ. Những nhóm này ra đời khi các sáng kiến đã chín muồi, có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao hơn, đồng thời chú trọng đến không chỉ một vấn đề. Chẳng hạn, ban đầu, Bộ tứ tập trung vào lĩnh vực hàng hải để hỗ trợ nhân đạo sau trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004. Sau đó, nhóm này đã phát triển một chương trình nghị sự rộng hơn, tập trung vào các vấn đề như đại dịch COVID-19, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu.
Đồng thời, mặc dù New Delhi duy trì cam kết chính thức đối với nguyên tắc “vai trò trung tâm của ASEAN” trong cấu trúc khu vực, nhưng tình trạng chia rẽ của hệ thống quốc tế này có nguy cơ làm suy yếu vai trò đó. ASEAN đã và đang phải đối mặt với sự chỉ trích vì những hành động (hoặc việc không hành động gì) đối với những diễn biến quan trọng của khu vực, trong đó có đại dịch, thái độ quyết đoán của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa cũng như tình hình chính trị và nhân đạo đang xấu đi ở Myanmar. ASEAN cũng đang phải đối mặt với sự giám sát kỹ lưỡng hơn vì sự thờ ơ của họ trước những diễn biến ở Ukraine. Hơn nữa, thực tế rằng Mỹ, Nga và Trung Quốc đều là thành viên trong một số sáng kiến do ASEAN lãnh đạo, bao gồm Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN+, sẽ khiến những vũ đài này ngày càng trở nên không tương thích do ác cảm giữa ba nước này.
Mặt khác, mặc dù Ấn Độ tham gia ngày càng càng nhiều nhóm khu vực đa phương, chẳng hạn như Bộ tứ, nhưng New Delhi vẫn duy trì những ranh giới mà họ không thể hoặc không muốn vượt qua. Một ví dụ việc Ấn Độ vắng mặt trong các cuộc tuần tra tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu ở biển Nam Trung Hoa. Tuy phản đối yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, nhưng New Delhi cũng phản đối cách giải thích của Washington về quyền “qua lại không gây hại” trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Ấn Độ yêu cầu tầu chiến nước ngoài phải thông báo trước khi đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Cụ thể, tháng 4/2021, New Delhi lên tiếng phản đối sự hiện diện của tàu USS John Paul Jones bên trong EEZ của Ấn Độ.
Trong bối cảnh này, vẫn sẽ có những giới hạn đối với việc Ấn Độ sẵn sàng tham gia nhiều hơn các sáng kiến khu vực do Mỹ dẫn đầu trong bối cảnh New Delhi ủng hộ chính sách không liên kết và quyền tự chủ chiến lược, cũng như những bất đồng trong cách diễn giải các nguyên tắc chính như quyền tự do hàng hải. Sự phụ thuộc quá mức của Ấn Độ vào khí tài quân sự của Nga cũng sẽ cản trở, nếu không nói là làm chệch hướng, hoạt động xuất khẩu vũ khí, dù mới xuất hiện nhưng đang gia tăng, của Ấn Độ sang Đông Nam Á (ví dụ, tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos là sản phẩm hợp tác giữa Ấn Độ và Nga). Điều này có nghĩa là trong bối cảnh quan hệ Trung – Ấn xấu đi nhiều, Ấn Độ khó có thể tham gia các dàn xếp an ninh được thể chế hóa hơn do Mỹ dẫn đầu như Ngũ nhãn hoặc AUKUS.
Điều này khiến New Delhi rơi vào tình thế không mong muốn là có khả năng trở thành người đứng ngoài cuộc trong cấu trúc khu vực bởi sự thờ ơ của họ đối với các sáng kiến khu vực mang tính cởi mở và bao trùm do ASEAN dẫn dắt và các nhóm khu vực nhỏ hơn do Mỹ và Trung Quốc lãnh đạo, chẳng hạn như Bộ tứ và Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Điều này đã thể hiện rõ trong phản ứng đối với việc Nga xâm lược Ukraine, nơi Ấn Độ là “kẻ kỳ quặc” trong Bộ tứ – khi ba nước thành viên còn lại đều ủng hộ các hành động trừng phạt chống lại Nga. Sự khác biệt này có thể sẽ trầm trọng hơn khi Mỹ kêu gọi các đồng minh và đối tác trong khu vực hành động nhiều hơn nữa khi đối mặt với thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc và Nga. Điều này bao gồm việc tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia nhỏ hơn đang phải đối mặt với sức ép từ Bắc Kinh, chẳng hạn như các nước có tranh chấp lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa, song song với việc hỗ trợ Ukraine và các quốc gia Đông Âu nhỏ hơn trước sự hung hăng của Nga.
Kết luận
Mặc dù căng thẳng Nga-Mỹ dường như ít liên quan hơn đến sự can dự của Ấn Độ ở phía Đông, nơi diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng rõ ràng nó gây ra hiệu ứng lan tỏa. Ấn Độ từ lâu đã phải đối mặt với những cáo buộc về việc giữ thế trung lập trong cấu trúc khu vực. Đây là một phần chất xúc tác dẫn đến việc đổi tên Chính sách “Hướng Đông” thành Chính sách “Hành động hướng Đông” vào năm 2014, phản ánh mục tiêu hướng tới chính sách “thực dụng hơn, do hành động thúc đẩy và chú trọng vào kết quả”. Tình trạng phân cực mới trong hệ thống quốc tế có nguy cơ gia tăng thêm những sức ép này, đồng thời dẫn đến việc Ấn Độ có khả năng bị gạt ra ngoài lề trong cấu trúc khu vực. Điều này diễn ra trong bối cảnh New Delhi ủng hộ chính sách liên kết với nhiều bên và tự chủ chiến lược trong lâu dài cũng như nỗ lực duy trì mối quan hệ bền vững với cả Moskva và Washington (mặc dù không phải chỉ mình Ấn Độ có lập trường như vậy). Đây sẽ là những cân nhắc chính mà New Delhi cần xem xét khi nước này đưa Chính sách “Hành động hướng Đông” bước vào giai đoạn tiếp theo.
Nguồn: The Diplomat
TLTKĐB – 30/07/2022