Giải mã đế chế Trung Quốc – Phần IV


Tuy nhiên, nhiệm vụ quan hệ công chúng của Trung Quốc lại trở nên dễ dàng thực hiện hơn bởi thực tế là họ đang chống lại một đế quốc Mỹ mà một số người cho rằng được vũ trang quá mức. Những ai nói về Trung Quốc như một “kẻ bắt nạt” và “kẻ xâm lược” phải nhớ rằng Mỹ vẫn là vị chỉ huy của thế giới. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), nước này có các căn cứ và cơ sở quân sự ở 150 nước và chi tiêu cho các lực lượng vũ trang nhiều hơn tổng chi tiêu quân sự của 10 nước đứng tiếp theo.

Trung Quốc củng cố danh tiếng của mình là một đế chế yêu hòa bình bằng những đóng góp tích cực cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc – chẳng hạn như rà phá bom mìn ở biên giới phía Nam Liban với Israel. Những sự can dự ở nước ngoài được biết đến nhiều nhất cho đến nay của nước này là việc đưa người dân Trung Quốc ra khỏi các khu vực xung đột, như ở Libya (2011) và Yemen (2015), nơi mà “trách nhiệm bảo vệ” phiên bản Trung Quốc (“các sĩ quan quân đội phải là người bảo vệ sự an toàn của nhân dân, và tàu quân sự phải giống như tàu Noah dành cho đồng bào của chúng ta” là việc xoay như chong chóng của bộ ngoại giao) bất ngờ thay thế học thuyết không can thiệp vào công việc của các nước khác. Cuối cùng, Trung Quốc củng cố tuyên bố trở thành một lực lượng vì hòa bình thông qua chiến lược quân sự không thông thường của họ đối với Mỹ: vì nước này không phải là một đế chế hành động hấp tấp, họ có thể hành động theo binh pháp Tôn Tử để hạ gục đối thủ cạnh tranh của mình bằng cách tránh chiến tranh, chứng tỏ rằng trì hoãn và tránh “các hoạt động kéo dài trên thực địa” có thể mang lại chiến thắng lâu dài.

Thời đại đế chế tiếp theo

Lịch sử các đế chế tràn ngập những lời lẽ về “sự suy tàn”, “sự sa sút” và “sự sụp đổ” vì lý do chính đáng. Ngay cả những đế chế hùng mạnh nhất cuối cùng cũng bị tiêu diệt bởi những hành động quá mức của họ – bởi chi phí gia tăng và tình trạng giảm doanh thu, bởi tình trạng tham nhũng và chính quyền có cấu trúc cồng kềnh kém hiệu quả, bởi tình trạng bất ổn ở khu vực ngoại vi của họ.

Dư luận đang bị chia rẽ về tính bền vững của đế chế Trung Quốc mới. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger là một trong số những người tin chắc rằng chúng ta đã bước vào thế kỷ Trung Hoa. Những người khác nói rằng đà tăng trưởng của nước này không thể kéo dài, rằng đế chế thiên hà của Tập Cận Bình sẽ phải gánh chịu số phận giống như nhiều triều đại trong quá khứ của Trung Quốc. Vậy thì quan điểm nào đúng? Chúng ta có thể đưa ra quan điểm gì về tính bền vững của đế chế thiên hà mới?

Dưới đây là nhóm quan niệm sai lầm thứ ba. Những dự đoán về tương lai của Trung Quốc bị thiên lệch vì những suy nghĩ viển vông. 3 năm trước, một học giả nổi tiếng về Trung Quốc đã nói: “Tôi sẽ dành cho chế độ này vài năm, nhưng không quá một thập kỷ”. Ông vẫn đang nói như vậy trong ba thập kỷ. Sự huênh hoang này là mặt trái của dự đoán sai lầm được đưa ra vào những năm 1990 rằng cải cách thị trường sẽ biến Trung Quốc thành một nền dân chủ tự do kiểu Mỹ. Sự sụp đổ của chế độ Trung Quốc cũng nằm trong nghị trình chính trị của những người theo chủ nghĩa hiếu chiến, những người ví Trung Quốc như một ngôi nhà xây trên cát dễ sụp đổ. Họ muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới. Họ bị thuyết phục rằng nền dân chủ Mỹ ưu việt về mọi mặt đạo đức. Họ coi Trung Quốc là một cường quốc hung hăng phải chịu trách nhiệm cho tình trạng người Mỹ bị mất việc làm và đại dịch quy mô toàn cầu. Cũng như cựu cố vấn của Trump, Stephen K. Bannon, họ chắc chắn rằng những lời nói dối, sự thâm nhập và ác ý của các nhà lãnh đạo Trung Quốc khiến nước này có nguy cơ bị sụp đổ như Liên Xô. Họ khuấy động tình cảm của công chúng chống lại chủ nghĩa toàn trị và chủ nghĩa độc tài của chế độ do ĐCSTQ lãnh đạo. Họ chứng kiến các hành động gián điệp ngấm ngầm và chiếm đoạt có hệ thống các doanh nghiệp, chính quyền, trường đại học, báo chí, nhà thờ và các tổ chức xã hội dân sự bên ngoài biên giới Trung Quốc. Họ cảnh báo về các mối đe dọa đối với chủ quyền và nền dân chủ tự do sắp bị khai tử.

Những cảnh báo này cũng phần nào có căn cứ. Các đế chế luôn cố gắng dịch chuyển cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho họ. Vấn đề là nền chính trị chiến tranh lạnh mới này đã lan truyền những quan niệm sai lầm hay thay đổi. Nó nhấn mạnh sức chống đỡ của nền dân chủ ảo tưởng vốn làm điểm tựa cho chế độ ĐCSTQ. Những chiến binh chiến tranh lạnh hầu như không cảm nhận được lịch sử của các đế chế, được thể hiện rõ trong các tác phẩm Hậu Tamerlane: Sự thăng trầm của các đế chế toàn cầu của John Darwin xuất bản năm 2007. Họ hình dung sai về đế chế Trung Quốc mới là sự lặp lại của tình trạng hối lộ, tham nhũng, suy đồi và các cố vấn cãi vã trong đế chế Ottoman. Khẩu hiệu “cứng rắn với Trung Quốc” là lời kêu gọi hạ bệ và hạ thấp Trung Quốc – đó là một tiếng kêu đau đớn từ bên trong phương Tây. Nó thu hút những người có tư tưởng bài ngoại, phân biệt chủng tộc và các nhà Đông phương học. Học giả người Đức Herfried Műnkler lưu ý rằng những chiến binh chiến tranh lạnh vụng về lóng ngóng này có vẻ thờ ơ trước những hậu quả có thể có của sự sụp đổ được mong muốn – “một đế chế tầm cỡ thế giới sụp đổ thường đồng nghĩa với việc nền kinh tế thế giới gắn liền với nó cũng kết thúc theo”. Họ có thể đang lựa chọn một cuộc chiến khiến Mỹ phải chịu thất bại về chính trị, kinh tế và bị tổn hại về danh tiếng, hoặc đẩy nhanh hơn nữa sự diệt vong của nước này với tư cách là một cường quốc đế quốc.

Việc bài Trung Quốc liều lĩnh và các mối quan hệ có nhiều xáo trộn với Mỹ đều đi vào ngõ cụt. Nhiệt tình nói về hành động xâm lược quân sự trong thời đại vũ khí hạt nhân là điều điên rồ. Vì không có bẫy Thucydides (ý tưởng cho rằng xung đột vũ trang là điều gần như không thể tránh khỏi khi một đế chế đang trỗi dậy thách thức một đế chế lâu đời) trừ trong đầu của những chiến binh chiến tranh lạnh mới, thì cần có một chiến lược thực tế để đối phó với Trung Quốc.

Chúng ta có thể gọi đó là sự không liên kết nhanh chóng. Các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và công dân cam kết can dự chặt chẽ với Trung Quốc sẽ hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học, giáo dục đại học và năng lượng tái tạo. Dự kiến sẽ có một số trao đổi quan trọng với các đối tác Trung Quốc. Cựu thủ tướng Australia Kevin Rudd đã phát hiện ra điều gì đó: khi đề cập đến việc đối phó với Trung Quốc và các đồng minh cũng như đối thủ của họ, tình bạn thực sự lâu bền được xây dựng dựa trên những lời khuyên chân thành và nhận thức thẳng thắn về những lợi ích và tham vọng cơ bản. Sự thẳng thắn như vậy có thể mang lại kết quả tích cực. Theo logic này, “chia tay với” Trung Quốc là hành động không cần thiết. Đó là hành động tự sát và ngu ngốc.

Không liên kết nhanh chóng sẽ đòi hỏi phải có tư tưởng cởi mở: các nhà tư tưởng chính trị, nhà báo, người dân và chính trị gia sẵn sàng phân tích sự thiếu hiểu biết của họ về Trung Quốc, để có cái nhìn mới về sự phức tạp của nước này và tránh đánh giá thấp khả năng biến hóa của họ. Bằng chứng này phản bác sự phóng đại của những người, như biên tập viên toàn cầu về Trung Quốc của tờ Financial Times, cho rằng BRI đang vấp phải những sự cố ngoài ý muốn và thất bại chồng chất; rằng một Trung Quốc khoe khoang về việc hoạch định sự phát triển phi thường của mình đang cho thấy phần lớn không thể đạt được thành tựu tương tự ở nước ngoài. Những cái nhìn chung chung như vậy không chỉ đánh giá thấp năng lực quản lý khủng hoảng của Trung Quốc, một lần nữa được chứng minh qua việc xử lý đại dịch COVID-19 khởi phát từ nước này. Chúng đánh giá thấp những điểm yếu mang tính cấu trúc của đế chế này.

(còn tiếp)

Nguồn: https://www.australianforeignaffairs.com/articles/extract/2021/03/enter-the-dragon

CVĐQT – số 05/2021

Bình luận về bài viết này