Cuộc chiến Ukraine làm biến đổi cục diện thế giới như thế nào?


Ngày 24/02/2023 là tròn một năm ngày Nga mở màn cuộc tấn công Ukraine. Cuộc can thiệp quân sự mà Chính quyền Putin dự kiến tiến hành chớp nhoáng, rút cục đã kéo dài và chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây đã giúp Ukraine khắng cự, nhưng các hệ quả của chiến tranh tại Ukraine vượt xa cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước láng giềng.

Theo nhiều nhà quan sát, cuộc chiến Nga-Ukraine đã và đang “thay đổi cục diện địa chính trị toàn cầu”. Hãng tin AFP (Pháp) có bài tổng hợp đáng chú ý về chủ đề này, nhấn mạnh đến cuộc chiến tại châu Âu một mặt đã làm gia tăng xung đột ở nhiều nơi, mặt khác “củng cố thế đối đầu giữa hai khối lớn”, một bên với trung tâm là Mỹ, bên kia là Trung Quốc.

Đẩy nhanh thế giới đến thế lưỡng cực Mỹ-Trung

Tháng 12/2022, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borrell thừa nhận, thế giới đang bước vào cục diện “đa cực trong hỗn loạn”, nơi “mọi thứ đều có thể trở thành vũ khí”, từ năng lượng, dữ liệu, cho đến cơ sở hạ tầng, di dân… Tất cả đều có thể biến thành vấn đề địa chính trị, hay nói cách khác là sự cạnh tranh, đối đầu giữa các khối, các nhóm và các liên minh.

Gần như tất cả các khu vực trên thế giới đã trở thành các địa bàn đọ sức, tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc, EU, Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ (trên các phương diện đầu tư cho cơ sở hạ tầng, thỏa thuận thương mại, quân sự hay ngoại giao). Cuộc tấn công Ukraine của Nga làm lung lay thế cân bằng vốn đã mong manh nói trên của các quan hệ quốc tế, và đặc biệt làm suy yếu vị thế của Nga tại khu vực ảnh hưởng truyền thống tại các nước cộng hòa Liên Xô cũ ở Trung Á, mang lại cho cường quốc khu vực Thổ Nhĩ Kỳ một vị thế quan trọng hơn.

Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia, tình trạng “tái phối trí trong hỗn loạn” hiện nay chỉ mang tính chất quá độ. Cuộc chiến tại Ukraine rút cuộc sẽ dẫn đến “sự suy yếu của Nga và châu Âu” và “hai bên hưởng lợi chủ yếu từ cục diện này có thể chính là Mỹ và Trung Quốc”.

Chiến lược “bắt cá hai tay” của Bắc Kinh giai đoạn quá độ

Chiến lược bắt cá hai tay của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh tại Ukraine hiện là điểm nổi bật của cục diện quốc tế, đang dẫn đến việc củng cố thế lưỡng cực của thế giới. Bắc Kinh một mặt ủng hộ Moskva, nhưng mặt khác cố gắng “làm sao cho việc ủng hộ Nga ở mức độ chấp nhận được với phương Tây”, để hai bên không trở thành thù địch. Quan hệ Trung-Nga đa chiều và phức tạp. Chuyên gia về châu Á Alice Ekman thuộc Viện Nghiên cứu an ninh EU (EUISS) vạch rõ việc Trung Quốc siết chặt quan hệ với Nga. Trao đổi mậu dịch Trung-Nga trong năm qua tăng hơn 30%, đạt mức kỷ lục 190 tỷ USD.

Tuy siết chặt quan hệ kinh tế với Nga nhưng Trung Quốc cũng chú ý giữ một khoảng cách đủ lớn để không tự biến thành địch thủ của phương Tây. Bắc Kinh không hậu thuẫn Moskva giống như các nước đồng minh và đối tác ủng hộ Kiev trong cuộc chiến với Nga. Bắc Kinh không cung cấp cho Moskva nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Nga vùng vẫy, tránh rơi xuống vị thế “chư hầu”

Theo chuyên gia Agathe Demarais, Giám đốc Trung tâm phân tích rủi ro kinh tế EUI của tập đoàn truyền thông Anh The Economist, Trung Quốc ở “thế thượng phong” trong quan hệ với Nga. Bắc Kinh có thể nhận được những gì mình cần, nhưng Moskva thì không. Cái giá phải trả với Nga là, để đánh đổi lấy sự đồng thuận “về ý thức hệ” với Trung Quốc, Nga bị trói buộc phải chấp nhận thua thiệt về kinh tế.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chuyên gia chính trị quốc tế Pierre Razoux, thế yếu tương đối của Nga trong quan hệ với Trung Quốc cũng được Moskva điều chỉnh với nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong các quan hệ kinh tế, chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Trung Đông, Iran, châu Phi, để tránh bị biến thành chư hầu của Trung Quốc “về mặt kinh tế và chiến lược”.

Xét về nhiều mặt, cuộc tấn công Ukraine của Nga đẩy nhanh thế giới đến thế lưỡng cực, với một bên có trung tâm là Mỹ, bên kia là Trung Quốc. Trong xu thế này, vị thế của EU đang còn là một dấu hỏi lớn. Bài tổng hợp của AFP đặt câu hỏi: “Cuộc chiến này liệu có cho phép EU khẳng định vai trò là một tác nhân chủ chốt hay đẩy EU xuống hàng nhân vật phụ”, một trợ thủ của Washington.

Vị thế của EU – câu hỏi để ngỏ

Theo một quan chức cao cấp của EU từng tham gia các quyết định lớn của EU ngay từ đầu chiến tranh, EU đã chứng tỏ “khả năng kháng cự, khả năng phản ứng rất nhanh chóng” trong việc hậu thuẫn Ukraine về quân sự, tiếp đón người tị nạn, giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga… EU đã đáp ứng được các đòi hỏi của tình thế trong hiện tại, nhưng việc EU có chuẩn bị cho tương lai và vị trí trên bàn cờ thế giới hay không vẫn là câu hỏi lớn để ngỏ. Chuyên gia Agathe Demarais đặt câu hỏi: Liệu EU có trở thành “một khối thứ ba” hay đi theo Mỹ?

Hiện EU đang dồn lực cùng với Mỹ và các đồng minh đối tác khác, ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc chiến, nhưng rõ ràng, quan hệ mật thiết với Mỹ sẽ không thể tiếp tục như với Chính quyền Biden hiện nay. EU buộc phải chuẩn bị cho kịch bản phe cực đoan trong đảng Cộng hòa có quan điểm “Nước Mỹ trên hết” như kiểu Donald Trump lên nắm quyền, thay đổi lớn có thể sẽ sớm xảy ra trong một hoặc hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.

Cuộc chiến tại Ukraine – bước đệm cho chiến tranh khốc liệt hơn ở châu Á

Nếu như châu Âu là tâm điểm của xung đột toàn cầu trong thời điểm hiện tại, thế đối đầu chủ yếu của thế giới trong thời gian tới sẽ là khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cuộc chiến tại Ukraine được xem như một bước chuẩn bị cho cuộc chiến tương lai hứa hẹn sẽ khốc liệt hơn.

Trong một phát biểu trên tờ Financial Times (Anh) mới đây, Tướng James Bierman – Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản cho biết, cuộc chiến chống Nga của người Ukraine hiện cho phép chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Trung Quốc liên quan đến Đài Loan. Ngay từ năm 2014, Mỹ đã chuẩn bị cho xung đột tương lai, huấn luyện quân đội Ukraine, dự trữ các phương tiện… Và đây là điều người Mỹ đang làm cùng với Nhật Bản, Philippines hay các đồng minh, đối tác khác.

Tóm lại, cuộc chiến chống Nga tại Ukraine được Mỹ và các đồng minh coi như một bước đệm quan trọng để chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với tâm điểm là Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh khẳng định nếu cần sẽ dùng sức mạnh để “thu hồi”.

Khởi đầu cho “sự cáo chung” của thị trường toàn cầu

Ngoài phương diện quân sự, các trừng phạt kinh tế quyết liệt của phương Tây chống Nga do cuộc chiến tại Ukraine cũng đang giúp định hình một tình thế quốc tế hoàn toàn khác trước. Lãnh đạo tập đoàn năng lượng Pháp Total Energies Patrick Pouyanné nói đến “sự cáo chung của thị trường toàn cầu”. Việc khối G7 áp giá trần đối với dầu mỏ để siết chặt trừng phạt Nga là một trong những biện pháp không thể có trước đó đối với nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa dựa trên luật pháp quốc tế.

Theo chuyên gia Agathe Demarais, đại dịch COVID-19 và cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy nhanh xu thế thị trường toàn cầu bị “xé nhỏ” vốn đã bắt đầu trước chiến tranh Ukraine.

Nghèo đói gia tăng – hậu quả địa chính trị khó lường

Hậu quả trực tiếp của chiến tranh Ukraine là giá cả thực phẩm, năng lượng và các nhu cầu căn bản của con người tăng vọt. Sự tác động của thực trạng này đến các khối quốc gia khác nhau rất khác biệt. Đây cũng là một hệ quả lớn và khó lường về địa chính trị của cuộc chiến tại Ukraine.

Nguồn: TKNB – 17/02/2023

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s