Triển vọng giải quyết tình hình Syria sau 12 năm xung đột – Phần I


Theo trang mạng của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) có bài viết cho biết trong 1 – 2 năm qua, tình hình Syria chìm vào quên lãng do các cuộc khủng hoảng toàn cầu, đặc biệt trầm trọng hơn do cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine. Thảm kịch gần đây xảy ra với Thổ Nhĩ Kỳ và 5 tỉnh của nước láng giềng Syria một lần nữa đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, không chỉ về hàng nghìn người thương vong và sự tàn phá nặng nề, mà còn về mức độ mà những thảm họa thiên nhiên này có thể ảnh hưởng đến triển vọng hòa giải dân tộc Syria và sự xích lại gần nhau của hai quốc gia có lịch sử quan hệ phức tạp này. Trong khi bị “phân tâm” ở mặt trận phía Tây, Nga vẫn coi Syria là một đồng minh chiến lược quan trọng và Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác có giá trị, do đó, việc đạt được giải pháp chính trị bền vững ở khu vực then chốt này của Trung Đông phù hợp với lợ ích lâu dài của Nga.

Giới quan sát bên ngoài có thể có cảm giác rằng cuộc nội chiến đã kết thúc, phe đối lập vũ trang bị đánh bại, hoặc cuộc xung đột chuyển sang giai đoạn đóng băng. Các cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương hoạt động bình thường theo hiến pháp năm 2012 (các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và bầu cử địa phương vẫn được tổ chức trong 3 năm qua). Ngược lại, tại các nước láng giềng Libya và Iraq đã diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ về hệ thống chính trị thường thất bại. Do đó, theo tiêu chuẩn của Trung Đông, Syria khó có thể được coi là một “nhà nước thất bại”, và các phương pháp cai trị độc tài không mấy khác biệt so với hầu hết các quốc iga Arab khác. Sau một loạt biến động vào năm 2011, nhiều chuyên gia thậm chí gọi hiện tượng mới này ở Trung Đông là “chủ nghĩa độc tài kiểu mới”.

Đồng thời, mặc dù đã chấm dứt các hành động chiến sự quy mô lớn, Syria vẫn khó đạt được tầm nhìn chung giữa các phe phái trong nước về tương lai của nước này. Tình hình ở Syria có thể được so sánh với “lửa cháy âm ỉ”, khi một cơn gió cũng đủ để khiến ngọn lửa bùng lên. Tình trạng “không chiến tranh, không hòa bình” kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột và khiêu khích ngoài ý muốn, khi lực lượng quân sự của 4 quốc gia vẫn duy trì tiếp xúc gần. Vô số chủ thể phi nhà nước vẫn hoạt động bên ngoài các trung tâm đô thị lớn khiến bố trí quân sự càng thêm hỗn loạn.

Syria ngày nay

Đất nước được chia thành các khu vực ảnh hưởng. Chính phủ kiểm soát 68% lãnh thổ, bao gồm các thành phố lớn ở miền Trung và dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, nơi tập trung phần lớn dân số (14 triệu người). Dải phía Bắc dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ được chi thành 3 khu vực bán tự trị: 4 vùng đất trên thực tế thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Istanbul tiến hành 4 chiến dịch quân sự tại đây (Al-Bab năm 2016, Afrin năm 2018, Raas Al-Ain và Tell Abyad năm 2019, các tỉnh miền Bắc Aleppo và phía Nam Idlib năm 2020), chính quyền người Kurd ở phía Đông Bắc được Mỹ bảo trợ (một phần của tỉnh Hasaka, các tỉnh Raqqa và Deir Az-Zor), và tỉnh Idlib ở phía Tây Bắc do tổ chức Hai’a Tahrir Ash-Sham kiểm soát (tổ chức này được Nga và Liên hợp quốc xác nhận là tổ chức khủng bố). Từ vùng sa mạc xa xôi ở phía Đông (Al-Badiya), một số nhánh hoạt động bí mật của IS vẫn không ngừng xuất kích.

Đụng độ vũ trang cục bộ, các vụ ám sát bí ẩn, và các cuộc tấn công bằng pháo và tên lửa vẫn nổ ra ở nhiều vùng của đất nước, đặc biệt là ở phía Nam (tam giác Deraa-Suwayda-Kuneitra). Syria vẫn là một khu vực để “mặc cả” giữa Israel, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng dân quân người Kurd, cũng như là đấu trường cho sự cạnh tranh địa chính trị giữa Nga và Mỹ. Sự bất ổn thường trực dường như đã trở thành trạng thái “bình thường mới” ở Syria. Nhiều người cả ở trong và ngoài Syria đều cho rằng làm quen với thực tế không chắc chắn như vậy là điều không thể tránh khỏi và nó sẽ còn tiếp diễn.

Bất kể các mối đe dọa an ninh là gì, Chính quyền Syria, với sự hỗ trợ của Nga và Iran, nhìn chung vẫn duy trì quyền kiểm soát tình hình chính trị trong nước. Những thách thức thực sự đối với nền tảng của chế độ chủ yếu nằm ở nền tảng kinh tế đang ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng. Các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đang ngày càng để lại hậu quả nghiêm trọng. Thực tế, không có điều kiện tiên quyết nào để tái thiết kinh tế và thực hiện các dự án khôi phục cần thiết. Trong khi đó, tình hình thế giới không ngừng biến đổi đang hạn chế khả năng của các đồng minh của Syria trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính và kinh tế mà nước này cần.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, 90% người dân Syria sống dưới mức nghèo, và 70% đang cẫn hỗ trợ nhân đạo quốc tế. Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và chi tiêu quân sự ngày càng tăng trên toàn cầu, có lẽ không nên trông đợi vào Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo phi chính phủ gia tăng hỗ trợ. Kế hoạch của Liên hợp quốc trong năm 2022 chỉ được tài trợ ở mức 47%. Mức sống và chất lượng cuộc sống của đại đa số người dân đang giảm sút nhanh chóng. Giá thực phẩm cơ bản trong 3 tháng vừa qua đã tăng 30%, giá nhiên liệu tăng 44%. Mức lương trung bình hàng tháng là 15 USD, trong khi chi phí sinh hoạt cho một gia đình 5 người ước tính là từ 427 đến 611 USD. Người dân kể cả ở Damascus đang vật lộn với tình trạng cắt điện và thiếu nhiên liệu không ngừng tái diễn. Tình hình càng trầm trọng hơn sau khi Iran giảm một nửa nguồn cung dầu do các vấn đề nội bộ.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 05/05/2023

Bình luận về bài viết này