Phân hóa xã hội – Phần III


Sự phân hóa xã hội dưới hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở định kiến giới là nguyên nhân, cơ chế, con đường dẫn đến phân hóa giới bất bình đẳng, đồng thời tình trạng bất bình đẳng giới này lại quay trở lại biện minh, bào chữa, củng cố cho sự phân hóa giới tính. Đây là một nội dung quan điểm của nhà xã hội học người Pháp tên là Pierre Bourdieu. Ông cho rằng: sự khác biệt sinh học giữa các giới tính (sexes), tức là sự khác biệt giữa cơ thể nam và cơ thể nữ có thể xuất hiện như là sự biện minh tự nhiên cho sự khác biệt do xã hội kiến tạo giữa các giới (genre) và nhất là sự khác biệt dưới hình thức phân công lao động theo giới tính. Đến lượt nó sự khác biệt về mặt xã hội giữa nam và nữ được “tự nhiên hóa”, “vĩnh viễn hóa” thông qua hàng loạt các cơ chế xã hội hóa, cơ chế áp lực kể cả “bạo lực tượng trưng” và các thiết chế xã hội như gia đình, nhà thờ, nhà nước, nhà trường, truyền thông đại chúng.

Phân hóa tuổi và văn hóa

Phân hóa tuổi. Một hình thức khác của quá trình phân hóa sinh học là phân hóa tuổi (age differentiation) với biểu hiện rõ nhất là sự hình thành các nhóm dân số theo lứa tuổi và tương ứng là sự phân hóa các vai xã hội theo lứa tuổi. Một biểu hiện rõ nhất của phân hóa tuổi là chế độ “trọng xi”, tức là chế độ trọng người già, trọng người hơn tuổi trong xã hội nhất là xã hội châu Á trong đó có xã hội Việt Nam.

Trong xã hội phân hóa tuổi, mỗi một lứa tuổi đặc trưng bởi một loại hoạt động nhất định, ví dụ trẻ em trước tuổi đến trường đặc trưng bởi hoạt động vui chơi, trẻ em trong tuổi đến trường đặc trưng bởi hoạt động đi học ở trường. Trẻ em thực hiện những hành vi, hoạt động nhất định khác với thanh niên, khác với trung niên và khác với người cao tuổi. Một vai xã hội đặc trưng cho trẻ em là “đi học”, “đến trường”, một vai xã hội đặc trưng cho lứa tuổi người lớn là hoạt động lao động sản xuất, kinh doanh trong xã hội.

Sự phân hóa tuổi tạo ra hệ thống xã hội thứ bậc dựa vào tuổi với rất nhiều chính sách liên quan đến tuổi, thậm chí là tạo ra chủ nghĩa phân biệt tuổi tác (ageism, sự phân biệt đối xử với người lớn tuổi, người già), biểu hiện rõ ở những xã hội bị ám ảnh bởi ý thích được coi là trẻ và có lẽ do vậy không thích bị hỏi tuổi.

Phân hóa chủng tộc và phân hóa tộc người. Hai loại phân hóa này cũng bắt nguồn từ phân hóa sinh học, trong đó hình thành các chủng tộc người và các dân tộc khác nhau. Tương tự như các loại phân hóa sinh học khác, phân hóa dân tộc và phân hóa chủng tộc mang tính chất bình đẳng. Tuy nhiên, do một số yếu tố xã hội hay nguyên nhân từ phía xã hội, ví dụ như sự định kiến, sự kỳ thị và phân biệt đối cử mà phân hóa chủng tộc và phân hóa dân tộc mang tính chất bất bình đẳng xã hội làm tổn hại đến quyề và lợi ích của chủng tộc hay dân tộc nhất định. Do vậy, cần phải đấu tranh phòng, chống mọi hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử đối với các chủng tộc, các tộc người nhằm thực hiện công bằng xã hội và bình đẳng xã hội giữa các chủng tộc, các dân tộc. Đồng thời cần phải bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của mỗi một chủng tộc mỗi một dân tộc tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong tính đa dạng, phong phú của các chủng tộc, các dân tộc.

Phân hóa văn hóa. Leonard Broom sử dụng thuật ngữ “phân hóa văn hóa” để chỉ ra rằng: sự phân tầng xã hội không chỉ là vấn đề khác biệt về trật tự thứ bậc của các tầng lớp xã hội mà còn gắn liền với sự khác biệt về hệ các giá trị. Vấn đề là các vị thế của hệ thống phân tầng luôn được đánh giá khác nhau và có những giá trị văn hóa khác nhau. Broom cho rằng khi hệ thống phân tầng xã hội phù hợp với phân tầng văn hóa thì hệ thống phân tầng xã hội đó hoạt động một cách có hiệu quả. Ngược lại, khi phân tầng xã hội không phù hợp, không tương thích với phân tầng văn hóa thì có thể xảy ra mâu thuẫn, xung đột trong hệ thống phân tầng. Ví dụ, phân tầng xã hội trở nên hiệu quả và tiến bộ khi những người làm giàu phi pháp, bất chính luôn bị lên án, phê phán, trừng phạt từ hệ giá trị văn hóa của xã hội, mặc dù những người giàu này chiếm giữ những vị thế cao trong hệ thống phân tầng về mặt kinh tế.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với phân tầng về quyền lực: khi tham nhũng không phải là hiện tượng cá biệt và luôn gắn với những người có chức, có quyền thì những người ở vị trí cao trong hệ thống phân tầng quyền lực không đương nhiên được đánh giá cao, trái lại họ còn bị phê phán, chê cười từ góc độ văn hóa. Sự giảm sút thậm chí mất niềm tin đối với một số nhà lãnh đạo, quản lý có thể được giải thích bởi sự thiếu tương thích, thậm chí là đối lập nhau giữa phân tầng về quyền lực với phân tầng về văn hóa. Để đảm bảo cho sự phân tầng xã hội có hiệu quả với nghĩa là không dẫn đến xung đột và đổ vỡ thì trong trường hợp này cần phải thay thế những người lãnh đạo, quản lý tham nhũng, đồng thời cần phải công khai, minh bạch nguồn gốc tài sản, của cải và những việc làm của những người lãnh đạo, quản lý.

Sự chuyển hóa các hình thức phân hóa xã hội. Nhà xã hội học Max Weber rất quan tâm nghiên cứu hình thức phân hóa – phân tầng xã hội. Ông đã xem xét mối tương quan giữa các hệ phân tầng xã hội về của cải, quyền lực, uy tín và chỉ ra sự quy định lẫn nhau và chuyển hóa lẫn nhau của các hình thức phân hóa này. Quan niệm của Weber không quá đề cao tính chất nền tảng, quyết định của phân tầng xã hội về của cải đối với các hình thức khác của phân tầng xã hội như trong cách tiếp cận duy vật giản đơn về phân hóa xã hội. Weber chỉ ra tác động tích cực mang tính chất cải biến, “cách mạng” của phân hóa văn hóa, phân hóa hệ giá trị tôn giáo Tin Lành thế kỷ 18 – 19 đối với sự biến đổi hành động xã hội và biến đổi xã hội từ trạng thái truyền thống sang trạng thái hiện đại, nhất là từ chủ nghĩa tư bản duy lý truyền thống sang chủ nghĩa tư bản duy lý hiện đại ở phương Tây. Đó là khi hệ giá trị của tôn giáo Tin Lành tỏ ra phù hợp và tạo ra tác động cộng hưởng với tinh thần của chủ nghĩa tư bản, ví dụ sự tôn vinh đối với người lao động cần cù, chịu khó, trung thực, tiết kiệm nói chung và người kinh doanh tư sản nói riêng.

Trái lại, khi hệ các giá trị văn hóa coi thường thậm chí là thù địch đối với những người giàu kể cả người giàu chính đáng, tức là khi sự phân hóa văn hóa đối lập với sự phân hóa kinh tế thì sự phân tầng xã hội chứa đầy nguy cơ rủi ro, mâu thuẫn, xung đột. Sự mâu thuẫn giữa hai lĩnh vực phân tầng này làm triệt tiêu các động lực hoạt động kinh tế, làm suy giảm động lực phát triển xã hội thậm chí làm bùng nổ các xung lực gây mâu thuẫn, xung đột, bất ổn, khủng hoảng, tan rã, đổ vỡ xã hội.

3/ Hình thức và trình độ phân hóa xã hội

Phân khúc và phân hóa sinh thái

Phân khúc. Một số nhà xã hội học sử dụng khái niệm “phân khúc” hay “phân mảng” (segmentation) để chỉ sự phát triển các tập thể nhỏ trong một hệ thống tập thể lớn. Ví dụ: một cộng đồng xã hội lớn phân hóa có thể bao gồm rất nhiều các gia đình hạt nhân mà tất cả các gia đình hạt nhân này đều thực hiện các chức năng giống nhau như xã hội hóa trẻ em và chăm sóc người cao tuổi. Như vậy, hệ thống xã hội này được phân khúc thành các gia đình hạt nhân, thành các cụm gia đình trên các địa bàn cư trú khác nhau.

Từ góc độ lý thuyết của Niklas Luhmann về phân hóa hệ thống, có thể hiểu phân khúc (segmentation) là hình thức phân hóa xã hội đầu tiên, đơn giản nhất của hệ thống xã hội. Theo lý thuyết của Luhmann, phân khúc là một hình thức phân hóa xã hội mang tính chất bình đẳng.

Phân hóa sinh thái. Một số nghiên cứu về động thái thành thị đã chỉ ra quá trình bốn giai đoạn của tăng trưởng thành thị liên quan tới phân hóa – phân khúc, phân mảng của hệ thống sinh thái xã hội như sau:

(i) Giai đoạn một là sự tích tụ (concentration) hay sự tập trung hóa xảy ra khi một bộ phận lớn dân cư tập trung sinh sống tại một khu vực địa lý tương đối nhỏ, hẹp.

(ii) Giai đoạn hai là sự chia tách (segregation) xảy ra khi sự tích tụ dân cư đã làm cho dân cư tập trung quá đông, quá đậm đặc tức là mật độ dân số quá cao và một số người cùng một số hoạt động phải dịch chuyển ra phía ngoài tạo thành không gian thành thị phi tập trung và phong phú, đa dạng hơn. Chính trong giai đoạn thứ hai này, cùng với sự phi tập trung hóa là sự phân hóa sinh thái  (ecological differentation) trong đó các hoạt động cụ thể được gắn với một khu vực địa lý nhất định, ví dụ trong thành thị xuất hiện khu vực tài chính, khu vực buôn bán gồm các cửa hàng, khu vực văn hóa gồm nhà hát, nhà xuất bản.

(iii) Giai đoạn ba là xâm nhập sinh thái xảy ra do thành thi không cố định và không đứng yên mà năng động, biến đổi liên tục. Do vậy, bất kỳ một khu vực được phân hóa nào cũng đều mở cửa cho xâm nhập sinh thái (ecological invasion) trong đó xuất hiện các hoạt động mới và các nhóm dân cư mới xâm nhập vào khu vực đó. Nói cách khác, xâm nhập sinh thái là một igai đoạn của quá trình đô thị hóa trong đó một khu vực được phân hóa bị xâm nhập bởi các hoạt động mới và các cư dân mới.

(iv) Giai đoạn bốn là sự kế tiếp: khi các hoạt động mới và các cư dân mới đến thay thế cho các hoạt động cũ và các cư dân cũ thì có thể gọi đó là sự kế tiếp (succession). Đây là giai đoạn thứ tư của quá trình đô thị hóa.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lê Ngọc Hùng – Hệ thống, cấu trúc & phân hóa xã hội – NXB ĐHQGHN 2015.

Bình luận về bài viết này