Khoa học là gì? – Phần IX


Môi trường sống (habitat) của khoa học

Những điều kiện vật lý xung quanh một cộng đồng, bao gồm cả đất, không khí, và nước cũng như những ảnh hưởng bên ngoài như khí hậu và địa hình, tạo thành môi trường sống của nó. Các định chế là một điểm rất đặc trưng của môi trường sống khoa học, với nhiều nhà khoa học làm việc trong các trường đại học và công ty lớn. Giống như các đặc tính của đá ấn định các loài thực vật có thể phát triển trên đá, các nhà khoa học nhận thấy bản chất của một số trường đại học nào đó thì lợi nhuận cho nghiên cứu đạt hiệu quả hơn những ngôi trường khác.

Sự cạnh tranh ngày càng nhiều trên toàn cầu để tạo bản sắc đã khiến các trường đại học ý thức và nhạy bén đáp ứng hơn với nhau. Trước đây, những môi trường sống vi mô đa dạng của các phân viện cho phép tồn tại nhiều quan điểm khác nhau và hậu thuẫn việc nghiên cứu theo nhiều cách. Những môi trường sống quy mô lớn có thể xuất hiện ở nhiều nước, bao gồm nhiều phong cách khác nhau của trường đại học, sự nghiệp hàn lâm, cơ chế tài trợ, hay sự trọng vọng và công nhận của công chúng. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, địa điểm cố định của trường đại học nơi một nhà khoa học làm việc đã không còn quá quan trọng. Cũng trong tinh thần toàn cầu hóa đó, các công ty trở nên tương tự nhau hơn xét theo quan điểm của họ đối với các phòng thí nghiệm nghiên cứu của mình, xóa bỏ những gián đoạn văn hóa quá rõ chẳng hạn như kiểu canh tân công nghiệp tại Nhật Bản và Mỹ. Tính đa dạng của môi trường sống đã giảm đi khi tính liên kết môi trường gia tăng. Cách tiến hành hoạt động khoa học tại các khu vực khác nhau thì gần gũi nhau hơn so với các giai đoạn trước đây.

Bầu không khí chính trị biến đổi sâu xa những quyền tự do và cách tài trợ cho khoa học, quyết định về thời gian, địa điểm, và mức độ đầu tư dành cho các bộ phận khác nhau của khoa học. Một cách ngược lại trên những thời gian biểu biến động nhanh của thời tiết, tất cả những ẩn dụ mà ta quen thuộc, những hạn hán, giông bão, lốc xoáy bao trùm, và sự tưới tiêu đều trở thành những tên gọi thích hợp bên trong bầu không khí của chính sách dành cho khoa học. Tác động của tiến trình khoa học lên sự thay đổi trong các ý tưởng chính trị diễn ra rất chậm. Sự biến đổi khí hậu là một ví dụ điển hình cho hệ sinh thái khoa học, với những dự đoán dài hạn chỉ dần dần làm thay đổi ngôn ngữ của tranh luận và hành động chính trị vốn đi theo rất xa phía sau. Lúc đó phần lớn “các bầu không khí chính trị” là những yếu tố ngoại tại đối với thực hành khoa học, và ta không cần phải đưa sinh hoạt chính trị chính thống vào trong hệ sinh thái khoa học để bao gồm hầu hết những tương tác của khoa học. Sự tiến hóa của những lý do cho việc đầu tư vào khoa học đã định khung cho các thảo luận về những gì khoa học phải làm trong hiện tại, cũng như những gì vốn đã được thực hiện mà khoa học sẽ nêu bật.

Các lợi ích của hệ sinh thái khoa học

Chúng ta phụ thuộc vào những sản phẩm và lợi ích mà các hệ sinh thái mang lại. Các sản phẩm của hệ sinh thái chính là những đầu ra hữu hình của chúng, chẳng hạn các vật liệu dùng trong thực tiễn như thức ăn, củi, hay đầu. Các lợi ích của hệ sinh thái là những sự cải thiện ít có tính cụ thể hơn, bao gồm việc duy trì oxy trong khí quyển, làm sạch không khí và nước, hay thụ phấn cho mùa vụ. Chúng thậm chí cũng gồm cả những phương diện có ít tính hữu hình chẳng hạn vẻ đẹp và niềm hứng khởi mà miền đồng hoang mang lại, những thảm rừng tán cây rộng và những hoang mạc trên cao. Một trong những vấn đề lớn mà chủ nghĩa tư bản gây nên là nó không xem trọng những lợi ích của hệ sinh thái, vốn thường bị xem là đương nhiên phải có cho đến khi chúng dần biến mất.

Việc áp dụng các thuật ngữ này vào hệ sinh thái khoa học sẽ tách bạch các đầu ra hữu hình, chẳng hạn những công nghệ mới, sự cải thiện cho y học, và đào tạo những cá nhân giỏi toán và có kỹ năng, ra khỏi những đầu ra có ít tính hữu hình hơn. Những lợi ích từ hệ sinh thái khoa học cũng bao gồm việc cải thiện sự thông hiểu của chúng ta về thế giới và hành tinh này, kể cả trong việc thấu hiểu những khuôn khổ của khao học, điều này hướng đến những cách tiếp cận hợp lý đối với các vấn đề chính trị-xã hội, cũng như các cơ hội san bằng tính bất bình đẳng giữa các quốc gia. Nhưng nó cũng bao gồm nhiều thứ mà chúng ta xem trọng ở khoa học nhưng khó mà giải thích cho rõ ràng tường tận: cái đẹp của toán học, sự thúc đẩy ẩn sau cho các giá trị cố hữu của giáo dục, danh giá của các cộng đồng khoa học liên quốc gia, và giá trị của thảo luận học thuật bên trong các tập thể hàn lâm. Những lợi ích như vậy của hệ sinh thái khoa học, mà ta có thể gọi là SciEs [rút gọn từ science ecosystem services, đọc giống như sighs – những hơi thở], đã không được đánh giá cao và thường bị các nhà tài trợ và các chính phủ xem là những điều đương nhiên phải có (Hình 2.9).

Hình 2.9: Những diễn dịch hệ sinh thái từ thế giới tự nhiên (các cột bên trái) sang thế giới khoa học (bên phải).

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jeremy J. Baumberg – Đời sống bí ẩn của khoa học – NXB TT 2022

Bình luận về bài viết này