Lực lượng, năng lực và triển khai sức mạnh của Trung Quốc – Phần XIV


Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi PLA xây dựng một lực lượng thông tin hóa cao độ có khả năng chi phối tất cả các mạng Internet và mở rộng lợi ích an ninh và phát triển của Trung Quốc. Các tài liệu quân sự của Trung Quốc mô tả chiến tranh thông tin hóa là việc sử dụng công nghệ thông tin để tạo ra một hệ điều hành các hệ thống, cho phép PLA có thể thu thập, truyền tải, xử lý và sử dụng thông tin trong một cuộc xung đột để tiến hành các hoạt động tác chiến quân sự liên hợp trên mặt đất, trên biển, trên không, trong không gian, không gian mạng và lĩnh vực điện từ. PLA đang đẩy nhanh việc hợp nhất các hệ thống thông tin chỉ huy, tăng cường nhận thức về tình huống và hỗ trợ ra quyết định cho các lực lượng và chỉ huy nhằm thực hiện hiệu quả hơn các sứ mệnh và nhiệm vụ liên hợp để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh cục bộ được thông tin hóa. PLA tiếp tục mở rộng quy mô và tần suất thường xuyên của các bài tập huấn luyện quân sự mô phỏng hoạt động tác chiến thông tin hóa và có khả năng coi các hoạt động tác chiến tấn công và phòng thủ trên không gian mạng là phương tiện để đạt được sự chi phối thông tin sớm trong một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột.

Hiện đại hóa hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính và thông tin tình báo (C4I). Trung Quốc tiếp tục ưu tiên hiện đại hóa C4I như một cách ứng phó với các xu hướng trong chiến tranh hiện đại, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập, xử lý và chia sẻ thông tin, cũng như ra quyết định nhanh chóng. PLA tiếp tục các nỗ lực hiện đại hóa và cải cách về cả công nghệ lẫn tổ chức, để chỉ huy một cách hiệu quả các hoạt động tác chiến liên hợp phức tạp trên khắp các lĩnh vực chiến tranh và có khả năng là trên nhiều chiến khu khác nhau.

PLA coi các hệ thống C4I được kết nối mạng, sử dụng công nghệ tiên tiến là cần thiết để cung cấp thông tin liên lạc an toàn, đáng tin cậy cho các vị trí chỉ huy cố định và di động, từ đó cho phép ra quyết định nhanh chóng, hiệu quả, ở nhiều cấp bậc. Các hệ thống này được thiết kế để phân phối dữ liệu thời gian thực bao gồm thông tin tình báo, thông tin chiến trường, thông tin hậu cần và báo cáo thời tiết thông qua các mạng lưới liên lạc dự phòng, bền vững để cải thiện nhận thức tình huống của chỉ huy. Các chỉ huy chiến trường của PLA coi việc cung cấp dữ liệu ISR gần thời gian thực và dữ liệu tình huống cũng như thông tin liên lạc đầy đủ và đáng tin cậy cho các chỉ huy chiến trường là thiết yếu trong việc sắp xếp hợp lý các quy trình ra quyết định của họ và rút ngắn thời gian phản ứng. Trung Quốc đã mở rộng khả năng liên lạc và thu thập thông tin tình báo ở các khu vực quan trọng như biển Nam Trung Hoa, nơi nước này nhanh chóng xây dựng các cơ sở và ăng-ten mới có khả năng hỗ trợ liên lạc vệ tinh và thu thập thông tin kỹ thuật từ năm 2018 đến năm 2021. Trung Quốc đang triển khai Nền tảng chỉ huy tích hợp cho các đơn vị ở nhiều cấp trong toàn lực lượng để cho phép liên lạc đồng cấp và trên khắp các quân chủng, cũng như chia sẻ thông tin tình báo đáp ứng nhu cầu của các hoạt động tác chiến liên hợp. Sử dụng cơ sở dữ liệu kỹ thuật số và các công cụ ra lệnh tự động cho phép các chỉ huy ra mệnh lệnh đồng thời cho nhiều đơn vị trong khi đang di chuyển và cho phép các đơn vị nhanh chóng điều chỉnh hoạt động phù hợp với các điều kiện đang thay đổi trong không gian chiến đấu.

Khi PLA tiếp tục tập trung vào cải thiện khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh thông tin hóa, các hệ thống thông tin trong tương lai có thể sẽ áp dụng các công nghệ mới nổi như tự động hóa, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây để cung cấp các phương tiện tự động, đáng tin cậy nhằm gia tăng hiệu quả của tiến trình. PLA đã bắt đầu tiến trình này bằng cách sử dụng các phân tích dữ liệu lớn mà sẽ kết hợp nhiều loại dữ liệu để cải thiện khả năng tự động hóa và tạo ra hình ảnh toàn diện, trong thời gian thực cho binh sĩ.

Chiến tranh điện tử (EW). PLA coi EW là một thành phần không thể thiếu của chiến tranh hiện đại và tìm cách đạt được sự chi phối về thông tin trong một cuộc xung đột thông qua việc phối hợp sử dụng chiến tranh không gian mạng và chiến tranh điện tử để bảo vệ mạng lưới thông tin của chính họ và ngăn cản đối thủ sử dụng phổ điện tử. Chiến lược EW của Trung Quốc nhấn mạnh việc ngăn cản, làm suy yếu, phá vỡ hay đánh lừa trang thiết bị điện tử của đối thủ trong suốt một cuộc xung đột. PLA nhiều khả năng sẽ sử dụng chiến tranh điện tử trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột như một cơ chế phát tín hiệu nhằm cảnh báo và răn đe hành động phản công của đối thủ. Những đối tượng có thể trở thành mục tiêu của EW bao gồm các hệ thống của đối thủ hoạt động trong các phạm vi tần số radio, radar, vi sóng, hồng ngoại và quang học, cũng như các hệ thống máy tính và thông tin của đối thủu. Các đơn vị EW của PLA thường xuyên huấn luyện tiến hành các hoạt động tác chiến gây nhiễu và chống gây nhiễu, chống lại nhiều hệ thống thông tin liên lạc, radar và hệ thống vệ tinh GPS trong các cuộc diễn tập đối đầu hai lực lượng. Các cuộc diễn tập này không chỉ kiểm tra sự hiểu biết của các đơn vị tác chiến về các vũ khí, trang thiết bị và quy trình EW, mà còn giúp cải thiện sự tự tin vào khả năng của họ trong việc hoạt động tác chiến hiệu quả trong môi trường điện từ phức tạp. Ngoài ra, có tin PLA thử nghiệm và công nhận các tiến bộ trong nghiên cứu và phát triển vũ khí EW trong các cuộc diễn tập này.

Chiến tranh không gian mạng. Việc phát triển các khả năng tác chiến không gian mạng nhất quán với các tài liệu quân sự của PLA, vốn xác định các hoạt động tác chiến thông tin (IO) – bao gồm chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử, chiến tranh không gian và chiến tranh tâm lý – là một phần không thể thiếu để sớm đạt được ưu thế thông tin trong một cuộc xung đột và là công cụ hiệu quả để chống lại một đối thủ mạnh hơn. Trung Quốc đã công khai xác định không gian mạng là một lĩnh vực then chốt đối với an ninh quốc gia và tuyên bố ý định tiến hành phát triển các lực lượng mạng của nước này.

Hoạt động gián điệp và tấn công trên không gain mạng của Trung Quốc là mối đe dọa mạnh mẽ và liên tục đối với quân đội cũng như các hệ thống cơ sở vật chất then chốt, và là mối đe dọa ngày càng tăng về tầm ảnh hưởng. Trung Quốc tìm cách tạo ra những tác động mang tính phá vỡ và hủy hoại – từ các cuộc tấn công ngăn chặn tiếp cận dịch vụ đến phá hoại cơ sở hạ tầng then chốt – nhằm định hình quá trình ra quyết định và phá hoại các hoạt động quân sự từ giai đoạn đầu và trong suốt một cuộc xung đột. Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc tấn công mạng mà chí ít có thể gây gián đoạn cục bộ, tạm thời đối với cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Mỹ, và Trung Quốc tin rằng những năng lực này thậm chí còn đạt hiệu quả hơn trước một đối thủ có ưu thế về mặt quân sự phụ thuộc vào công nghệ thông tin. Do đó, Trung Quốc đang cải thiện năng lực tấn công không gian mạng và có khả năng phát động các cuộc tấn công mạng ở Mỹ – chẳng hạn như gây gián đoạn một đường ống dẫn khí tự nhiên trong vài ngày đến vài tuần.

Các nguồn có thẩm quyền của PLA kêu gọi phối hợp sử dụng các vũ khí không gian, không gian mạng và EW như những vũ khí chiến lược để sớm làm tê liệt hệ điều hành các hệ thống tác chiến và phá hủy hệ thống chỉ huy chiến tranh đối với các hệ thống của kẻ thù trong mọi cuộc xung đột. Các tài liệu của PLA đánh giá các nước khác đã sử dụng hiệu quả chiến tranh mạng và IO khác trong các cuộc xung đột gần đây đồng thời đưa ra lập luận ủng hộ các cuộc tấn công chống lại mạng lưới chỉ huy và kiểm soát (C2) và hậu cần nhằm gây ảnh hưởng đến khả năng của đối thủ đưa ra quyết định và hành động trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột. PLA cũng coi năng lực không gian mạng là thành phần then chốt trong tổng thể thế trận răn đe chiến lược hợp nhất của họ, bên cạnh năng lực răn đe trong không gian và hạt nhân. Các nghiên cứu của PLA thảo luận về việc sử dụng các cuộc tấn công cảnh báo hay biểu dương lực lượng – các cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu quân sự, chính trị và kinh tế nhất định với tác động gây kinh sợ – như một phần trong biện pháp răn đe. Do đó, PLA có thể tìm cách sử dụng các năng lực trinh sát không gian mạng của mình để thu thập dữ liệu phục vụ cho mục đích tình báo và tấn công mạng; kiềm chế các hoạt động của đối thủ bằng việc nhắm mục tiêu vào các hoạt động hậu cần, C2, thông tin liên lạc, hoạt động thương mại, cũng như cơ sở hạ tầng dân sự và phòng thủ then chốt dựa trên mạng lưới; hoặc như một nhân tố làm gia tăng sức mạnh lên nhiều lần khi đi kèm với các cuộc tấn công vũ lực trong suốt thời gian xảy ra vũ lực.

Những cải cách về cơ cấu gần đây của PLA có thể làm thay đổi hơn nữa cách thức PLA tổ chức và chỉ huy IO, đặc biệt khi SSF tiếp tục phát triển năng lực của họ và tham gia hơn nữa vào hoạt động lên kế hoạch, tập trận và tác chiến với các lực lượng của PLA. SSF có khả năng hiệp lực thông qua việc kết hợp các khả năng trinh sát, tấn công và phòng thủ mạng cấp quốc gia trong tổ chức của mình, bên cạnh các năng lực IO chiến lược khác.

(còn tiếp)

Nguồn: Annual report to Congress – Military and Security Development’s involving the People’s Republic China 2022 – Office of the Secretary ofe Defense, Nov 2022 – CĐ tháng 4 & 5/2023

Bình luận về bài viết này