Việt Nam, quốc gia thân Nhật Bản có tốc độ phát triển kinh tế cao – Phần II


Vấn đề là Việt Nam từng trở thành một quốc gia bị chia cắt khi Mỹ không đồng ý Hiệp định đình chiến Geneve thời điểm ấy và thành lập chính phủ bù nhìn ở miền Nam. Các cuộc nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc dẫn đến Chiến tranh Việt Nam (Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai). Miền Bắc Việt Nam cùng những người ủng hộ Việt Minh ở miền Nam tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, thường gọi là Việt Cộng, nhằm đánh đuổi quân Mỹ và lật đổ chính quyền Sài Gòn.

Số bom mà Mỹ thả xuống trong 8 năm kháng chiến chống pháp (Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất) và 20 năm Chiến tranh Việt Nam cao gấp ba lần số bom trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Đất nước trong hoàn cảnh chiến lửa như thế nhưng người Việt Nam có tinh thần đàon kết vững chắc, ý chí bất khuất, đánh đuổi cường quốc. Cái giá phải trả rất lớn, ở cả hai miền Nam – Bắc có 1,5 triệu binh lính và hai triệu dân thường mất mạng.

Năm 1979, Việt Nam xảy ra Chiến tranh biên giới với Trung Quốc, gần đây lại đụng độ với Trung Quốc về vấn đề phát triển tài nguyên biển tại Biển Đông, nhưng dù trong cuộc phân tranh, đối lập nào, người Việt Nam cũng không chịu thua, quyết không đầu hàng mà kiên trì tiếp tục cuộc chiến.

Chiều cao và thể trạng trung bình, dáng người nhỏ bé nhưng lại ẩn chứa tinh thần chiến đấu vào nghị lực ngoan cường. Chúng ta không thể khinh thường, coi rẻ mà nên cộng tác với họ trên cương vị các quốc gia.

Tinh thần đoàn kết vượt qua nghịch cảnh, không nao núng dù kẻ địch là một nước lớn đã kết thành những chuỗi gen trong con người Việt Nam. Có lẽ vì có khí chất này nên hiện nay trên đất nước Việt Nam, rất nhiều nhà khởi nghiệp xây dựng các hình thức kinh doanh mới.

Không chỉ đi theo các ngành dịch vụ, sản xuất chế tạo đã có, mà hiện nay còn có cả những doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học vũ trụ ra đời.

Chiến lược ngoại giao khôn khéo với Trung Quốc

Khi đến Việt Nam, tôi đã quan sát được nhiều điều.

Một công trình mà hiện nay Việt Nam đang dồn sức đầu tư là đài thiên văn. Khi xây dựng đài thiên văn ở miền Bắc, người ta nhấn mạnh “Từ bây giờ là thời đại của vũ trụ”, “Chúng tôi cũng đang hướng ra vũ trụ”. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh; đài thiên văn cũng dùng để tăng cường trạm radar phục vụ cho việc nắm bắt thường xuyên các hành động ngoài biên giới.

Tại vành đai biên giới Việt – Trung có các cửa hàng lưu niệm bày bán nhiều bàn ghế gỗ, đồ trang trí nhưng giá cả thì được ghi bằng NDT. Không phải là tiền đồng Việt Nam, cũng không phải USD, cũng chẳng phải tiền Yen Nhật Bản. Tiếp giáp với Trung Quốc, đường sắt, đường bộ hai nước cũng thông nhau, quả là sức ảnh hưởng của Trung Quốc rất lớn. Nhiều khách tham quan, người buôn bán từ Trung Quốc sang và có thể dễ dàng chất những chiếc bàn cực lớn lên xe tải chở về nên các đồ nội thất bằng gỗ, tượng đá bán rất chạy cho tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

Bề ngoài Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia hữu nghị, chung chế độ đơn đảng do đảng Cộng sản cầm quyền, nhưng giữa họ cũng đã tồn tại một quá trình lịch sử đối lập và cả chiến tranh. Dù vậy, Trung Quốc vẫn luôn muốn làm cách nào đó để hạn chế tốc độ phát triển của đất nước Việt Nam vốn thuộc loại nhanh nhất ở Đông Nam Á. Trung Quốc đang xây dựng một khu kinh tế thuộc loại quy mô lớn ở hải ngoại vốn từ Trung Quốc tại Đà Nẵng. Hơn nữa, mô hình này lại giống đặc khu kinh tế Thâm Quyến và Trung Quốc cũng muốn nhân cơ hội này để phát triển đất nước họ. Từ đó giúp ta thấy rõ sự nghiêm túc trong quá trình thực hiện dự án.

Trung Quốc sẽ làm gì tại khu kinh tế này? Họ cung cấp những phần đất ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam, thu hụt các nhà xưởng. Ta cần nhìn qua chạm trán thương mại Mỹ – Trung để biết vì sao họ lại xúc tiến như vậy. Nếu chạm trán thương mại diễn ra thường xuyên thì họ sẽ bị đánh thuế càng cao bởi những biện pháp chế tài và trả đũa của Mỹ. Thế nhưng, nếu là sản phẩm từ Việt Nam thì sẽ không phải là đối tượng bị Mỹ đánh thuế cao nhằm trả đũa Trung Quốc. Họ đưa các sản phẩm Trung Quốc sản xuất sang các nhà máy Việt Nam và đóng mác Made in Vietnam rồi bán chúng vào thị trường Mỹ như từ trước đến nay. Đó là ý định của Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, nếu mối quan hệ với Mỹ tiếp tục căng thẳng thì việc xuất khẩu sang Mỹ sẽ gặp khó khăn. Điều này cũng giống như doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư tại Trung Quốc, hiện Nhật Bản cũng đang xem xét về việc di dời nhà máy đến các nước khác ở châu Á. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam với trình độ kỹ thuật ngày càng cao là một ứng viên sáng giá. Vì lẽ đó nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang dần di dời các cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam. Từ sau khi chi phi nhân công của Trung Quốc bắt đầu tăng vọt thì động thái này đã khá rõ rệt nhưng vì chạm trán thương mại từ năm 2018 khiến việc di dời càng tăng tốc nhanh hơn nữa. Chính phủ Trung Quốc đã đón bắt được điều đó và xây khu kinh tế ở Việt Nam, lợi dụng Việt Nam để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.

Nhìn từ phía Việt Nam thì đó cũng không phải là việc xấu. Trung Quốc xây dựng khu kinh tế và đầu tư cho Việt Nam, lại còn bảo đảm việc làm cho người Việt Nam. Nếu thay đổi cách nhìn, theo hướng “vây hãm” các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam thì vạn nhất mối quan hệ với Trung Quốc có xấu đi, khi đó Việt Nam cũng vẫn có thể tiến hành những đàm phán có lợi. Việt Nam cũng có nhữgn dụng ý riêng của mình, dựa trên việc nắm bắt tình thế của Trung Quốc trong mối quan hệ đối lập Mỹ – Trung.

Việt Nam đang có chiến lược đối ngoại vô cùng khôn ngoan.

Lý do Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều được tổ chức tại Hà Nội

Mỹ cho rằng đối thủ sẽ trở thành mối đe dọa của chính họ là Trung Quốc nên Mỹ đặc biệt chú trọng vai trò thực sự lớn của Việt Nam trong mối quan hệ Mỹ – Trung.

Như quý vị cũng đã biết, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ không khác gì mạng lưới bao quanh Trung Quốc, là chiến lược nhằm khống chế các hành động của Trung Quốc.

Tiếp giáp biên giới với Trung Quốc, Việt Nam đụng độ với Trung Quốc trong Chiến tranh biên giới năm 1979. Với số quân áp đảo, quân đội Trung Quốc đã tấn công ồ ạt nhưng lại chịu tổn thất và rút lui sau gần một tháng. Lịch sử đã chứng minh sức nhẫn nại và tinh thần đấu tranh của người Việt Nam luôn được phát huy mãnh liệt.

Khi xưa Việt Nam chống lại quân đội Mỹ và cuối cùng đánh đuổi đội quân mạnh nhất thế giới này. Giờ đây Mỹ đang thu hút Việt Nam trở thành đồng minh để kìm hãm Trung Quốc.

Cả việc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều tháng 2 năm 2019 được tổ chức ở Hà Nội cũng khiến Việt Nam thu hút được sự chú ý của thế giới. Thử nghĩ xem vì sao Việt Nam lại cung cấp địa điểm tổ chức một cuộc hội nghị thu hút sự chú ý của thế giới như vậy? Đó có thể xem là một kỹ thuật ngoại giao khôn ngoan. Việt Nam và Bắc Triều Tiên có mối bang giao vì cùng là nước xã hội chủ nghĩa. Là quốc gia mà Bắc Triều Tiên có thể dễ dàng đến thăm; Việt Nam cũng là đất nước có thể trở thành hình mẫu đạt thành quả cao dưới nền kinh tế thị trường như Chủ tịch Kim Jong-un đã có hiệu lệnh “Cần học tập chính sách đổi mới, tự do hóa của Việt Nam”.

Mặt khác tuy Việt Nam là nước giao chiến với Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam nhưng cùng với sự giao lưu kinh tế, mối quan hệ cũng đã được cải thiện. Đôi bên mong muốn giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp.

Nhìn từ phía Việt Nam, sự kiện cũng mang ý nghĩa lớn lao trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Vì ký ức bị tấn công trong Chiến tranh biên giới vẫn chưa phai nhòa, lại tranh chấp  lãnh thổ quanh hai quần đảo ở Biển Đông, quả thực Việt Nam vẫn cần trông chừng Trung Quốc.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Hamada Kazuyuki – Cường quốc trong tương lai, vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030 – NXB TG 2020

Bình luận về bài viết này