Động cơ của Riyadh đằng sau thỏa thuận Saudi-Iran – Phần cuối


Có hai điểm bất lợi khi Bắc Kinh chọn nhấn mạnh quyền sở hữu khu vực đối với thỏa thuận này. Thứ nhất, Trung Quốc thể hiện mình là “người bạn đáng tin cậy của hai nước”, giữ khoảng cách ngang nhau với cả hai nước. Đó là lập trường mà Saudi Arabia không ủng hộ một cách đương nhiên, ngay cả khi nước này hưởng lợi từ lợi thế đòn bẩy của Trung Quốc đối với Iran. Thứ hai, Trung Quốc có vẻ như đang tránh kết quả cuối cùng, mặc dù lặp lại lời hứa rằng họ “sẽ tiếp tục vai trò mang tính xây dựng của mình”. Các ưu tiên của Trung Quốc ở Trung Đông chủ yếu vẫn là kinh tế, trong khi an ninh chỉ là một phần trong số đó.

Tầm nhìn của Saudi Arabia cho đến năm 2030

Việc giảm căng thẳng giữa Saudi Arabia với Iran là một phần trong chính sách đối ngoại tổng thể tập trung vào việc hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Saudi Arabia, được gọi là Tầm nhìn 2030. Vương quốc này đang đầu tư hàng tỷ USD để thực hiện kế hoạch nói trên, và căng thẳng leo thang với Iran sẽ đe dọa nguồn tài trợ của dự án, chặn nguồn đầu tư rất cần thiết từ nuớc ngoài và dập tắt ước mơ của Saudi Arabia là trở thành trung tâm khu vực và toàn cầu, đặc biệt là về điện toán đám mây, logistics, thương mại và công nghiệp.

Vai trò hòa giải của Trung Quốc xuất hiện vào thời điểm cán cân sức mạnh về kinh tế và ngoại giao trong khu vực đang nghiêng về phía Saudi Arabia. Giá dầu cao cho phép vương quốc này thúc đẩy các kế hoạch phát triển kinh tế và tăng cường chính sách ngoại giao, tài chính “Saudi Arabia trước tiên” để giành lại ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế. Kể từ năm 2018, giới lãnh đạo Saudi Arabia đã nỗ lực củng cố vị thế quốc tế của đất nước bằng cách cải tổ quy trình hoạch định chính sách đối ngoại, chấm dứt các cuộc đối đầu ngoại giao và cải thiện quan điểm quốc tế về vai trò của nước này trong cuộc chiến Yemen. Mỹ đang nỗ lực giảm khoảng cách trong phòng thủ của Saudi Arabia với Iran và lực lượng dân quân nước này. Israel trở thành đối tác an ninh trên thực tế trong Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ và việc nước này háo hức bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia đã đặt ra mối đe dọa đối với Iran. Điều quan trọng là việc Saudi Arabia đưa tin về tình trạng bất ổn trong nước ở Iran và khoản đầu tư tư nhân rõ ràng của nước này vào các phương tiện truyền thông phe đối lập ở Iran đã cung cấp cho vương quốc này một quân bài thương lượng mạnh mẽ.

Ở phía bên kia của vùng Vịnh, Iran đang chịu sức ép từ các cuộc biểu tình trong nước cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế và cô lập ngoại giao. Những yếu tố này ngày càng khiến Iran cần thêm hỗ trợ kinh tế, không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ các nước láng giềng giàu có, dẫn đầu là Saudi Arabia. Mặc dù điều này có vẻ là tình huống lý tưởng đối với Riyadh, nhưng thực tế không phải vậy: Iran từng tấn công các nước láng giềng khi sự ổn định của chế độ bị đe dọa. Chẳng hạn như các cuộc tấn công tháp Khubar năm 1996 và các cuộc tấn công năm 2019 vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở Abqaiq và Khurais, dẫn đến báo cáo về việc “Iran chuẩn bị tiến hành tấn công” sau các mối đe dọa đối với Saudi Arabia trong bối cảnh các cuộc biểu tình của Iran vào tháng 11/2022. Tehran cũng đang tiến gần hơn đến việc đạt được urani làm giàu ở cấp độ vũ khí, điều này có thể sẽ nâng khả năng răn đe của Iran lên một tầm cao mới và gây ra nhiều hành động thù địch hơn đối với nước láng giềng vùng Vịnh. Trung Quốc có thể hỗ trợ về mặt kinh tế và ngoại giao cho quá trình giảm leo thang giữa Iran và Saudi Arabia, nhưng điều đó không nhất thiết đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ can thiệp nếu Tehran quyết định vi phạm thỏa thuận.

Những bài học chính

Thỏa thuận này làm nổi bật sự khác biệt giữa mối quan hệ của Saudi Arabia với Trung Quốc và quan hệ đối tác với Nga. Khi nhắc đến chính sách đối ngoại, thỏa thuận trọng tâm giữa Nga và Saudi Arabia là thỏa thuận OPEC mở rộng. Trên thực tế, thỏa thuận của Nga về việc cung cấp cho Iran các thiết bị quân sự tiên tiến và khả năng chiến tranh mạng để đổi lấy máy bay không người lái của Iran và Nga đã sử dụng ở Ukraine là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Saudi Arabia. Thỏa thuận ngày 10/3 mang lại cho Saudi Arabia  lợi ích trong việc kéo Trung Quốc ra khỏi trục Nga-Iran-Trung Quốc, khi trục này có khả năng khuyến khích Iran tiến hành các hành động tấn công trong khu vực, tiếp tục giúp nước này thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế đối với nền kinh tế của mình, đồng thời khiến Nga và Iran tiếp tục chiếm thị phần dầu mỏ của Saudi Arabia tại Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc, việc phương Tây xa lánh Nga và Iran vì cuộc chiến ở Ukraine, và sự đình trệ của thỏa thuận hạt nhân Iran đang kéo ba nước lại gần nhau hơn. Thỏa thuận này nên được coi là nỗ lực của Saudi Arabia nhằm bảo vệ mình khỏi bị mắc kẹt giữa sự leo thang của phương Tây với Iran, Nga và Trung Quốc.

Cuối cùng, lập trường cơ bản của Saudi Arabia là Iran không có vai trò gì trong thế giới Arab. Đây sẽ vẫn là một hướng đi giúp Ryiadh tăng cường hợp tác với Mỹ và các cường quốc phương Tây để chuyển từ phòng thủ sang răn đe chống lại Iran. Hiện tại, Saudi Arabia đang lựa chọn đối phó với Iran bằng chủ nghĩa thực dụng khách quan; về cơ bản là, “chúng ta không thể loại bỏ họ, và họ cũng không thể loại bỏ chúng ta”. Dựa trên logic này, Saudia Arabia đang dựa vào gnuyên tắc cùng tồn tại có kiểm soát ở vùng Vịnh, và sự kết hợp giữa cạnh tranh và ngăn chặn ở Syria và Iraq.

Việc giải quyết xung đột với Iran sẽ không dễ dàng, ngay cả khi hai nước tôn trọng các quy tắc mà họ đã nhất trí ở Bắc Kinh. Riyadh sẽ cần xử lý mối liện hệ phức tạp giữa một bên là kỳ vọng của Iran về lợi ích kinh tế từ việc giảm leo thang với Saudi Arabia và bên kia là sự leo thang của các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với hợp tác kinh tế với Iran. Saudi Arabia cũng cần phải giảm thiểu hậu quả tiềm tàng từ cuộc chiến ủy nhiệm của Israel với Iran, mối quan hệ cạnh tranh của Iran với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các hành động bất lợi từ lực lượng bảo vệ cách mạng của Iran cũng như lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn trên khắp khu vực. Ở thời điểm hiẹn tại, có vẻ như cả chính phủ Riyadh và Tehran đều quyết tâm xích lại gần nhau hơn.

Nguồn: Carnegie Endowment

TLTKĐB – 08/05/2023

Bình luận về bài viết này