Định hướng châu Phi trong chính sách đối ngoại của Nga – Phần I


Trang mạng của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) có bài viết cho biết vào ngày 23/01/2023, người đứng đầu Vụ báo chí của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã thông báo về chuyến công du châu Phi của Bộ trưởng Sergey Lavrov. Trong suốt một tuần, phái đoàn cấp cao của Nga đã đến thăm một số quốc gia là “trụ cột” truyền thống trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Phi là Nam Phi, vương quốc nhỏ nhất lục địa Eswatini, quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha thân thiện với Nga là Angola, cũng như quốc gia không gần gũi và có khi bị Nga trừng phạt Eritrea. Trong khi đó, ở Moskva, trong một thời gian nhất định đã không công bố thời điểm kết thúc chuyến thăm – ở đây, rõ ràng đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng đ1ong cửa quốc gia của Eritrea.

Đúng 6 tháng trước đó, ngày 23/7/2022, ông Sergey Lavrov đã đến thăm một số quốc gia ở lục địa châu Phi trong chuyến thăm làm việc: khi đó chuyến công du bao gồm 4 quốc gia là Ai Cập, Cộng hòa Congo, Uganda vả Ethiopia.

Có dấu hiệu cho thấy ngay sau khi Bộ trưởng ngoại giao trở về Nga, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, ông Lavrov đã gặp đại diện riêng của Tổng thống Cộng hòa Congo về các vấn đề chiến lược và đàm phán quốc tế F. Joly.

Việc Nga tăng cường nỗ lực hướng về châu Phi như vậy không phải là ngẫu nhiên. Trong bối cảnh chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 và Diễn đàn kinh tế Nga-châu Phi, sau nhiều lần bị trì hoãn, sẽ được tổ chức tại St-Petersburg vào tháng 7/2023, Moskva cần đảm bảo không chỉ một chương trình nghị sự mang tính xây dựng cho các cuộc họp, mà còn tính đại diện cao của những người tham gia trong điều kiện địa chính trị phức tạp hơn nhiều so với hồi năm 2019.

Bối cảnh đầy thách thức

Tính phức tạp của bối cảnh trước Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới là các diễn biến bên trong lục địa châu Phi, chứ không phải do Chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra ở Ukraine.

Ngay cả khi chúng ta chỉ tập trung vào các ưu tiên rõ ràng của Nga trong khu vực, có thể dễ dàng nhận thấy tình hình chính trị nội bộ khu vực đã trở nên trầm trọng hơn vào năm 2022 ở một số lĩnh vực. Theo đó, ở Nam Phi, theo đúng nghĩa đen ngay trước Đại hội của Đảng ANC (đảng cầm quyền ở nước này từ năm 1994), nơi sẽ bầu Chủ tịch đảng, một vụ bê bối lớn đã xảy ra xung quanh nhân vật đang là chủ tịch hiện nay của ANC và Tổng thống của đất nước Cyril Ramaphosa. Công bố hồi cuối tháng 11/2022, một báo cáo đã nêu kết quả điều tra của một ủy ban độc lập về cáo buộc của cựu giám đốc Tình báo Nam Phi A. Fraser rằng ông Ramaphosa đã cố ý che giấu vụ biển thủ vài triệu USD thuộc tài sản cá nhân ở tỉnh Limpopo, bởi vì số tiền này đã không được kê khai theo quy định của pháp luật. Kết luận của báo cáo nói trên là Tổng thống đã có những hành động không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp Nam Phi, vốn là cơ sở để luận tội ông. Bất chấp những tin đồn về việc ông Ramaphosa có thể từ chức, ông vẫn giữ được chức vụ đứng đầu đảng ANC – điều rất có thể đảm bảo cho ông tái đắc cử. Tổng thống Nam Phi sau một năm nữa, khi các cuộc bầu cử quốc gia được tổ chức ở nước này. Ít nhất thì đây là logic tồn tại suốt thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc trong lịch sử đất nước.

Tuy nhiên, mọi thứ có thể khác đi vào năm 2024, khi uy tín của đảng ANC trong dân chúng tiếp tục giảm: đặc biệt, Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi trong một dự báo của mình đã nói rằng cuộc đấu tranh giữa các phe phái trong chính dảng, diễn ra trong bối cảnh bất ổn kinh tế xã hội, có thể làm giảm xếp hạng của đảng ANC trước thềm cuộc bầu cử, và sau đó, khả dĩ nhất là chính phủ của Nam Phi hiện tại lần đầu tiên theo hình thức liên minh.

Đối với quan hệ song phương Nga-Nam Phi, trước hết, một kết quả như vậy sẽ cho thấy cần phải linh hoạt hơn. Giờ đây, các bên hài lòng ghi nhận sự phát triển của quan hệ giữa ANC và đảng Nước Nga thống nhất với tư cách là hai đảng cầm quyền, nhưng lại bỏ qua các lực lượng có ảnh hưởng khác ở trong nước. Có lẽ, vào một thời điểm nào đó, cách tiếp cận như vậy sẽ phải được điều chỉnh khẩn cấp, và điều này cần được tính đến ngay bây giờ, khi chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh St-Petersburg, và nhất là chuẩn bị cho diễn đàn Nghị viện Nga-châu Phi.

Như đã lưu ý trước đó, những thăng trầm trong các nhánh quyền lực làm phức tạp hóa cuộc khủng hoảng quy mô lớn trong hệ thống năng lượng của đất nước mà không chính phủ nào có thể giải quyết. Hiện tại, tình hình căng thẳng đến mức công ty quản lý nhà nước Eskom phải kích hoạt lại các nhà máy nhiệt điện than đã lỗi thời, vì không còn cách nào khác để giải quyết tình trạng mất điện liên tục. Mặc dù thực tế là vào năm 2022, số ngày ngừng hoạt động lên tới 200 ngày (một kỷ lục trong suốt những năm xảy ra cuộc khủng hoảng kể từ năm 2007), và vào tháng 9, do sự cố trong quá trình phát điện làm mất 50% công suất, công ty này thừa nhận rằng tình hình vào năm 2023 có thể còn tồi tệ hơn. Ngày 30/01/23, Tổng thống Nam Phi C. Ramphosa nói r8àng đảng ANC đang xem xét khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp – trước đó, chỉ có làn sóng đại dịch COVID-19 mới gây ra tình trạng tương tự. Tình trạng này của ngành năng lượng Nam Phi không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của người dân và khiến họ ngày càng trở nên bất bình (vào tháng 12/2022, quân đội đã được triển khai để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng trước các hành vi “phá hoại, trộm cắp và tham nhũng”), mà còn ảnh hưởng tới tiềm năng công nghiệp (nông nghiệp) của Nam Phi, quốc gia cho tới nay vẫn được coi là có mức độ công nghiệp hóa cao nhất lục địa. Nếu cộng thêm cả hai trận lụt lớn nhất đã làm rung chuyển tỉnh KwaZulu-Natal vào tháng 4/2022 (thiệt hại lên tới 17 tỷ rand, tương đương khoảng 68 tỷ ruble), và nhớ lại hậu quả của đại dịch COVID-19, thì mọi chuyện sẽ rõ ràng tại sao lạm phát lần đầu tiên kể từ năm 2008 – 2009 lại tăng lên tới 7%, tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức chưa từng có là 34% và 63% dân số cả nước ở dưới mức nghèo khổ (dưới 6, 85 USD/ngày).

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 08/05/2023

Bình luận về bài viết này