Bài học từ ASEAN trong cạnh tranh nước lớn – Phần II


Nhiều khả năng bản chất mơ hồ của “đường 9 đoạn”, cũng như việc hai bên đều không thể ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) – thỏa thuận được chờ đợi từ lâu – nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột ở vùng biển tranh chấp, vẫn sẽ là những vấn đề vướng mắc trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Thế nhưng, văn hóa thực dụng bao trùm quan hệ ASEAN-Trung Quốc rõ ràng sẽ ngăn chặn sự bùng phát của bất kỳ xung đột lớn nào. Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều tăng cường can dự kinh tế với Trung Quốc, bất chấp chủ quyền với nước này ở biển Nam Trung Hoa. Trong quá khứ, Trung Quốc cũng có những thỏa hiệp mang tính thực dụng với các nước láng giềng nhỏ hơn trong khối ASEAN, bao gồm cả việc loại bỏ 2 đoạn khỏi đường 11 đoạn ban đầu vào năm 1952 để thể hiện tình hữu nghị với Việt Nam. Trung Quốc sẽ được cho là khôn ngoan nếu đưa ra những thỏa hiệp thực dụng tương tự trong tương lai.

Chiến dịch toàn cầu của Mỹ chống lại việc ứng dụng công nghệ 5G của Trung Quốc cũng là nguồn gây xung đột trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Việc lựa chọn hệ thống viễn thông 5G là quyết định quốc gia, nên ASEAN không đưa ra quan điểm chung về việc các nước thành viên có nên giao dịch với gã khổng lồ viễn thông Huawei của Trung Quốc hay không.Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng đặc trưng của khối đã chiến thắng khi các thành viên đều ra quyết định theo nhu cầu riêng của mình. Indonesia và Philippines đã ký hợp đồng xây dựng mạng 5G với Huawei, trong khi Malaysia, Singapore và Việt Nam chưa ký kết bất kỳ hợp đồng nào như vậy. Những quyết định này chứng tỏ các nước ASEAN đều cân nhắc các mối quan ngại của Mỹ, nhưng vẫn tìm cách cân bằng những mối quan ngại này với lợi ích của chính mình trong việc tiếp cận công nghệ giá rẻ để mang lại lợi ích cho người dân trong nước.

Đôi khi, những lợi ích đó đòi hỏi các nước ASEAN hầu như phải phớt lờ những lo ngại của Mỹ. Mỹ đã tiến hành chiến dịch mạnh mẽ không kém chống lại Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, nhưng chiến dịch này về cơ bản đã thất bại: Tất cả 10 nước ASEAN đều tham gia các dự án khác nhau trong khuôn khổ BRI và khu vực này là một trong những nơi dễ chấp nhận kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc. Theo Angela Tritto, Albert Park và Dini Sejko từ đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong, tính đến năm 2020, các nước ASEAN đã khởi động ít nhất 53 dự án trong khuôn khổ BRI.

Những dự án này mang lại thành quả đáng kể. Lào vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng nhờ BRI, nước này hiện có thể tự hào về tuyến tàu cao tốc nối thủ đô Vientiane với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Với tốc độ tối đa 100 dặm/giờ, tàu cao tốc mới giúp gảim thời gian di chuyển bằng đường bộ từ 15 tiếng xuống còn chưa tới 4 tiếng, hứa hẹn một làn sóng thương mại và du lịch mới từ Trung Quốc. Indonesia cũng nhờ Trung Quốc hỗ trợ xay dựng tuyến tàu cao tốc dài gần 150 km từ Jakarta đến Bandung. Nước này lẽ ra có thể mua tàu hỏa từ bất kỳ nước nào trên thế giới, nhưng cuối cùng lựa chọn Trung Quốc sau khi Widodo thực hiện chuyến hành trình bằng đường sắt có độ dài tương tự ở Trung Quốc trong thời gian ngắn hơn thời gian ông uống hết một tách trà. Đơn giản vì Mỹ không đưa ra được một giải pháp có thể thay thế BRI, nên các nước dễ có xu hướng chấp nhận sáng kiến của Trung Quốc bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Lãnh đạo Nam bán cầu

Cách tiếp cận của ASEAN trong việc quản lý cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ là bài học cho phần còn lại của thế giới các nước đang phát triển. Khi Trung Quốc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với các quốc gia Nam bán cầu, ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng cách tiếp cận thực dụng tương tự để cân bằng các mối quan ngại của Bắc Kinh và Washington. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Nhiều nước đang phát triển tôn trọng và ngưỡng mộ ASEAN vì những thành tựu đạt được, đồng thời coi kinh nghiệm của khối là kim chỉ nam cho hành động của họ.

Giống như ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã vun đắp các mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn với châu Phi. Các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ, cảnh báo chính phủ các nước châu Phi về nguy cơ bị Trung Quốc khai thác, nhưng những cảnh báo như vậy vấp phải sự hoài nghi, đặc biẹt là vì trong lịch sử, phương Tây từng có thời gian dài khai thác châu Phi tới mức gây tổn hại cho lục địa này. Hơn nữa, bằng chứng thực nghiệm cho thấy đầu tư của Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm mới cho một lục địa khan hiếm việc làm.

Theo nhà kinh tế phát triển Anzetse Were, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi tăng 25% hằng năm kể từ năm 2000. Trong giai đoạn 2017 – 2020, đầu tư của Trung Quốc tạo ra nhiều việc làm hơn bất kỳ nguồn đầu tư nước ngoài đơn lẻ nào khác và chiếm 20% vốn đầu tư vào châu Phi. Anzetse Were viết: “Các công ty Trung Quốc không chỉ thuê lao động nước họ. Lao động gốc Phi chếm trung bình 70% – 95% tổng lực lượng lao động tại các công ty Trung Quốc”.

So với Trung Quốc, Mỹ và các nước phương Tây khác hầu như chỉ đưa ra những lời hứa suông và không có hành động gì. Trong phần lớn thập kỷ qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào châu Phi đã giảm xuống còn chỉ bằng một nửa FDI của Trung Quốc, và phần lớn viện trợ phát triển mà Mỹ cung cấp cho lục địa này – giống như phần lớn các khoản viện trợ của phương Tây nói chung – đều nằm trong tay của các nhà tư vấn và công ty phương Tây. Như nhà báo Howard French từng nhận định, Mỹ đã trở nên “ngày càng keo kiệt và coi thường” hỗ trợ phát triển trong khi Trung Quốc lại “nhanh chóng nhảy vào lĩnh vực hàng hóa công toàn cầu”.

Việc rao giảng về biến đổi khí hậu, tham nhũng và nhân quyền cũng làm suy yếu vị thế của các nước phương Tây ở châu Phi. Mỹ và nhiều cường quốc châu Âu từ lâu đã rao giảng với người dân châu Phi về việc cần phải từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhưng đột ngột dừng lại sau khi Nga xâm lược Ukraine và họ cần dầu khí của châu Phi. Trong khi đó, Trung Quốc ít tỏ ra đạo mạo hơn – họ cung cấp viện trợ và đầu tư mà không đặt ra những điều kiện nặng nề như các nước phương Tây. Tháng 01/2022, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta phát biểu: “Mối quan hệ đối tác của chúng tôi với Trung Quốc không dựa vào sự chỉ bảo của Trung Quốc. Đó là sự hợp tác giữa những người bạn – làm việc với nhau để đáp ứng chương trình nghị sự kinh tế-xã hội của Kenya. Chúng tôi không cần những lời chỉ bảo – chúng tôi cần các đối tác giúp chúng tôi đạt được những điều chúng tôi mong muốn”.

Trung Quốc đã đạt được thành công tương tự trong việc thắt chặt quan hệ với Mỹ Latinh. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, trong giai đoạn 2002 – 2019, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Mỹ Latinh và Caribe tăng từ dưới 18 tỷ USD lên hơn 315 tỷ USD. Đến năm 2021, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với khu vực này tăng vọt lên 448 tỷ USD. Con số đó vẫn chưa bằng 1/2 thương mại của Mỹ với Mỹ Latinh, nhưng 71% kim ngạch thương mại Mỹ – Mỹ Latinh là với Mexico. Với phần còn lại của khu vực, kim ngạch thương mại của Trung Quốc lớn hơn kim ngạch thương mại của Mỹ 73 tỷ USD.

Tăng trưởng thương mại của Trung Quốc với Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, đặc biệt ấn tượng. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của Brazil với Trung Quốc đạt 1 tỷ USD/năm. Hiện tại, cứ mỗi 4 ngày, Brazil lại xuất khẩu 1 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang Trung Quốc. Sự tăng trưởng này phần nào diễn ra dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro, người gần gũi với Tổng thống Trump hơn là với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngay cả trong 2 năm Trump và Bolsonaro đều đảm nhiệm chức tổng thống, Brazil vẫn tiếp tục theo đuổi hội nhập kinh tế sâu hơn với Trung Quốc. Điều này cho thấy một nền văn hóa thực dụng, giống như nền văn hóa ASEAN, đang được hình thành ở Brasilia.

Vùng Vịnh cũng là khu vực mà Trung Quốc đang thâm nhập. Theo truyền thống, các quốc giàu dầu mỏ ở vùng Vịnh đã tìm đến sự bảo vệ của Washington. Tuy nhiên, mối quan hệ chính trị-an ninh chặt chẽ với Mỹ không ngăn cản các nước vùng Vịnh làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Năm 2000, kim ngạch thương mại giữa Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Trung Quốc chưa tới 20 tỷ USD. Nhưng đến năm 2020, con số này đã tăng lên đến 161 tỷ USD và Trung Quốc đã thay thế EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của GCC. Cùng kỳ, kim ngạch thương mại của Mỹ với GCC tăng khiêm tốn hơn nhiều, từ gần 40 tỷ USD lên 49 tỷ USD. Năm 2021, kim ngạch thương mại của GCC với Trung Quốc, ở mức 180 tỷ USD, vượt tổng kim ngạch thương mại của khu vực này với Mỹ và EU.

Các quốc gia GCC sở hữu một vài trong số những quỹ tài sản có chủ quyền lớn nhất thế giới. Các quyết định đầu tư của họ không bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về chính trị hay quan điểm về tình hữu nghị, mà dựa trên những tính toán lạnh lùng về cơ hội tăng trưởng mà các khu vực mang lại. Năm 2000, các quỹ tài sản có chủ quyền của GCC đầu tư gần như hoàn toàn vào phương Tây. Năm đó, các nước GCC chiếm chưa đến 0,1% FDI vào Trung Quốc. Nhưng đến năm 2020, hầu hết các quỹ tài sản có chủ quyền của GCC đã tăng đáng kể đầu tư vào Trung Quốc. Tuy nhiên, khó có thể có được số liệu chính xác vì hầu hết các quỹ này đều không công khai thông tin đầu tư của họ.

Rõ ràng, các quốc gia vùng Vịnh không muốn gây tổn hại đến quan hệ của họ với Mỹ – và với Hiệp định Abraham, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất được cho là đã xích lại gần Washington vào năm 2020 – nhưng họ cũng không muốn từ bỏ lợi ích kinh tế từ việc hội nhập sâu hơn với Trung Quốc. Một cách tiếp cận thực dụng để thích nghi với cả hai cường quốc đang được phát triển.

(còn tiếp)

Nguồn: Foreign Affairs

TLTKĐB – 20, 21/4/2023

Bình luận về bài viết này