Bước chuyển thứ nhất: Thời kỳ Lạc quan Mỹ – Phần II


Vùng ngoại ô được quy hoạch khoa học là lối sống tự nhiên cho một nước Mỹ đang bước vào “thời đại an ninh” như cách gọi của một nhà văn đương thời. Với những kinh hoàng về Hitler và Stalin còn tươi mới trong tâm trí công chúng, sự yên bình trong nước được bảo vệ bởi chủ nghĩa hiện thực đầy cảnh giác trong Chiến tranh Lạnh. “Khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, không người nào dám dự đoán rằng sẽ chẳng có ai đi theo con đường chiến tranh”, sử gia Paul Johnson giải thích. “Có một giả định chung đầy chán nản là… các xung đột trong tương lai sẽ kéo dài vô tận”. Để chống lại mối đe dọa này, nhiều công trình vĩ đại trong thời kỳ Lạc quan Mỹ (đường cao tốc liên bang, nghiên cứu cơ bản, vốn vay cho sinh viên, các chương trình toán và khoa học mới) đã được xây dựng một cách rõ ràng dưới danh nghĩa quốc phòng. Các vùng ngoại ô mới đã phản ánh mối bận tâm này về an ninh. Nếu chủ nghĩa tiêu dùng có thể được chuẩn hóa, các nhu cầu cá nhân có thể được đáp ứng hiệu quả, thì sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho các dự án lớn cần thiết để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của đất nước. Nếu phong cách sống mới cũng mang tới các nền tảng văn hóa về tính tiết kiệm và làm việc nhóm, mọi người giúp đỡ nhau kiểu như những láng giềng tốt dùng chung máy cắt cỏ, thì tất cả sẽ khiến tương lai của Mỹ tốt đẹp hơn.

Đặc tính mới ấy đã gây ra nhiều chỉ trích đối với chủ nghĩa vật chất thấp kém của nó. Cuốn sách xuất bản năm 1954, Age of Conformity (Tạm dịch: Thời đại Phục tùng), đã định nghĩa người Mỹ là người “sẽ không thỏa mãn nếu không có máy bay và đường ống nước tốt nhất nhưng lại chấp nhận xếp hạng hai về chính trị và văn hóa”. Bộ phim năm 1956 The Invasion of Body Snatchers (Tạm dịch: Cuộc xâm lăng của những kẻ vồ người) châm biếm người dân sống như robot đến nỗi không ai biết là họ đã bị người ngoài hành tinh kiểm soát. Malvina Reynolds hát về “những chiếc hộp nhỏ làm từ vật liệu rẻ tiền”. Lewis Mumford tuyệt vọng với “vô số sự giống nhau, các ngôi nhà không thể phân biệt nổi, xếp hàng cứng nhắc, cách một khoảng giống nhau trên những con đường giống nhau, trong một khu đất không cây cối với những việc thu bỏ rác thải theo mệnh lệnh, nơi sinh sống của những người có cùng một tầng lớp, cùng thu nhập, cùng nhóm tuổi, xem cùng một chương trình truyền hình, ăn cùng loại thực phẩm làm sẵn không mùi vị, từ những chiếc tủ lạnh giống nhau”. Newton Minow công kích tivi như là một “khu đất hoang rộng lớn” của các chương trình nông cạn, dù lành mạnh. Khi Michael Harrington viết cuốn The Other America (Tạm dịch: Một nước Mỹ khác), thông điệp ngầm của ông là tầng lớp chính (trung lưu) ở Mỹ có thể đã và đang làm nhiều hơn những gì họ đáng được hưởng.

Lối suy nghĩ trong thời kỳ Lạc quan có nhiều yếu tố mà ngày nay người Mỹ thấy ghê sợ – từ phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính cho tới tư duy tập thể ngột ngạt và một nền văn hóa phàm tục. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tâm trạng ấy của thời đại khi so sánh lại rất khớp với sự hỗn loạn kinh tế và xã hội ở những năm tháng tuổi trẻ của người lớn tuổi khi nhớ lại. Nếu tâm trạng trong khoảng thập niên 1950 của người Mỹ được dự báo trước từ năm 1928 hoặc 1944 (gần cuối hai bước chuyển trước), họ có thể coi đó là sự tiến bộ của nhiều xu hướng xã hội mà ngày nay người Mỹ sẽ nhanh chóng chỉ trích. Khi nhìn lại, tâm trạng thuộc thời kỳ Lạc quan Mỹ được nhiều người Mỹ ở thập niên 1990 coi là một sự lỗi thời ọp ẹp. Nhưng vào thời điểm đó, nó có vẻ vô cùng hiện đại – một sự hôn phối kết hợp của sự lạc quan, công nghệ, và thịnh vượng, với một tinh thần tập thể mạnh mẽ (nếu không ngẫm nghĩ).

Lý do khiến cho giai đoạn 1946 – 1963 có vẻ rất lạ lùng khi nhìn lại là vì ngày nay, chúng ta đã không còn liên hệ với lối suy nghĩ mang tính thế hệ của những người đã sống ở thời kỳ đó. Người gia của Thế hệ Lạc lõng ẩn dật trong các căn hộ ẩm ướt không thể tiến xa hơn. Thế hệ Im lặng của công nghệ cao và sự sành điệu khi họ chuyển tới sống ở mấy căn hộ cao cấp. “Những hy vọng lạc quan” của giới trung niên Thế hệ Vĩ đại nhất có vẻ đã hoàn toàn héo úa, thậm chí vô cảm đối với các chiến binh văn hóa của Thế hệ Bùng nổ. Đối với giới doanh nhân trẻ Thế hệ Thứ 13, sự tuân thủ quy định của Thế hệ Im lặng cũng có thể đến từ một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Và nó sẽ gần như không thể tưởng tượng nổi đối với trẻ em Thế hệ Thiên niên kỷ, khi các bậc cha mẹ thật sự ép buộc lũ trẻ phải khám phá những giới hạn xa xôi trong văn hóa và sở thích của người lớn.

Để hiểu cách thức và lý do tại sao thời kỳ Lạc quan Mỹ lại như vậy, bạn cần phải hình dung lịch sử thế hệ của những năm đó. Hãy xem xét mỗi sự chuyển tiếp vòng đời xảy ra lúc ấy: người lớn tuổi trải đời của Thế hệ Lạc lõng đang bủa vây những vành đai xã hội để làm cho tâm trạng dịu lại, Thế hệ Vĩ đại nhất phát sinh năng lượng từ tuổi trung niên thủ cựu, Thế hệ Im lặng trở thành những cộng sự biết thích nghi, và Thế hệ Bùng nổ có được những sự nuông chiều mới. Nhìn từ quan điểm vòng đời, tâm trạng sau chiến tranh là không thể tránh khỏi trên nhiều góc độ. Hoàn toàn chẳng có cách nào để thời kỳ hậu Khủng hoảng Mỹ trở lại tâm trạng giống như mấy thập niên 1930 hoặc 1920.

Cho dù thời kỳ Lạc quan Mỹ là tốt hay xấu, điều đó cũng chẳng quan trọng. Điều quan trọng là trong nhịp điệu mùa của lịch sử, nó là một thời kỳ cần thiết. Nó dọn dẹp những tàn dư của thời kỳ Khủng hoảng trước đó và dọn chỗ cho Thức tỉnh theo sau. Nó truyền cho người Mỹ sự lạc quan và năng lượng tạo dựng cùng cả sự héo úa mà sau đó đã bị loại bỏ.

Trong những năm từ 1946 đến 1963, Mỹ đã thành công ở nhiều lĩnh vực (như hợp tác công) mà ngày nay chúng ta cảm thấy mình đang thua kém: và Mỹ cũng nổi tiếng là yếu kém trong nhiều lĩnh vực (như hoàn thiện cá nhân) mà ngày nay chúng ta nghĩ rằng mình đang làm tốt. Điều không đem lại bất ngờ là: Giữa thập niên 1950, ở đỉnh cao của thời kỳ Lạc quan, Mỹ nằm ở phía bên kia của saeculum, đối diện với vị trí của chúng ta hiện nay.

NHỮNG BƯỚC CHUYỂN THỨ NHẤT VÀ CÁC NGUYÊN MẪU

Bao gồm cả kỷ nguyên gần đây nhất, lịch sử của người Mỹ gốc Anh đã có sáu thời kỳ Lạc quan với những Bước chuyển Thứ nhất, bắt đầu từ thế kỷ 15:

+ Phục hưng Tudor (1847 – 1517), Saeculum Cải cách Tin Lành.

+ Nước Anh Vui vẻ (1594 – 1621), Saeculum Tân Thế giới.

+ Thời đại Đế chế Augustus (1704 – 1727), Saeculum Cách mạng.

+ Kỷ nguyên Hạnh phúc (1794 – 1822), Saeculum Nội chiến.

+ Thời đại Tái thiết và Vàng son (1865 – 1886), Saeculum Siêu cường.

+ Lạc quan Mỹ (1946 – 1964), Saeculum Thiên niên kỷ.

Tất cả những thời đại đó đánh dấu sự tạo dựng một trật tự xã hội mới. Trong thời đại của riêng nó và sau đó, tất cả đều được coi là “thời hậu chiến”. Với thời kỳ Khủng hoảng đã lắng dịu và miền đất hứa được giao nhận, xã hội tăng tốc với một tinh thần đoàn kết và những đường hướng mới được phát hiện. Đó là thời gian để tái thiết và thưởng thức chiến thắng (hoặc phục hồi từ thất bại). Mọi người muốn tụ họp, xây nhà, lập kế hoạch, sinh con, và xây dựng. Đó là tâm trạng đầy năng lượng: Mỗi sự hợp tác xã hội mới vận hành trên cơ sở sự thành công của cái trước đó, cho đến khi – gần cuối thời kỳ Lạc quan – xu hướng đi tới một trật tự và gắn kết mạnh hơn đã trở thành thứ gắn với sự thôi thúc bản năng.

Lạc quan là một thời kỳ điểm phân, một sự chuyển dịch tới chỗ khiến đêm ngắn hơn và ngày dài hơn, torng đó cả cung lẫn cầu về trật tự xã hội đang tăng lên. Đây là xuân phân của saeculum, mùa của hy vọng và niềm vui thơ ngây. Sau một mùa đông chiến tranh và chết chóc, mùa xuân được báo hiệu bởi chim sơn ca của Vachel Lindsay, “Chúng hót về những hiểm nguy đã qua, tôi nghĩ / Chúng hót về hòa bình cuối cùng đã tới, tôi nghĩ”. Với cảm giác nhẹ nhõm, một xã hội tự nó lại trở về với niềm vui giản đơn và gieo hạt mầm rồi đây sẽ mục. Thomas Nashe gọi màu này là “ông hoàng vui sướng cảu năm”, khi thiên nhiên “nở hoa” và “những thiếu nữ nhảy múa thành vòng tròn”. Với cuộc sống mới tràn đầy mặt đất, nó là (theo Wallace Stevens viết) “khoảng thời gian đáng ghét với người theo thuyết hư vô / Hoặc với người tìm kiếm mức phì nhiêu tối thiểu”. Khi tinh thần sinh sôi đã yên vị, nói theo Robert Browning, “Tất cả đều ổn trong thế giới này”. Trong Bước chuyển Thứ nhất của saeculum, trẻ em được chiều chuộng, trường học được thành lập, binh lính được phong chức tước, vua chúa được lên ngôi, đế chế được công bố.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019.

Bình luận về bài viết này