Nghịch lý của sự lựa chọn – Tại sao mọi thứ đều phải bị so sánh – Phần cuối


So sánh về mặt xã hội: có phải mọi người đều có?

Mặc dù thông tin về so sánh xã hội dường như có mặt khắp nơi, nhưng không phải ai cũng chú ý đến nó, hoặc ít nhất không phải ai cũng bị ảnh hưởng. Nhà tâm lý Sonja Lyubomirsky và đồng nghiệp đã tiến hành một loạt các nghiên cứu để tìm ra sự khác biệt giữa các cá nhân về phản ứng của họ đối với thông tin về so sánh xã hội. Nhóm nghiên cứu này khám phá ra rằng loại thông tin đó ít ảnh hưởng đến những người cảm thấy mình hạnh phúc.

Lyubomirsky bắt đầu bằng việc phát cho mọi người một bảng câu hỏi dùng để đo mức độ hạnh phúc thường xuyên của họ (khác với tâm trạng tức thời của họ vào một lúc nào đó), nhằm phân loại những người này thuộc dạng tương đối hạnh phúc hay không hạnh phúc.

BẢNG ĐO MỨC ĐỘ HẠNH PHÚC CHỦ QUAN

——————–

Đối với mỗi phát biểu và/hoặc câu hỏi sau đây, hãy khoanh tròn thang điểm mà bạn cho rằng thích hợp với mình nhất.

1. Nói chung tôi tự thấy mình:

1  2  3  4  5  6  7

Không hạnh phúc lắm              Rất hạnh phúc

2. Khi so sánh mình với những người đồng trang lức, tôi tự thấy mình

1  2  3  4  5  6  7

Ít hạnh phúc hơn             Hạnh phúc hơn

3. Một số người nói chung rất hạnh phúc. Họ tận hưởng cuộc sống bất kể điều gì đang xảy ra và luôn nhìn mọi việc theo hướng tốt nhất. Tính cách này giống với bạn ở mức độ nào?

1  2  3  4  5  6  7

Không giống chút nào         Giống nhiều

4. Một số người nói chung không hạnh phúc lắm. Mặc dù họ không chán nản nhưng họ dường như không bao giờ hạnh phúc như cần phải thế. Tính cách này giống với bạn ở mức độ nào?

1  2  3  4  5  6  7

Không giống chút nào         Giống nhiều

(Đã được phép sao chép của nhà xuất bản Kluwer Academic)

Sau đó trong một nghiên cứu, mỗi cá nhân được yêu cầu xếp lại trật tự của những từ bị đảo cùng lúc với một người khác (thực sự người này nằm trong nhóm những người tiến hành nghiên cứu). Đôi khi người này tiến hành công việc tốt hơn người tham gia và đôi khi làm tệ hơn. Lyubomirsky nhận thấy rằng những người hạnh phúc thường chỉ bị ảnh hưởng rất ít bởi việc người cùng làm với mình tốt hơn hay tệ hơn mình. Sau đó họ được yêu cầu tự đánh giá khả năng của mình khi sắp xếp lại các chữ đó và họ cảm thấy như thế nào. Những người hạnh phúc thì đánh giá khả năng của mình cao hơn so với trước khi làm thí nghiệm đó. Họ đánh giá về khả năng và tâm trạng của mình tốt hơn một chút nếu người cùng làm với họ chậm hơn họ so với khi họ làm với người giỏi hơn mình. Nhưng trong cả hai trường hợp thì họ đều tự đánh gái bản thân cao hơn. Ngược lại, những người không hạnh phúc thì lại tự đánh giá mình cao hơn và có tâm trạng tốt hơn nếu người cùng làm kém hơn họ. Và thấy mình kém hơn và tâm trạng xấu hơn nếu họ làm cùng với một người giỏi hơn.

Trong nghiên cứu thứ hai, người tham gia được yêu cầu quay phim một buổi học dành cho trẻ em trước tuổi đi học. Một “chuyên gia” (người này cũng nằm trong nhóm nghiên cứu) đưa cho những người tham gia những nhận xét chi tiết về công việc của họ. Người tham gia sẽ cùng tiến hành với một người khác, cũng được giao nhiệm vụ quay buổi học đó. Điều thú vị ở đây nằm ở chỗ nhận xét sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của người tham gia như thế nào. Tâm trạng của người hạnh phúc được cải thiện khi họ nhận được nhận xét tích cực và chùng xuống khi họ bị nhận xét tiêu cực, nhưng họ không quan tâm đến việc người cùng tiến hành với mình được nhận xét như thế nào. Ngược lại, những người không hạnh phúc lại bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những nhận xét dành cho người cùng làm với mình. Nếu người tham gia này có được nhận xét tốt và người cùng làm với họ lại được nhận xét tốt hơn thì tâm trạng của họ sẽ tệ hơn. Nhưng nếu người tham gia nhận được nhận xét không tốt, và người cùng làm với họ lại bị nhận xét còn tệ hơn họ. Đối với họ việc bị xem là một giáo viên tồi nhưng những người khác còn tồi hơn, thì không tệ bằng họ được xem là giáo viên giỏi nhưng những người khác còn giỏi hơn.

Trong nghiên cứu tiếp theo, Lyubomirsky cố gắng tìm ra những yếu tố nào khiến những người hạnh phúc và không hạnh phúc có phản ứng khác nhau đối với cùng một tình huống. Cô tìm ra ra rằng khi cả hai nhóm người được yêu cầu nghĩ về một điều gì khác sau khi họ bị nhận xét không tốt về việc gì đó, thì điểm khác biệt về phản ứng của họ đối với nhận xét đó biến mất: hai nhóm đếu phản ứng như nhóm người hạnh phúc. Và nếu cả hai nhóm được yêu cầu nghĩ về những nhận xét không tốt thì cũng không có sự khác biệt nào giữa họ: lần này, cả hai nhóm đều phản ứng như nhóm người không hạnh phúc. Điều rút ra ở đây chính là điểm khác biệt của việc bỏ qua và việc cứ trầm ngâm suy nghĩ về một điều gì đó không hay. Những người hạnh phúc có khả năng bỏ qua để tiếp tục tiến lên, trong khi những người không hạnh phúc lại cứ mắc vào việc trầm ngâm suy nghĩ và tự làm cho mình khổ sở hơn.

Trong nghiên cứu này chúng ta không thể nói chắc chắn đâu là nguyên nhân và đâu là hệ quả. Liệu có phải những người không hạnh phúc thường hay nghiền ngẫm hơn những người hạnh phúc về so sánh xã hội, hay là chính việc hay nghiền ngẫm về so sánh xã hội làm cho một ai đó trở nên không hạnh phúc? Tôi e rằng cả hai đều đúng – chính khuynh hướng hay tư lự lại làm cho những người không hạnh phúc bị mắc vào đường xoắn ốc tâm lý đi xuống – đường xoắn ốc này được nuôi dưỡng bởi so sánh xã hội. Dĩ nhiên hoàn toàn có thể nói rằng, dựa trên nghiên cứu có sẵn, so sánh xã hội không cải thiện được sự thỏa mãn của một người nào đó đối với chọn lựa của họ.

Cầu toàn, thỏa mãn và so sánh xã hội

Mức độ hạnh phúc của bạn không phải là yếu tố duy nhất làm sai lệch phản ứng của bạn đối với so sánh xã hội. Một lần nữa, bạn là cầu toàn hay biết thỏa mãn cũng là một yếu tố quan trọng.

Trong nghiên cứu mà tôi đã thảo luận ở một bài trước, chúng tôi đưa cho những tham gia điền vào bảng điểm đánh giá mức độ cầu toàn sau đó đặt họ vào một tình huống tương tự như tình huống mà tôi vừa trình bày. Họ phải sắp xếp lại những chữ cái lộn xộn cùng với một người khác, người này có thể làm nhanh hơn hoặc chậm hơn họ. Chúng tôi thấy rằng người cầu toàn thường bị ảnh hưởng nhiều bởi sự có mặt của người khác hơn so với người biết thỏa mãn. Sắp xếp lại chữ cái lộn xộn với một người nào khác có vẻ làm tốt hơn mình khiến cho người cầu toàn cảm thấy tâm trạng xấu đi và tự đánh giá khả năng của mình thấp hơn. Những thông tin về so sánh xã hội không gây ảnh hưởng như thế cho những người biết thỏa mãn.

Ngoài ra, khi người cầu toàn và người biết thỏa mãn cùng được hỏi về việc họ mua sắm như thế nào thì người cầu toàn trả lời theo cách quan tâm đến so sánh xã hội hơn những người biết thỏa mãn. Người cầu toàn chú ý đến việc người xung quanh mua gì hơn so với người biết thỏa mãn, và họ cũng dễ bị ảnh hưởng trong cách đánh giá về sự thỏa mãn của chính mình bởi sự thỏa mãn của những người khác.

Nếu bạn suy nghĩ về việc cầu toàn đòi hỏi những gì thì kết quả cũng không ngạc nhiên. Những người cầu toàn muốn có cái tốt nhất, nhưng làm thế nào bạn biết được cái gì mình có là cái tốt nhất nếu không nhờ vào so sánh? Và ở mức độ khi chúng ta có nhiều lựa chọn hơn thì việc quyết định cái nào là cái tốt nhất càng trở nên cực kỳ khó khăn. Người cầu toàn làm cho đánh giá của mình trở thành nô lệ cho những trải nghiệm của người khác.

Những người biết thỏa mãn lại không gặp vấn đề này. Người biết thỏa mãn là người luôn mong đạt được kết quả phù hợp và có thể sử dụng trải nghiệm của người khác để quyết định cho mình chính xác thế nào là “phù hợp”, nhưng thường thì họ không làm như vậy. Họ có thể dựa vào sự đánh giá bên trong của mình để tạo ra những tiêu chuẩn riêng. Một mức lương “phù hợp” là một mức lương có thể giúp họ mua được một nơi tươm tất để ở, một số bộ đồ đẹp, thỉnh thoảng đi ăn tối ở ngoài… Họ không quan trọng việc người khác có thể kiếm được nhiều hơn mình. Một dàn âm thanh vừa phải là một dàn âm thanh có thể thỏa mãn được yêu cầu của họ về độ trung thực của âm thanh, về sự tiện lợi, vò ngoài và độ bền.

Và trong hai cách tiếp cận đối lập như trên chúng ta khám phá ra một điều gì đó đối nghịch. Từ “cầu toàn” có ngụ ý một ước mơ luôn muốn cái tốt nhất chot hấy những tiêu chuẩn ở đây mang tính tuyệt đối. Dường như chỉ có một cái là “tốt nhất” cho dù khó mà chọn được cái đó là cái nào. Có thể rằng một người có những tiêu chuẩn tuyệt đối sẽ không quan tâm hay bị ảnh hưởng nhiều bởi việc những người khác đang làm gì. Ngược lại, sự thỏa mãn ngụ ý ước muốn đạt được điều gì đó vừa phải lại cho thấy những tiêu chuẩn tương đối – tương đối so với những trải nghiệm trong quá khứ của họ và những trải nghiệm trong quá khứ của người khác. Tuy nhiên, những gì chúng ta thấy lại là điều ngược lại. Chính những người cầu toàn mới có những tiêu chuẩn tương đối và những người biết thỏa mãn lại có những tiêu chuẩn tuyệt đối. Theo lý thuyết, cái “tốt nhất” là một lý tưởng tồn tại độc lập với những gì người ta có. Còn trong thực tế, quyết định được cái tốt nhất thật khó đến nỗi con người cứ phải luôn so sánh với những cái khác. “Vừa phải” không phải là một tiêu chuẩn khách quan tồn tại hiển nhiên theo cách ai cũng thấy được. Nó sẽ luôn liên quan đế người đóng vai trò đánh giá. Nhưng nói một cách chặ chẽ hơn, nó sẽ không, hoặc không cần phải liên quan đến những tiêu chuẩn hay thành tựu của những người khác. Vì vậy, một lần nữa, biết thỏa mãn dường như là cách tốt hơn cả để duy trì sự tự chủ của mình trước vô vàn những lựa chọn ngày càng nhiều.

Các lựa chọn và so sánh xã hội

Chúng ta đã thấy được nếu càng có nhiều lựa chọn thì chúng ta càng gặp nhiều khó khăn khi tổng hợp thông tin nhằm đưa ra một quyết định sáng suốt. Thông tin càng khó tổng hợp thì càng có khả năng bạn phải phụ thuộc vào lựa chọn của người khác. Cho dù bạn không có ý định tìm cho ra loại giấy dán tường tốt nhất cho căn bếp của mình khi phải đối mặt với hàng trăm ngàn lựa chọn, việc tìm được loại nào tốt vừa phải có thể phụ thuộc rất lớn vào việc bạn biết được những người khác đã chọn loại nào. Càng nhiều sự lựa chọn thì bạn càng có khuynh hướng nhòm ngó xem những người khác chọn cái gì. Nhưng nếu bạn so sánh xã hội nhiều thì càng có khả năng bạn sẽ bị nó tác động, và những tác động như vậy có khuynh hướng tiêu cực. Vì vậy nếu bạn cứ luôn bắt mình phải xem thử người khác đang làm điều gì trước khi ra quyết định, thì thế giới đầy những lựa chọn này thường sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy không hài lòng với quyết định của mình hơn,, so với việc bạn không nhòm ngó những người khác trước khi quyết định. Đây chính là một lý do khác giải thích tại sao chúng ta càng có nhiều tùy chọn thì chúng ta càng cảm thấy ít thỏa mãn với những gì chúng ta chọn.

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Barry Schwartz – Nghịch lý của sự lựa chọn – NXB Trẻ 2008

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s