Bí quyết của thành công – Phần VIII


9/ Tâm luôn trong sáng

Tôn chỉ của đối nhân xử thế là phải làm tốt những việc nên làm, đạt được đến một mục đích nhất định thì không cần phải “chính do dĩ xuất”, làm việc theo cảm tính của mình. Phải nghe thấy được sự phân tích của người khác, mấu chốt là phải bỏ đi những ý nghĩ vớ vẩn cá nhân, nắm vững được tôn chỉ, bỏ đi tính tư lợi, ích kỷ.

Khi xử lý các vấn đề cũng nên loại bỏ các ý nghĩ hẹp hòi, nếu giải quyết sự việc mà có một chút lòng ích kỷ cá nhân nào đó thì sẽ dẫn đến sai lầm.

Thời kỳ đầu khi Ung Chính kế vị, do sợ Xung Kha và những người khác tạo phản nên đã cho Đồng Đề Kỳ dò la khắp nơi để đem về các tin tức tình báo. Những việc lớn nhỏ trong kinh thành, chẳng có việc nào mà Ung Chính không biết cả.

Một hôm, có vị đại thần muốn mua một cái mũ mới bèn hỏi người đi đường xem có thể mua được ở chỗ nào. Ngày hôm sau, khi thiết triều buổi sớm, vị đại thần này vẫn chưa đội mũ mới, Ung Chính bèn đùa rằng: “Cẩn thận một chút, đừng có làm bẩn mũ mới đấy”. Lần khác, có một người tên là Vương Vân Cẩm, xuất thân là Trạng nguyên, đang cùng bạn bè thân thích chơi trò chơi với những chiếc lá, đang chơi thì bỗng nhiên bị rơi mất một chiếc lá. Ngày hôm sau khi thiết triều, Ung Chính hỏi Vương Điện Vương đã làm những gì vào ban đêm, Vương Vân Cẩm kể hết mọi chuyện, Ung Chính cười đáp: “Người trong sáng thì không làm việc mờ ám, đây đích thị là một Trạng nguyên”. Nói hết câu bèn lấy trong tay áo một chiếc lára đưa cho Vương Cẩm Vân xem, đúng là chiếc lá đã bị mất vào buổi chiều hôm đó.

Có một người tên là Vương Sỹ Tuấn làm quan ở bên ngoài, có người đã giới thiệu cho anh ta một nô bộc khỏe mạnh. Người nô bộc này làm việc rất chu đáo, không hề rời xa Vương Sỹ Tuấn. Sau này Vương Sỹ Tuấn về kinh nhậm chức, người nô bộc bèn đến cáo từ ông ta trước. Vương Sỹ Tuấn hỏi vì lẽ gì mà lại bỏ đi, người nô bộc đáp: “Ngài làm quan mấy năm nay, không có điều gì sai phạm lớn, tôi cũng phải vào kinh gặp mặt Thánh thượng nói rõ tình hình”. Vương Sỹ Tuấn khi đó mới biết người nô bộc ấy vốn là Thị vệ của Đại nội.

Ở Thiên Tân có một người họ Chu, xuất thân Tiến sỹ, với thân phận là Chủ sự Lễ bộ, đã từng làm giám sát việc giáo dục ở Tứ Xuyên trong ba năm. Trong thời gian đó, ông sống rất liêm khiết, công bằng, luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cảnh ngộ mà Chu Chử sự gặp phải cũng giống như Vương Sỹ Tuấn, trước khi xuất kinh, có người giới thiệu cho ông một người nô bộc rất nhanh nhẹn, chăm chỉ. Khi Chu Chủ sự chuẩn bị về cung phụng mệnh, người nô bộc bèn xin về trước. Chu Chủ sự nói ta cũng sắp phải về kinh rồi, vừa hay đi cùng luôn. Người nô bộc đáp: “Tôi vốn là một Thị vệ trong Đại nội, được biệt phái đến giám sát ngài, biểu hiện của ngài rất tốt, tôi phải về kinh để thưa với Hoàng thượng”. Lúc đó, Chu Chử sự mới sực tỉnh cơn mộng, khi về đến kinh thành quả nhiên được Ung Chính ban thưởng.

Đương nhiên, Ung Chính điều hành quần thần cũng không hoàn toàn chặt chẽ như vậy, có lúc ông cũng rất rộng lượng, gần gũi với quần thần. Mỗi khi đến ngày Lễ, Tết, ông lại cùng văn võ bá quan ngâm thơ uống rượu, thưởng hoa, câu cá, vui vẻ giống như cha với con vậy. Biện pháp lúc cương lúc nhu, khi thì giận dữ, khi thì nhân từ này đã trị vì tất cả các triều thân, khiến cho ai ai cũng phải phục nể.

Tuy nhiên, các đại thần cũng luôn phải đề phòng, họ như đi trên dây, đều lo lắng về tính cách lúc vui lúc mừng, lúc giận dữ bất thường này của Ung Chính. Thực ra, bản thân Ung Chính không phải là không hiểu được khuyết điểm này của mình. Một lần khi nói chuyện với tổng quản Thực Lộc Quán, Ung Chính kể: “Gần đây ta có đọc những ghi chép trong vòng bốn chín năm của Khang Hy, trong đó có ghi lại sự đánh giá của phụ hoàng đối với ta, có một câu là: “hỷ nộ bất định”, khi đó ta từng nói với phụ hoàng: “Con hầu hạ bên cạnh phụ hoàng, thường lắng nghe sự răn dạy của phụ hoàng, bản thân lại không biết tự kiểm điểm hành vi của mình, trong lòng cảm thấy rất xấu hổ. Con nay đã ba mươi tuổi, mà cách đối nhân xử thế không thể thay đổi được nữa. Bốn chữ nhận xét về con “hỷ nộ bất định” có liên quan đến cả đời con, khẩn thiết xin phụ hoàng đừng để cho sử quan ghi chép lại”. Lời nói của ta đã thuyết phục được phụ hoàng, thế là người dụ rằng: “Mười năm nay, ta chưa thấy Tứ a ca có những hành động hỷ nộ bất thường, cho nên câu nói này sử quan không phải ghi chép lại”. Giờ đây sau khi ta kế vị, ta luôn cố gắng cẩn thận với tính cách lúc vui lúc giận thất thường của mình, dù vậy, ta vẫn luôn cảm thấy có những chỗ khiếm khuyết, vì vậy ta càng khâm phục phụ hoàng về việc nhìn nhận người khác một cách sắc sảo. Cho nên, ta thường hay dùng những điều ông răn dạy để tìm nén mình, điều tiết tình cảm của bản thân. Ngươi có thể ghi chép lại toàn bộ câu chuyện này”.

Thổ lộ này của Ung Chính có dụng ý rất rõ ràng. Các hoàng đế rất sợ các sử quan, sợ họ cứ ghi chép đúng sự thật. Bốn chữ “hỷ nộ bất định” đã khái quát đầy đủ tính cách của Ung Chính.

“Không làm những việc sai trái, như vậy sẽ không sợ nửa đêm quỷ đến gõ cửa”. Những người đã làm điều sai trái thường phải mang một gánh nặng về mặt tinh thần. Gánh nặng đó chẳng khác gì một cái địu phải đeo trên lưng mãi mãi, những việc sai trái càng nhiều thì cái địu đó càng nặng hơn.

Xét về chủ quan thì phải bỏ đi ý thức, tư tưởng sai lệch mới có thể dễ dàng loại bỏ những việc làm sai trái. Nếu từ đầu đến cuối luôn làm những việc trái với lương tâm thì gánh nặng sẽ ngày càng lớn.

10/ Hóa giải hận thù

Khổng Tử thường nói: “Khi khí huyết đang hăng thì phải tránh không được đánh nhau”. Mạnh Tử lại nói: “Nếu bạn giết ch của người ta thì họ cũng sẽ giết cha của bạn, nếu bạn giết huynh trưởng của người ta thì họ cũng sẽ giết huynh trưởng của bạn, cũng giống như chuyện nước Ngô làm nhục nước Việt, sau đó nước Việt báo thù sỉ nhục lại nước Ngô”.

Con người sống trên đời đừng gây nên thù chuốc oán. Chuyện báo oán phục thù, từ cổ chí kim, nếu không ứng lên bản thân mình thì cũng ứng lên con cháu mình. Tục ngữ có câu: “Oán hận nên cởi bỏ chứ đừng nên kết thêm”. Người có chí hướng, muốn làm nên đại sự thì tuyệt đối không nên vì một chuyện nhỏ nhặt mà ôm hận trong lòng tìm cơ hội báo thù. Khi Tôn Tú làm Tiếu Sử có bị Phạm Nhạc đánh. Tôn Tú đương nhiên cũng vu cáo Phạm Nhạc tham gia vụ làm loạn của Tư Mã Doãn ở Hoài Nam. Nhà họ Phạm bị tội tru di. Đây là ví dụ điển hình về việc kết hận mà càng thôi thúc ý muốn báo thù.

Lý Cát Phủ đời Đường tuy rằng trước có oán hận với Lục Triết nhưng khi ông ta làm cấp trên của Lục Triết thì lại bỏ qua hết những hiềm khích cũ, hai bên sống hòa thuận. Con người như Lý Cát Phủ quả là hiếm có.

Lý Cát Phủ được hoàng thượng bổ nhiệm chức quan đại thường học sĩ. Nhờ có năng lực quản lý chế độ pháp lệnh nên Lý được sự coi trọng và ưu đãi của tham đô. Lục Triết nghi ngờ mấy người bọn họ kết bè kết đảng tư lợi riêng bèn tâu với hoàng thượng điều Lý Cát Phủ đến Minh Châu làm quan tràng sử. Sau này, Lục Triết bị đi đày đến Trung Châu, tể tướng vì muốn giết hại ông ta nên phái Lý Cát Phủ đến Trung Châu, chịu trách nhiệm giải quyết vụ án của Lục Triết, để tiện cho Lý cát Phủ có cơ hội trả mối thù trước đây. Không ai ngờ, sau khi Lý Cát Phủ đến Trung Châu, ông ta lại bỏ qua ân oán cá nhân, lập mối quan hệ tốt với Lục Triết khiến Lục Triết vô cùng cảm kích.

Có thù hận với người khác, khi trong tay có quyền lực bèn lấy cớ làm việc công nhưng thực chất lại xử lý việc tư, lạm dụng quyền lực, nhất định phải dồn kẻ thù vào chỗ chết mới vừa lòng. Như vậy thật là tàn khốc. Lấy đức báo oán là một việc không dễ dàng gì, người thường khó có thể làm được. Người có tu dưỡng, có đạo đức sẽ không bao giờ ghi thù nhớ hận mà sẽ khoan dung độ lượng. Còn loại người tiểu nhân độc ác, “miệng nam mô bụng một bồ dao găm” kết thù kết oán nhiều quá thì ở ngôi vị cao phỏng ý nghĩa gì? Đối với thù hận nên làm được như Liêm Pha và Tương Như, hóa địch thành bạn, đại nghĩa thâm sâu, cao cả. Quả thật rất đáng để học tập.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Vietbook – Nghệ thuật nắm bắt cơ hội tùy cơ ứng biến – NXB VHTT 2010.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s