Dự báo toàn cầu năm 2017 – Phần III


Những rủi ro kinh tế toàn cầu

(+): 8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, hãy đánh giá lại xem chúng ta đang đứng ở đâu. Các nền kinh tế ở phương Tây phát triển, châu Á đang nổi lên và các phần khác của thế giới đang hoạt động như thế nào? Chúng ta kỳ vọng chúng hoạt động như thế nào trong một vài năm tới?

Matthew P. Goodman: Nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa ở vị trí thuận lợi. Tăng trưởng GDP toàn cầu đã thất bại so với xu hướng trước khủng hoảng, trung bình chỉ trên 3% một năm kể từ năm 2008. Ngay cả mức tăng trưởng khiêm tốn này cũng đòi hỏi phải có một sự bùng nổ nợ: tỷ số nợ trên GDP toàn cầu đã tăng gần 10 điểm phần trăm kể từ sau cuộc khủng hoảng. Tăng trưởng thương mại, trước kia thường dễ dàng vượt mức tăng trưởng GDP trước cuộc khủng hoảng, đã suy yếu đáng kể chỉ trên 2% một năm. Ngay cả ở Mỹ, nơi tăng trưởng công ăn việc làm đã trở nên tương đối sôi nổi, thì tiền lương cũng chỉ vượt mức năm 1996 của nước này.

Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh của sự bất định to lớn về chính trị và sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ. Một trong hai điều này có thể đem lại tình trạng gián đoạn hơn nữa. Chẳng có gì ngạc nhiên khi đầu tư kinh doanh đã liên tục bị giảm bớt trên khắp toàn cầu.

Scott Miller: Phần lớn những người đưa ra dự đoán rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ bị mắc kẹt ở mức khoảng 3 đến 3,5%, với việc năm 2017 và 2018 Mỹ đạt mức tăng trưởng thực 2% giống như trước đây. Về cơ bản, các dự đoán nói chung ta hãy “đón nhận sự buồn tẻ”. Không có khả năng cho sự kích thích tiền tệ hoặc tài chính ở liều lượng lớn, thì tăng trưởng chậm chạp chắc chắn tốt hơn so với chẳng có gì.

Goodman: Tăng trưởng tại các thị trường mới nổi sẽ sôi nổi hơn, nhưng không mạnh mẽ và cũng không có khả năng bền vững. Trung Quốc đang tiếp tục sự giảm tốc mang tính cơ cấu. Ngay cả nếu Ấn Độ duy trì tăng trưởng ở mức 7% thì không có nước đơn lẻ nào có thể thúc đẩy sự tăng trưởng khu vực.

Heather A. Conley: Châu Âu tiếp tục bị quấy nhiễu bởi nợ ở mức cao, tăng trưởng thấp và khu vực ngân hàng rất mong manh, khu vực sẽ trở nên yếu kém hơn bao giờ hết do lãi suất âm và ảnh hưởng của các khoản vay kém hiệu quả. Tỷ suất nợ trên GDP củ 5 nước thuộc Khu vực đồng euro đã vượt mức 105% vào cuối năm 2015. Những điều bất ngờ có thể khiến chiến lược “loay hoay xoay xở” của châu Âu chệch hướng, nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cho những điều bất ngờ đi kèm với những mặt không thể dự đoán được. Giờ đây, tác động về kinh tế của Brexit đã không đi theo con đường được dự báo về cuộc chiến Armageddon kinh tế.

(+): Xem xét bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, các ông cho rằng một số rủi ro then chốt nào mà các nhà hoạch định chính sách cần cảnh giác? Liệu chúng ta có khả năng chứng kiến một sự suy thoái khác tương đương như cái chúng ta từng chứng kiến trong năm 2008 hay không? Điều ngược lại thì sao – ông có thấy bất kỳ thế mạnh nào bị đánh giá thấp hay không? Và các nhà hoạch định chính sách cần làm gì đối với tất cả những điều này?

Goodman: Tin tốt là các nền kinh tế lớn đã làm được rất nhiều để giải quyết khả năng dễ bị tổn thương trong hệ thống tài chính toàn cầu mà đã gây ra cuộc khủng hoảng gần đây nhất. Nhưng ngay cả khi sự phục hồi lớn hơn đã hạ thấp khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính kiểu năm 2008, thì cũng khó để lập luận rằng những rủi ro đã biến mất.

Một rủi ro là sai lầm chính sách vĩ mô. Sự phục hồi của Mỹ vẫn không đặc biệt mạnh mẽ, và Ngân hàng dự trữ liên bang cần thận trọng trong việc tăng lãi suất quá nhanh. Ở châu Âu và Nhật Bản, các nhà lãnh đạo cần tránh sự cám dỗ cắt giảm chi tiêu chính phủ quá sớm.

Cũng có những rủi ro tài chính đang dần xuất hiện. Châu Âu cần phải đối phó với khu vực ngân hàng vẫn yếu kém đến mức không thể đứng vững trước một cú sốc bên ngoài, như chúng ta từng chứng kiến khi các ngân hàng Italy “loạng choạng” sau cuộc bỏ phiếu Brexit. Trung Quốc cần giải quyết nợ tập đoàn ngày càng tăng và sự dư thừa công suất ngành công nghiệp nhằm tránh “thập kỷ mất mát” của chính họ.

Điều khó khăn hơn đối với các nhà hoạch định chính sách, nhưng không kém phần thiết yếu, là giải quyết những sự kiềm chế mang tính cơ cấu mà vừa cản trở tăng trưởng hiện nay vừa có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Conley: Châu Âu có nhiều rủi ro. Có nền kinh tế Pháp và Italy yếu ớt, một khu vực ngân hàng có liên hệ quá mật thiết với chính phủ, nợ chính phủ cao, tỷ lệ thất nghiệp cao đặc biệt là trong số những người trẻ, một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang dần xuất hiện và những khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và bảo hộ ngày càng tăng.

Nhưng châu Âu cũng có những thế mạnh bị đánh giá thấp. Nền kinh tế Đức bị xuất khẩu chi phối tiếp tục hoạt động tốt, cũng như nền kinh tế Anh, bất chấp Brexit. Châu Âu có các thể chế dân chủ mạnh mẽ và các hệ thống pháp lý có thể dự đoán được, hàng hóa và dịch vụ đáng mong ước trên toàn cầu, cơ sở hạ tầng phát triển và môi trường đầu tư chào đón. Đây là lý do giải thích tại sao cả các hãng của Mỹ lẫn Trung Quốc đều nhận thấy châu Âu có sức hấp dẫn như là một điểm đến kinh tế bất chấp những lo lắng hiện tại về kinh tế.

Miller: Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác phải đối mặt với nguy cơ mất nhiều hơn là được vào thời điểm này trong chu kỳ kinh doanh. Sự mở rộng hiện tại của Mỹ được 90 tháng, lâu hơn mức trung bình 56 tháng hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, và lạm phát giá tăng chậm. Lãi suất vẫn thấp một cách bất thường trên khắp thế giới, nhưng không có khả năng đứng yên như vậy. sự kết thúc của “tiền tệ tự do” – dù là kết quả của thị trường hay hành động của ngân hàng trung ương – là nguồn có khả năng gây ra sự bất ổn. Gánh nặng nợ chính phủ đã gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2008, và những nghĩa vụ trả nợ sẽ thay thế các biện pháp tài chính khác.

Tại Mỹ, cải cách thuế có thể đem lại động cơ cho tăng trưởng hiệu suất và sự hình thành vốn mạnh mẽ hơn, điều đã thất bại kể từ sự suy thoái năm 2008. Tuy nhiên, không có ban lãnh đạo tài chính thực sự, hoạt động chính trị nguyên trạng có khả năng sẽ đem lại sự tăng trưởng chẳng hơn gì nguyên trạng.

(còn tiếp) 

Nguồn: CSIS – tháng 12/2016

TLTKĐB – 6,7,8 & 9/01/2017

Bình luận về bài viết này