Vũ trụ không còn được nhìn nhận như một cấu trúc ngôi thứ vĩ đại hay một Chuỗi của Hiện hữu; nó được nhìn nhận đơn giản như một kết hợp ngẫu nhiên của các nguyên tử; và con người, vốn theo truyền thống được hiểu như một tiểu Vũ trụ (tức là có cấu trúc Vũ trụ), không còn được nhìn nhận như một Vũ trụ; mà chỉ là một tạo vật có ý nghĩa, ngay dù cho là huyền bí đi nữa. Chúng ta được đưa cho khá nhiều định nghĩa về con người, khiến cho nó chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là một động vật thông minh đặc biệt với một bộ não khá lớn có thể đo đạc được, hoặc là một động vật biết chế tạo dụng cụ, hoặc là một động vật chính trị, hoặc là một động vật còn chưa định hình, hoặc đơn thuần là một con khỉ trần trụi.
Chủ nghĩa nhân văn xuất hiện như một niềm tin vào bản chất tốt đẹp vốn có của con người để thực hiện sứ mệnh cao cả trên Trái đất, nhưng lại dựa vào chủ nghĩa khoa học duy vật luận. Tuy nhiên, các phương pháp khoa học thường nghiệm (vật lý và hóa học) có thể nghiên cứu mọi thứ thuộc thân xác tự nhiên, nhưng không thể thâm nhập vào thế giới vô hình bên trong của sự sống, ý thức và tự-ý-thức ở con người, vốn là những bí ẩn khiến cho con người là con người. Con người hiện đại theo chủ nghĩa khoa học duy vật luận, cho rằng sự sống, ý thức và tự-ý-thức chẳng phải gì khác, chẳng qua chỉ là những biểu hiện của các xếp đặt phức tạp ở các nguyên tử cấu tạo bộ não – một “đức tin” khiến cho anh/chị ta đặt tín nhiệm đặc biệt vào các giác quan, “dựa vào đầu óc” và bác bỏ bất cứ can thiệp từ các “sức mạnh” tinh thần vô hình nào. Đức tin này được hình thành dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của học thuyết tiến hóa.
Thực chất tiến hóa luận là gì? Nhiều nhà khoa học nhìn thấy tiến hóa luận trong sinh vật học là một ngôn ngữ mơ hồ và bao trùm nhiều nghĩa, được áp dụng để bao hàm bất cứ mọi biến đổi nào xảy ra trong thể tạng của một chủng loại có hệ thống trong động vật và cây cối… Về chuyện đã có biến đổi trong thể tạng ở các giống loài động vật và cây cối trong quá khứ, thì điều này đã được chứng thực rất phong phú bởi các hóa thạch tìm thấy trong lớp vỏ Trái đất; với trợ giúp của việc xác định thời gian bằng phương pháp phóng xạ, chúng đã được xếp vào chuỗi nối tiếp lịch sử với tính xác định khoa học rất cao. Tiến hóa luận, như việc khái quát hóa trong phạm vi khoa học miêu tả về biến đổi sinh học có thể xem như đã xác lập không còn gì phải nghi ngờ nữa. Thế nhưng học thuyết tiến hóa là một thứ rất khác: nó khái quát hóa chọn lọc tự nhiên nhưu nguyên nhân duy nhất của biến đổi giống loài, loại trừ mọi nguyên nhân khác. Schumacher nhận xét: “Tất cả những người gây giống động vật và cây cối đều biết chắc chắn rằng, chọn lọc, bao gồm cả “chọn lọc tự nhiên”, đều sinh ra biến đổi; cho nên sẽ là đúng đắn về mặt khoa học nếu nói rằng “chọn lọc tự nhiên đã được chứng minh là một tác nhân của biến đổi tiến hóa”. Quả thật chúng ta có thể chứng minh [điều này] bằng việc làm. Thế nhưng thật hoàn toàn không chính đáng, khi yêu sách rằng, việc phát hiện ra cơ chế ấy – chọn lọc tự nhiên – chứng minh rằng tiến hóa “mang tính tự động không còn để lại chỗ cho hướng dẫn và ý đồ kỳ diệu”. Có thể chứng minh dược rằng người ta kiếm được tiền do nhặt được ở đường phố, thế nhưng không có ai có thể xem đó là lý do có thẩm quyền để giả định, mọi thu nhập đều được kiếm bằng cách như vậy”. Schumacher dẫn ra ý kiến bình luận của Karl Stern (một nhà tâm lý học) về học thuyết tiến hóa như sau:
“Nếu chúng ta trình bày Học thuyết tiến hóa dựa theo luận chứng trong cách phát biểu khoa học nhất, chúng ta sẽ buộc phải nói điều gì đó đại loại như: “Tại một thời điểm nhất định nào đó nhiệt độ của Trái đất như thế nào đó khiến cho nó thuận lợi nhất cho việc tụ tập lại các nguyên tử carbon và oxy với tổ hợp nitrogen-hydrogen, rồi do xảy ra tình cờ mà tạo thành các phân tử chùm, được cấu trúc thuận lợi nhất để đi tới sự sống, và từ điểm đó nó sẽ đi qua những quãng thời gian dài, cho tới khi được thông qua các quá trình chọn lọc tự nhiên để cuối cùng có được một hữu thể có khả năng chọn lựa tình yêu ở trên thù hận, và lẽ công bằng ở trên bất công, viết được thi phẩm như Dante, soạn được âm nhạc như Mozart, và tạo được các bức tranh như Lenardo”. Lẽ tất nhiên quan điểm như thế về nguồn gốc của Vũ trụ thật điên khùng. Nhưng tôi tuyệt nhiên không hàm ý điên khùng trong ý nghĩa câu chửi thóa mạ, mà chỉ hàm ý mang tính kỹ thuật của tâm lý. Quả thực quan điểm như vậy có nhiều điểm chung với một phương diện nhất định của tư duy loạn thần kinh”.
Tuy nhiên, vẫn còn là sự thật, rằng kiểu tư duy như thế này tiếp tục được đưa ra như một khoa học khách quan, không những cho các nhà sinh vật học, mà còn cho bất cứ ai háo hức muốn biết sự thật về nguồn gốc, ý nghĩa và mục đích về sự tồn tại của con người trên Trái đất, và rằng đặc biệt là tại khắp mọi nơi trên thế giới, tất cả các trẻ em đều là đối tượng để truyền bá theo những đường hướng ấy.
Theo Schumacher, nói chung, không thể nào dẫn xuất ra một ĐỨC TIN mà chỉ hoàn toàn dựa vào việc quan sát các biểu hiện bề ngoài của thế giới. Trong khi đó các nhà khoa học hiện đại vẫn cương quyết giới hạn đối tượng nghiên cứu của họ vào các biểu hiện bề ngoài. Điều này rất tốt đối với các khoa học có mục đích chỉ dẫn cho các ứng dụng thường nghiệm, nhưng không giúp gì cho con người xây dựng được một ĐỨC TIN để có một cuộc sống đúng đắn.
Tình trạng này khiến cho chủ nghĩa nhân văn tất phải lâm vào bế tắc: Sứ mệnh “cao cả” mà chủ nghĩa nhân văn muốn thực hiện trên Trái đất không thể có được cơ sở nào từ chủ nghĩa khoa học duy vật luận, vốn không hề biết đến các khái niệm “cao cả” hay “thấp hèn”. Rốt cuộc con người theo chủ nghĩa khoa học duy vật luận chỉ có một thước đo cho sự thành đạt ở cuộc đời này, ấy là sở hữu được sức mạnh vật chất thật nhiều như có thể. Định hướng tinh thần như vậy có xác đáng hay không là chuyện lựa chọn của mỗi người. Trong khi đó các tôn giáo lớn từ xưa đã có câu trả lời đầy đoan chắc: Hạnh phúc của con người là đi lên cao hơn, phát triển được những tính năng cao cả nhất, đạt được tri thức của các sự vật cao hơn và cao nhất, và nếu có thể thì “được nhìn thấy Thượng đế”. Nếu con người đi xuống thấp hơn, chỉ phát triển những tính năng, thấp hèn hơn mà con người cùng chia sẻ với các động vật, khi ấy con người sẽ khiến cho bản thân mình bất hạnh sâu sắc, thậm chí rơi vào tuyệt vọng.
Theo Schumacher, sức mạnh tự-ý-thức khiến cho con người là một hữu thể có “kết thúc mở” (open-endedness). Những thành tựu vĩ đại nhất của con người định nghĩa con người – không phải sự vận hành chung giống nhau, không phải một hành vi hay khả năng trình diễn trung bình nào đó, và chắc chắn không phải bất cứ thứ gì dẫn xuất ra từ việc quan sát các động vật. Tất cả mọi người không thể nào đều là xuất chúng, thế nhưng tất cả mọi người, thông qua tri thức về tính người thượng hạng, đều có thể biết được, rằng con người có nghĩa là gì, và rằng cả họ nữa cũng phải có đóng góp. Thật tuyệt diệu được trở thành con người, như một người có khả năng là vậy. Và điều này chẳng đòi hỏi một trợ giúp nào từ khoa học.
E.F. Schumacher đã đưa ra kết luận: “Sống không cần tới các giáo hội, có thể hình dung được là chuyện khả dĩ, nhưng không thể nào sống được mà không có tôn giáo, tức là làm việc có hệ thống nhằm giữ được giao tiếp với các [hiện hữu] Trình độ Cao và phát triển hướng tới chúng, chứ không phải hướng tới “cuộc sống tầm thường” với tất cả niềm vui và nỗi đau, cảm xúc và thỏa mãn, tinh tế hay thô thiển – dù nó có thể là gì đi nữa. Cuộc thí nghiệm hiện đại sống không có tôn giáo đã thất bại, và một khi chúng ta hiểu ra điều này, thì chúng ta biết được những nhiệm vụ “hậu hiện đại” của chúng ta thực ra là gì”.
Tác phẩm của Schumacher không nhằm thuyết giảng một ĐỨC TIN tôn giáo cụ thể nào (vốn dĩ là chuyện tự do lựa chọn của mỗi cá nhân), mà chỉ nhằm bác bỏ những định kiến thiếu căn cứ trong quan niệm về tôn giáo. Định kiến cho rằng tôn giáo gắn chặt với giáo hội và nhà thờ hay đền chùa cùng với các thần thánh có nhiều phép lạ – định kiến như vậy đã bén rễ vào con người thời hiện đại trong một thời gian lịch sử khá lâu ở châu Âu, kéo dài từ thế kỷ XVIII đến nay. Từ ngữ “tôn giáo” dường như đã bị “ô uế” thật sâu, khiến cho nhiều người không muốn gắn việc thuyết giảng một định hướng tinh thần với khái niệm tôn giáo! Tôi không có hiểu biết về ngôn ngữ học nên không biết vì sao người Trung Hoa (hay Nhật Bản?) lại dịch từ Religion là tôn giáo. Schumacher đã nhận xét: “Tôn giáo (Religion) là sự kết nối lại (re-legio) Con người với Hiện thực, bất kể Hiện thực ấy được gọi là Thượng đế, Sự thật, Allah, Sat-Chit-Ananda, hay là Niết bàn (Nirvana)”.
Thế nhưng ngay cả một khái niệm được con người hiện đại sùng bái là KHOA HỌC, cũng gắn với những định kiến rất khác biệt. Bản thân tôi thời học sinh trung học cũng đã từng ngưỡng một vật lý học vì nó tạo ra “bom nguyên tử”! Mãi nhiều năm sau, đi sâu vào khoa học vật lý, tôi mới hiểu được rằng: thực chất của khoa học vật lý không hề nhắm tới ứng dụng kinh khủng ấy; các thiên tài đặt nền móng cho vật lý học hiện đại, như Newton và Einstein hướng tới nhận thức thế giới vật chất ngoại tại và chẳng hề dính dáng trực tiếp với các ứng dụng công nghệ. Thế nhưng công nghệ tinh xảo hiện nay vẫn đang làm lóa mắt những tâm hồn trẻ thơ thời hiện đại, khiến cho họ tin tưởng vào sức mạnh toàn năng của khoa học thường nghiệm!
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: E.F. Schumacher – Một chỉ dẫn cho người bị bối rối – NXB TT 2019.