Cộng đồng Chính trị châu Âu: “Bình cũ rượu mới” – Phần cuối


Thứ hai, Cộng đồng Chính trị châu Âu cần chứng minh đối xử bình đẳng với tất cả các thành viên và tránh trở thành một cơ chế đẳng cấp của cơ cấu gồm trung tâm và rìa ngoài. Trong bài phát biểu vào tháng 5, Macron cho biết Ukraine có thể tham gia một “cộng đồng châu âu song song” trong khi chờ quyết định cho phép gia nhập EU, để các nền dân chủ có “cùng chí hướng” ở châu Âu, bao gồm cả các nước không thuộc EU, có thể tìm thấy một không gian hợp tác chính trị mới, nhằm giải quyết các thách thức chính trị và an ninh mà châu Âu đang phải đối mặt. Tuy nhiên, nếu Cộng đồng Chính trị do EU nắm vai trò chủ đạo, hoặc thông qua một phương thức bỏ phiếu đặc biệt để quyết định quyền hạn giải quyết của các thành viên khác nhau đối với công việc châu Âu, thì những thành viên không thuộc EU có thể bị phụ thuộc vào cơ chế này, khiến Cộng đồng Chính trị châu Âu cuối cùng trở thành cơ cấu không bình đẳng, do các nước hạt nhân kiểm soát, các quốc gia ngoài rìa tham gia hạn chế.

Vấn đề này phần lớn phụ thuộc vào hình thức tồn tại của Cộng đồng Chính trị châu Âu: Là tổ chức quốc tế dựa trên các hiệp ước và nền tảng quy tắc pháp lý, hay diễn đàn lỏng lẻo, không ràng buộc? Quyết định thông qua cơ chế biểu quyết đa số hay toàn bộ phải nhất trí? Liệu có trở thành công cụ để các nước ngoài EU gây sức ép lên tổ chức này? Những vấn đề này sẽ cần được làm rõ trong tương lai, nếu không sẽ không thể thực sự giải quyết các vấn đề lớn của châu Âu và đối mặt với rủi ro nhanh chóng bị gạt ra ngoài lề.

Thứ ba, Cộng đồng Chính trị châu Âu buộc phải đối mặt với sức ép mở rộng của EU. Cộng đồng Chính trị không có nghĩa vụ phải giải quyết vấn đề mở rộng và EU cũng không thể kết nạp thêm thành viên trong ngắn hạn, nhưng xét từ mục đích chủ yếu của việc thành lập Cộng đồng Chính trị châu Âu là nhằm khắc phục khiếm khuyết tạm thời của EU không thể nhanh chóng mở rộng, khiến cho các nước láng giềng không thể gia nhập EU trong tương lai gần, có thể giải quyết vấn đề chiến lược và an ninh chung thông qua phối hợp với các nước EU. Điều này trên thực tế là mối đe dọa tiềm ẩn: Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ giảm mạnh tính cấp bách việc mở rộng, hạ thấp triển vọng các nước EU nhanh chóng kết nạp các nước láng giềng, vì vậy liệu con đường Ukraine, các nước Kavkaz và Tây Balkan gia nhập EU sẽ càng dài hạn hơn? Thậm chí, trạng thái hiện tại trở thành vĩnh viễn?

Thứ tư, Cộng đồng Chính trị châu Âu đối mặt với sự thù địch lâu dài hơn từ Nga. Cộng đồng này phần lớn được khởi xướng để ứng phó với sức ép địa chính trị của Nga. Năm 2010, mâu thuẫn ở Ukraine giữa phe thân EU và phê thân Nga liên tục xuất hiện, cuối cùng tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị trong nước dẫn đến việc Nga sáp nhập Crimea vào phạm vi chủ quyền của mình. Sau đó, di sản của Thỏa thuận Minsk thất bại dẫn đến xung đột quân sự Nga-Ukraine. Hiện nay, EU không những coi những nước có xung đột an ninh với Nga như Ukraine, Gruzia, Moldova là ứng cử viên tiềm năng gia nhập EU, mà còn đưa họ vào Cộng đồng Chính trị châu Âu chuyên về các vấn đề chính trị và an ninh. Việc làm này chỉ làm gia tăng mâu thuẫn giữa Nga và EU trong lĩnh vực địa chính trị. Cộng đồng Chính trị châu Âu phần nhiều có thể được coi là bước tiến mới nhất trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các quốc gia EU và Nga đối với các nước láng giềng. Trong bối cảnh đó, châu Âu lục địa (đặc biệt là các nước Trung và Đông Âu) có thể phải đối mặt với sự can thiệp chính trị và an ninh nhiều hơn từ Nga, cũng như phản ứng của Nga mang tính tấn công nhiều hơn về an ninh. Nếu trong tương lai, Nga không được mời tham gia vào hoạt động của Cộng đồng Chính trị châu Âu (điều gần như là không thể), thì đó chính là một “câu lạc bộ” chống Nga và khiến châu Âu rơi vào vòng xoáy cạnh tranh địa chính trị sâu sắc hơn.

Ảnh hưởng bên ngoài của các công cụ địa chính trị

Một phần nguyên nhân khiến ý tưởng về Liên bang châu Âu của Mitterrand thất bại là do Nga và Mỹ cùng gia nhập, hiện nay Cộng đồng Chính trị châu Âu đã loại bỏ cả hai nước này sau khi rút ra bài học. Việc làm đó cho thấy cơ chế này là một cuộc diễn đàn địa chính trị của châu Âu, phù hợp với mục tiêu nội tại tự chủ chiến lược của châu Âu đã được cổ súy trong những năm qua. Nói cách khác, Cộng đồng Chính trị châu Âu từ khởi xướng đã trở thành thực tế, là một phần để châu Âu theo đuổi quyền tự chủ chiến lược, xuất phát từ tự chủ chiến lược và phục vụ cho hiện thực hóa mục tiêu này.

Dễ thấy, cơ chế này sẽ là phương tiện đa phương để giải quyết những công việc chung cảu châu Âu như an ninh, nhân quyền và năng lượng của châu Âu. Với lịch sử và hiện trạng của EU, việc xây dựng và thúc đẩy chương trình nghị sự của tổ chức này sẽ bị chỉ đạo hoặc ảnh hưởng sâu sắc từ EU và các quốc gia thành viên Tây Âu, Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ duy trì lập trường ưu tiên tương tự hoặc thống nhất với EU và các thành viên trong các vấn đề đối ngoại. Cơ chế này có đòi hỏi mạnh mẽ về duy trì “nền dân chủ” của châu Âu, có thể thấy rằng Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ mang màu sắc EU sâu đậm về ý thức hệ.

Là công cụ mới để các nước châu Âu thực hiện các cuộc đấu tranh địa chính trị, có định hướng và yêu cầu ý thức hệ rõ ràng, lập trường đối ngoại (bao gồm quan hệ với Trung Quốc) của Cộng đồng Chính trị này sẽ duy trì sự thống nhất với EU. Tuy nhiên, chức năng chủ yếu của Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ tập trung vào địa chính trị và an ninh của châu Âu, thu hút các nước láng giềng không thể gia nhập EU trong tương lai gần tham gia quản lý công việc châu Âu. Do đó, trước khi trở thành một tổ chức đa phương mạnh (nếu có thể), Cộng đồng Chính trị châu Âu không thể hình thành tương tác thực chất với các nước bên ngoài khu vực, nếu có chăng thì chỉ được thực hiện thông qua các cơ chế đã hoàn thiện như EU hoặc chính sách độc lập của các nước thành viên. Tóm lại, Cộng đồng Chính trị châu Âu sẽ chủ yếu tập trung vào công việc nội bộ của châu Âu, là tổ chức của một châu Âu lớn hơn (44 quốc gia) có thể có những tranh cãi nội bộ phức tạp hơn, cơ cấu tổ chức không mấy phù hợp, dẫn đến tình trạng hệ thống ra quyết sách mang tính hình thức, thiếu kinh phí, nên không thể phát huy ảnh hưởng đối ngoại lớn hơn.

Nguồn: www.thepaper.cn

TLTKĐB – 02/11/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s