Năm Dân Quốc thứ 14, văn phòng tỉnh trưởng công bố điều lệ thi tốt nghiệp, đã xác định rõ thời gian tiến hành thi tốt nghiệp tiểu học, học sinh tư thục cũng được thi, về phương diện tiểu học coi như đã xác định xong, chúng ta không cần thảo luận thêm nữa, chỉ cần thúc đẩy các nơi thực hiện là được. Điều hiện nay tôi đang gấp gáp muốn thảo luận chính là cấp trung học, hi vọng nhận được sự đồng tình của đa số mọi người, xin chính phủ làm theo tiền lệ của tiểu học, khi tiến hành thi tốt nghiệp trung học cho phép các học sinh bên ngoài trường học cũng được phép tham dự. Vậy thì rất nhiều những khó khăn về phương diện trung học đều có thể được giảm bớt. Còn về những biện pháp trên mức chuyên môn, đợi khi làm đến giai đoạn trung học này lại tiếp tục tiến hành thảo luận. Tôi chủ trương mở rộng trường học, từ tiểu học cho đến trung học, rồi đến đại học chuyên ngành, dần dần tiến hành từng bước.
Chế độ khảo thí mà tôi chủ trương vốn có hai mục đích: Một là chấm dứt các tệ nạn trong trường học, khiến những học sinh có trình độ thấp kông thể dựa vào may mắn mà tốt nghiệp; hai là mở rộng trường học, khiến các học sinh bên ngoài trường cũng có thể tốt nghiệp, mới có thể tạo ra được thêm nhiều nhân tài. Hai phương diện tiêu cực và tích cực đều có cả. Ý tứ của tôi coi trọng tầng nghĩa phía sau hơn, lấy bốn chữ “tự do học tập” làm tôn chỉ chính. Tổ chức của trường học hiện nay không thể không tìm cách để giải phóng, mà muốn được giải phóng thì không thể không thành lập chế độ khảo thí trước đã.
Bản tính của con người vốn là không đồng đều, trường học hiện nay chỗ nào cũng mong được chỉnh tề đồng nhất, tôi cho rằng một câu chỉnh tề đồng nhất này là danh từ thay thế cho việc làm tổn hại đến cá tính. Thời xưa có một tên cướp, hễ bắt được người nào là liền đem người đó ra đo với chiếc giường sắt của mình, nếu người kia dài hơn chiếc giường thì sẽ chặt ngắn đi một chút, nếu người kia ngắn hơn chiếc giường thì sẽ kéo dài ra một chút. Các trường học hiện nay chú trọng vào năm học, năm học kết thúc là có thể tốt nghiệp. Người có tư chất cao thì bị hạ thấp xuống, người có tư chất kém thì được cất nhắc lên, học sinh có thấy khổ sở hay không, trường học cũng chẳng quan tâm, chỉ cần giữ được danh tiếng tốt đẹp của trường là chỉnh tề đồng nhất. Kỳ thực như vậy cũng giống với chủ nghĩa giường sắt của tên cướp kia, không biết bao nhiêu tuổi xuân và cá tính đã bị họ làm hại.
Các trường học hiện nay dạy học theo tiếng chuông, học sinh cho dù đã hiểu rõ bài mình sẽ được học hôm đó nhưng khi chuông đã kêu thì vẫn bị gọi lên lớp nghe giảng. Hay có những người trình độ quá thấp, nghe xong vẫn chẳng hiểu gì, cũng phải lên lớp nghe giảng, bởi vì không như vậy thì sẽ không chỉnh tề đồng nhất. Hi sinh sức lực và thời gian của học sinh để đổi lấy sự chỉnh tề đồng nhất về mặt hình thức, khó tránh khỏi quá là không hiệu quả. Hiện nay vẫn nói là ba năm tốt nghiệp, bốn năm tốt nghiệp, nhưng không phải là sự nghiệp học hành cần ba năm hay bốn năm mới có thể hoàn thành, chẳng qua là nói về việc nhà trướng quy định bao nhiêu tiếng đồng hồ, bắt buộc phải ngồi đủ là xong. Giống như là việc đi tù có thời hạn ba năm hoặc là bốn năm, cho nên trường học hiện nay cũng có thể nói là trường học theo kiểu nhà tù.
Tôi có chủ trương giải phóng các trường học hiện nay. Loại giải phóng thứ nhất là phá bỏ giới hạn giữa trường nhà nước và trường tư thục, để cho những học sinh ở trường hay đóng cửa tự học ở nhà được đãi ngộ như nhau. Loại giải phóng thứ hai là tổ chức bên trong của trường học phải do cán bộ giáo viên quan sát tình hình, tùy theo tình hình mà thay đổi, không cần phải sống chết tuân theo những biện pháp cứng nhắc, tùy theo trình độ của từng học sinh mà hướng dẫn chỉ bảo cho phù hợp. Có được hai loại giải phóng này rồi, tự nhiên sẽ xuất hiện một loại trạng thái bất đồng, chúng ta đặt ra một chế độ khảo thí ở bên trên, đưa ra những tiêu chuẩn nhất định để thi cử, phương pháp thu nhập học vấn của mỗi người tuy khác nhau nhưng kết quả vẫn thống nhất làm một, trong sự chênh lệch ấy vẫn hàm chứa chế độ đồng nhất. Chúng ta hi vọng học sinh đến một trình độ nào đó sẽ dựa trên một loại tiêu chuẩn nào đó để đi thi, khi tiêu chuẩn thi cử được quy định rõ ràng, học sinh bình thường tự nhiên sẽ có xu thế hướng về phía tiêu chuẩn.
Gần đây những người làm nghề giáo dục, ai nấy đều nói trình độ của học sinh càng ngày càng thấp, đây cũng là chuyện đương nhiên. Biện pháp của trường học hiện nay là khi học đủ số năm là có thể tốt nghiệp, toàn bộ ánh mắt của học sinh đều hướng về số năm học, đương nhiên sẽ không chú ý lắm đến phương diện tốt nghiệp, trình độ hạ thấp là xu thế tất yếu. Nếu thi hành chế độ khảo thí, tuy đã đủ số năm học nhưng thành tích học tập không đạt tiêu chuẩn thì vẫn không thể tốt nghiệp, học sinh thường ngày ở trường không thể không chuẩn bị đầy đủ, trình độ tự nhiên sẽ ngày một nâng cao.
Có người nói: Nếu làm theo biện pháp này của ông thì học sinh tư thục cũng có thể tốt nghiệp, học sinh hiện nay há chẳng chuyển sang trường tư thục học hết hay sao? Các trường học còn tuyển sinh được học sinh nữa ư? Tôi nói: Vì sao lại sợ học sinh trong trường học đi sang trường tư thục hết chứ? Khi thi hành chế độ khảo thí, thứ cần phải thi là các môn học được giảng dạy trong nhà trường, không phải là những câu hỏi được đưa ra trong các tạp chí, kinh sách, trường tư thục nếu không cải tiến thì học sinh của họ sẽ không thể dựa vào may mắn mà tốt nghiệp được, đương nhiên học sinh sẽ không đến đó để học, cho dù có đến rồi thì vẫn sẽ quay lại. Nếu như học sinh của họ có thể thi đạt, vậy thì thấy được các trường tư thục đã có sự tiến bộ, không khác gì so với trường học của nhà nước, há chẳng phải là một chuyện rất tốt hay sao? Mục đích của chúng ta lập ra các trường học vốn là để đào tạo nhân tài, nay có các trường tư thục giúp chúng ta làm việc này, lại không sử dụng tiền của nhà nước, nhữn ghọc sinh mà họ đào tạo ra lại đạt tiêu chuẩn, chúng ta còn phải hoan nghênh chưa hết, vì sao cần phải ngăn cản họ chứ? Nếu các trường tư thục đều cải tiến hết cả, toàn bộ học sinh cảu trường nhà nước đều muốn tới các trường tư thục, vậy thì lại càng tốt, chúng ta không ngại đem chuyện đào tạo nhân tài này giao cho trường tư thục làm, chúng ta chỉ cần đặt ra một chế độ khảo thí để kiểm tra học sinh của các trường tư thục là được. Tất cả các khoản tiền tổ chức trường học sẽ được chuyển tới để làm trường học bình dân, dạy dỗ những học sinh không đủ sức vào học trường tư thục, hoặc tổ chức các trường học nhà nước có trình độ cao tới cực điểm, dạy những môn mà trường tư thục không thể dạy, há chẳng phải rất tốt hay sao? Cho nên trường tư thục phát triển là một chuyện rất tốt, không phải là chuyện bi quan.
Trường tư thục mà tôi nói tới bao gồm trường học do tư nhân lập nên, chưa báo cáo với nhà nước, không chỉ là những người tư thục ở nông thôn. Có người nghi ngờ rằng: Các thầy giáo già ở trường thôn quê có tư tưởng ngoan cố, thiếu kiến thức khoa học, dù có thi cử rồi, chưa chắc họ đã có thể tiến bộ. Tôi nói: Vấn đề này rất dễ giải quyết, thi hành chế độ khảo thí là kế hoạch trăm năm, không phải là kế hoạch trước mắt, đợi thêm hai ba chục năm nữa, những người kia tự nhiên chết hết rồi, bấy giờ những thầy giáo già dạy ở trường tư thục chính là những thầy giáo trẻ nhất hiện nay. Chế độ khảo thí do tôi chủ trương dùng các môn học khác nhau để sát hạch học sinh, đối với trường tư thục, dù cố hết sức cũng không gây được ảnh hưởng gì, không thể tiến bộ thì thôi, chắc chắn sẽ không vì có chế độ khảo thí mà nội dung của các trường tư thục ngày càng hủ bại. Nếu các vị có kế hoạch để cải tiến các trường tư thục, cho dù có thi hành thì cũng sẽ không xung đột với việc thi cử.
Hiện nay trong học thuật có rất nhiều tranh chấp, chúng ta cẩn thận tìm kiếm ngọn nguồn, có thể nói rằng có đến quá nửa là do quan hệ về vị trí. Việc này cũng không có gì lạ, cục trưởng giáo dục trong toàn tỉnh cùng hiệu trưởng, giáo viên viên chức, vị trí thì có hạn mà rất nhiều người có đủ tư cách làm cục trưởng, hiệu trưởng, giáo viên viên chức, hơn nữa lại tăng dần theo từng năm, quả thực là không tiếp nhận hết được. Thêm vào đó công thương nghiệp không phát triển, nhân tài các lĩnh vực không có đất dụng võ, chỉ có tập trung trên con đường giáo dục, sao có thể không tạo ra tranh chấp được chứ? Hiện nay trường học do nhà nước mở bị khá nhiều người chỉ trích, những nhà giàu có thường bỏ ra số tiền lớn mời thầy giáo về dạy, chỉ khổ nỗi là không lấy được giấy chứng nhận tốt nghiệp. Nếu thi hành chế độ khảo thí, học sinh tư thục và học sinh ở trong trường đều có thể tốt nghiệp như nhau, đám người gia sản giàu có kia có thể mời được nhiều người về làm thầy giáo, cũng tức là có thể tiếp nhận được thêm nhiều nhân tài. Hoặc là tự mình cùng vài người bạn tổ chức mở trường tư thục, thu học phí tự mình quản lý, vô hình trung làm tăng thêm rất nhiều trường học, đối vớ xã hội chẳng phải rất có lợi hay sao? Loại trường tư thục này cạnh tranh lẫn nhau, mọi người đều muốn làm cho tốt, đều muốn học sinh của mình phát triển, tự nhiên sự nghiệp giáo dục sẽ càng tiến bộ. Trường học do nhà nước mở thấy có trường tư thục cạnh tranh với mình, sợ rằng sẽ bị thua kém, đương nhiên không thể không chỉnh đốn lại nội dung, thêm vào đó có những người có tư cách hiệu trưởng, giáo viên đi giảng dạy ở các trường tư thục, những thầy giáo hủ bại cố chấp sẽ bị tự nhiên đào thải.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Lý Tôn Ngô – Hậu hắc học – NXB VH 2020