Theo trang mạng voachinese.com số ra gần đây, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan tiếp tục rơi xuống mức thấp nhất trong năm 2022. Hơn 1500 máy bay chiến đấu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bay qua Vùng nhận dạng phòng không ở phía Tây Nam Đài Loan, mức cao nhất trong lịch sử. Tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10, Trung Quốc đã đưa quyết tâm kiềm chế “Đài Loan độc lập” vào Điều lệ đảng sửa đổi và đến tháng 10/2022, Trung Quốc đơn phương cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản của Đài Loan. Các nhà phân tích cho rằng các động thái dồn dập nói trên của Trung Quốc có thể chỉ mới là bước mở màn nhằm chia rẽ nội bộ Đài Loan.
Theo các chuyên gia, yếu tố địa chính trị quốc tế cũng có liên quan đằng sau cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc đối với Đài Loan. Sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2, những tiếng nói ủng hộ dân chủ của cộng đồng quốc tế đã gián tiếp ảnh hưởng đến việc phương Tây tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan, gây ra phản ứng tiêu cực từ phía Trung Quốc, bao gồm sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào đầu tháng 8, PLA đã óc các màn trả đũa mạnh mẽ như diễn tập quân sự nhằm vào Đài Loan.
Tuy nhiên, sau khi đảng Dân tiến cầm quyền của Đài Loan bị đánh bại trong cuộc bầu cử địa phương “9 trong 1” vào cuối tháng 11, Trung Quốc lại nhen nhóm hy vọng rằng hai bờ eo biển có thể nối lại đàm phám dưới sự lãnh đạo của Quốc dân đảng. Điều này đã tăng thêm một biến số nữa cho xu hướng hai bờ eo biển trong tương lai.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn đang sử dụng cả chiến lược mềm và cứng đối với Đài Loan, ngay cả khi có khả năng nối lại đàm phán, Trung Quốc trước tiên sẽ tiến hành một cuộc chiến kinh tế đối với hòn đảo này. Ví dụ, lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thủy sản và bánh cảu Đài Loan gần đây đã khiến niềm tin của người dân Đài Loan vào chính quyền đảng Dân tiến bị tổn hại nghiêm trọng.
Quy mô máy bay gây nhiễu Đài Loan đạt mức cao mới trong lịch sử
John Dotson, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đài Loan toàn cầu tại Washington, cho biết ngay từ đầu năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra “Năm điểm” trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm “Thông điệp gửi đồng bào ở Đài Loan”, quan hệ giữa hai bờ eo biển và Nhận thức chung năm 1992 đã được điều chỉnh rõ ràng thành “hai bờ eo biển đều thuộc về một Trung Quốc, cùng hợp tác để thống nhất đất nước”, kiên trì chính sách cơ bản “một nước, hai chế độ”. Tập Cận Bình nhắc lại rằng không cam kết sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực và bảo lưu quyền lựa chọn thực hiện mọi biện pháp cần thiết.
John Dotson cho biết sau tuyên bố này cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Đài Loan đã trở nên rõ ràng hơn và cũng như số lượng máy bay quân sự của PLA xâm phạm Vùng nhận dạng hàng không ở phía Tây Nam Đài Loan và bay qua đường trung tuyến của eo biển bắt đầu tăng mạnh. Ngoài máy bay quân sự và tàu chiến đi qua đường trung tuyến, các tàu khai thác cát của Trung Quốc cũng thường xuyên vượt biên giới trong 3 năm qua, khiến lực lượng tuần tra của Cảnh sát biển Đài Loan phải tăng cường công tác tuần tra.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, từ tháng 3/2019, máy bay quân sự Trung Quốc lần đầu tiên xâm phạm Vùng nhận dạng phòng không ở phía Tây Nam Đài Loan. Trong năm đó, khoảng 10 máy bay quân sự đã quấy rối Đài Loan. Năm 2020, con số này tăng lên khoảng 380 chiếc và vào năm 2021, có tới 958 chiếc. Trong năm 2022, tính đến ngày 1/12, tổng số máy bay quân sự quấy rối Đài Loan đã lên tới 1526 chiếc và đã đi vào không phận Đài Loan 243 ngày, quấy rối Đài Loan đã trở thành trạng thái thông thường.
Theo John Dotson, sau khi Tập Cận Bình có bài phát biểu về chính sách đối với Đài Loan vào đầu năm 2019, có vẻ như vào thời điểm đó, ông đã quyết định bắt đầu gây áp lực đối với Đài Loan và tiếng nói yêu cầu thống nhất ngày càng lên cao. Năm 2021, áp lực này ngày càng lớn hơn, Trung Quốc không chỉ quấy rối Đài Loan về mặt quân sự mà cả những âm mưu xuyên tạc được đăng trên các trang mạng và truyền thông kỹ thuật số cũng trở nên gay gắt hơn. Đây không là một sự thay đổi hướng đi, mà chỉ là sự tiếp nối mô hình trước đó.
2022 là năm Trung Quốc cứng rắn nhất với Đài Loan
Đầu tháng 8, sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi đến thăm Đài Loan, Trung Quốc đã lập tức tổ chức tập trận bắn đạn thật xung quanh hòn đảo này, khu vực tập trận không chỉ bao trùm lãnh hải Đài Loan mà còn phóng 4 tên lửa qua phần phía Bắc của Đài Loan. Đây được coi là hành động khiêu khích nhất đối với Đài Loan trong nhiều thập kỷ.
Tại Đại hội XX, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã sửa đổi Điều lệ đảng, thay đổi chính sách “một nước, hai chế độ” ban đầu đối với Đài Loan thành một giọng điệu mạnh mẽ hơn là thự chiện một cách toàn diện, chính xác và kiên định chính sách “một nước, hai chế độ” và bổ sung thêm kiên quyết “phản đối và ngăn chặn Đài Loan độc lập”.
Về vấn đề này, John Dotson cho biết lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thái độ rất rõ ràng đối với Đài Loan và sẽ không trao cho Đài Loan bất kỳ tính hợp pháp chính trị nào, trong mọi trường hợp, Trung Quốc chỉ coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và hy vọng sẽ thống nhất mà không cần dùng đến vũ lực.
Cuộc chiến Nga-Ukraine củng cố sự ủng hộ của phương Tây đối với Đài Loan
Giáo sư Lâm Văn Trình thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc và Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Tôn Trung Sơn (Đài Loan), cho biết do diễn biến của tình hình quốc tế năm nay là một năm rất đặc biệt đối với quan hệ giữa hai bờ eo biển, ví dụ như chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn từ tháng 2 năm nay (2022), Tập Cận Bình tiếp tục là người đứng đầu Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba.
Theo Giáo sư Lâm Văn Trình, cuộc chiến Nga-Ukraine đã dẫn đến các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu càng không tin tưởng vào Trung Quốc, điều này đã gián tiếp củng cố sự ủng hộ của họ đối với Đài Loan. Mặc dù quan hệ giữa hai bờ eo biển đã xấu đi nghiêm trọng sau chuyến thăm Đài Loan của Pelosi, các cuộc tập trận quân sự của PLA chỉ nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền trong nước của Tập Cận Bình, không có nghĩa là quan hệ hai bờ eo biển nằm ngoài tầm kiểm soát vì Tập Cận Bình sẽ không cho phép bất kỳ điều gì ảnh hưởng đến việc tái đắc cử của ông.
Kể từ khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lên nắm quyền năm 2016, tất cả các kênh đối thoại chính thức giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã bị gián đoạn, các chuyến thăm Đài Loan của du khách đại lục cũng bị chấm dứt vào tháng 8/2019, chỉ còn một số trao đổi không chính thức và học thuật. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các hoạt động giao lưu phi chính thức giữa hai bờ eo biển Đài Loan gần như chấm dứt. Tuy nhiên, chiến thắng của Quốc dân đảng trong cuộc bầu cử địa phương “9 trong 1” ở Đài Loan vào cuối tháng 11 dường như thắp lại hy vọng nối lại các cuộc đàm phán giữa hai bờ eo biển. Cuộc bầu cử địa phương Đài Loan vừa được tổ chức có thể mang lại một số hy vọng cho Bắc Kinh. Mấu chốt thực sự nằm ở cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình có khả năng sẽ giúp Quốc dân đảng giành lại quyền lực tại Đài Loan. Nếu Quốc dân đảng có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024, thì ĐCSTQ chắc chắn hy vọng đàm phán được phương án Đài Loan “một nước, hai chế độ”.
(còn tiếp)
Nguồn: TLTKĐB – 09/01/2023