Kỹ thuật thông tin và chiến tranh hiện đại – Phần V


Vũ khí sử dụng kỹ thuật thông tin đã trở thành “đứa con cưng” của lịch sử quân sự. Quân đội Mỹ bên cạnh việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, họ còn không quên kết hợp hệ thống chống tên lửa mặt đất, hệ thống tên lửa vận tải và bố trí hệ thống thu thập thông tin trên mặt đất, trên biển, không trung và không gian lại với nhau để tạo ra một mạng lưới với sự thống nhất cả mặt thu thập tin tức, chỉ huy và vũ khí. Trong mạng lưới này, có thể sử dụng pháo và máy bay thực hiện tiến công vật lý, vừa có thể thực hiện đối kháng công thủ bằng máy tính, lại vừa có thể phóng ra các vũ khí xung điện từ và vũ khí sóng viba năng lượng cao khác để tiến công bằng năng lượng điện từ. Các cuộc tiến công sử dụng trang thiết bị kỹ thuật thông tin sẽ gây nhiễu thông tin cho toàn bộ các lĩnh vực như đời sống, chính trị, kinh tế, động lực, quân sự của đối phương; từ đó dẫn đến các cuộc khủng hoảng, gây uy hiếp đến mục tiêu chiến lược, khiến nền kinh tế xã hội với cơ sở là thông tin của đối phương rơi vào tình trạng tê liệt hoàn toàn.

Các cuộc tiến công dựa vào kỹ thuật thông tin có hiệu quả thực tế gần bằng các cuộc tiến công hạt nhân, cho nên nó sẽ đẩy nhanh quá trình cắt giảm vũ khí hạt nhân. Do hiện nay mối uy hiếp về vũ khí hạt nhân có độ sát thương cao nhỏ hơn thời kỳ chiến tranh lạnh, vũ khí điều khiển từ xa có độ chính xác cao đã trở thành biện pháp có độ tin cậy cao hơn vũ khí hạt nhân. Tuy vũ khí thông thường điều khiển từ xa với độ chính xác cao, sử dụng kỹ thuật thông tin tiên tiến, có sức tàn phá khủng khiếp chẳng kém gì vũ khí hạt nhân, nhưng nó lại không gây thương vong vè người và ảnh hưởng phụ lớn giống như các cuộc chiến tranh hạt nhân.

Nga hiện nay cũng cho rằng, vai trò của vũ khí điều khiển chính xác ngày càng quan trọng, điều này khiến cho mối uy hiếp về vũ khí hạt nhân với số lượng “đủ” chứ không phải quá lớn sẽ kinh tế và hiệu quả hơn. Ngày 13 tháng 11 năm 2000, Tổng thống Nga Putin thậm chí còn kiến nghị, Nga và Mỹ mỗi nước sẽ cắt giảm 1500 đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Putin đã từng phát biểu trên mạng chính phủ Nga rằng: “Điều này vẫn chưa hết, chúng tôi dự định từ nay về sau vẫn tiếp tục cắt giảm”. Nga còn bảy tỏ thái độ thoải mái về vấn đề bố trí hệ thống NMD của Mỹ. Hành động gây bất ngờ này không những nói rõ Nga không chú trọng đến vũ khí hạt nhân có độ sát thương lớn, mà ngược lại còn bày tỏ Nga đã đạt được những bước đột phá trong nghiên cứu, chế tạo hệ thống vũ khí dẫn đường chính xác.

Người máy cũng là một lĩnh vực ứng dụng quan trọng của kỹ thuật thông tin. Việc đi lại, quan sát, phản ứng của người máy phải nhờ vào kỹ thuật vi điện tử, kỹ thuật cảm biến, kỹ thuật xử lý thông tin và kỹ thuật điều khiển tự động. Nó có thể làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, được dùng vào các công việc như trinh sát, theo dõi, dò mìn, thử độc trên chiến trường và có ưu thế rất đặc biệt trong chiến đấu. Người máy có hình dáng nhỏ, không có đặc trưng giống cơ thể nên không dễ gì bị phát hiện. Nó còn có thể thay thế các binh sĩ lái xe tăng hay sử dụng pháo; có thể mang mìn hoặc thuốc nổ đế tiến công các mục tiêu cố định như cầu, đường hầm; nó có thể vận chuyển đạn dược và vật tư, tạo chướng ngại vật hoặc xó bỏ chướng ngại vật, sửa chữa vũ khí… Giá trị quân sự của “động vật không máu” này là vô hạn. Có chuyên gia cho rằng, ứng dụng của người máy quân sự một lần nữa thay đổi hình thức chiến tranh, các cuộc chiến dưới mặt đất sẽ xuất hiện “đội quân người máy”. Ở Mỹ, tác giả cuốn “Kỹ thuật chiến lược thế kỷ 21” cho rằng: “Vũ khí trung tâm trong tác chiến mặt đất của thế kỷ 20 là xe tăng, còn ở thế kỷ 21 rất có thể là người máy quân sự”. Thậm chí còn có người nghĩ rằng, đơn vị tiến công trong chiến tranh tương lai sẽ là bộ đội thiết giáp người máy điều khiển từ xa, đội quân cuối cùng mới là con người.

Độ quyết liệt của cuộc tranh chấp thông tin đã thúc đẩy sự phát triển của kỹ thuật thông tin. Những sáng tạo và phát minh trong lĩnh vực kỹ thuật thông tin thường tìm được vị trí của mình trong tác chiến thông tin. Chiến tranh ngày nay đã được thông tin hóa, bản thân chiến tranh đã có mục đích rõ ràng của mình như: tranh giành đất đai và tài nguyên, tranh giành lợi ích chính trị và kinh tế… Nhưng hai bên tham chiến còn đọ sức cả về mặt kinh tế, khoa học kỹ thuật, sản xuất… Trung Quốc sau 20 năm cải cách mở cửa, sức mạnh quốc gia đã nâng lên rõ rệt, khả năng tác chiến thông tin cũng từng bước được nâng cao.

Mục 4

Quá trình phát triển về mặt cơ giới hóa và thông tin hóa của quân đội Trung Quốc

Xây dựng quốc phòng vững chắc là nhiệm vụ chiến lược để xây dựng hiện đại hóa Trung Quốc, là sự bảo đảm quan trọng để bảo vệ sự thống nhất an ninh quốc gia và để xây dựng toàn diện một xã hội giàu mạnh. Trung Quốc từ trước đến nay luôn thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất phòng thủ. Chiến lược mà quân đội Trung Quốc thực hiện là chiến lược quân sự phòng thủ, về mặt chiến lược luôn giữ vững nguyên tắc phòng thủ, tự vệ và lùi trước tiến sau, đứng vững trong cuộc chiến tranh cục bộ trên cơ sở kỹ thuật hiện đại đặc biệt là kỹ thuật cao. Trung Quốc phải xem xét tổng hợp các nhân tố uy hiếp đến an ninh của mình, phải làm tốt công tác chuẩn bị tác chiến phòng vệ đối với các tình huống khó khăn nhất, phức tạp nhất. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thực hiện chiến lược phát triển quân đội dựa trên khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh nghiên cứu khoa học quốc phòng và phát triển trang thiết bị vũ khí, bồi dưỡng nhân tài quân sự mới, chấ tlượng cao, xây dựng thể chế biên chế khoa học, phát triển lý luận tác chiến mang màu sắc Trung Quốc, tăng cường năng lực tác chiến tổng hợp, thực hiện nhiều dạng nhiệm vụ.

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc được thành lập vào ngày 1 tháng 8 năm 1927. Khi bộ đội khởi nghĩa Nam Xương do Chu Đức và Trần Nghị lãnh đạo và bộ đôi khởi nghĩa Thu Thu do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã gặp nhau tại núi Tỉnh Cương thì đội quân Trung Quốc vẫn chỉ là bộ đội lục quân do các đơn vị bộ binh đơn nhất hợp thành. Từ trong các cuộc chiến, năm lần vây ráp, cuộc Vạn Lý Trường chinh, cuộc chiến chống Nhật, cuộc chiến tranh giải phóng và cuộc chiến đấu kháng Mỹ viện Triều, đội quân này đã không ngừng lớn mạnh, trải qua quá trình đấu tranh đi từ chân đất đến ngựa và xe máy, rồi đến bán cơ giới, cơ giới hóa. Khi trào lưu cách mạng kỹ thuật mới mở tung cánh cửa cải cách mở cửa của Trung Quốc thì quân đội Trung Quốc đã không để lỡ thời cơ xây dựng thông tin hóa. Hiện nay, các hệ thống như thiết bị trinh sát, hệ thống vũ khí, hệ thống chỉ huy và truyền thông tin và hệ thống bảo đảm đều phát triển theo hướng thông tin hóa. Hai nhiệm vụ song song: cơ giới hóa và thông tin hóa là mục tiêu phấn đấu mà Đại hội đại biểu lần thứ 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra cho công cuộc xây dựng quốc phòng và quân đội, là phương hướng phát triển chiến lược mà Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã chỉ ra, đánh dấu bước nhảy vọt mới mà quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện trong quá trình thực hiện hiện đại hóa trong thế kỷ 21.

Mục tiêu trực tiếp của việc xây dựng cơ giới hóa là lấy máy móc để thay thế sức người, sức vật, làm động lực chủ yếu cho quá trình vận động và thao tác trang thiết bị vũ khí trong quân đội, đồng thời từ đó thực hiện tác chiến vận động và thao tác tự động hóa các trang thiết bị vũ khí trong quân đội nhờ vào máy móc thực hiện. Bộ đội cơ giới hóa có khả năng đột phá với các phương tiện như hỏa lực, cơ động và phòng thủ. Mục đích trực tiếp của việc xây dựng thông tin hóa là thông qua kỹ thuật thông tin tiên tiến để đổi mới vũ khí và trang thiết bị; cải tiến hệ thống trinh sát, hỏa lực, động lực, phòng thủ, truyền tin, đối kháng, theo dõi giám sát, bảo đảm, chỉ huy và kiểm soát; nâng cao khả năng thu thập, truyền tải, xử lý, kiểm soát, gây nhiễu và chống gây nhiễu thông tin; hơn nữa nó còn thực hiện các khả năng như trinh sát mọi nơi, mọi lúc, sâu hơn, giám sát và theo dõi toàn diện, định vị chính xác, thực hiện hợp đồng, vận chuyển nhanh, tiến công chính xác, tác chiến tin học và bảo đảm tập trung tiêu điểm… Bộ đôi thông tin hóa sẽ có năng lực rất mạnh về các phương diện như nhận biết tình hình chiến trường, phân chia nguồn thông tin, tiến công hỏa lực chính xác, đồng thời hiệu quả tác chiến được nâng cao chưa từng có.

Trong các cuộc đấu tranh cách mạng trước năm thành lập nước, năm 1949, từ Hồng quân, Bát Lộ quân, Tân Tứ quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đến Quân giải phóng nhân dân sau này đều lấy lục quân làm chính, trong đó bộ binh là binh chủng quan trọng của quân đội. Đội quân này đã phản kích lại 5 lần “vây quét” của quân Quốc dân đảng mà chủ yếu là dựa vào bàn chân sắt của mình, vượt qua cuộc vạn lý trường chinh 25.000 dặm, đánh đuổi quân Nhật, và cuối cùng là đánh bại 8 triệu đại quân của Quốc dân đảng.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Vương Kiến Hoa – Kỹ thuật thông tin và chiến tranh hiện đại – NXB QĐND 2013

Bình luận về bài viết này