Nhân tố Ấn Độ trong chiến lược xung quanh của Trung Quốc – Phần III


Biến số thứ ba là quan điểm của Ấn Độ đối với địa vị của họ cũng đang thay đổi. Như đã biết, trên con đường giành độc lập đất nước, giới chính trị Ấn Độ luôn giữ một quan điểm không thay đổi, đó là việc Ấn Độ mất đi địa vị nước lớn là do bị chủ nghĩa thực dân phương Tây áp bức, Ấn Độ lẽ ra phải trở thành nước lớn mang tính toàn cầu. Jawaharlal Nehru là người tuyên truyền mạnh mẽ nhất cho tư tưởng nước lớn này, và nó đã thấm sâu vào lòng người dân Ấn Độ. Nhưng mục tiêu nước lớn của Ấn Độ khó có thể thực hiện do sự phát triển chậm chạp của Ấn Độ sau khi độc lập, thậm chí ảnh hưởng quốc tế được xây dựng nên thông qua các hoạt động như sáng kiến xây dựng phong trào không liên kết… trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng dần dần tan biến. Năm 1998, Ấn Độ quyết định thử nghiệm vũ khí hạt nhân, điều này tạo nên tác động rất lớn đối với hệ thống và cơ chế quốc tế, một trong những động cơ chủ yếu trong lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân này của Ấn Độ có liên quan với mục tiêu nước lớn của nước này. Tuy nhiên, địa vị nước lớn của Ấn Độ cuối cùng do cuộc thử nghiệm hạt nhân mà nâng cao được bao nhiêu lại là vấn đề gây tranh cãi. Trên thực tế, chỉ sau khi kinh tế Ấn Độ giành được sự phát triển nhanh chóng, sự quan tâm thực sự của cộng đồng quốc tế đối với Ấn Độ mới được nâng lên, điều này cũng quyết định việc liệu Ấn Độ có địa vị nước lớn mang tính toàn cầu hay không là do thực lực kinh tế của Ấn Độ và sự phát triển trên các lĩnh vực khác do thực lực kinh tế đưa tới. Từ góc độ này quan sát quan điểm của Ấn Độ đối với địa vị của họ, phải  nói rằng Ấn Độ chưa thể hoàn thành đối với việc tự xác định vị trí của mình. Những năm gần đây, Ấn Độ ra sức xây dựng khả năng quốc phòng, lần lượt mua và phát triển hệ thống vũ khí tiên tiến bao gồm cả tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân, đồng thời Ấn Độ cũng nỗ lực tìm cách “gia nhập nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, bao gồm giành lấy sự ủng hổ của các nước lớn đối với nỗ lực gia nhập này…, những điều này đã phản ánh Ấn Độ đang tìm cách thúc đẩy địa vị nước lớn và cường quốc trong hệ thống quốc tế. Về vấn đề này, một mặt Ấn Độ chắc chắn cho rằng mình phải là nước lớn mang tính toàn cầu, phải có quyền phát ngôn lớn hơn trong hệ thống quốc tế; mặt khác, Ấn Độ cũng không thể không nhận thức được rằng với sức mạnh hiện có của Ấn Độ e rằng vẫn rất khó để có thể khiến cho cộng đồng quốc tế công nhận địa vị nước lớn của Ấn Độ, vì vậy Ấn Độ cần phải nỗ lực hơn nữa. Trong quá trình Ấn Độ dần dần xác định địa vị của mình ngày càng rõ ràng hơn, trước tiên Ấn Độ sẽ nảy sinh ảnh hưởng quan trọng đối với khu vực xung quanh châu Á, đây cũng là diễn tiến của một động thái đáng chú ý.

Ba biến số nêu trên đều là phương diện quan niệm. Sở dĩ ba biến số này quan trọng là do quan niệm tạo nên hành vi, quan niệm cũng sản sinh ra chiến lược và chính sách. Lấy việc Mỹ nhìn nhận Ấn Độ như thế nào làm ví dụ, một thời gian dài sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ không coi Ấn Độ là lực lượng quant rọng, sau khi Chính quyền Bush (con) lên cầm quyền, Mỹ bắt đầu nhìn nhận Ấn Độ bằng góc độ mới. Và thực tế này ngay từ khi tranh cử tổng thống, trên tạp chí “The Diplomat”, Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Chính quyền Tổng thống Bush (con) Condoleezza Rice cho rằng “Mỹ phải quan tâm mật thiết hơn nữa vai trò của Ấn Độ trong việc cân bằng khu vực”. Hiện nay có một xu thế quan niệm rất mạnh mẽ, đó là phải gắn vấn đề Ấn Độ với vấn đề Pakistan vì nó liên quan đến vấn đề Kashmir và cạnh tranh hạt nhân giữa hai nước này. Nhưng Ấn Độ là nhân tố Trung Quốc phải xem xét, cũng trở thành nhân tố Mỹ phải xem xét. Ấn Độ chưa phải là một nước lớn, nhưng có tiềm năng để trở thành một nước lớn”. Do quan niệm nhìn nhận Ấn Độ của Mỹ đã nảy sinh những thay đổi mới, nên sau đó việc Chính quyền Bush (con) lấy việc giúp đỡ Ấn Độ, phá bỏ lệnh phong tỏa hạt nhân làm điểm nối để xây dựng lại chính sách đối với Ấn Độ đã trở thành kết quả lôgích của sự thay đổi này, còn “sự đồng nhất về giá trị” mà Mỹ thổi phồng lên chính là sự tuyên truyền. Trong chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ trong những năm gần đây có thể dễ dàng quan sát thấy nhân tố Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ coi Ấn Độ là một nước lớn để cân bằng Trung Quốc. Nhưng nếu Ấn Độ phát triển hơn nữa và trở thành nước lớn quan trọng hơn, Mỹ sẽ giữ lập trường như thế nào? Vấn đề này có thể được đưa ra từ những góc độ cụ thể hơn. Ví dụ như việc Ấn Độ phóng tên lửa tầm trung và tầm xa không vượt quá 5000 km, như tên lửa “Agni-IV” và “Agni-V”, đối với Mỹ, đây là điều đáng quan tâm, vì tên lửa này có tầm bắn có thể nhằm vào Trung Quốc. Nhưng mục tiêu chiến lược của Ấn Độ dường như không chỉ có vậy, Ấn Độ hy vọng giống như 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, có tên lửa liên lục địa với tầm bắn khắp toàn cầu, và đây cũng là mục tiêu chiến lược của Ấn Độ. Nhưng Mỹ rất khó ủng hộ đối với việc  Ấn Độ nghiên cứu các loại vũ khí chiến lược có thể tấn công lãnh thổ Mỹ. Có thể thấy tuy Mỹ tuyên bố Ấn Độ đã là đồng minh của mình, nhưng Ấn Độ vẫn không làm rõ tiến trình phát triển của mình, vì vậy quan điểm và chiến lược liên quan của Mỹ cũng sẽ điều chỉnh theo tiến trình này. Do Mỹ không chắc chắn trong việc xây dựng Ấn Độ trở thành nước lớn phù hợp với lợi ích của Mỹ, vì vậy không có lý do gì để nói rằng Mỹ nhất định sẽ “giúp đỡ Ấn Độ trở thành nước lớn mang tính toàn cầu”.

Ba biến số nêu trên, đó là những đánh giá của Trung Quốc đối với sức mạnh của Ấn Độ, quan điểm của các nước lớn như Mỹ… đối với địa vị và vai trò của Ấn Độ, Ấn Độ tự xác định địa vị của mình; động lực thúc đẩy cuối cùng của những biến số này chủ yếu đến từ sự phát triển của Ấn Độ; và sức mạnh tăng lên nhờ sự phát triển chủ yếu đi theo hướng nào trong hoạch định chiến lược của Ấn Độ… Đây là diễn tiến của một động thái đáng chú ý, với nhiều nhân tố không thể dự đoán và khó có thể xác định. Ví dụ như sau khi trải qua gần 10 năm phát triển nhanh chóng, sự phát triển của Ấn Độ trở nên trì trệ, tuy cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế được giải thích là nguyên nhân chủ yếu, nhưng vẫn không thể giải thích tại sao trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Ấn Độ hầu như không bị ảnh hưởng lớn, trái lại khi các nước phát triển đi vào con đường phục hồi, thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ vẫn gặp khó khăn. Trong phạm trù chính trị quốc tế, cũng có thể quan sát được một số nhân tố không xác định mới. Ví dụ như khi đến thăm Ấn Độ năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ ủng hộ Ấn Độ trở thành nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, điều này được coi là khởi điểm mới trong quan hệ Mỹ – Ấn, đưa tới động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quan hệ song phương, nhưng trên thực tế lại không hề nhận thấy sự phát triển nào: quan hệ Mỹ – Ấn thể hiện trạng thái lạnh nhạt rõ ràng, thậm chí học giả Heritage Foundation, Walter Lohman cũng cho rằng việc Mỹ ủng hộ Ấn Độ “gia nhập các nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc” là điều “bất thường”, vì từ những lần bỏ phiếu của Ấn Độ tại tại Liên hợp quốc cho thấy Ấn Độ không ủng hộ Mỹ; trong 71 lần bỏ phiếu năm 2010, Ấn Độ có 44 lần bỏ phiếu không ủng hộ Mỹ, con số này tương đương với Cuba. Điều này đưa tới kết luận là “trong cuộc đấu tranh giữa một bên là Mỹ, Anh, Pháp với một bên là Trung Quốc, Nga tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Ấn Độ đóng vai trò “trung lập”, tức vai trò của phong trào không liên kết, hoặc tồi tệ hơn là Ấn Độ thậm chí có thể dự định đóng vai trò cân bằng với Mỹ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc?”. Những lời bình luận này đã bày tỏ rõ ràng tâm lý Mỹ mong đợi Ấn Độ sẽ ủng hộ hoàn toàn Mỹ trên vũ đài quốc tế, nhưng sự kỳ vọng của Mỹ không được xây dựng trên nền tảng hiểu rõ truyền thống và quan niệm ngoại giao của Ấn Độ, mà chỉ là phản ánh quan niệm Mỹ hy vọng tiếp tục và mãi mãi lãnh đạo thế giới.

Cho dù tồn tại những nhân tố không thể dự đoán, nhưng sự trỗi dậy của Ấn Độ vẫn được coi là một xu thế lớn trong nền chính trị quốc tế hiện nay. Sự trỗi dậy của Ấn Độ chủ yếu được thể hiện trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh…, trở thành hiện tượng không ngừng biến đổi và thể hiện xu thế ngày càng tăng trong cục diện thế giới. Quan niệm địa chính trị truyền thống của Ấn Độ đối với địa vị của họ thúc đẩy Ấn Độ coi việc nỗ lực nâng cao và phát triển khả năng bố trí đề phòng điều chuyển quân sự của mình là then chốt, điều này khiến cho sự trỗi dậy của Ấn Độ có những biểu hiện nổi bật trên lĩnh vực an ninh quân sự, như việc những năm gần đây Ấn Độ cố gắng tăng đầu tư quốc phòng, nghiên cứu phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến, đồng thời sử dụng ngoại hối lớn để mua vũ khí quân sự của các nước phương Tây, cộng thêm tàu ngầm và máy bay chiến đấu mà Ấn Độ mua từ Nga…, khiến cho Ấn Độ trở thành nước mua sắm vũ khí lớn nhất thế giới. Điều này đã tăng cường mạnh mẽ thực lực quân sự của Ấn Độ, trở thành chỉ tiêu quan trọng đánh giá địa vị chính trị của Ấn Độ. Với quy mô và địa vị vốn có, cũng như địa vị không ngừng tăng lên do sự phát triển nhanh chóng của mình, Ấn Độ đã có những ảnh hưởng quan trọng đối với cục diện địa chính trị của châu Á và cục diện chính trị thế giới, và chắc chắn sẽ nảy sinh ảnh hưởng sâu sắc đối với việc Trung Quốc hoạch định các chiến lược tương ứng.

(còn tiếp) 

Nguồn: Tạp chí Triển vọng quốc tế (TQ) – số 2/2014

CVĐQT số 9/2014

Bình luận về bài viết này