Lực lượng, năng lực và triển khai sức mạnh của Trung Quốc – Phần V


Máy bay trên mặt đất. PLAN đang trong quá trình thay thế các máy bay ném bom H-6 biến thể cũ hơn năm 2019 bằng H-6J, một biến thể hải quân của H-6K do PLAAF vận hành. Máy bay ném bom tấn công hàng hải tiên tiến mới và lớn hơn này có 6 thay vì 4 giá treo vũ khí, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và động cơ được nâng cấp, và H-6J có thể triển khai ASCM YJ-12 siêu âm (250 hải lý, 460 km). Vào năm 2020, ảnh chụp cũng cho thấy những chiếc H-6K của PLAAF mang theo YJ-12, làm tăng đáng kể số lượng máy bay ném bom PLA có sẵn cho các nhiệm vụ tấn công tầm xa trên biển.

PLAN vận hành các loại máy bay đặc nhiệm cánh cố định đa dạng để tuần tra trên biển và máy bay cảnh báo sớm trên không, bao gồm nhiều biến thể tương tự do PLAAF vận hành. Tuy nhiên, PLAN cũng trang bị một biến thể Y-9 cho tác chiến chống tàu ngầm và tuần tra biển. Máy bay mới được trang bị cần phát hiện dị thường từ trường, tương tự như của P-3 của Hải quân Mỹ. Biến thể AWS Y-9 này được trang bị radar tìm kiếm bề mặt gắn dưới mũi cũng như ăngten nhiều cánh trên thân, có thể là để giám sát điện tử. Một tháp pháo quang điện tử (EO)/hồng ngoại nhỏ nằm ngay phía sau bánh xe mũi, và biến thể này được trang bị khoang chứa vũ khí bên trong ở phía trước càng đáp chính.

Tàu hỗ trợ. PLAN tiếp tục đóng một số lượng lớn các tàu hỗ trợ và phụ trợ trên biển, bao gồm tàu thu thập thông tin tình báo (AGI), tàu giám sát đại dương (AGOS), tàu chở dầu cho hạm đội (AOR), tàu bệnh viện, tàu cứu hộ, tàu ngầm và các tàu chuyên dụng khác. Ngoài ra, Tuyết Long 2 – tàu phá băng địa cực đầu tiên được chế tạo trong nước, đã đi vào hoạt động vào năm 2019. Con tàu này do Viện nghiên cứu địa cực thuộc Cục Hải dương nhà nước vận hành. Tháng 5/2021, Tuyết Long 2 hoàn thành sứ mệnh nghiên cứu 37 của Trung Quốc tới Nam Cực, và vào nửa cuối năm 2021 là sứ mệnh nghiên cứu thứ 12 của Trung Quốc tới Bắc Cực.

Lực lượng lính thủy đánh bộ (PLANMC). PLANMC vẫn đang trong quá trình hoàn thành các yêu cầu mở rộng do CMC đặt ra trong quá trình cải cách PLA năm 2016. Đóng vai trò là lực lượng tác chiến trên bộ của PLAN, PLANMC tiếp tục phát triển trong suốt năm 2021 và đang nhận được trang thiết bị cũng như đào tạo cần thiết để trở thành lực lượng viễn chinh ưu việt của PLA, theo chỉ đạo của Tập Cận Bình. Tất cả 6 lữ đoàn cơ động của PLANMC đã đạt được năng lực hoạt động ban đầu (IOC); 3 trong số các lữ đoàn được đánh giá là có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ. Hai lữ đoàn khác của PLANMC – lữ đoàn không quân và lữ đoàn đặc nhiệm, lần lượt đạt IOC và khả năng hoạt động đầy đủ (FOC). Lữ đoàn không quân nhiều khả năng sẽ không đạt được trạng thái FOC cho đến ít nhất là năm 2025 và có thể lâu hơn nữa, dựa trên tốc độ nhận được máy bay trực thăng mới, phi hành đoàn được đào tạo đầy đủ và thiết bị hỗ trợ của lữ đoàn nay. Lữ đoàn không quân FOC rất có thể sẽ là sự kết hợp của các máy bay trực thăng hạng nặng, hạng trung, tấn công và đa năng có khả năng hoạt động trên bộ và trên biển để hỗ trợ tất cả các khía cạnh hoạt động của PLANMC. Các hoạt động như vậy bao gồm nhưng không giới hạn ở viện trợ nhân đạo/cứu trợ thiên tai, bảo vệ lực lượng, chống khủng bố, tấn công đổ bộ và các hoạt động chiến đấu trên bờ, hoặc để hỗ trợ các hoạt động quy mô lớn của PLA hoặc với tư cách một lực lượng viễn chinh ở nước ngoài.

Ngày 30/12/2021, Trung tướng Khổng Quân, trước đây là Tư lệnh PLANMC, được xác định là Tư lệnh Chiến khu miền Đông, Tư lệnh mới của PLANMC là Thiếu tướng Chúc Truyền Sinh. Thiếu tướng Chúc Truyền Sinh cũng xuất thân từ PLAA và có kinh nghiệm hoạt động đổ bộ trên cương vị Phó Tư lệnh Tập đoàn quân 41. Nhiều khả năng Thiếu tướng Chúc Truyền Sinh sẽ dẫn dắt PLANMC thực hiện quá trình cải tổ và mở rộng, có khả năng là đến năm 2027. Tư lệnh mới sẽ lãnh đạo PLANMC gồm hơn 30.000 lính thủy đánh bộ. Con số này có thể tăng lên gần 40.000 vào năm 2027, tùy thuộc vào việc các ước tính hiện tại về số lượng lính thủy đánh bộ trong mỗi lữ đoàn chiến đấu và quy mô tổng thể của lữ đoàn không quân có còn chính xác hay không. Nhân lực tối đa của PLANMC không có khả năng cao hơn 40.000 lính thủy đánh bộ, trong đó chưa đến 1/3 sẽ là lính nghĩa vụ. Phần lớn lính thủy đánh bộ của PLANMC có thể sẽ là hạ sĩ quan với học vấn ít nhất tương đương tốt nghiệp trung học; nhiều lính thủy đánh bộ có thể sẽ được đào tạo đại học.

Vai trò và nhiệm của PLANMC chủ yếu bao gồm bảo vệ các căn cứ của PLA ở Trung Quốc đại lục, biển Nam Trung Hoa và nước ngoài, tiến hành các hoạt động đổ bộ để chiếm giữ và bảo vệ tiền đồn trên các đảo và đá nhỏ, đồng thời tiến hành các hoạt động quân sự phi chiến tranh (NWMA). Mặc dù PLANMC có truyền thống tập trung vào nhiệm vụ tấn công và bảo vệ các đảo nhỏ ở biển Nam Trung Hoa, nhưng gần đây, trọng tâm của lực lượng này đã mở rộng để bao gồm các hoạt động viễn chinh bên ngoài Chuỗi đảo thứ nhất. Vai trò của PLANMC trong NWMA là hỗ trợ các nỗ lực của Trung Quốc nhằm bảo vệ các lợi ích ở nước ngoài bao gồm tài nguyên, cơ sở hạ tầng và công dân ở nước ngoài.

PLANMC đã tăng quy mô lực lượng của mình tại Djibouti từ khoảng 250 lính thủy đánh bộ vào năm 2017 lên 400 lính thủy đánh bộ vào năm 2022, bao gồm cả một lực lượng đặc nhiệm mới. PLANMC cũng triển khai một đội thủy quân lục chiến cùng với lực lượng đặc nhiệm hộ tống hải quân tập trung vào chống cướp biển của PLAN nhằm hỗ trợ các lợi ích thương mại của Trung Quốc. Ngoài ra, PLANMC còn hỗ trợ chính sách ngoại giao quân sự của Trung Quốc. Ví dụ, họ đã huấn luyện với các lực lượng Thái Lan, Pakistan, Saudi Arabia, Nam Phi và Djibouti.

PLANMC đã bắt đầu huấn luyện trên tàu đổ bộ trực thăng tấn công (LHA) đầu tiên của PLAN, nhiều khả năng là một phần trong tiêu chuẩn ban đầu để tàu được coi là có thể đưa vào hoạt động.  LHA của PLAN sẽ có khả năng vận chuyển các lực lượng trên bộ và trên không của PLANMC, bao gồm các đơn vị chiến đấu đổ bộ và không đổ bộ – trên khắp Đông Á, Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, PLANMC gàn như chắc chắn đóng vai trò bảo vệ lực lượng đối với các tàu của PLAN hoạt động bên ngoài Chuỗi đảo thứ nhất, có khả năng vừa đẩy lùi một cuộc tấn công biển, vừa tiến hành các hoạt động thăm, lên tàu, tìm kiếm và bắt giữ (VBSS) để bảo vệ hoạt động vận chuyển của cả Trung Quốc và quốc tế ở biển Ấn Độ Dương, biển Philippines và Thái Bình Dương.

Mặc dù tập trung vào việc mở rộng các sứ mệnh viễn chinh, nhưng PLANMC vẫn không từ bỏ sứ mệnh đổ bộ. PLANMC tiếp tục tiến hành huấn luyện đổ bộ và viễn chinh ở các Bộ tư lệnh Chiến khu miền Bắc, miền Đông và miền Nam, bao gồm các sự kiện huấn luyện ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ở biển Nam Trung Hoa. Khía cạnh quan trọng nhất của hoạt động huấn luyện đổ bộ của PLANMC là việc tiếp tục – và gần như chắc chắn là mở rộng – việc sử dụng các tàu dân sự chở phương tiện có bánh xe (RORO) để vận chuyển các lực lượng chiến đấu của PLANMC trong các sự kiện huấn luyện. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng vì nó chứng tỏ rằng PLANMC hiện có vai trò là lực lượng cấp hai trong PLA, cung cấp cho các tư lệnh chiến khu sự linh hoạt trong việc sử dụng PLANMC trong nhiều vai trò như một phần của chiến dịch đổ bộ, đặc biệt là trong bối cảnh Đài Loan. Tính linh hoạt này làm giảm yêu càu đóng thêm tàu đổ bộ của PLAN để giành thắng lợi khi tấn công Đài Loan. Tính linh hoạt trong hoạt động này cũng trang bị cho các đơn vị tác chiến và hậu cần trong PLANMC sự huấn luyện và khả năng thành thạo trong việc di chuyển giữa các tàu quân sự và dân sự không chỉ trong kịch bản Đài Loan, mà trong bất kỳ môi trường hàng hải nào mà PLANMC có sẵn các tàu vận tải dân sự nhưng không có sẵn các tàu đổ bộ của PLAN.

KHÔNG QUÂN CỦA PLA (PLAAF) VÀ KHÔNG QUÂN PLAN

Những điểm chính

+ PLAAF và Không quân PLAN cùng nhau tạo thành lực lượng không quân lớn nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

+ PLAAF đang nhanh chóng bắt kịp các lực lượng không quân phương Tây. PLAAF tiếp tục hiện đại hóa với việc tiếp nhận các máy bay và nhiều loại máy bay không người lái (UAV) được chế tạo ở trong nước.

+ Tháng 10/2019, Trung Quốc đã báo hiệu sự trở lại của nhánh không vận trong “bộ ba hạt nhân” của mình sau khi PLAAF công khai tiết lộ H-6N là máy bay ném bom hạt nhân có khả năng tiếp liệu trên không đầu tiên của mình.

(còn tiếp)

Nguồn: Annual report to Congress – Military and Security Development’s involving the People’s Republic China 2022 – Office of the Secretary ofe Defense, Nov 2022 – CĐ tháng 4 & 5/2023

Bình luận về bài viết này