27 năm đã trôi qua kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Mỹ. Trong 27 năm đó, mối quan hệ này đã đạt được những bước đột phá đáng kể. Hai kẻ thù trong Chiến tranh Lạnh hiện là đối tác an ninh và kinh tế gần gũi.
Hầu hết các chuyên gia đều chỉ rõ yếu tố quyết định quan trọng nhất là sự e ngại chung của cả hai nước đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn lịch sử mối quan hệ, sẽ thấy rằng sự biến đổi phi thường từ kẻ thù trong thời chiến sang đối tác toàn diện là điều không phải diễn ra trong một sớm một chiều. Việc Mỹ rút khỏi Việt Nam năm 1975 là một sự thật khó chấp nhận đối với nhiều người Mỹ. Việc để mất Sài Gòn vào tay những người Cộng sản ở miền Bắc đã làm xói mòn vị thế của Mỹ trên thế giới và niềm tin của người Mỹ vào chính họ. Trong khi đó, dù chiến thắng, những tàn tích của chiến tranh như chất độc da cam, vật liệu chưa nổ và thiệt hại về người do binh lính Mỹ lẽ ra đã không thể xóa bỏ sự phản kháng và tâm lý bài Mỹ trong lòng người dân Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ và Việt Nam đã vượt qua những rào cản lịch sử dường như không thể vượt qua này để thúc đẩy một mối quan hệ hướng tới tương lai dựa trên lòng tin, với động lực là mối quan tâm chung về hòa giải thực sự, tăng trưởng kinh tế, an ninh khu vực và quan điểm chung về những lợi ích của một trật tự dựa trên nguyên tắc.
Từ thù địch đến tình hữu nghị
Các tài liệu chính sách đối ngoại của Việt Nam đã chỉ ra nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến sự đảo chiều đầy ấn tượng trong quan hệ song phương. Hai trong số những yếu tố được trích dẫn thường xuyên nhất là chương trình cải cách kinh tế “Đổi mới” và Trung Quốc. Chính sách Đổi mới đã biến Việt Nam từ một nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, mở cửa cho đầu tư và vốn nước ngoài. Điều này khiến cho cách tiếp cận của Việt Nam với quan hệ đối ngoại bớt đi tính ý thức hệ và làm giảm những lo ngại an ninh của Mỹ. Yếu tố Trung Quốc đã trở thành mối quan ngại an ninh lớn đối với Hà Nội và Washington trong những năm gần đây, nhưng mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam với Mỹ đã trải qua chặng đường thực hiện kéo dài 27 năm.
Đầu những năm 1990, các nước láng giềng Đông Nam Á không còn coi Việt Nam là một mối đe dọa an ninh và hoan nghênh nước này trở thành thành viên thứ sáu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một bước tiến đáng hoan nghênh về phía Mỹ. Chính quyền Clinton đã chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1995.
Nền tảng kinh tế
Trong hai thập kỷ qua, khía cạnh kinh tế đã giúp củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn. Ở Việt Nam, khi an ninh quốc gia bớt đi tính ý thức hệ và tính chính danh của Đảng gắn liền với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quan hệ với Mỹ thậm chí còn được đánh giá là hấp dẫn hơn. Quan hệ kinh tế với Mỹ đã mở ra cánh cửa hội nhập kinh tế toàn cầu. Theo sau quyết định bình thường hóa quan hệ là cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại song phương, cuối cùng đã đi đến ký kết vào năm 2000. Những cải cách còn lại theo yêu cầu của hiệp định này đã giúp Việt Nam dễ dàng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Kể từ sau thời kỳ Đổi mới, trở thành thành viên ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập WTO, Việt Nam đã nằm trong nhóm các nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Hiện nay, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, thậm chí còn lớn hơn cả nước láng giềng Trung Quốc. Thương mại của Mỹ với Việt Nam đã tăng vọt lên hơn 111 tỷ USD vào năm 2021, từ mức gần như bằng 0 vào năm 1975. Thương mại của Mỹ với Việt Nam hiện tại hiện lớn hơn so với hai đồng minh Đông Nam Á là Philippines và Thái Lan cộng lại. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã nhận được tổng cộng 143 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ, phần lớn trong số đó đổ vào lĩnh vực sản xuất. Những số liệu thống kê kinh tế lạc quan này đã giúp tạo việc làm và thúc đẩy phát triển ở Việt Nam.
Nền tảng địa chính trị và an ninh
Dù hệ thống chính trị khác nhau, các mục tiêu an ninh quốc gia của Hà Nội và Washington ở Đông Nam Á đang ngày càng trở nên gắn kết. Hai bên đều chia sẻ mối quan ngại về hành vi của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và sông Mekong, cũng như về chính sách viện trợ nước ngoài và đầu tư bị cáo buộc là mang tính vụ lợi của Bắc Kinh.
Ở biển Nam Trung Hoa, Việt Nam là nước thường xuyên chịu ảnh hưởng từ hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Kết quả của cuộc đụng độ ở Đá Gạc Ma giữa lực lượng Việt Nam và Trung Quốc năm 1988 đánh dấu khởi đầu của việc Trung Quốc hiện diện thường trực ở Trường Sa. Nhiều người Việt Nam hoan nghênh việc Mỹ tiếp tục hiện diện ở Đông Nam Á để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc và ngăn chặn những hành vi leo thang hơn nữa của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa. Việt Nam biết quyền tự do hàng hải là lợi ích trọng yếu của Mỹ trong khu vực. Mặc dù thể chế pháp lý trong nước có thể không nhất thiết ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Hải quân Mỹ, đặc biệt là với các tàu quân sự nước ngoài đi qua lãnh hải Việt Nam một cách vô hại, Hà Nội đã ngầm ủng hộ các hoạt động của Mỹ bằng cách thường xuyên tham khảo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) liên quan đến các quyền tự do hàng hải.
Washington đã bắt đầu nhận ra mối quan tâm của Hà Nội. Ngoài các vấn đề về quyền tự do hàng hải, Mỹ đã nhắc lại những lo ngại của Việt Nam và các nước Đông Nam Á về biển Nam Trung Hoa. Chẳng hạn, vào ngày 13/07/2020, Washington đã làm rõ lập trường của mình, nhấn mạnh rằng mặc dù Mỹ không đưa ra lập trường về những tuyên bố chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình bị tranh chấp, nước này có quan điểm rõ ràng về tài nguyên biển và quyền tài phán. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Mỹ bác bỏ bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc đối với vùng biển bên ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ những đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (mà không ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác đối với các đảo này)… Mỹ bác bỏ bất kỳ yêu sách hàng hải nào của Trung Quốc trong vùng biển xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hoặc phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển này – hoặc đơn phương thực hiện các hoạt động như vậy – đều là bất hợp pháp”.
Việt Nam cũng nhận thấy giá trị của sự hỗ trợ Mỹ dành cho khu vực hạ lưu sông Mekong, đặc biệt trong bối cảnh quan ngại về các con đập của Bắc Kinh có nguy cơ góp phần gây ra thời kỳ hạn hán kỷ lục ở miền Nam Việt Nam trong những năm gần đây. Đối với Việt Nam, vấn đề Mekong không chỉ là vấn đề chính trị mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và nền kinh tế đất nước. Một số chuyên gia ước tính chính sách xây đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong tác động đến gần 10% diện tích trồng lúa của Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong, một nỗ lực đối tác đa quốc gia do Mỹ khởi xướng năm 2009 nhằm “thúc đẩy hợp tác lớn hơn ở tiểu vùng Mekong”, sau đó là thiết lập Quan hệ đối tác Mekong-Mỹ năm 2002 nhằm khởi động các dự án hợp tác liên quan đến chia sẻ dữ liệu thủy văn, quản lý thiên tai và hợp tác an ninh. Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh mô tả những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu bằng những thuật ngữ tích cực, cho biết những nỗ lực này đã “đóng góp vào sự phát triển bền vững của tiểu vùng sông Mekong và giúp các nước Mekong thu hẹp khoảng cách phát triển, nắm bắt cơ hội mới và vượt qua thức”.
Ngoài ra, trong khi công khai ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, Việt Nam “vẫn khá do dự trong việc nhân các khoản vay của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến này”. Thay vào đó, Hà Nội đang tìm kiếm các giải pháp thay thế từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Các chuyên gia coi đây là một nỗ lực được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Trên thực tế, lợi ích an ninh của hai nước tiếp tục gắn kết. Có lẽ dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy hai nước đã thực sự bỏ lại quá khứ thù địch trong Chiến tranh Lạnh xuất hiện khi Hà Nội và Washington nâng cấp mối quan hệ thành quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Bước tiến hợp lý tiếp theo là nâng tầm quan hệ thành mối quan hệ chiến lược chính thức, cho dù hầu hết các nhà phân tích đều khẳng định mối quan hệ song phương đã đạt mức này, chỉ là chưa được chính thức gọi tên.
Thật vậy, hợp tác an ninh đang trên đà phát triển ổn định. Tháng 9/2011, Hà Nội và Washington đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, tập trung vào an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, và trao đổi giữa các trường đại học quốc phòng và các viện nghiên cứu. Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng Việt – Mỹ (PSDD) đã được tiến hành gần như hàng năm kẻ từ khi được khởi động vào năm 2008. Tương tự như vậy, Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt – Mỹ (DPD) đã trở thành một sự kiện chính thức được tổ chức thường niên kể từ năm 2010. Năm 2016, Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kéo dài hàng thập kỷ đối với việc bán vũ khí sát thương cho Hà Nội. Trong thập kỷ qua, ít nhất ba tàu sân bay Mỹ đã ghé cảng Việt Nam – USS George Washington, USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt – cùng với các tàu Hải quân Mỹ nhở hơn khác thỉnh thoảng tiến hành các chuyến thăm thiện chí.
Những hạn chế trong việc thúc đẩy quan hệ
Bất chấp sự phát triển ổn định của các mối quan hệ an ninh, kinh tế và chính trị song phương, một số hạn chế vẫn còn tồn tại. Việt Nam vẫn thận trọng về những tác động mà quan hệ với Washington sẽ gây ra đối với mối quan hệ quan trọng không kém với Bắc Kinh. Như hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam dường như không muốn chọn bên trong mối quan hệ được coi là đối đầu hoặc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Những luận điệu chính sách đối ngoại của Washington nhấn mạnh “sự cạnh tranh với Trung Quốc” khi đề cập đến cái gọi là chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP) cũng không mấy hữu ích. Một số nhà phân tích chỉ ra “yếu tố Trung Quốc” khi giải thích cho việc Hà Nội không muốn chính thức nâng cấp quan hệ với Washington thành quan hệ đối tác chiến lược.
Hơn nữa, vẫn còn tồn tại những vấn đề về lòng tin. Một số người Việt Nam vẫn nghi ngờ ý định của Mỹ, coi những tuyên bố của Mỹ về nhân quyền và dân chủ là mối đe dọa đối với sự cầm quyền và tính chính danh của Đảng Cộng sản, và nói rộng ra, đối với sự ổn định chính trị lâu dài của Việt Nam. Tại Washington, những lo ngại về quyền tự do dân sự thường cản trở các điều luật quốc Mỹ có lợi cho Việt Nam.
Nguồn: Asia-pacific Forum
CVĐQT số 01/2023