Những hàm ý cần nghiên cứu làm sáng tỏ hơn về kinh tế chính trị học trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam – Phần VIII


3/ Một số vấn đề cấn tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ về kinh tế chính trị học trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam

a/ Về lực lượng sản xuất

Lực lượng sản xuất trong tiến trình phát triển kinh tế số. Trong nền kinh tế số, lao động cơ bắp từng bước được thay thế bằng lao động trí tuệ, nhưng lao động cơ bắp không mất đi. Trước hết, lao động là hoạt động có ý thức của con người nhằm tạo ra những giá trị sử dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Hoạt động lao động sản xuất của họ có hai phần: lao động cơ bắp và lao động trí tuệ. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, việc sử dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, năng lực trí tuệ của người lao động không ngừng được nâng cao, nên trong cơ cấu giá trị – lao động của hàng hóa thì phần lao động trí tuệ kết tinh trong sản phẩm ngày càng tăng.

Ngày nay, ở các nước phát triển, đối với một số loại sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, hàm lượng giá trị do trí tuệ tạo ra và kết tinh trong sản phẩm có thể đạt 80 – 90% tổng giá trị sản phẩm. Đối với các loại sản phẩm đó, nguyên liệu, năng lượng, lao động cơ bắp chỉ tạo thành 10% đến 20% giá trị sản phẩm. Không chỉ như vậy, lao động trực tiếp tạo ra sản phẩm không còn là việc riêng của người lao động, mà của cả một bộ phận ngày càng tăng lên những người trực tiếp quản lý quá trình sản xuất, những kỹ sư, những nhà công nghệ. Sự tăng lên của trí tuệ làm cho tài nguyên thiên nhiên, lao động cơ bắp mặc dù là những thứ không thể thiếu trong nền sản xuất xã hội song ngày càng mất giá. Do vai trò, vị trí ngày càng lớn của tri thức trong nền kinh tế, do thông tin và tri thức ngày càng trở thành nguồn lực phát triển kinh tế chủ yếu nên cơ cấu đầu tư để phát triển lực lượng sản xuất có những thay đổi lớn, trong đó, đầu tư để phát triển lực lượng sản xuất có những thay đổi lớn, trong đó, đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo khoảng trên 8% GDP, ở các nước phát triển.

Trong nền kinh tế số, yếu tố trí tuệ quan trọng hơn yếu tố vật liệu tự nhiên trong tư liệu sản xuất

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ có bốn đặc trưng, nổi bật đó là: (1) sự vượt lên trước của khoa học so với công nghệ và có sự diễn ra đồng thời cuộc cách mạng khoa học và cách mạng công nghệ; (2) các yếu tố riêng biệt của quá trình sản xuất được kết hợp hữu cơ với nhau và được kết nối thành hệ thống liên kết mạng trên quy mô quốc gia và quốc tế; (3) hầu hết các chức năng lao động dần dần được thay thế từ thấp lên cao, từ lao động chân tay sang lao động trí tuệ; (4) tạo một bước ngoặt trong toàn bộ hệ thống lực lượng sản xuất, nâng cao đáng kể năng suất và hiệu quả của kinh tế, tác động một cách sâu sắc và toàn diện tới các quan hệ kinh tế đối ngoại và mọi lĩnh vực đời sống xã hội khiến phân công lao động xã hội trong phạm vi quốc gia và quốc tế ngày càng mở rộng, quan hệ sản xuất ngày càng tiến bộ. Ngay trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, tri thức con người (knowledge) đóng vai trò quyết định sự phát triển. Con người sử dụng trí thức để chế tạo ra các loại máy móc, thiết bị có thể thay thế một phần chức năng điều khiển tư duy của mình trong một số lĩnh vực với kết quả cao hơn nhiều so với hai thời đại trước đó và hành động chủ yếu theo những yêu cầu tự biểu hiện và sáng tạo chứ không phải theo những động cơ truyền thống. Trong thời đại tri thức, nền kinh tế công nghiệp được chuyển thành nền kinh tế tri thức (nhiều nhà khoa học gọi đây là nền kinh tế thông tin, nền kinh tế tin học, kinh tế mạng…). Trong nền kinh tế đó, toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh dựa chủ yếu vào việc sản sinh, truyền bá và sử dụng tri thức.

Trong nền kinh tế số, mối tương quan giữa các yếu tố cơ bản cấu thành tư liệu sản xuất có sự thay đổi rất lớn. Tư liệu sản xuất bao gồm tư liệu lao động và đối tượng lao động. Trong các nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp đối tượng lao động chủ yếu có nguồn gốc từ tự nhiên. Trong nền kinh tế số, đối tượng lao động ngày càng là sản phẩm của loa động, của khoa học và công nghệ mà hàm lượng “tự nhiên” ngày càng giảm. Do vậy, đó sẽ là một nền kinh tế sử dụng nhiều hệ thống công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất và phục vụ đời sống con người, nhưng lại tiết kiệm tài nguyên, không phụ thuộc một cách tiên quyết vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà phụ thuộc chủ yếu vào tài nguyên con người với năng lực trí tuệ cao, con người làm chủ hệ thống công nghệ.

Trong nền kinh tế số, công cụ lao động được cách mạng hóa. Trong nền sản xuất đang diễn ra sự chuyển biến từ sử dụng phổ biến các công cụ sản xuất bán tự động trên cơ sở cơ khí hóa, điện khí hóa sang sử dụng các máy móc thiết bị tự động hóa. Các công cụ sản xuất được sử dụng dưới dạng công cụ điều khiển bằng số (Numerally Controlled Machine Tools – NCMT) và máy điều khiển bằng chương trình số (Computer Numeral Control – CNC). Do đó máy móc từ kết cấu ba bộ phận sang bốn bộ phận. Lao động sản xuất từ hoạt động cơ bắp, tiếp xúc trực tiếp với đối tượng lao động là chủ yếu sang hoạt động trí tuệ, phi tiếp xúc là cơ bản. Mặt khác, chuyển việc thiết kế, chế tạo sản phẩm được diễn ra theo cách thức trước tiên là thế giới “ảo” của sản phẩm, sau đó mới là thế giới “thực”, tức là từ quá trình thiết kế gắn liền với sản xuất và thử nghiệm sản phẩm. Bằng những hệ thống máy điện toán (Computer Aided Design/Computer Aided Manufacturing – CAD/CAM) đã tạo điều kiện việc hiện thực hóa ngày một dễ dàng các phát minh, sáng chế và làm gia tăng vai trò của lao động sống (của lao động làm thuê) nhờ đó khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Trong nền kinh tế số, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp

K. Marx đã đưa ra nhận định về xu thế nhất thể hóa giữa khoa học và sản xuất bằng luận điểm: Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Điều này đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ và trở thành xu thế tất yếu trong sự phát triển của sản xuất hiện đại trên thế giới. Khoa học và công nghệ hiện đại ngày càng đóng vai trò quan trọng, to lớn trong nền sản xuất xã hội và trong đời sống nhân loại, đồng thời là một đặc điểm nổi bật của thời đại ngày nay và là yếu tố đặc trưng của lực lượng sản xuất hiện đại.

Luận điểm “khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp” của K. Marx có nghĩa là khoa học trực tiếp tham gia vào việc sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Bởi vì, khoa học (biểu hiện ở các tri thức khoa học, thành tựu khoa học, phát minh khoa học) là sản phẩm sáng tạo của tư duy con người, khi được con người ứng dụng trong hoạt động sản xuất, hay nói cách khác là khi được chuyển hóa, được “vật chất hóa” thành công cụ sản xuất và được con người sử dụng trong hoạt động lao động sản xuất để tạo ra của cải vật chất thì nó trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Trong các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất thì công cụ lao động giữ vị trí rất quan trọng, nó là cái quyết định tăng năng suất lao động, biểu hiện khả năng chinh phục và làm chủ tự nhiên của con người. F. Engels gọi nó là khí quan của bộ óc con người, là sức mạnh của tri thức đã được vật thể hóa nhằm nối dài bàn tay và nhân lên sức mạnh trí tuệ của con người. Yếu tố trực tiếp quyết định sự phát triển của công cụ lao động chính là khoa học và công nghệ, bởi nhờ có thành tựu khoa học (những phát minh khoa học) và công nghệ, công cụ lao động được cải tiến không ngừng làm giảm nhẹ lao động cơ bắp của con người và làm cho lao động đạt hiệu quả cao hơn. Do đó, có thể nói, sự phát triển của khoa học và công nghệ sẽ dẫn đến sự phát triển của lực lượng sản xuất. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn đến cuộc cách mạng trong sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại và cách mạng trong kinh tế.

Trong nền kinh tế số thể hiện rõ nét về trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất

Xã hội hóa sản xuất không chỉ là hệ quả của sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp làm cho trình độ của lực lượng sản xuất thay đổi, mà còn làm cho cơ cấu nền kinh tế biến đổi nhanh chóng thúc đẩy việc xuất hiện những kiểu tổ chức kinh tế mới liên tiếp ra đời trong lịch sử. Xã hội hóa sản xuất thể hiện ra ở nhiều mặt của nền kinh tế như: xã hội hóa sản phẩm, xã hội hóa sức lao động, xã hội hóa tài sản…

Trong lịch sử, xã hội hóa sản phẩm của lao động đã phá vỡ hàng rào cát cứ phong kiến, xã hội hóa đã giải phóng chính bản thân người lao động khỏi những ràng buộc của chế độ phong kiến về thân thể để sức lao động trở thành hàng hóa và xã hội hóa tài sản cũng giúp cho việc phá vỡ quan hệ sản xuất phong kiến tạo điều kiện tập trung các điều kiện vật chất của sản xuất lại để thúc đẩy cho chủ nghĩa tư bản ra đời và phát triển.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Trương Nam Trung (cb) – Kinh tế chính trị học trong điều kiện phát triển kinh tế số: Lý luận và thực tiễn – NXB LLCT 2022

Bình luận về bài viết này